Người ta làm gì nếu đang ở trong một bộ phim có đồng cỏ, có quán bar, có cao bồi, có cả mấy bài nhạc country nữa?
Tốt nhất, hãy sắm một khẩu súng. Và bắn vào bất cứ khiến ta không an toàn!
Thế đó.
———
Tự lúc nào không hay, cả cái thế giới này đã hóa thành một miền viễn Tây. Hoang dã, thô sơ và đơn giản đến không hiểu nổi.
Đơn giản đến mức chỉ cần bạn cho cả thế giới biết bạn là người yêu dân chủ, người ta sẽ sùng bái tất cả những gì bạn viết ra, bất kể nó có tri thức hay là không, bất kể nó có là những câu tục tĩu, lời chửi đổng, rủa xả, phỉ báng kẻ khác. Không sao. Bạn có quyền rủa xả và phỉ báng bất cứ ai, bạn đang vinh danh cái thiện cơ mà.
Thế giới này trở nên đơn giản một cách thậm tệ và dễ dàng. Bỗng nhiên có 1 ngọn đuốc bùng lên. Người ta thấy ánh lửa. Người ta gọi đó là ngọn lửa soi đường. Người ta gọi tên là nhiệt huyết, là sức mạnh, là nhân danh tất cả những gì vĩ đại và hi sinh. Người ta không hề để ý lửa là thứ ích kỉ nhất trên đời, nó chỉ vinh danh bản thân nó, tỏa sáng và thiêu rụi bất cứ điều gì, chỉ vì chính nó. Nhưng không sao, ở miền viễn Tây, bạn bắn súng, bạn còn sống. Bạn tự gọi mình là cái thiện.
Hay giống như trong chiện cao bồi đi, anh chàng cầm súng, đạp cửa quán bar bước zô. Mấy thằng say xỉn hung hăng nhào ra dạy cho bài học. Anh cầm súng giơ súng tỉa ào ào. Các em chết. Thế là cái thị trấn tôn vinh anh là cảnh sát trưởng. Ở miền Tây hoang dã thế thì hay ho, bởi ở đó thiên hạ cần 1 tay súng, ko say xỉn hung hăng mà lại bắn súng hay hơn bọn chúng để bảo vệ thiên hạ làm ăn cho yên lành. Thế còn ở cái thế giới này, nơi người ta xưng tôn văn minh tới độ “nghìn năm văn hiến” thì súng ống dùng làm quái gì?
Cũng không có nhiều súng ống lắm. Và trong một phút ngó sang miền Tây hoang dã, có một cơ số những kẻ hiểu rằng họ chẳng cần phải là chuyên gia, bác sĩ, chính trị gia, luật sư, nhà văn, nhà biên kịch gì cho mệt. Mấy nghề đó, cái nào cũng phải nai lưng ra cày đến mờ mắt gù lưng mới có cơ hội trở thành nổi tiếng trong nghề, mới có cái tên chuyên gia để mà trong giới nó chịu gật gù nghe lời bác phán. Nhưng có 1 nghề dễ dàng không thể tả: phát ngôn.
Ở một nơi cả một bầy heo bị trói thì con heo tự do 4 chân tung tăng thể nào cũng trở thành ngôi sao, thành celebrity, thành người mở đường mang tuyên ngôn đột phá (nghe tên thật là loẻng xoẻng!!!).
Vào 1 buổi sáng đẹp trời, một bác sĩ không nói về chuyên khoa của mình liên quan tới sức khỏe dân tình nữa. Bác nói về sự ngu muội của đám công an. Trong một buổi chiều xấu trời, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ cổ trở thành một hãng truyền thông, tường thuật họp quốc hội. Trong một ngày mưa to gió lớn khác, một nhà văn thể hiện nghĩa vụ chính trị thiêng liêng của họ với cộng đồng ngu muội. Chỉ trong một thoáng chốc, bằng sức mạnh ngôn từ trong tay, bằng tự do ngôn luận, các “nhà siêu nhân” kể trên đã phán xét thế giới và tất cả những gì họ CHO LÀ đang xảy ra trên thế giới (nói chung) và trong nước (nói riêng). Tất nhiên, đây là miền tây hoang dã, nói thẳng đuột ra là người đọc phổ thông chưa có nền tảng kiến thức thực sự đủ mạnh để nhìn thấy thông tin nào đáng tin cậy, thông tin nào cần xem xét. Họ cần một xúc cảm khác biệt. Họ thèm muốn một tiếng nói khác. Họ là những người bán hàng rau củ đứng ngoài quán bar ở miền viễn Tây, hồi hộp khao khát thèm thấy anh cao bồi rút súng bắn chết bọn say xỉn cho bõ tức lũ phá nhà phá xóm.
Nhưng họ không biết anh cao bồi mà dám bắn chết mấy thằng say xỉn thì sẽ có lúc bóp cò bể sọ cả thằng bán rau củ.
Trong 1cuộc bàn tán xôn xao ồn ào rối loạn, bỗng nhiên các bác sĩ, nhà ngôn ngữ học, nhà ẩm thực học, nhà văn học, nhà nhạc sĩ, nhà sử học trở thành các NHÀ CHUYÊN PHẢN BIỆN XÃ HỘI. Họ ngừng nghiên cứu. Họ ngừng sáng tác. Họ cũng ngừng đi tìm cứ liệu lịch sử. Họ bơm thông tin lên mạng như gắn thêm huy chương vào ngực mình. Càng lấp lánh càng tốt. Hàng nghìn con mắt của đám đông thèm muốn những tiếng súng. Sự lấp lánh của cái nghệ danh “nhà” cũng quá đẹp – thậm chí – người ta đã gọi nhầm cả cụm từ ấy thành NHÀ TRÍ THỨC.
Nhà trí thức thì dẫn dắt xã hội đến những điều tiến bộ. Nhà trí thức không chửi đồng nghiệp là con chó, con nọ, con kia. Nhà trí thức cũng không rảnh lắm để copy một cơ số bài báo từ cái nguồn mà họ gọi tên là “lề phải” (và họ vốn thường sỉ nhục nó như một lũ chó theo đuôi ai kia), rồi họ vẽ vời, bình luận, tán dương, phỉ báng. Họ được bấm nút like. Họ được gọi là các anh hùng.
Nhưng vào ngày biểu tình chống Trung Quốc, bao nhiêu “cái nhà” ấy đi ra đường giống những bạn thanh niên trẻ yêu nước, hét lời đả đảo, và bị tóm cổ. Không nhiều lắm các “nhà” bị tóm cổ, quăng quật hay rơi nước mắt. Cũng không nhiều lắm các nhà hát các bài ca yêu nước vang góc đường. Nhưng hình của họ xuất hiện khắp nơi trên Facebook, blog. Và hàng nghìn cái like cũng thế.
Miền Tây mà! Hoang dã…hoang dã… Cứ bắn bể sọ nhau đi!
Ở miền Tây hoang dã, còn có chuyện thế này. Tên cướp đầu đàn thấy đàn em bị treo cổ. Hắn nói: “Hãy theo gót ngựa phi, trả thù cho kẻ giết anh em ta trên giá treo cổ!” – Thế là đám đàn em lao vào tìm cách hướng đến mục tiêu cao cả – vì một người anh em đã chết.
Nhưng chỉ có tên cướp đầu đàn hiểu chuyện này ích lợi ra sao. Hắn thật là lương tâm, thật là đàn anh. Thậm chí, hắn cho cái đám cầm súng hăm hở ngu dốt kia cả một lí do để chiến đấu. Hắn xứng đáng được ghi tên bên cạnh người anh em cao cả đã chết trên giá treo cổ.
Có những kẻ, chỉ chờ đúng lúc anh em mình ngã xuống – hay một ai đó – ai cũng được – miễn là tiêu đời – và thế là chúng bắt đầu viết các lời ai điếu tang thương. Tôi là người em ở bên chị ấy thời gian dài. Anh ở bên hắn 20 năm trời. Tình huynh đệ của chúng tôi nghĩ mà nước mắt chảy ra… Đại loại thế. Thế là bỗng nhiên, kẻ viết bài (chỉ xài tới chữ thôi nhé!) trở thành anh – em – cha – mẹ – con – cháu – có thể là cả người tình của VỊ ANH HÙNG VỪA TIÊU ĐỜI kia. Thật là vĩ đại.
Thế là thiên hạ bấm like.
Thế là lại có súng giương lên. Và khi 1 kẻ làm anh hùng thì 1 đống những kẻ khác bị đạp đạp, chà chà, dẫm dẫm cho te tua tơi tả, được miêu tả lại như thằng đê hèn, con hạ tiện thì mới thôi.
Thật là giống giá treo cổ!
Khải Đơn
Cảm nhận về bài viết này của bạn, mình chỉ có 1 chữ: hay.
ThíchThích