Trái tim lạnh và sự thừa thãi

Màn dàn cảnh đổ tàu hủ trên cầu Sài Gòn để người đi đường rủ lòng thương cho tiền - Ảnh: Hoàng Lộc

Ngày thứ 5, 01/09/2011, tôi đi bộ đi làm. Giống như những gì đã chuẩn bị. Đi từ nhà đến cơ quan khoảng 3,8km (theo google maps), hết 1 giờ đồng hồ. Khi đi về cũng tương tự.

Trước đó một ngày, tôi gặp một anh bạn, để thú nhận với anh về những thay đổi đang diễn ra trong mình. Vào ngày đi bộ, các ý nghĩ đó trở lại, khi một cô gái quỳ ngay bên đường Trương Định, khóc lóc vồ vập và van lạy con đường. Khi đèn đỏ đừng, nhìêu người thả vào cái nón những đồng tiền lẻ. Tôi thấy trái tim mình bạc đi, hoen ố một màu sắc không tả thành hình được nữa.

Tôi thú nhận với anh bạn thế này: “Anh biết không, em mất khả năng ngạc nhiên và xúc động!” – Anh nhìn tôi, chắc là phẫn nộ.
Tôi đã có 4 năm để ngắm nhìn trái tim mình thay đổi. Điều đó đau đớn khó tả. Lần đầu tiên, khi gặp nhân vật của mình, một gia đình rất nghèo, tôi đã trút tất cả tiền mình có để cho con gái họ, đứa bé học giỏi mà tôi rất quý. Tôi còn nhớ đó là 400 nghìn. Ngày đó, mẹ tôi cho tôi 300 nghìn mỗi tuần để sống ở Sài Gòn.

Một lần nọ, tôi nằm ngủ ở nhà, bị đánh thức dậy bởi một người đàn ông, ông ta xin rằng: “Vợ tôi trong bệnh viện, tôi cần quần áo cho cô ấy thay, cháu cho tôi được không?” – Tôi đã từ chối.

Vào một lần khác, tôi bỏ túi cho một người mẹ 200 nghìn, vì cô ấy bị bướu cổ rất nặng.

Vào 1 lần khác nữa, tôi cho một cô gái lơ ngơ đi trên đường 50 nghìn, vì cô ấy nói là cô ấy bị lấy mất hết đồ đạc khi đang đi thi đại học. Tôi cho cô ấy đủ tiền xe để về đến chỗ cô nói.

Một lần khác, tôi cho một cặp vợ chồng với người vợ mặc một cái váy bệnh viện hơi dính vết máu mà tôi gặp trên Nam Kỳ Khởi Nghĩa 500 nghìn. Hôm đó tôi đang nợ bạn tôi 2 triệu. Lí do họ nói với tôi là cô ấy bị hỏng thai, nhưng sanh xong không có tiền trả nên phải trốn viện về, giờ phải về miền Tây lận.

Tôi có hàng trăm câu chuyện giống thế để kể cho mọi người nghe.

Trong tất cả những chuyện ấy, ngoài người đàn ông đã bị tôi từ chối ở trên, sau này tôi đều đã xác nhận được tôi đã bị lừa/giúp những người không xứng đáng. Tôi thường cảm thấy tim mình bị trơ trẽn, sau mỗi lần tôi nhận diện được trọn vẹn vấn đề.

Vào những ngày này, tôi hay ngồi dưới một vỉa hè, hút thuốc, và thấy rằng sự lừa dối cũng giống khói thuốc vậy. Chúng làm tôi ho. Và đau ở ngực.

Để chấm dứt sự bị lừa dối, tôi từ chối giúp đỡ. Tôi không làm việc tốt vì nhu cầu đựơc thoả mãn sự thương hại của mình. Tôi có một vài ý nghĩ rất đơn giản mà một người anh dạy tôi: “Đừng cảm ơn anh, em sẽ giúp lại những người cần em giúp đỡ, vào một lúc nào đó.” – Và tôi được quá nhiều người tốt bụng giúp đỡ một cách hoàn toàn không suy tính gì. Tôi nhận lãnh nhiệm vụ giúp đỡ như một lời hứa trả ơn.

Tôi thường đưa cho người ta vài trăm nghìn một cách dễ dàng bởi đơn giản có thời tôi đi dạy thêm 2 lớp/tháng, gần hết số ngày trong tuần mới kiếm được 400 nghìn/tháng. Thế mà mẹ của học trò tôi sẵn sàng hào phóng cho tôi thêm 200 nghìn, chỉ “để con có thêm chi tiêu”. Cô ấy không biết tôi không phải khó khăn gì, tôi đi làm chỉ vì cần tiền…đi chơi. Cô ấy cho thêm tôi 200 nghìn vì nghĩ sẽ hữu ích cho tôi. Cũng vì như thế, tôi có thể cho ngừơi ta 500 nghìn khi nhận thức rằng 500 nghìn đó sẽ hữu ích vào lúc đó với họ, theo một cách nào đó, như cô phụ huynh của tôi nghĩ về tôi.

Tôi chỉ kịp nhận ra mình ko còn đủ can đảm để giúp đỡ nữa khi nhận ra rằng mình luôn luôn là kẻ bị lừa, với sự giúp đỡ đơn giản nhất mà mình có thể dành cho họ. Nhiều kẻ cho tôi những câu chuyện dối trá – tốt thôi! – tôi cảm thấy thoả mãn vì được “ăn” những câu chuyện có mùi thương hại mà. Một số người khác có câu chuyện thực, chỉ có điều họ đã kể câu chuyện đó cho toàn bộ thế giới, xin xỏ tất cả những gì có thể từ thế giới. Họ thậm chí chẳng quá vất vả để có những sự giúp đỡ.

Tôi không theo chủ nghĩa thương hại và bố thí. Tôi trao cho ai đó một cơ hội khi tôi có dư và họ thấy cần. Đơn giản chỉ như vậy. Và hầu hết những kẻ tôi đã giúp đã ban tặng cho tôi một khả năng mà tôi không thừa nhận – bố thí một chút vật chất.

Khi người ta quá chuyên nghiệp trong việc kể một câu chuyện buồn, tôi sẽ phải tự hỏi liệu câu chuyện đó có buồn thật hay không nữa. Khi người ta mô tả cho tôi nghe một khó khăn quá chi tiết, tôi phải tự hỏi thời gian của người ta sao không để cố gắng vượt qua khó khăn mà quá giỏi kể lại chi tiết khó khăn đến thế.

Tôi bắt đầu biết tự hỏi. Tôi ngừng đưa bàn tay ra cho một ai đó.

Tôi lại hay nghĩ về người đàn ông xin áo quần ngày xưa. Tôi rùng mình. Tôi thấy đau đớn vì hình như tôi đã rất vô tâm – và ko giúp người ta một đìêu thực tế mà họ cần.

Tôi hay nghĩ về các chuyện mình bị lừa. Tôi chỉ thấy chúng buồn cười. Trái tim tôi lạnh như một tảng đá.

Cuộc đời này hoá thành một cuộc chiến. Tôi bất an thực sự bên trong nó. Tôi phẫn nộ trỗi dậy những cảm xúc, và rồi rơi xuống sự hờ hững khi biết rằng vì một miếng ăn và vài trăm nghìn, bây giờ, có nhiều người sẵn sàng bán rẻ phẩm cách của mình đến vậy.

Tôi hay thổ lộ với bạn tôi rằng tôi cảm thấy bất ăn ghê gớm trong những ngày này. Tôi không sợ các cuộc chém giết báo chí nói đến. Tôi không sợ những cuộc đánh nhau bất thần ngoài đường vì tai nạn giao thông. Tôi sợ vì phẩm cách của mỗi người được tự họ rao bán một cách dễ dàng đến thế. Vậy thì chẳng có gì mà những con người của thế hệ này không dám làm nữa.

Hôm đi bộ trên Trương Định về, tôi đã đứng lại nhìn cô gái ấy gào khóc. Tôi thấy rất buồn cười. Có một bận, tôi và nhiều đồng nghiệp tranh cãi về câu chuyện một bà bán hàng rong giả vờ đánh đổ gánh bánh và khóc lóc trên cầu Sài Gòn để xin tiền. Và bây giờ tôi tự hỏi, tại sao tôi phải tranh luận? Tại sao tôi phải thắc mắc về phẩm cách một con người khi chính họ cũng chẳng thèm để ý đến nó?

Tôi thừa thãi thời gian làm sao!

Tôi: có vẻ đã ngừng ngạc nhiên và xúc động.

Khải Đơn

5 bình luận về “Trái tim lạnh và sự thừa thãi

Add yours

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑