Trí thức trẻ: Họ đang ‘chơi’ gì?

Tôi bước vào làng đại học năm 2005, và lết ra khỏi đó năm 2007, đúng ra là mãi 4 năm sau tôi vẫn còn vòng đi quẩn lại nơi ấy. Và trong tâm trí mình, tôi vẫn tự hỏi, mình sẽ học gì ở nơi này?

Bây giờ làng đại học Thủ Đức có 7-8 trường: KHXH&NV TPHCM, Khoa Học Tự Nhiên, Bách Khoa, An Ninh, Thể Dục Thể Thao, Quốc Tế, Công Nghệ Thông Tin, 1 cái kí túc xá mười mấy nhà. Và chỉ mới chủ nhật vài tuần trước, khi tôi đi chơi ở làng 1 ngày, cả thế giới đấy dường như vẫn y như cũ.

Trái ngược với sự tưởng tượng về một “thành phố của tri thức”, làng đại học là nơi vắng vẻ, hoang tàn của sách vở, là nơi xa vời đâu đâu chẳng ai biết.

6 nhà sách – 40 quán nhậu và chơi game

Chỉ một cung đường ngắn ngủi, từ cổng kí túc xá đại học Quốc Gia đi vòng hẳn qua các trường đại học KHTN, Thể thao, Nhân Văn, Quốc Tế, Bách Khoa, An Ninh, người ta dễ dàng có thể đếm ra 40 quán nhậu và quán karaoke, tiệm internet chơi game.

Nhưng cũng con đường ấy, 6 hiệu sách lèo tèo hiện ra ở những vị trí… ít ai ngờ nhất.

Image
Nhà sách Nguyễn Văn Cừ hoành tráng nhất cả làng đại học nhưng chỉ có chừng 20 kệ sách, 2/3 diện tích còn lại của nhà sách là bán quần áo, nước chấm, thịt đông lạnh, giày dép, đồ dùng gia đình. Trong vòng 20 phút đứng tại nhà sách, tôi chỉ thấy 2 người mua sách cầm ra nơi tính tiền vài quyển sách, 6 người còn lại chỉ mua quà lưu niệm, xem thử đồ ở quầy quần áo và cầm ra tính tiền những món đồ gia dụng xanh đỏ. Và ngay cả sách ở nhà sách này cũng được sắp xếp rất lộn xộn. Hàng chục quyển từ điển nằm lay lắt ở một xó. Tại kệ, những tựa sách không hề liên quan chủ đề đến nhau như “Việt Nam- Tư liệu tóm tắt” lại được xếp cạnh quyển truyện tranh “Rio- chàng ngố” và … “280 giải đáp cách phòng- chữ các bệnh về kinh nguyệt”. Nhưng chỉ cách các kệ sách ấy vài mét, quần áo, giày dép, nước chấm, mì gói, quầy thịt đông lạnh được trưng bày một cách rất chỉn chu và nghiêm túc. Đây là một siêu thị hơn là một nhà sách.

ImageCách nhà sách hoành tráng này vài trăm mét trong làng đại học là vài hiệu sách nhỏ. Bà chủ của hiệu sách Trường Giang – một hiệu sách có vẻ to lớn xếp sòng thứ nhì của cả làng – cho biết: “Ở đây, sinh viên mua chính là giáo trình cũ, sách học tiếng Anh, rẻ mà, xài xong hết học kì bán lại.” – Chính vì thế, bà kiêm luôn công việc thu mua lại giáo trình photo, giáo trình cũ của tất cả các ngành học. Hơn chục kệ sách trong tiệm của bà chủ yếu là giáo trình photo, giáo trình triết học Marx – Lenin, sách ngữ pháp tiếng Anh căn bản… Các loại sách học thuật, nghiên cứu khác hầu như không có. Kệ sách văn học cũng chỉ có vài chục quyển kê sát tường ở góc ít người lai vãng đến.

Image

Ở ngay ngã ba dẫn vào tòa nhà mới của đại học Khoa Học Tự Nhiên TPHCM là một tiệm bán nón thời trang. Cô chủ tiệm có thêm một quầy sách nhỏ, kê dưới đất, gọi là bán kèm, lọt thỏm giữa một rừng nón xanh đỏ. Cô bé sinh viên năm 1, khoa Ngữ Văn, đại học KHXH&NV bán thuê cho quán nói: “Các bạn thích mua nhiều là mấy quyển “Phải lấy người như anh”, “Rừng Na Uy”, “Anh sẽ đợi em trong hồi ức”, “Anh sẽ lại cưa em nhé”, “Kiếp sau”, “Tình dục của gấu trúc”…nói chung là chuyện tình yêu thôi chị ạ!”

Image

Trong một tiệm sách gọn gàng tên Gia Hân, chị chủ tiệm Lê Thị Bích Nương chỉ lên kệ sách nói: “Em chỉ bán được nhiều nhất là sách giáo trình photo vào đầu kì học hoặc mùa thi học kì thôi, mấy bạn đi tìm tài liệu ôn thi qua môn. Còn ngày thường, em cho thuê truyện tranh kiếm sống thôi chị ơi. Ở đây, các bạn đọc truyện tranh nhiều lắm.” – Như một nỗ lực, chị Nương cũng trưng sách lịch sử, triết học, kĩ thuật và văn học ra một số kệ bên ngoài, đẩy truyện tranh xuống các kệ dưới cùng. Nhưng người ngoài nhìn vào cũng dễ dàng thấy hàng trăm quyển truyện tranh “lép vế” đáy kệ kia mới chính là thứ nuôi sống tiệm sách của chị Nương. Mớ sách “nghiêm trang” trên kia ít nhiều phủ bụi và hiếm hoi có bàn tay người chạm đến.

Trước cổng trường đại học Xã Hội Nhân Văn TPHCM là 4 quán cafe nằm liền kề nhau. Một hiệu sách bé xíu dấm dúi mình vào một góc cạnh quán cafe, chìa ra ngoài những quyển “Lịch sử văn minh phương Tây” cong bìa, gãy gáy, một cách ế ẩm và buồn chán. Xung quanh đó, giàn nhạc xập xình của quán cafe đối diện vẫn đang nghêu ngao ca những lời “gọi cho anh làm chi,đừng gọi cho anh làm chi giờ anh quyết anh chẳng nghe phone, em gọi cho anh làm chi.

Sách – chúng cạnh tranh với thứ gì?

Trong suốt nhiều năm vừa qua, làng đại học tại Thủ Đức thật nổi tiếng. Đó là nơi được mô tả rất nhiều vụ cướp, giết người, hiếp dâm, đánh nhau xảy ra. Cũng ở làng đại học, người ta nói về những con đường cầy tơ, quán lẩu, con đường nhậu nhẹt, quán cafe gái bao cho sinh viên… Trước cửa kí túc xá đại học quốc gia giờ đây là 4 quán nhậu liền kề nhau, nổi bật hơn cả cánh cổng bước vào nơi sinh sống của hàng nghìn trí thức trẻ trong mười mấy khối nhà phía trong. Con đường ở lưng kí túc xá là nơi dập dìu của những quán cafe ôm “giá sinh viên” nổi tiếng bám rễ quá lâu và lên báo quá nhiều lần.

Image
Quán cafe kiêm internet game này nằm đối diện ĐH KHTN 🙂

Cũng ở ngôi làng trí thức đó, người ta thấy những tiện internet chơi game thâu đêm, những quán karaoke vài chục nghìn/giờ nằm xếp hàng xếp dãy đối diện cổng trường Khoa Học Tự Nhiên và Thể Thao. Cổng trường Khoa Học Tự Nhiên chất cao đống rác, túi nylon, ly nước giấy, túi đồ ăn của sinh viên vứt bừa phứa ở những bậc thang cổng trường. Góc đường ấy chỉ vui lên, ở những cửa hiệu tạm bợ bán nón và bán quần áo, trái cây giá rẻ. Sách chỉ nép mình vào “ở đợ” cho một tiệm nón như đã kể trên. Nhưng may ra, thế vẫn còn là sống!

Image
Cánh cổng trường nổi tiếng này đã lên báo vì… rác chất đống trên những bậc thang kia 😀

Ở cổng trường Nhân Văn, những cậu sinh viên ngồi đánh bài cả ngày trong quán cafe, đến tối thì chực chờ một trận thắng cá độ bóng đá từ sân cỏ giải Ngoại Hạng Anh chiếu trực tiếp cũng tại quán. Sau lưng một quán cafe sát trường, dãy bàn bi-a dài sáng đèn cả ngày, tiếng bi lách cách vang trong những cơn hứng khởi của những chàng sinh viên trẻ măng, cặp sách treo bừa phứa ở một chiếc ghế ngoài xó nào đó.

Khi cả một làng đại học hàng chục nghìn sinh viên chỉ cần ào vào thư viện mùa thi hết học kì, chỉ chịu dún tay bỏ mười mấy nghìn đồng mua quyển sách giáo trình photo học cho qua mùa qua bữa, thì các công ty sách cũng không nên ngạc nhiên thổn thức làm gì, khi các trí thức trẻ ra đời, và họ chẳng cần gì đến sách vở cả.

Image
Làng của trí thức – là nơi rất hay để nhậu, món gì cũng có cả.

Sách – ở làng đại học của hàng chục nghìn trí thức – phải chăng là tiệm cho thuê truyện tranh và “Tình dục của gấu trúc”?

Khải Đơn

Advertisement

1 bình luận về “Trí thức trẻ: Họ đang ‘chơi’ gì?

Add yours

  1. anh thề với mụ, anh là thằng cũng siêng năng sách vở mà ra ngoài còn bị khinh là dốt. Thế mà, anh hỏi thăm mấy thằng em anh, 4 năm ĐH và vài năm làm báo, nó ko đọc nổi cuốn sách nào. Vậy nên, đi chạy tin nắp cống, hố ga là đúng.

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: