Angkor Wat – Thiên đường nhung lụa tạm bợ

“Nếu anh thích đi thì câm mồm lại. Ko thì lấy túi xách và cút khỏi xe!” – Một anh chàng người Khmer mặc áo jeans xanh đậm màu, tóc húi cua kiểu giang hồ nói với một anh chàng da trắng tóc vàng đang hỏi vì sao xe bus khởi hành quá trễ.

Ngay bên ngoài bến xe, một tấm băng rôn màu xanh với dòng chữ: “Tourism generates jobs and national revenue” to tướng được đặt ngay trên cổng bến. Cách đây hơn hơn 1 năm, khi tôi đến Siem Reap tháng 2/2011, chưa có người Khmer nào nói những lời thô tục như vậy vào mặt khách du lịch.

Nhung lụa trong tạm bợ

Tôi quay trở lại nhà nghỉ dành cho dân du lịch bụi Garden Village, một anh chàng lái tuk tuk đứng một cái tụ gần cổng. Anh ta luôn miệng bám theo hỏi: “Bạn có muốn đi xem Angkor ko?”, “Bạn có cần tuk tuk ko?”, “Bạn có muốn đi ăn tối ko?” – Sau 3 câu trả lời “Không, cảm ơn!” của tôi, anh chàng liền giở giọng: “No, no, no, no, no, bộ mày chỉ biết nói no thôi hả?”

Pub Street – trong trung tâm Siem Reap – con đường tập trung hàng trăm quán nhậu, quán bar với giá bán bia rượu rẻ mạt.

Ngay ngoài cánh cổng dẫn ra khu Night Market, vương quốc huyền bí với nụ cười yêu dấu của tôi đã lập lòe ánh đèn buổi chiều tối. Đêm dạ tiệc lại bắt đầu. Các vị tổ tiên xưa đã xây dựng nên kì quan Angkor Wat chắc không biết ngoài thành phố Siem Reap này, con cháu họ đang có những tháng ngày nhung lụa tạm bợ hơn bao giờ hết. Con đường quán ăn và quán café của 1 năm trước giờ đã có 1 tên gọi mới: PUB STREET.

Hãy uống đi. Bia Angkor ở khắp nơi. Bạn hãy vào 1 quán, uống cho đã đời, nhảy nhót tận cùng và xả ga chơi bời, trong những quán bar xập xình nhạc, với những cái tên “Angkor What?” – nhại theo chính tên tuổi của ngôi đền cha ông họ. Bạn có thể tìm thấy bia, rượu hay bất cứ thứ gì, với giá rẻ gấp 5 lần ở Thái Lan và chơi bất kể đêm sáng. Những khẩu hiệu mời mọc bia rượu có ở khắp nơi, treo lên làm phương châm cho các quán bar trong Pub Street.

Và trong con phố ấy, đám trẻ con 1 năm trước đây chỉ dám bẽn lẽn đứng xin tiền vì quá đói và nghèo khổ, hoặc xin tôi túi bánh mì đem theo, giờ đã biết nói: “Cô đưa tay đây, con đeo cho, free free” – và lồng vào cổ tay những cô gái Tây còn ít tuổi những chiếc vòng dây đan lếu láo. Ngay sau đó, cả đám xúm lại “bắt nạt” vị khách khờ dại và xin cho bằng được mỗi đứa một tờ tiền mới chịu buông ra đi chỗ khác.

Khi tôi nói “Không!” – đứa con gái cột dây nhìn mặt tôi với ánh mắt căm ghét, và lầm bầm bỏ đi cùng với đám bạn nói những câu tiếng Khmer thô bạo ném vào mặt tôi.

Tôi còn nhớ năm 2007, khi tôi đi dạo trong Wat Phnom ở Phnom Penh, tôi đã cảm thấy xót lòng vì những người ăn mày quá hiền lành, không vồ vập, không xin xỏ, chỉ ngồi cạnh đường và đón nhận đồng xu người ta cho, sẵn sàng giúp đỡ người ta chỉ đường, giờ đây,ở Campuchia đã có những đứa trẻ đói ăn biết trở nên lưu manh trước khi xin được miếng bánh mì cho cái bụng đói của mình.

Trong khu chợ Old Market nhỏ nhỏ, yên tĩnh giờ đã có thêm 3-4 khu vực được cơi nới, dành cho những chiếc ghế nằm massage xếp thành hàng dài. Chừng hơn chục người nước ngoài quần đùi, áo ba lỗ nằm xải dàn trên ghế. Cũng chừng ấy người Khmer gương mặt xám tối, nhọc nhằn cắm đầu ngồi bóp chân cho đám khách. Trên sân khấu, cô vũ nữ với gương mặt xinh đẹp đang múa một đoạn trích tỏ tình của hai chú công xinh đẹp.

Cô vũ nữ trên nền Angkor Beer

Âm nhạc Khmer, điệu múa Khmer được đầu tư kĩ lưỡng. Cô vũ nữ chăm chút từng bước chân và bàn tay búp sen. Bên dưới, những nhân viên massage vẫn huỳnh huỵch bóp chân, bóp vai, xoa đầu cho khách. Đám khách lim dim ngủ. Điệu múa không biết để làm gì. Hai chú công xinh đẹp lạc loài giữa trần gian đầy khoái lạc trên nền sân khấu đỏ chót của bia Angkor.

Thiên đường đã mất

Campuchia là quốc gia tôi yêu quý nhiều nhất, trong suốt 3 năm trời đi lại vòng vòng. Tôi yêu quý một người cảnh sát bảo vệ Angkor Wat đã chạy dưới mưa, dắt chiếc xe đạp cho tôi vào trạm canh của anh, mua dế cho tôi ăn và chở tôi đi vòng quanh thành phố Siem Reap. Tôi yêu quý anh Robin lái xe tuk tuk chở tôi đi viết bài, đến chuyến thứ tư thì bảo… ko lấy tiền nữa vì… quen rồi. Tôi yêu quý cái nhà nghỉ Garden Village của bọn du lịch bụi, luôn chạy ra hỏi tôi: “Cô ở đây 2 lần rồi phải ko?” – và anh chàng lái xe tuk tuk say xỉn hay ngồi kể chuyện về khách du lịch ở Siem Reap cho tôi nghe.

Đất nước này đã cho tôi nhìn thấy nụ cười của Đức Phật trên những gương mặt Bayon, đã làm những ngày đi xa nhà đầu tiên của tôi trở nên ân cần, dịu dàng và đơn giản.

Nhưng lần này, thiên đường du lịch của những ngôi đền đã băm nát những hiền hòa trong đôi mắt người Khmer.

“Anh có cảm tưởng, cả cái thành phố này và đám người này sống, như một cái lều tạm bợ phục vụ cho cái kì quan Angkor Wat đó!” – Anh của tôi nói như vậy. Tôi bỗng nhiên như một kẻ lạc lõng giữa Siem Reap, và tự hỏi về giấc mơ mà tôi hay mơ về nơi này.

Liệu những hàng quán này, những nhà hàng kia, khách sạn 5 sao đó có giống như những thành quách nhung lụa ào ào xuất hiện từ một nắm cát tàn tro như trong truyện cổ tích, bởi bàn tay của một kẻ phù thủy nào đó. Và chúng cứ tạm bợ như thế, lập lòe, xập xình như thế, cho đến khi lúc nào đó sẽ sụp đổ thành đống cát của ngày xưa?

Đám khách du lịch ào ào lên xe xuống ngựa, lao vào những quán bar, tóm một cô gái Khmer trang điểm lòe loẹt, qua đêm một chút cho vui rồi bắt chiếc xe bus giá rẻ đến một thiên đường khác.

Anh chàng trai Tây thở hồng hộc leo lên những bậc thang đến điện thờ trong Angkor Wat rồi cởi áo thun, mặc quần đùi ở trần, tu ừng ực chai nước, trước thánh điện thiêng liêng mà biết bao tấm lưng người Khmer đã quỳ xuống cung kính.

Thiên đường. Thiên đường.

Trên con đường vào Angkor Wat, vẫn có cái bệnh viện Kantha Bopha V với dòng chữ “Xin hãy hiến tặng máu, trẻ em bị sốc vì xuất huyết cần máu” – cùng với hàng cây xanh ngắt và cung điện nhà vua.

Ông vua trẻ ung dung trong thành quách đền đài. Linh hồn những vị vua từ thời Angkor Wat, Angkor Thom với nụ cười hiền hậu của Đức Phật liệu có bao giờ ngờ được hôm nay, khi người ta hái ra tiền nhờ cung điện, lăng tẩm và di tích của họ, và con cháu Khmer, vẫn đang là những chàng trai cô gái cúi đầu massage hàng giờ cho khách du lịch, với giá rẻ mạt nhất xứ sở Đông Nam Á này?

Đền đài Angkor Wat – đã tạo nên biết bao nhung lụa thảm hại và ảo giác của cái xứ sở này như vậy sao?

Siem Reap của tôi – giờ ko còn chút gương mặt nào của ngày xưa nữa….

Khải Đơn 

(2012- ở Siem Reap và thấy mình bị lạc…)

3 bình luận về “Angkor Wat – Thiên đường nhung lụa tạm bợ

Add yours

  1. Tôi đã đi Cam cuối năm ngoái. Thán phục trước các công trình kiến trúc Angkorvat. Tiếc thay nhiều thứ đã đổ nát! Nhưng vẫn khâm phục trước sự sáng tạo và bền chí của con người Campuchia!

    Thích

  2. Lần thứ 2 chị trở lại Cam sau 4 năm, chị thấy đời sống người dân càng nghèo hơn. Lần thứ 2 này chị không dám đi lại biển Hồ vì vẫn nhớ y cái cảnh đứa bé sơ sinh được đặt trong cái thau trôi lềnh bềnh trên sông để những đứa lớn hơn lội xung quanh xin tiền. Còn trong Angkor Wat, những đứa trẻ luôn trong tâm thế xin xỏ/lừa gạt để lấy tiền khách du lịch. Chị và người bạn chủ động tặng bánh cho hai đứa trẻ con đang lấp ló nhìn bọn chị, hai đứa cũng nhiệt tình kể chuyện và chụp giúp một hai tấm hình. Nghĩ vậy là vui. Nhưng khi bọn chị nói lời tạm biệt, đứa lớn hơn lập tức ngửa tin xin tiền. Đừng nghĩ là tụi nó đã quen với chuyện này vì chị vẫn thấy trong mắt đứa lớn này một sự hổ thẹn… Mà đâu đó, có khi sự hổ thẹn này giúp nó cố gắng vượt lên cảnh đói nghèo hay lại đẩy nó rơi vào chuyện trả thù đời vì những bất công ám ảnh của tuổi thơ.

    Thích

  3. Chi oi! Em xin co mot vai loi muon noi. Nhung chi thong cam cho em. Em xin noi that tuy em La nguoi viet nam Nhung em duoc sinh o campuchia va cung dang sinh song lam viec o campuchia. Chu viet nam e ko ranh gi may. Nen chi thong cam. Theo e nghi Nhung dua Tre do cung ko muon lam vay dau. Vi cac phu huynh bat buoc phai lam. E chinh kien thay canh bac lam cha me danh dap con bat buoc phai lam vay. con bien ho e tung o do mot thoi gian va cung biet mot so viec o noi do. Phan lon bien ho La nguoi viet nam minh o day. Nhung viec chi noi em cung tung gap. Nguoi campuchia lam vay La bat truoc theo nguoi viet minh day. Nguoi viet sinh song o do gap Nhung du khach nguoi viet mat no tay mung roi lam quen. Cuoi cung bat ke du khach nao cung ko the tranh khoi duoc viec xin Tien cua ho. Boi nhu the nguoi campuchia thay nguoi viet lam vay duoc Tien nen cung lam theo. Day La Nhung gi em biet.

    Thích

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑