Một tiếng kêu cứu…

Nhà thờ Đức Bà, đường Hàn Thuyên, 7 giờ tối.

Một thằng thanh niên đi bán kẹo hồ lô. Một anh chàng đô thị – áo trắng – thu cái cây cắm kẹo của hắn, vứt lên xe cưỡng chế. Anh chàng đô thị nặng lời gì đó. Hắn chửi vang – chửi đổng – chỉ 2,3 câu – hắn ôm vài cây kẹo còn lại trên tay, bỏ đi trong ấm ức.

Một thoáng thình lình, chẳng biết từ đâu, hơn chục anh đô thị – áo trắng, 4 anh áo xanh, 2 người mặc áo quân đội, dồn thằng nhỏ vào 1 góc. Anh đô thị to béo chỉ mặt hắn: “Mày chửi ai? Mày chửi ai? – và sấn sổ tới.

Hắn chạy về phía những nhóm thanh niên đang ngồi ăn quà và trò chuyện. Hắn nói: “mấy bạn ơi, tôi đã chửi ai cơ?” –  Hắn tìm cách chạy thoát.

Đám thanh niên trẻ ngạc nhiên đứng dậy. Các anh đô thị lúng túng, bảo mọi người dạt ra, bỏ qua, dạt ra, khôngcó gì. Thằng bán kẹo co cẳng bỏ chạy. Túm kẹo hồ lô của nó bị giật lấy, ném tung lên trời bởi các anh đô thị áo trắng. Mắt các anh hả hê….

15 phút sau,

Không hiểu từ đâu, 2 anh cảnh sát mặc thường phục, thêm 4 người áo quân đội xuất hiện. Ông già tóc bạc – chưa hề có mặt trong cuộc cãi vã trước đó – nhanh nhảu: “Đúng rồi, tao cũng nghe mày chửi mà!” – Thằng bán kẹo tuyệt vọng giằng kéo khi bàn tay anh công an mặc thường phục xiết vào cổ nó. Mặt nó xám đi. Nó giãy giụa. Hai anh nữa kéo thân xác nó, ném lên xe chở đồ cưỡng chế.

Tôi đã đứng ở đó, ngay cạnh nó, và hàng trăm người trẻ khác. Tôi nghe tiếng 1 anh áo xanh hét vào tai tôi: “Đi vào, đi vào, có gì mà nhìn!” – Anh lái chiếc Honda Master – rồ ga – dí thẳng đầu xe vào chân tôi. Tôi nhìn anh. Tôi không hiểu vì sao người ta có thể rồ ga và dí thẳng đầu xe vào những đứa trẻ đang đứng đó – ngay sát vỉa hè – chẳng gây ra cái kẹt đường nào.

Tôi đã đứng rất lâu, để nghe tiếng anh đô thị áo trắng nói: “Tao tát được nó 1 cái!” – Và họ cười hả hê cùng nhau.

Những bà bán hàng rong chạy tán loạn. Một thằng bé trẻ nhìn vào khônggian, nó nói lớn: “Funny!!!!?” – và nhìn vào những ánh mắt trên chiếc motor đang rồ ga chuẩn bị dấn tới.

Thằng bán kẹo hồ lô đã bị bắt, bởi hơn 20 người, gồm áo trắng, áo xanh, áo chàm và cả áo thun.

Nó hét lên khi bị ném lên xe: “Người ta bắt tôi, người ta bắt tôi!”

Vỉa hè lấm lem bao tàn nhẫn…

Có ông nhà thơ nào đó viết cái câu “Vỉa hè là của nhân dân”?  Không, ở Hàn Thuyên này, vỉa hè đã bị thôn tính. Ở đối diện công viên là quán cafe số 5 Hàn Thuyên. Quán ấy có quyền bày bàn ghế ra đến sát rạt vỉa hè, đón những vị khách giàu sang, sẵn sàng chi 70k cho một li cafe.

Còn ở cái vỉa hè đối diện – nơi hàng nghìn con người trong cái thành phố đói không khí này – vẫn phải bâu ra đấy, tìm gió, tìm khí thở, và tìm một chỗ sinh hoạt tuổi trẻ lúc chiều tối.

Ai bán quà bánh cho họ? Ai bán nước cho họ? – Tất cả những người ấy đều bị cái lực lượng an toàn đô thị kia dí túi bụi, ném vào mặt họ những câu: “Bà già, tôi cảnh cáo bà nha!”

Đám trẻ trung ấy hát trong nỗi lo sợ bị đô thị đuổi, chạy vội vàng lấy túi bánh tráng khi anh đô thị đến. Chúng còn lái xe máy quay lại, tìm ra đúng cái bà bán bánh tráng nướng cho mình, trả 7000đ, trước khi rồ ga phóng đi khi cuộc chơi đã tàn vì một cơn xua đuổi.

Đám trẻ ấy, tối hôm nay, đã nhìn thấy – người ta có thể đại diện cho luật pháp – tống cổ, đánh đập và ném lên xe thùng một thằng bán kẹo hồ lô đã lỡ buông lời chửi đổng khi họ ném cả xâu kẹo vài trăm nghìn của nó tung tóe lên xe.

Đám trẻ ấy, có thể ngồi nơm nớp lo sợ ở cái vỉa hè bên này, để nhìn những người giàu sang rung đùi – cũng đang tận hưởng làn gió và không khí của hàng cây xanh như chúng. Chỉ khác là, họ có tiền: họ khôngbị đuổi như chúng.

Ngày tôi học năm 2 đại học, tôi đến Hàn Thuyên – ngồi cafe bên hông nhà thờ Đức Bà. Nắng nhà thờ hong khô trái tim tôi. Giọt nắng ấy, khi ánh lên màu gạch đỏ, đã chuyển dần thành màu cam, thành cái sinh động rực rỡ của thành phố.

Công viên gió thổi, những cô bạn trẻ ngồi hát trong một vòng tròn. Ánh chiều loang trong tim tôi. Một anh chàng tóc dài từ nhạc viện đi ra, kéo khóa hộp đàn, và chơi một bản classic.

Tôi đã bật ra một tiếng gọi – Sài Gòn. Hôm ấy, mắt tôi bị ứ bởi ánh chiều, tai tôi ngập trong tiếng cười bè bạn. Hàn Thuyên của tôi là một nơi hiền như cây cỏ, đón tất cả những ai nghèo khổ, cô đơn, hạnh phúc hay giàu có, sang trọng. Mọi người đến ngay cái hông nhà thờ này, hạnh phúc cafe với nhau.

Tôi đã yêu Sài Gòn như thế…. bằng tất cả những cảm xúc êm dịu nhất suốt 5 năm qua.

Ảnh chôm từ internet

Tôi không ngờ, tất cả thực ra đã mất…

Nếu ai đã rảnh rỗi ngồi Hàn Thuyên thì đều thấy, khoảng gần 1 tháng nay, người ta chăng ra những chậu hoa đỏ xanh lẫn lộn, chăng dây che kín cả khoảnh vỉa hè công viên. Ai cũng hiểu, những chậu hoa BẰNG SẮT và DÂY THỪNG đó được chăng lên để xua đuổi những người nghèo thiếu khôngkhí của cái thành phố này đến đó hưởng gió mát và chiều nắng đẹp. Những chậu hoa đó nhiều khi bị để mặc cho chết héo, hoặc trồng vào đó những loài hoa thô thiển, dơ dáy, khônghề hợp với hàng cây cổ thụ và cỏ xanh bên trong công viên. Trong vài ngày, các chậu hoa bị sập, vì có lẽ xây bằng xi măng quá dỏm. Nhưng chúng là tín hiệu cho biết: LŨ CHÚNG MÀY – NẾU NGHÈO KHỔ – HÃY CÚT KHỎI CÔNG VIÊN.

Y như tối nay….

Thành phố đã quay lưng với những con người trẻ trung và dại dột… bởi vì họ dám tụ tập và vui chơi, và kiếm ăn, ở nơi dành riêng cho những người xa hoa lui tới.

Thật bẩn mắt họ quá….

Khải Đơn

44 bình luận về “Một tiếng kêu cứu…

Add yours

  1. Sài Gòn đỏm dáng trong mắt mụ của ít năm về trước cũng giá trị như thế trong mắt anh. Nhưng mụ biết vì sao mụ vẫn còn gọi nó là “Sài Gòn” ko? Vì cái tên mới với những con người tiếp quản mới chẳng làm cho nó đẹp hơn cái tên Sài Gòn được.

    Thích

  2. Hàn Thuyên trong kí ức em là một nơi tràn ngập kỉ niệm. Một năm rồi, xa Sài Gòn, xa Hàn Thuyên. Có đâu cuộc sống vội vã quá, thờ ơ quá, thời gian tràn qua, cuốn đi cả những điều tốt đẹp.

    Vẫn muốn giữ trọn một Sài Gòn cho riêng mình.

    Thích

  3. thoi doi la the ma ban, co tien la co tat ca, tat nhien van con nhung nguoi tot, nhung nhung nguoi do ke the coi la hang hiem , rot cuoc cung 1 chu tien,ZZ

    Thích

  4. “Sài Gòn này vẫn rất đẹp vì tao đã quen với những cái xấu
    Người lao động luẩn quẩn kiếp nghèo tự hỏi cuộc đời sẽ đi về đâu”…

    “Tao dẫn mày vào Sài Gòn nơi đồng tiền làm nên quyền lực
    Nếu mày không biết cách sống thực thì chỉ tồn tại trong miền kí ức
    Giấy trắng với viết mực, kẻ chiến thắng không cần phí sức
    Sài Gòn này vẫn rất đẹp dù cho cuộc chiến này chưa chấm dứt”
    (Sài Gòn đẹp lắm-Wowy)

    Thích

  5. Có thể trong mắt bạn, những người nghèo khổ mưu sinh trong công viên, trên vỉa hè, đường phố là tội nghiệp, là đáng thương. Nhưng bạn ơi, bạn có nghĩ rằng cũng trong một bộ phận đó, trong mắt khách du lịch, người nước ngoài lại là những người chèo kéo, lừa gạt, móc túi, là tệ nạn ko? Có thể chỉ là một số ít, rất ít nhưng lại ảnh hưởng rất lớn với một nơi được gọi là trung tâm thành phố, là điểm đến du lịch.
    Tôi cũng từng là khách “bệt” nơi đây, cũng từng vắt xe lên mà chạy khi thấy ai-cũng-biết-là-ai-đấy. Tôi cũng yêu những kỷ niệm “bệt” thân thương của mình. Nhưng sự phát triển nào cũng có hai mặt của nó. Và thành phố thì quá cứng nhắc trong việc giải quyết những vấn đề yếu kém của mình. Họ đánh đồng tất cả những người bán rong với những kẻ lừa đảo, trôm vặt, móc túi… Tôi nghĩ thành phố còn cần nhiều thời gian hơn để giải quyết được vấn đề này và đảm bảo được an sinh xã hội.
    Đừng bi quan quá mọi người ạ.

    Đã thích bởi 1 người

  6. hy vong la nhung con nguoi ay bit cach giai quyet tot dep hon. ho luon nghi nguoi khac la vet dzo cua Thanh Pho nhung trong cach hanh xu cua ho. chang khac gi la bon THAT HOC. dung de nguoi dan TP song trong noi~ AM UC+THAT VONG.

    Thích

  7. Bạn nên tìm hiểu kỹ hơn trước khi viết, bạn kể hơi lố và phi lý hết sức: cảnh sát mặc thường phục thì không xuất đầu lộ diện để bắt 1 người bán kẹo hồ lô, áo quân đội là không có thẩm quyền can thiệp nếu không có lệnh, áo xanh lá thanh niên xung phong chỉ đi hướng dẫn và bảo vệ khách du lịch, áo xanh dương thanh niên càng không liên quan, trong công viên 30-4 chỉ có lực lượng trật tự đô thị màu áo chàm đi bắt người bán hàng rong và áo xanh lá dân quân xuất hiện khi có sự cố thôi. Người bán hàng rong cũng được hoạt động theo khung giờ cho phép và bị nhắc nhở hoặc bị bắt khi hết giờ hoạt động, hàng rào xấu xí mới dựng lên cũng để ngăn mấy cái xe máy leo lên công viên mà đậu vô tội vạ chứ có ảnh hưởng gì đến người bán hàng rong đi bộ đâu. Xuyên tạc sự việc cũng là một hành động bôi xấu công viên và những người đang giữ an toàn cho bạn ngồi uống cafe đấy

    Thích

        1. Kẹo quả ngâm đường ngọt, bỏ trong bịch nylon, màu hơn đỏ, có 1 cái cây cắm xâu 5-6 quả vô 1 cái á. Xong cái cây đó cắm lên 1 cây bự.

          Thích

    1. @Hoàng Linh
      chuyện này hôm qua tớ cũng có chứng kiến. tớ mặc kệ cái hàng rào xấu xí,…nhìn nó cũng có vẻ hay ho. tớ ko nghĩ dựng hàng rào là phân biệt giai cấp như bạn.
      Nhưng sự thật là hôm qua, có rất nhiều nhiều, mặc áo xanh lá, quân đội, và áo chàm trấn áp 1 anh bán kẹo hồ lô. Đó là sự thật, ko phải xuyên tạc. Tớ cũng rất thắc mắc, tầm 7h hơn, thấy anh bán hồ lô bị trấn áp trong khi những ng` bán hàng rong khác (như cafe, bánh tráng nướng… để hình thành cafe bệt nơi quận 1 này) công khai lại ko bị hề hấn gì. Nhìn anh thanh niên bán hồ lô bị trấn áp, có anh mặc đồng phục màu xám còn lấy điện thoại ra quay. Tớ cảm giác những ng` bảo vệ công viên (như bạn nói) ko tôn trọng người dân chút nào. Càng ngày, tớ càng thấy sài gòn xấu xí hơn

      Thích

    2. Cữong chế bắt hàng của ngừoi bán hàng rong đúng hay sai khoan bàn đến. Việc trả thù một câu chửi của kẻ bán rong là chấp nhặt, tiểu nhân đến hung ác… đây là đặc trưng của những ngừoi đang nắm quyền lực trong tay, hiện tuợng này vẫn phổ biến ở VN từ 1975 đến hiện nay. Ngừoi dân SG vẫn truyền khẩu câu này để mô tả về cách thi hành điiều tra xét hỏi của chấp pháp như thế này: ‘không có tội thì đánh cho có tội, có tội thì đánh cho chừa”,… thói cậy quyền cậy thế hành xử bề trên khi trừng phạt hay ban phát ân huệ là đặc thù của nhà nứoc chuyên chế… còn có những người binh vực cái XH mục ruỗng là vì họ hay ngừoi nhà của họ như anh em cha chú… đang là công bộc đục khoét trong hệ thống đó.

      Thích

    3. @Hoàng Linh: bạn không phải là người chứng kiến, cũng không biết rõ sự việc là như thế nào, những gì bạn nói cũng chỉ là phiến diện thôi. chưa biết gì hết thì bạn cũng ngừng cái việc “XUYÊN TẠC” sự chứng kiến của người khác đi.

      Thích

  8. toi thi chua vao do 1 lan nao ca. Nhung thai do ung xu va cai cach lam viec toi thay that buc minh. toi cung la 1 nhan vien thuoc to quy tac do thi ay. Nhung chua khi nao ma lam viec 1 cai kieu nhu the. Tôi nghe tiếng 1 anh áo xanh hét vào tai tôi: “Đi vào, đi vào, có gì mà nhìn!” – Anh lái chiếc Honda Master – rồ ga. Túm kẹo hồ lô của nó bị giật lấy, ném tung lên trời bởi các anh đô thị áo trắng.Anh đô thị to béo chỉ mặt hắn: “Mày chửi ai? Mày chửi ai? – và sấn sổ tới.Hai anh nữa kéo thân xác nó, ném lên xe chở đồ cưỡng chế. Noi ve phuong dien su that thi chua chac toi tin loi ban noi tren nay, xet ve phuong dien 1 nhan vien nha nuoc. neu nguoi do lam nhu vay thi chang con j de goi la van hoa ung xu trong cong viec. Khong biet ngoai do co day cho nhan vien k chu o day,noi toi dang lam viec. Xin thua rang: Ban duoc nghi viec vi cac hanh vi tren.

    Thích

  9. “Sài Gòn mưa bay, Sài Gòn nắng đổ.
    Sài Gòn đèn đỏ đèn xanh,
    Sài Gòn còn ai khóc kẻ bên đường,

    Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu lệ cho người nghèo”

    Thích

  10. Thưa bạn, bạn HOANG TƯỞNG vừa vừa thôi chứ, ở đâu ra vừa trật tự đô thị, vừa cảnh sát, cảnh sát thường phục còn lôi cả quân đội vào mới ghê chứ, đến khổ. Cũng nể bạn thật ngồi 1 chỗ nhìn anh bán kẹo hồ lô (mà quái sao lại giống loại kẹo bên Tàu í nhỉ ) mà viết lên 1 truyện ngắn thế này. Nói thêm, khu vực này quá quen thuộc với mình suốt 5 năm sinh viên không ngày nào là không làm 1 ly cafe nơi này, và tuần nào mình cũng giành chút thời gian cùng bạn bè hàn huyên vào mỗi sáng chủ nhật tận hưởng không gian yên bình mà ở đây vốn có.

    Thích

  11. “….những người đang giữ an toàn cho bạn ngồi uống cafe đấy ”

    Mục đích tốt đẹp nhưng cách làm thì nhơ nhớp thì cũng cần coi lại .
    Dù người ta có sai mà bạn đá đổ chén cơm của người ta thì có nên ko ?
    Những người lao động có thể không đi học, ăn nói cộc lốc nhưng mấy anh đô thị thì chắc cũng phải học xong tiểu học rồi chứ ta !Tôi còn nhớ lúc tiểu học có môn ” Đạo đức ” thì phải .
    Mấy cảnh này tôi thấy cũng vài lần, phải chăng sự phát triển về kinh tế chỉ kéo theo sự phát triển về cơ sở hạ tầng, vật chất mà nó bỏ quên đi cái giá trị tinh thần, cái giá trị văn hóa hay sao.

    Cảm ơn ông bạn đã viết bài này.

    Thích

  12. k biết việc tác giả kể đây đúng hay sai, nhưng mình cũng đã từng phải chứng kiến cảnh một lực lượng hùng hậu cả cảnh sát giao thông, trật tự đô thị và cả 113 túm cả gánh hàng của một bà cụ vất lên xe, lại còn lớn tiếng, xô đẩy bà ấy, có lẽ b thật may mắn khi k phải chứng kiến những cảnh thương tâm như vậy

    Thích

  13. Đời tàn nhẫn thật…
    Tôi không ở Sài Gòn, cũng chưa từng vào đó, nhưng thật ra thì ở đâu cũng thế thôi. Có người này người kia, nhưng dường con người đang ngày một trở nên thờ ơ hơn thì phải…
    Biết làm sao được…

    Thích

  14. Không có tiền đồng nghĩa với không có j hết, nói chung cuộc sống là vậy mà. Không có tiền cạp đất mà ăn àh!

    Thích

  15. …^_^ bạn đã phản ánh một vấn đề đã, đang và sẽ…luôn luôn là một vấn đề !
    Mình không rõ lắm những gì bạn đã chứng kiến là đúng hay phí lý, là thực sự bạn đã rõ mọi nguyên nhân hay tất cả được ngụy trang bởi một lớp màu xám khác mà bạn chưa bóc nó ra….
    Có lẽ đây là những dòng tâm trạng mà bạn muốn hét lên thay vì viết ra…nó chứa đựng cảm xúc cá nhân khá nhiều ! Nhưng nếu đi nhiều, nhìn nhiều mình nghĩ sẽ gặp đâu đó những cảnh gần như thế…khi mà các cô, các chị… mưu sinh bằng “gánh hàng rong” phải xô nhau chạy khi nhân viên trật tự đô thị tới…đồ đạc tung tóe, đổ vỡ…tiếng chửi bới quát tháo….thực sự thì trật tự đô thị ngoài một ban riêng còn có các lực lượng hỗ trợ khác có cả công an phường, quận… Và mình tin có rất nhiều người biết đến những cảnh này…^_^
    Những miền đất mà người ta luôn ca ngợi là những đô thị hiện đại, sạch đẹp như Singapore…để có được vẻ hào nhoáng ấy nó cũng trả giá rất nhiều…và sự thực thì vẫn tồn tại hàng rong, nhưng nó được hợp thức hóa…phải đóng thuế để bán rong…và có những khu vực cấm bán rong là CẤM hẳn hoi…mọi vi phạm cứ tiền và tù mà xử lý, ko thị trục xuất, cấm nhập cảnh ! Họ làm được điều ấy đơn giản vì dân bán rong toàn nhập cư…lên họ chẳng tiếc chi…nhưng người Việt mình khác…vẫn chưa thể thẳng tay, vô tình được…vẫn để các chị, các cô, cả những người anh ko ra anh – chị không ra chị buôn thúng bán bưng được mưu sinh…thỉnh thoảng lại…“lùa” một phát !
    Có thể người bán kẹo hồ lô (…éc…chừ có bán cả kẹo hồ lô ? Sao mình ko thấy nhỉ ???) bị oan, hoặc bị bắt đúng(có thể không phải vì bán hàng rong hay chửi bới chi…mà vì một tội khác…^^ tại có cả cảnh sát ngầm mờ…mình suy luận thế….dù dao các bác bên Trung “Của” còn phải huy động cả nghìn công an chỉ để quây một thằng “mới” tiễn 7, 8 mạng người kia cơ mà ! ) !
    Mình thích “bệt”, cũng có nhiều kỉ niệm với Hàn Thuyên…cũng hơn 7 năm vẫn thỉnh thoảng loanh quanh đến đó những lúc chan chán buồn buồn…hay vui vui với bạn bè…bạn bè mình cũng thế …nhưng những hàng cổ thụ vẫn vậy…người thì…lớp này đi…lớp khác tới …có thể ta đang ngán ngẩm vì nó không như xưa…nhưng các bạn trẻ hơn ta…vẫn tìm đến nó để tìm hiểu về một đặc trưng của không riêng gì dân sinh viên …ta thật không thể bắt ép những gì không thuộc về ta không được phép thay đổi…chỉ có thể cho những gì đẹp đẽ ấy vào một góc nhỏ trong kí ức của ta…
    Mà có ai để ý rằng bán rong ở khu vực ấy…luôn là những “con người đi cùng năm tháng” :)) có bao giờ ta nghĩ ta đang làm giàu cho một bộ phận bán rong có tổ chức mà trên thực tế …họ chẳng nghèo tẹo nào … :))

    Dù sao, mình thích cách bạn viết ! ^_^

    Thích

  16. Bạn Khải Đơn ơi! Bạn lùi lại một bước, nhìn rộng hơn 1 chút thì bạn sẽ hiểu được vấn đề. Các bạn trẻ bây giờ nói không có chỗ chơi, muốn hưởng không khí cây xanh nên ra Hàn Thuyên. Phải vậy không? Tôi không tin tất cả các bạn đều ở Q1. Nếu bạn ở Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Q5, Q3, Q4, Q7, Q8, Bình Thành, Thủ Đức…tất cả đều có những mảng xanh khác. Các bạn ra Hàn Thuyên ngoài việc có thể ca hát cùng nhau còn là để ngắm nhìn thành phố. Ngắm thì không mất tiền nhưng vừa ngắm, vừa được ăn uống phục vụ thì nên đóng góp vào ngân sách thành phố mới công bằng chứ nhỉ? Khu vực Hàn Thuyên mà các bạn ngồi không phải tự nhiên mà được xanh, được sạch. Các bạn ngồi chơi, không ai cấm. Nhưng vì các bạn ngồi chơi mà có hàng rong. Hàng rong không đóng thuế. Bạn hỏi ly cafe bên kia 70 nghìn thì nộp thuế bao nhiêu? Không có thuế, không có ngân sách để làm hàng tỉ thứ liên quan đến cái thành phố này.

    Thích

  17. 1 cách nhìn của người ta về cuộc sống thui mà mấy bác gạch đá ghê quá. Các bác đưa ra 1 cách nhìn khác tui ủng hộ. Nhưng đâu nhất thiết phải chỉ trích, phản ứng kịch liệt như thế chứ 😀

    Cám ơn “ông bạn” Khải Đơn đã gãi giùm chỗ ngứa của nhiều người, tuy thoảng qua chút chút nhưng mà cũng “đã” 😀

    Thích

  18. nhìu vấn đề nhìu bất cập mà 1 đứa nhỏ mãi là 1 dứa nhỏ ko hiểu j
    cái j cugn4 có lý do của nó có đúng có sai thành phố càng phát triển thì càng thôi đổi thôi
    mình thấy có thể sau này chỉ dơn giản là 1 nhóm ng áo chàm vs xanh lá mà thôi đang phát trien36 sẽ từ từ thoi đổi mà

    Thích

  19. Bạn quá phiến diện. Mình vẫn ngồi ở Hàn Thuyên vào mỗi cuối tuần, Và mỗi lần như thế nó đều làm cho mình nhớ đến 1 thời sinh viên và thấy thoải mái . Mình đọc bài của bạn , mình nghĩ bạn là người có trí tưởng tượng phong phú thật. Nhưng suy nghĩ của bạn ngắn quá, quá ngắn. Nếu bạn đi cafe mà gởi xe ( không để xe trên lề công viên) thì không ai đủi bạn đi cả, bạn hãy tưởng tượng ai cũng để xe , nhiều người bán hàng rong trên vỉa hè công viên thì nhìn ra cái thể thống gì nữa, nó sẽ loạn. Bạn biết định nghĩa từ thành phố văn minh là như thế nào không? miệng bạn nói là muốn làm, nhưng chính bạn lại là người làm cho nó xấu đi. Bạn hãy tự hỏi bạn đã làm gì tốt đẹp cho cái thành phố này? Bạn hãy tự hỏi bản thân mình đi, hay bạn là người bất đồng chính kiến !
    ( mấy bạn đi nơi này hoặc nơi nào cũng vậy nhớ để xe đúng nơi quy định, đặc biệt nhớ giữ gìn vệ sinh chung nha.)

    Thích

    1. @MR Trương toi thấy tội nghiệp cho bạn cũng như nhiều bận trẻ khác, có tâm lòng nhưng sống lâu trong hang nên không biết hang của mình tối. Vấn đề giữ gìn văn minh đô thị và nguời bán hàng rong đều thuộc về trách nhiệm của nhà nứoc. Chính phủ và nhà nước có thực hiện được đầy đủ và tốt về : 1. tạo công ăn việc làm để giảm đi bộ phận người lao động không kiếm được việc phải mưu sinh bằng việc bán hàng rong 2. Phổ cập giáo dục cho người nghèo cũng có cơ hội học chữ và học nghề thì người ta đi làm thuê, làm thợ thì họ đâu phải đi bán rong….số lượng độ tuổi lao động thất nghiệp cao, số trẻ đi bán rong cao … tất tần tật đều quy về trách nhiệm của nhà nước quản lý vĩ mô… và cái tầm cái tâm nó ngắn thì nó nổi cộm qua các vấn nạn XH, quản lý trật tự đô thị…khâu cữong chế là đọan cuối cùng thể hiện ra cái văn minh tiến bộ XH đang ở mức phát triển như thế nào
      Singapore chẳng hề chả tẹo nào cho cái giá để có đô thị văn minh. Kênh National Geography truyền hình cáp đã chiếu quá trình phát triển của Singapore từ những năm đầu độc lập 1950s. Nếu muốn hiểu và biết thêm kiến thức vè phát triển của Singapore các bạn ráng tìm xem hay đọc nghiên cứu kỹ lưỡng đi. Tôi đã xem hết phim trên National Geography như đẫ nói, chính sách phát triển với sự lnãh đạo của Đảng Nhân Dân Hành đọng do Lý Quang Diệu đứng đầu từ những năm 1950s đã định hình nên Singapore ngày hôm nay. Hãy xem xong rồi tự hiểu cái tầm và cái tâm của nguời lãnh đạo đẫ huy động được lực của toàn dân cùng đồng lòng với chính phủ, hướng tới phát triển trên một con đường vạch rõ ràng: một Singapore của ngừoi Singapore

      Thích

  20. Thực ra, đây không phải là một câu chuyện tưởng tượng, mình đã từng chứng kiến cảnh này, thành phố văn minh là trước tiên cần những con người cư xử với nhau cho đúng, các bác trật tự nhà mình đôi khi làm cho lấy lệ, qua loa. Nhiều lúc lại muốn ra oai của mình, hách dịch, cửa quyền, làm vì chỉ để lấy thành tích.
    Những gánh hàng rong cũng là một nét văn hóa của thành phố, quan trọng là chính quyền quy hoạch như thế nào thoi

    Thích

  21. Tất cả là cuộc mưu sinh cả thôi, mình đã sống và lớn lên ở Hàn Thuyên, Pasteur hơn 35 năm và cùng từng phải nhặt từng đồng bạc từ hè phố với đủ nghề (bán xăng, hột vit lộn, nước mía, dâu đà lạt …) mình hiểu cảm giác bị đuổi, bị thu đồ và các anh dân phòng … như thê nào?
    Họ có trách nhiệm của họ nhưng có khi nào nghĩ 1 chút cho nhưng người bán hàng lề đương không? Ban đã từng tới công an phường chầu chực đợi xin đồ như con … chờ xương chưa? hay mặt khổ đau về sắm lại vật dụng , khi tí vốn liếng vật dụng cho việc “kinh doanh” bị lấy mất chưa?
    Cái gì cũng có mặt tịch cực và tiêu cực của cuộc sống cả? Nhưng đội khi các anh … đang thực thi cái quyền của mình đó cũng đúng là xem đồng loại (nhỏ hơn, khổ hơn, nghèo hơn …) như cỏ rác, như thứ để chút giận, để đánh, đạp thẳng tay …

    Thích

  22. Chào bạn. Trước tiên xin cám ơn bạn vì bài viết về một góc nhỏ bé của Sài Gòn. Lời cảm ơn để ta không quá xa đà vào việc “tranh luận” ai đúng ai sai và chỉ trích một ai đó.

    Nhưng cũng xin phép cho mình một chút ý kiến qua bài viết của bạn. Có thể nó sẽ không làm hài lòng bạn nhưng bài viết của bạn lại được đăng trên một diễn đàn và cá nhân tôi thấy cần ý kiến một chút.

    Thực sự cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc bài viết của bạn là bạn có “một trí tưởng tượng” thật bay xa, một giọng văn “kiểu nhà văn”. Tôi không nói những sự việc trên có xảy ra hay không, ừ thì cứ cho nó xảy ra đi. Giọng văn của bạn làm tôi nhớ đến tác phẩm “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Giọng văn trào phúng, châm biếm … nhưng bạn ơi, cái câu truyện của bạn là ở thời hiện đại, về người thật việc thật mà bạn lại “thêm thắt” vào giọng văn đó nó làm cho biết bao người đọc suy nghĩ “sai” về những gì bạn kể.

    Tôi thích câu nói của bạn Mèo Già: “Bạn lùi lại một bước, nhìn rộng hơn 1 chút thì bạn sẽ hiểu được vấn đề”. Và cũng nhiều bạn ở đây đã nêu quan điểm của mình. Cái nhìn của bạn phiến diện và không là phải là một bài viết của một người yêu Sài Gòn. Từ cái tít “Một tiếng kêu cứu” đến nội dung bài viết.

    Tôi yêu Sài Gòn và tôi cũng có cơ hội thấy những góc “rất khuất” của Sài Gòn. Nhưng cái góc khuất qua lời kể của bạn thì thật khó chấp nhận.

    Thích

    1. Nhưng lúc đó em hong có đọc còm men. Bây giờ đọc lại, thấy còm men, xong biểu cảm của em như lúc mặt em đang chửi thề bằng ngôn ngữ hình thể, giống lúc sáng em uốn éo trước mặt Đơn vậy đó 8-}}}}

      Thích

      1. Ờ, hum thấy cái cảnh đó chị cũng ước gì có thể ún éo giống em sáng nay, và có thể làm các anh ấy sợ. Sáng nay các anh ấy ra chỗ tụi mình ngồi hiền hòa kế bên tụi mình là để thu tiền đó em iu :)) Lúc em đang ún éo, thấy mấy ảnh nhận tiền rất tự nhiên.

        Thích

        1. Lúc đó em không thấy mình bị đuổi, cũng không thấy người ta chạy nên em cũng nghĩ là người ta tới gom tiền 8-> Ôi các landladies trên diện đô thị 8->

          Thích

Gửi phản hồi cho Kichbu Hủy trả lời

Blog tại WordPress.com.

Up ↑