Tôi vẫn còn say mê cái tuổi 20 nhảm nhí của mình, đi xe đạp dọc bờ biển đến Hà Nội, và lần đầu tiên được thấy biển, ở Phan Thiết.
Sau lần đó, tôi đã có nhiều ngày ở trên biển, giữa biển, ở Lý Sơn, Phú Quý, Phú Quốc, Côn Đảo. Đó là những ngày tự do khủng khiếp.
Ngoài Mũi Né
Tôi nằm trên một con tàu màu trắng – đúng với sắc màu mơ mộng của những chiếc tàu trong truyện cổ – thấy từng đàn cá búng lên mặt nước, bé xíu, lửng lơ, rồi chìm xuống, xa xa thấy lốc xốc, đứng trong khoang lái nhìn bác lái tàu chỉ vẽ cách bác nhìn đường đi. Những anh bạn làm nghề đánh cá tự hào nói về chiếc máy định vị – bạn đường hiện đại đầy tự hào của họ.
Biển là thứ không thể có hình dạng và định nghĩa. Và biển, trong mắt những con đường đã qua, là một nỗi buồn câm lặng.
Bạn có bao giờ đến đảo Phú Quý chưa? Hòn đảo ấy cách Phan Thiết 56 hải lí. Để đến Phú Quý, người ta leo lên những chiếc “tàu nhà nước” đi khoảng 2-3 giờ tới, giá vé hơn 300k. Người địa phương leo lên những chiếc tàu của dân, ọp ẹp, bé xíu, 150k, và đi hơn 7 giờ trên biển mới đến nơi. Những phụ nữ quê mùa của đảo nằm vật vã, ói mửa, say sóng trên những khung gỗ xù xì trải tạm chiếu, trong hầm tàu ngập mùi dầu máy và hơi người nóng rực. Trẻ con khóc ngằn ngặt hoặc ngủ vặt vẹo trên chiếc ghế nhồi nệm cũ rạc, trong lòng người mẹ đang ói hết ra vì cơn sóng dập. Có những ngày, cả khoang tàu khách ngập mùi phân heo vì người ta phải chở heo con, heo giống, heo thịt về đảo.
Trong khi ấy, 2 chiếc tàu khách trung tốc (đi khoảng hơn 2 giờ là đến đảo) có ghế ngồi sạch sẽ đàng hoàng được bán vé rất đắt, và chỉ chạy được dăm ba chuyến là đã hư hỏng. Từ năm ngoái đến nay, những chiếc tàu “mới, hiện đại” ấy nằm bờ, bỏ mặc những người con của biển lênh đênh trên tàu gỗ nhà nghèo, ra vào đảo, ra vào biển. Biển xa tầm tay với. Người ta đối với nhau có hơn gì súc vật, có trọng gì tình người? Những bà mẹ cao huyết áp, già rạc người, vẫn phải nằm ròng rã 7 giờ đồng hồ trên biển để thấy bờ.
Mỗi năm, tôi lại thấy những đứa trẻ Phú Quý đi tàu nhờ từ đêm khuya về Phan Thiết để thi tốt nghiệp. Chúng túa ra từ những khoang tàu gỗ ọp ẹp, chúng dạt về nhà những người quen, người bạn để ngủ nhờ cho đến bữa đi thi. Ngoài Phú Quý có 1 trường cấp III, và chẳng ai nghĩ đến chuyện cho những đứa trẻ dự kì thi ấy ngoài đảo, để chúng không phải vượt trùng khơi, không phải đợi bão, không phải đi nhờ tàu, ngủ nhờ nhà … đi thi.
Mỗi mùa Tết đến, Phú Quý lại ngay ngáy cơn lo của bão muộn. Nếu bão đến, tàu sẽ ngừng ra vào, sẽ ngừng Tết, sẽ ngừng những món quà xanh đỏ, những túi thịt thơm ngon cho ngày Tết. Đảo lặng yên. Lúc ấy, chỉ có những ngư dân có trái tim bằng thép, nắm lấy cánh tay bà con mình, hàng xóm mình, hoặc ai kia chẳng hề quen biết, chỉ kịp nói: “Cho con về đảo với, con về thăm nhà!” – cứ người Phú Quý là cho trèo lên tàu để “về nhà”. Lúc ấy, chẳng có tàu trung tốc, chẳng có tàu nhà nước, chẳng có đám rước võng lọng hay báo đài tặng quà. Họ về quê, về nhà, về với biển – của riêng họ.
Còn Lý Sơn, hòn đảo biểu tượng của những người ngư dân không biết sợ “tàu lạ”, người ta làm gì ngoài ấy? Năm tôi đến, tôi đi trên những quả đồi, mua 3 quả dưa hấu giá 2000đ bởi “dưa mất giá quá!” – Chúng tôi ngồi trước chùa Hang, ăn những miếng dưa ngọt mùi biển và mặn mùi mồ hôi nông dân đảo. Ở Lý Sơn, người ta nói với tôi về tỏi, về cái vị tỏi thơm ơi là thơm, về những tép tỏi bé xíu, gầy rộc nhưng chắt chiu vị ngon lành cho bữa ăn người ta nấu. Nhưng cũng với tên Lý Sơn, với những túi tỏi giá cả trăm nghìn tôi mua trong siêu thị, tôi đọc những bài viết về những kẻ đi mua tỏi Trung Quốc, tỏi giả từ đất liền, mang ra Lý Sơn, đóng gói, mang vào đất liền bán giá “tỏi Lý Sơn”. Cái hòn đảo bé xíu, nghèo khổ hằn lên mặt nông dân, ngư dân ấy, liệu còn có gì đáng giá? Ngoài sức mạnh “không sợ Trung Quốc” và những mùa vụ chăm chỉ? Người ta bịp bợm cả tép tỏi ngon lành của riêng họ. Họ kiếm ăn bằng gì?
Ở Lý Sơn
Biển của chúng ta ư? Biển chẳng của ai cả. Biển là của những ngư dân, những con người sống trên mặt biển, chết chìm và rữa nát thân xác trên biển. Họ có đôi mắt nhìn xa đến tận chân trời và mặt nước. Da họ đen nâu để đáp lại ánh mặt trời trên biển. Trái tim họ bình thường và thẳng thắn đón biển vào lòng. Họ mưu sinh bằng cách bơi vào biển, kiếm từng miếng cá, miếng ăn, nuôi những đứa con chập chọe lớn, nuôi những giấc mơ vào bờ thành hiện thực hơn. Nhà của họ không xây cao, bởi bão biển sẽ cắt vẹt đi những tham vọng sừng sững. Họ lặn sâu vào lòng biển, bằng cơ bắp, bằng phổi đầy hơi thở và bằng những khát vọng cho gia đình được sung túc. Cư dân biển đấy.
Người ta có vạn ngàn hình ảnh để nói rằng họ yêu biển, họ đau đớn khi nhìn thấy những người lính chết trước mũi súng Trung Quốc để bảo vệ từng tấc đảo. Nhưng có ai biết, những ngư dân đang chinh chiến từng ngày với gió và nắng biển kia đang sống tiếp cái phần giấc mơ của những người lính gục trước mũi súng ngày trước. Mọi người lính đều chết với giấc mơ hòa bình cho con, cho cháu, cho đứa trẻ tương lai của mình.
Chùa ở Trường Sa
Ấy thế mà, sau mấy chục năm của những vòng hoa, xác chết, cúng tiễn, hát hò, người ta xây mấy cái chùa to bành ki trên đảo, để gọi tên, vinh danh, nguyện cầu, an dân. Và họ để mặc những đứa trẻ vượt 7 giờ trên biển vào bờ thi tốt nghiệp, họ để nhưng luống tỏi Lý Sơn rạc mình ra trong nắng, thất vọng và cô đơn trong khó nghèo. Họ để mặc những chiếc tàu trung tốc hàng tỉ đồng nằm xó bờ biển, còn những bà mẹ già, những đứa cháu nhỏ nằm ói mật xanh mật vàng trong khoang thuyền gỗ ọp ẹp và nghèo khổ vào bờ.
Ở những hòn đảo như Lý Sơn, Phú Quý, người ta vẫn chưa có điện 24 giờ/ngày, và những đứa trẻ vẫn chưa biết đến ngôi trường nhiều sách, nhiều trò chơi, học cụ tốt. Những ca bệnh hiểm nghèo được chữa dở khóc dở cười hay thỉnh thoảng “lên báo” vì ĐƯỢC trực thăng đưa vào bờ cứu kịp. Và khi tôi rời Phú Quý, tôi thấy ông bác sĩ phụ trách bệnh viện của huyện đảo này đang đứng trong nỗi cô đơn vô cùng tận của cái bệnh viện mấy chục tỉ mà người ta xây cho ông, đầy kèo cột, đầy sơn, đầy tầng, chỉ có điều, tất cả đều đang được bỏ dở đấy, xong bệnh viện cũng chưa biết sẽ đào đâu ra thiết bị, máy móc và BÁC SĨ cho người bệnh.
Một làng ở xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý
Biển – người là một vị thần – khôn ngoan – lỏng lẻo – hồn nhiên – và quá ư thành thật. Trước Người, chẳng kẻ nào có thể nói dối về trái tim – về tình yêu – và lòng thành thật.
Người ta xây chùa để cầu cho biển bình an. Chắc thế.
Biển….
Khải Đơn
Comment