Nhật Bản – sau sóng thần – 2: Ở THÀNH PHỐ HỒI SINH

Ngày 19/3, sáng sớm, anh Hưng đến đón tôi. Chúng tôi sẽ đến miền Đông Bắc – nơi nào đó xa mờ mờ trên bản đồ mà tôi có thể chỉ tay đến và di di.
Một phóng viên tôi quen ở Nhật báo Mainichi cũng đã chỉ lên bản đồ và nói: “Các bạn nên đến Mito, đây là tỉnh đầu tiên sát vùng bị sóng thần, ở đó báo Mainichi có văn phòng. Các anh ở đó sẽ rành tình hình hơn và hướng dẫn các bạn đi tiếp.
Vậy thì chúng tôi đến Mito. Có một chuyến xe bus mà anh Hưng đã mua vé từ chiều trước đó: còn đúng 2 ghế cạnh nhau, để đến Mito.
Hàng trăm người cũng như chúng tôi, đứng xếp hàng trước nhà ga và chờ xe lên miền Đông Bắc. Nhiều người quá uể oải, mệt mỏi, nhiều người đã xa nhà quá lâu. không có xe dân sự thực sự đi vào được các miền trên, chỉ có một số xe bus giới hạn vừa được mở lại cho người từ Tokyo đi thăm người thân.
IMG_1768

Ông bà già ngồi cạnh tôi kể, cả tuần nay chuyến xe bus vì Mito bị cấm đường, ông bà không về nhà được. Hôm nay có mấy chuyến đầu tiên nên phải vội vàng mua vé về xem nhà thế nào.

Con đường xe bus dài hun hút chỉ có 1 dòng xe chạy duy nhất,  mọi xe cộ đều chạy trốn, rời bỏ khỏi miền Đông Bắc. Một cuộc di trú – tôi nằm trên chiếc ghế sát cửa xe bus và nghĩ. Loài người rồi sẽ trở thành những con chim di trú, không nhà cửa, hoang tàn và ân hận vì những điều họ đã gây ra với phần thân thể còn lại của trái đất.  Những chiếc xe bus, xe tải, xe hàng vội vã rời khỏi miền Đông Bắc của cơn sóng thần. Nỗi sợ im lặng trên những con đường.

Qua lời giới thiệu của báo Mainichi ở Tokyo, tôi đến gặp ông Suetsugu, trưởng văn phòng Mainichi ở Mito.

Căn phòng của tờ báo ngập trong những chồng báo giấy. Bàn tiếp khách cũng đầy báo in. Ông Suetsugu là người mảnh khảng, mang gương mặt mệt mỏi, mắt lờ đờ vì dường như thức quá nhiều. Mùi thuốc lá ám trên chiếc áo len. Ông nói: “Anh Harada có thể lấy xe chở các bạn đến khu vực thiệt hại của Mito vì sóng thần. Giờ mọi thứ đã được thu dọn sạch sẽ. Nhưng bạn có thể thấy Mito đã hồi phục nhanh đến mức nào.”

IMG_1779
Harada đã giúp tôi tìm đến khu vực đường ray xe lửa bị thổi gãy vì chấn động làm một hồ nước phá sập đường ray.

Trong xe của Harada, tôi thấy trời lạnh khủng khiếp bắt đầu ụp xuống buổi chiều. Chân tôi tê đau trong giày. Tôi cựa quậy ngón chân. Tôi nghĩ – cựa quậy – cựa quậy – không được quên…

Đến bến cảng, ông Kazumi Nemoto, chủ tịch Hiệp hội Nghề cá cảng Naka Minato, cho biết: “Ngày 12 và 13-3, chúng tôi vẫn được lệnh tiếp tục di tản vì có nguy cơ xảy ra các đợt sóng thần tiếp theo. Vì vậy đến ngày 14-3 chúng tôi mới bắt đầu dọn dẹp khu nhà ở ngư dân và cảng. Nếu hai ngày trước các bạn đến đây, cả khu cảng là đống đổ nát. Mọi người đều làm việc bằng tay. Nhờ cần cẩu nâng đến chúng tôi mới có thể làm nhanh hơn đấy”.

IMG_1803
Cảng Mito với những chiếc container còn lại chưa được dọn đi vì chưa có cần cẩu cỡ lớn đến.

Hằng ngày, ông Kazumi vẫn đến cảng và cùng với ngư dân trong khu nhà bắt tay vào dọn dẹp mọi thứ đến 13g. Sau thời gian đó, mọi người được phép về nhà để dọn dẹp và sửa chữa thiệt hại cho ngôi nhà của gia đình mình. Chỉ vài ngày ngắn ngủi trôi qua, cả khu nhà ngư dân đã trở về với hoạt động bình thường của mình. Cảng ra phía biển sạch sẽ tinh tươm. Phế liệu do sóng thần gây ra được xếp thành một đống lớn, phân loại kỹ càng, ngay giữa sân của cảng.(*)

Khi chúng tôi đến, ông Kazumi chỉ còn một mình giữa khoảng trống của cảng. Những nhân viên mỏi mệt của cảng đã trải qua một ngày dọn dẹp ngập đầu. Tất cả chỉ còn là rác. Từ lưới đánh cá, container, thậm chí cả tòa nhà trong cảng, tất cả đều chỉ còn mùi bùn, mùi rác, và vỡ tan tành. Hai chiếc container móp cứng nằm nghiêng ngửa giữa cảng. Ông  Kazumi nhớ rằng hôm sóng thần, cả những con thuyền yên bình dưới cảng cũng lộn sóng lên tận tòa nhà.

Con thuyền của lực lượng phòng vệ Nhật Bản chìm dần vào cái lặng lẽ của buổi chiều ở biển. Cảng thênh thang, không gian kéo ra vô cùng. Ông Kazumi tóc bạc, đeo ủng, cao lớn, và nặng nề chạm tay vào bức tường tòa nhà đã nứt lở đến đáng thương. Ông túc trực ở cảng – để nhìn thấy từng ngày mặt trời lên – cảng Mito sạch sẽ dần, và trở lại hoạt động. “Có cần cẩu sẽ nhanh thôi!” – ông nhắc đi nhắc lại.

Tại một trạm xăng trong khu Sakamachi, một người đàn ông nằm trong xe nghe nhạc kể: “Tôi đã đậu xe ở đây hai ngày để đợi đổ xăng. Tôi có mua đủ đồ ăn đây.” Hàng chục người cầm can xếp hàng đứng đợi bên ngoài trạm xăng.
IMG_1793
Xếp hàng mua xăng ở Mito

Bà cụ Uchikoshi Sadako (79 tuổi), ngồi ôm hai can dầu chờ từ 10g sáng. Bà kể: “Tôi muốn mua hai can dầu để nấu nước tắm. Tôi biết trạm xăng nghỉ bán rồi, không biết có bán lại hay không nhưng cứ phải chờ vậy thôi”.
Để có được nước tắm, từ 3g sáng bà Uchikoshi phải đi xe 15 phút đến một khe núi có nước suối chảy để chờ hứng từng bình. Bà cho biết: “Phải đi sớm thế nhưng khi tôi đến nơi thì đã có nhiều người khác xếp hàng chờ từ trước đó rồi. Nước suối hứng được rất lạnh nên không có dầu đun cũng không dùng làm gì được”. (*)

IMG_1796
Bà cụ Uchikoshi Sadako chờ mua xăng

Nhà bà Uchikoshi vẫn còn may mắn so với nhiều người khác vì bà còn một ít xăng tích trữ. Tuy nhiên, xăng này bà chỉ dám dùng để đi đến bệnh viện khi có chuyện nguy hiểm xảy ra chứ tuyệt đối không dám sử dụng. Cạnh bà, hàng người ngồi chờ cứ dài ra mãi.
Thành phố không một tiếng xe. Chiếc xe hơi anh Harada đang chở chúng tôi sử dụng xăng tiếp ứng của tòa soạn dành đặc biệt cho phóng viên đi tác nghiệp trong sóng thần. Tiếng máy rì rì chạy trong yên lặng.
IMG_1827
Nhà cửa gần cảng cũng tan hoang vì sóng thần, dù sóng thần ở Mito chỉ lên cao đến 4m.

Harada đột nhiên bật tiếng tivi lên thật lớn: “Rau chân vịt ở Ibaraki có thể nhiễm phóng xạ!” – Chúng tôi lao trên đường, đuổi theo bóng tối, đi tìm những gia đình có trồng rau chân vịt. Những điều không ổn vẫn ở đây, dù Mito thiệt hại không quá nhiều, dù thành phố này chỉ mới thấp thoáng tiếng gầm của cơn sóng thần.

Khi Harada thông báo tin đó với ông bà già một gia đình nông dân, gương mặt ông mệt mỏi. Ông nói: “Chúng tôi không biết nữa!” – Trong nhà, cụ bà run run quỳ trên cửa, lạnh run và quấn chặt mình trong chiếc áo bông. Trời đổ tối. Không một ánh đèn đường nào sáng ở một thành phố hiện đại. Sự im lặng như kéo cả nỗi buồn vào mỗi chúng tôi. Anh Hưng vẫn đang xem email để biết các bạn du học sinh Việt Nam cùng nhóm đang thế nào. Harada phải viết ngay bài gửi sếp khi đang ở giữa đường.  Tôi im lặng nhìn vào đêm tối.

Bóng tối bị xé toang bởi tiếng rú còi của máy GPS trong xe.  Động đất 6 độ richter. Điện thoại của anh Hưng và Harada cùng reo – tin nhắn báo động đất. Một sự ồn ã gần như hoảng loạn. Anh Hưng lo lắng trấn an tôi: “Tohoku là vùng động đất nhiều nhất Nhật Bản. Không sao đâu. Ngồi yên.” – Chiếc xe rung bần bật trong bóng tối. Ba chúng tôi yên lặng.

Sự yên lặng đó bị kéo dài ra mãi sau cơn chấn động. Tôi lạnh. Tay tôi đau nhức và mệt khủng khiếp. Sóng thần – là 1 cơn đau dài như thế sao?

Khải Đơn

(*) Các phần in nghiêng trích ra từ bài báo tôi đã thực hiện ở báo Tuổi Trẻ:

http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-hoa-nghe-thuat/Truyen-ngan/429777/Hoi-sinh-sau-tham-hoa.html

Còn tiếp…

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: