Nhật Bản – sau sóng thần – 1

7 giờ sáng ngày 18/3/2011,

Tôi tỉnh giấc. Bên ngoài  cửa sổ là một bầu trời khác. Quyển sổ ghi chép của tôi rơi xuống khi tôi cựa quậy chân. Tất cả rơi xuống. Tôi nhìn thấy hình ảnh con thuyền nằm trên mái một ngôi nhà.

Tất cả thế giới của sự giàu có và tiện nghi sẽ chỉ còn là đống giấy vụn đổ nát khi thảm họa nào đó thình lình đến.” – Tôi thầm nghĩ. Tôi vẫn hay nghĩ vậy khi đi trong những khu hành lang sang trọng của các thương xá bán đồ hiệu ở Sài Gòn.

Nhưng hôm nay, bên ngoài khung cửa sổ ấy, là bầu trời của 1 thảm họa vừa xảy ra, gãy gọn, thình lình, và không gì có thể ác mộng hơn thế. Cơn dư chấn sau vụ sóng thần Nhật Bản có lẽ chỉ cách tôi vài trăm km đâu đó ở miền Đông Bắc.

Tôi là một kẻ lạc ở 1 xứ sở lạ.

Khi anh sinh viên đại học kĩ thuật Tokyo đến, anh Quang Hưng, tôi biết đây sẽ là người bạn đồng hành thực sự  của mình suốt chuyến đi.

Tôi ngồi hơn 1 giờ đồng hồ trên tàu, đi xuyên qua một khu rừng gần như đã mùa xuân. Khoang tàu lạnh cứng và giá đau buốt. Trời trong veo. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy Nhật Bản, xứ sở lạ lùng mà tôi hay đọc trong truyện Đoremon. Tôi đã reo lên vài lần: “Giống trong truyện quá anh há!” – và anh Hưng chỉ cười.

Những việc tôi sẽ phải làm ở Nhật Bản:

  1. Xác định xem có người Việt Nam nào mất tích không?
  2. Đến ngôi chùa của sư cô Tâm Trí, người đã vận động bạn bè giúp đỡ vô điều kiện những người Việt di tản về Tokyo.
  3.  Tìm đường lên miền Đông Bắc.

Tôi thấy mình ngộp thở trong chiếc áo lạnh.  Sài Gòn của tôi nắng đến gần 30 độ C. Tôi thèm nắng.

Anh Hưng bảo: “Chúng ta sẽ đi bộ đến văn phòng thông tấn xã. Rồi từ đó sẽ đến chùa. Hôm nay mình chỉ ở Tokyo được thôi. Ngày mai tụi mình sẽ tìm đường lên Sendai. Em muốn đi đến đâu?”

–         Càng xa lên phía Bắc càng tốt anh ạ.

Buổi sáng hôm ấy, tôi gặp một anh chàng trẻ tuổi đứng ngay cửa vào đường hầm tàu điện ngầm chúng tôi vừa đi lên. Mấy chiếc thùng giấy có chất khăn trắng phau. Anh đứng cúi đầu trước tất cả những người đi qua.  Tấm bảng anh cầm trên tay ghi rõ từng lời: “Sữa bột, khăn, chăn bông – nếu bạn có thể xin hay ủng hộ những thứ trên đây để ủng hộ những gia đình có trẻ em, trẻ sơ sinh trong trận động đất ở Tohoku vừa qua.Khăn sẽ được dùng làm tã lót cho trẻ em nên xin hãy sử dụng khăn sạch.” Cùng với nhiều bạn bè mình, anh Fujita đã có ngay những hành động cần thiết để có thể đem những tấm khăn sạch đến cho những em bé sơ sinh đang khổ sở trong trời giá lạnh với cha mẹ sau thảm họa sóng thần. Fujita mô tả ý định của mình: “ Thời tiết ở Tohoku đang khắc nghiệt. Những gia đình có con nhỏ rất khó khăn nên tôi đi xin giấy phép làm việc quyên góp này cho họ.” – Anh làm công việc này đã được 2 ngày và nhiều người đã đem những tấm khăn gấp gọn hết sức chỉn chu đến đặt vào thùng quyên góp. Anh Fujita làm việc này vì theo anh: “Năm 1991, ở Kobe cũng có một trận động đất và nhà tôi cũng ở trong thảm họa. Lúc đó đã có nhiều người khác giúp tôi.” (*)

Anh Fujita kêu gọi mọi người hỗ trợ khăn để mình đem đến tổ chức thiện nguyện giúp đỡ các em trẻ sơ sinh bị lạnh giá.
Những đồng tiền được chất dần vào hộp. Nhưng anh chú ý nhiều hơn đến hàng chục tấm khăn hồng, khăn trắng sạch sẽ vừa được những người xa lạ đem đến, gấp gọn cẩn thận và đặt vào hộp.

Nội dung trong tờ thông báo của anh
Khi tôi rời bước, anh chàng vẫn đứng cúi đầu trước từng người, với giấy phép, tấm bảng và những thùng khăn đang đầy lên.

Nắng có màu trắng. Tôi mở bàn tay mình ra khi đang bước vội trên vỉa hè với anh Hưng. Nắng tỏa vào bàn tay. Gió cũng phẩy nhẹ trên ngón tay. Nỗi buốt giá thình lình len vào tim tôi. Có phải vào lúc ấy, hơn mười nghìn người đã chết đâu đó trong sóng biển không nhỉ? Tokyo yên bình quá. Tokyo lặng lẽ đi qua cái rét căm căm u buồn vậy. Những màn hình tivi lướt qua tôi, người ta nhìn đăm đăm vào màn hình, quay lưng trong các cửa hiệu. Tôi đã thấy những thứ này qua phim kinh dị, khi thảm họa xảy ra, mọi người nhìn tivi, chờ đợi, hi vọng, hão huyền, và tuyệt vọng. Tôi cũng đang nhìn những màn hình ấy, thấy cái gì đó nhoi nhói đang dâng lên. Mười ngàn người… là bao nhiêu nhỉ?

Buổi sáng hôm ấy, Tokyo làm tim tôi dâng lên một niềm xúc động không tên gọi. Ở xứ xở kì lạ này, các hàng cây vào cuối cùa đông thậm chí cũng xếp cành phẳng phiu, xinh đẹp đến đau nhói lòng. Những cái nắp cống vẽ hình hoa, hình mèo vui nhộn. Mấy cái barrier chắn đường ngăn cách công trường là ếch xanh và hổ. Thỉnh thoảng ở góc một ngôi nhà rộng chỉ 2 xoải chân, hoa chúm chím xếp xen nhau cạnh góc tường. Vàng ươm. Hồng tươi. Và nắng màu trắng. Tôi thấy tiếc nuối…Chẳng lẽ cái gì đó có thể xảy ra với một nơi dễ thương như vậy sao?

Anh Hưng dắt tôi đi trên đường , chỉ cho tôi những lằn đất nứt gãy gập, chỉ cho tôi các quãng đường xô lệch nhau. Động đất dữ dội ngày xảy ra sóng thần ở miền Tohoku (Đông Bắc)  cũng ảnh hưởng rất nhiều đến Tokyo như vậy.

Sau buổi gặp nản lòng với anh phóng viên thông tấn xã, (anh Hưng thậm chí đã ngủ mất tiêu trong lúc tôi và anh ta nói chuyện), chúng tôi đến chùa Nissinkutsu.

Ở chùa Nissinkutsu, một ngôi chùa nhỏ ở trung tâm Tokyo, vài ngày trước, chùa là nơi đón tất cả những xe người tị nạn thảm họa mà Đại sứ quán Việt Nam đưa về Tokyo. Ngôi chùa có ngày nhận đến 83 người tá túc.

Những người lánh nạn VN ở chùa Nissinkutsu
Anh Trần Viết Thành, nghiên cứu sinh ở đại học Tokyo, đã cùng những bạn bè mình tổ chức ra một mạng lưới nhỏ, cùng nhau hành động giúp đỡ những người Việt bơ vơ khi về lánh nạn tại đây. Với một lời kêu gọi đơn giản trên Facebook, nhiều bạn bè đã chuyển đến thức ăn, gạo, tiền… để cùng phụ với ngôi chùa chăm sóc người lánh nạn. Anh Thành cười nói: “Có rất nhiều nhóm tình nguyện ở đây cũng đang đón người Việt về, mọi người cùng hành động để giúp đỡ, không phải chỉ có nhóm mình đâu.”

Cùng với những người lánh nạn từ Fukushima (khu vực gần nhà máy hạt nhân Fukushima đang gặp sự cố ) về, chị Nguyễn Thị Kim Luông, một người lao động ở đây đã xúc động kể lại: “Từ đêm 11/3, không có ai trong phòng của em ngủ được cả. Đất rung lắc cả chiếc giường, sợ lắm. Mãi đến hôm được về đây em mới ngủ được chút ít. Em cũng muốn về Việt Nam lắm, nhớ nhà và sợ lắm, Nhưng thời gian làm việc còn, về sớm thì mình đâu có để dành được chút tiền nào đâu.” – cùng với chị Luông, 12 người bạn khác của chị cũng đang phải tìm những nơi an toàn để lánh nạn. Cuộc sống của họ thực sự bị đảo lộn và quá nhiều lo lắng.

Anh Lê Quang Dũng, người thoát khỏi Iwate, đã đề xuất ra ý kiến cùng với anh Thành và bạn bè đi quyên góp, nói trong xúc động: “Mình rất trân trọng những gì người Nhật giúp đỡ người khác, thật chân thành. Mình cũng đã nhận được những giúp đỡ đó khi đi ra từ vùng bị sóng thần .Mình có nhiệm vụ đền đáp điều đó với những người khác.”

Hai mẹ con người Việt rời khỏi Fukushima tránh nạn

Ngoài sự giúp đỡ của thầy trụ trì Yoshimizu Daichi và sư cô Thích Nữ Tâm Trí,  anh Dũng, anh Thành,… để những người về Tokyo lánh nạn được giờ phút bình an, anh PhanVăn Minh Đức (người Nhật, tên Nhật là Suzuki Tokuo)  đã tình nguyện theo những người tị nạn từ Sendai về chùa để săn sóc họ. Anh Đức cho biết: “Cả gia đình, nhà hàng, tài sản của tôi ở trung tâm Sendai vẫn nguyên vẹn đó chứ, nhưng tôi tình nguyện theo đi đỡ họ được cái gì thì đỡ”. Anh đã không nề hà nguy hiểm theo xe của đoàn người Việt Nam từ Sendai về Tokyo chỉ để…nấu cho họ ăn. Là chủ nhà hàng và giỏi nấu ăn, từ ngày đến chùa, anh quán xuyến hoàn toàn công việc bếp núc và lo lắng cho bữa ăn của từng người đến trước đến sau.

Tôi ăn bữa cơm tối khi đã viết xong bài ngay bên chỗ ngồi phỏng vấn, bên cạnh đó  những tu nghiệp sinh (một từ gọi né tránh của người theo đường xuất khẩu lao động đến Nhật), chìm vào giấc ngủ. Trời quá lạnh. Ngôi chùa trên lầu 2 làm tôi thấy cả bầu trời chìm dần trong nắng chiều, tàn úa hết từng sợi nắng và hơi lạnh đổ xuống.

Tôi thở gấp. Tôi thấy đầu gối mình đau. Tôi cuộn mình vào tấm chăn sư cô Tâm Trí vừa đưa cho tôi. Trong căn phòng được trải nệm cho du học sinh ngủ, tôi mơ thấy mẹ. Mẹ bảo rằng mẹ lo chân tôi đau, tôi sẽ không đi được. Đêm hôm đó, cái chân đã mổ của tôi đau khủng khiếp. Lần đầu tiên, cái lạnh 0 độ C cho tôi thấy điều mẹ lo lắng đã thành hiện thực. Tôi tự nhủ: “Con sẽ đi khắp thế giới, bằng đôi chân của mẹ cho con. Lần này cũng thế.” – Tôi ngủ ngon.

Và bàn chân sáng hôm sau dường như buốt cứng đau đớn…

Khải Đơn

(*) Những đoạn in nghiêng được trích lại từ những bài báo tôi viết khi thực hiện nhiệm vụ này tại Nhật Bản:
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/429625/Cung-huong-ve-nhau.html

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: