Cô gái tên Umay trùm kín khăn, trở về ngôi nhà với người chồng, đứa con trai tên Cem và ngồi ăn trong một căn phòng điển hình của 1 gia đình đầy đủ. Người chồng ném cô vào tường, và bỏ đứa con trai vào phòng tối, khóa kín cửa lại chỉ vì con trai không chịu ăn cơm.
Umay khóc nức nở trên nền nhà.
Đêm hôm đó, người chồng tuột quần cô xuống, tự nhiên làm tình với cô, ngay cả khi gương mặt cô chỉ là một tấm sắt đá không chút xúc cảm nào.
Người đàn bà chạy trốn
Umay dùng tất cả số tiền dành dụm được, cùng với con trai, thực hiện một hành trình chạy trốn khỏi Istanbul – nhà chồng- để trở về nước Đức, nơi gia đình cô đang sống. Nhưng ngay sau đó cô phải chống lại cuộc bắt cóc thô bạo Cem của người em trai Mehmet, của cha và của chồng. Trong cộng đồng người Thổ ở Đức, hành vi bỏ chồng, bắt con của Umay là một sự ô nhục.
Đỉnh điểm của cuộc đấu tranh để giữ được đứa con trai mình là khi Umay cầm dao thái thịt lên, chĩa về phía cha già của mình, thét lên: “Trả con trai con lại đây!” – Và cô cắt thẳng vào động mạch của mình. Cô gục xuống trên vũng máu.
Khi Umay nghe lời cha và em trai nói sẽ bắt cóc Cem đi trong đêm, mang về Istanbul cho cha thằng bé, cô lén gọi điện thoại cho cảnh sát đến, ôm con trai chạy khỏi nhà, và đến sống ở khu nhà an toàn dành cho phụ nữ và trẻ em cần bảo vệ khỏi sự xâm hại.
Chối bỏ tự do hay ám ảnh về tình gia đình?
Umay tìm được một việc làm ở xưởng bánh của người bạn gái Đức tên Atife. Chỗ trú ngụ của mẹ con cô là một phòng an toàn trong khu nhà tạm lánh. Ban đêm, cô đến lớp học thêm để học nốt chương trình trung học còn bỏ dở khi cô đi lấy chồng.
Lần đầu tiên, cô gái quấn khăn trùm kín đầu gỡ bỏ khăn trùm đen, mặc vào bộ quần áo đầu bếp kiểu Tây, lao vào cuộc mưu sinh để có tiền nuôi con. Cô rời khỏi vòng vây và sự bảo bọc của những người đàn ông từng làm chủ thân xác và linh hồn cô.
Nhiều cánh cổng cùng lúc đóng sập lại với Umay. Đứa em trai thô bạo Mehmet tấn công khu nhà lánh nạn, đánh sập cánh cổng và nguyền rủa cô như một con điếm. Mẹ cô tuyên bố từ bỏ cô vì sự ô nhục gia đình. Em gái cô nguyền rủa cô vì cho rằng chính sự ô nhục đó làm người yêu không chịu cưới.
Trong cuộc khủng hoảng ấy, cô bạn gái Atife ngồi trước mặt cô, nắm chặt tay cô và nói: “Bây giờ với cậu Cem chính là gia đình!”
Tốt nghiệp trung học, yêu một chàng trai người Đức, có một căn hộ nhỏ, Cem được đi học, nhưng Umay dường như vẫn chưa biết cách nhìn thế giới của mình đơn giản như lời giải thích của Atife: “Cem là gia đình”
Cô trở về trong đám cưới em gái, mặc đồ thật đẹp cho con trai để lên tặng dì quà cưới. Cả hai mẹ con đều bị đẩy ra ngoài cổng. Đứa em trai ngày xưa cô tắm táp, thay tã cho giờ tát cô đau điếng như tát một con điếm hư hỏng xa lạ.
Umay lao vào trong đám cưới, trèo lên bục, và nói: Tôi là Umay, đây là con trai tôi, nó là một đứa bé ngoan, nhưng nó đã bị từ chối bởi vì tôi. Giờ nó không có gia đình nữa.” – Cô khóc nức nở trong bộ váy dạ hội sang trọng. Cem đưa đôi mắt tròn xoe nhìn quanh. Dưới kia, ông bà ngoại, các cậu và dì của bé giờ đã là những người xa lạ. Cô bị túm tóc, lôi xềnh xệch ra ngoài vỉa hè, đập đầu vào tường như một mớ giẻ rách.
Umay nói với người yêu của mình rằng: “Vì họ là gia đình em” – nên cô trở về dâng bánh tạ ơn cho cha, trở về để thăm ông khi ông đột quỵ trong bệnh viện, trở về ôm chầm lấy mẹ ở cửa phòng bệnh.
Vì là một gia đình, nên cha cô khóc trên giường bệnh nói rằng “Tha thứ cho ta, ta sai rồi!” – để rồi khi cô ra khỏi phòng bệnh, đứa em trai út Stipe đi cùng cô.
Nó rút súng ra, chĩa vào mặt cô. Rồi cơn xúc động trẻ thơ ập đến, nó vứt súng bỏ chạy lên xe bus.
Cùng khoảnh khắc đó, “người đàn ông của gia đình” Mehmet bước đến, cầm con dao nhọn hoắt, đâm xuyên qua người Cem, ngay khi Umay đang ẵm nó.
Thằng bé ngoảnh mặt lại, gọi: “Mẹ ơi!” – và nhắm mắt.
Vậy là danh dự của một gia đình Hồi giáo Thổ Nhĩ Kì trên đất Đức đã được cứu vớt – bằng máu tươi của 1 đứa bé.
Quay lưng với tự do
Từ Istanbul trở về Đức, có 3 lần Umay đến tìm gặp người bạn thân Atife của mình, một cô gái tóc vàng người Đức làm trong xưởng bánh.
Lần thứ nhất, Umay xin em trai mình hãy đừng đi theo mình, và cô lén lút đến gặp bạn. Cô bạn gái mặc đồ đầu bếp trắng phau, chạy lăng xăng bên những người bạn cùng ca. Đó là một khung hình sáng trắng và hạnh phúc đến đáng ngại, so với cuộc đời trong ngôi nhà ít cửa sổ màu xám của cha mẹ Umay.
Lần thứ hai, Umay đi dạo cùng cô bạn một cách thảnh thơi, sau cuộc chạy trốn sống còn từ chính ngôi nhà mình. Con đường chiều mùa thu vàng ươm và đầy những cây cổ thụ rũ lá mượt mà. Đó giống như một thế giới tự do, nơi Umay không cần phải ra ngoài với khăn trùm đầu, người đàn ông đi cùng và có thể nhìn con trai chơi trên cỏ.
Lần thứ ba, Umay được Atife dẫn đến vũ trường, nhảy nhót trong bộ váy trẻ trung tuổi 25, trò chuyện với những người đàn ông muốn hẹn hò mình. Umay được uống rượu, được tán tỉnh, được thấy mình là một phụ nữ đẹp và tự do.
Cả 3 lần gặp gỡ đó, đạo diễn đã làm cô bạn thân Atife xuất hiện trong khung hình rất sáng, đầy vẻ đẹp thiên nhiên và sự tự do. Tất cả là những gợi ý gần gũi, quen thuộc mà Umay hoàn toàn có thể lựa chọn cho cuộc sống của mình và Cem.
Atife và Umay thường xuyên nằm trong 2 vùng của một khung hình. Phía Atife có ánh mặt trời lên. Phía Umay chỉ là khoảng tối của căn bếp. Từ nhà Umay ra đường là cảnh tối đen như mực, từ đường vào xưởng bánh của Atife là ánh sáng rực rỡ. Sự tự do của cô gái Đức đối lập trong tất cả với Umay, cho dù có lúc Atife đã đưa hai vùng sáng tối ấy nhập vào làm một, khi cô an ủi bạn hay tìm cách mua vui cho người bạn tội nghiệp của mình.
Trong vùng tự do của người bạn trai Đức cũng vậy, khung hình mà đạo diễn đặt Umay và anh chàng đứng luôn nằm trong một bức tường bê tông màu xám. Hai người lọt thỏm vào, bé nhỏ và không có cả khoảng nhìn. Tương lai của tình yêu cũng vậy, chỉ là một bức tường, khi Umay vẫn phải mải mê chạy theo tình ruột thịt trong bản năng của cô.
Vùng sáng của Atife không thuộc về thế giới với ngôi nhà khép kín mà Umay đã được sinh ra.
Giết người vì danh dự – cuộc giết chóc được vinh danh
Rất tinh tế, đạo diễn Feo Aladag trưng ra một cô gái Hồi Giáo không hề bị gông cùm hay áp bức nào cả. Cô có quyền cho tất cả lựa chọn của mình, tự do, an toàn, có chồng mình yêu và sống với con trai. Nhưng cuộc sống với bản năng nguồn gốc quá mạnh mẽ đã giằng xé Umay như trong một sợi giây thun không tài nào tháo gỡ nổi.
Cô chạy trốn khỏi nhà -> Quay lại tìm mẹ
Chạy trốn khỏi em trai -> Quay lại đám cưới
Chạy trốn khỏi chồng -> Quay về tìm cha
Đi tìm cha -> Con trai bị giết
Cái sợi giây thun ấy, tự Umay là người chọn lấy. Cô đã sống với cái thâm căn cố đế của truyền thống gia đình từ trong giọt sữa của mẹ. Nước Đức có hào hoa, tự do, công bằng đến bao nhiêu, có hấp dẫn đến bao nhiêu, vẫn không nằm trong vùng suy nghĩ mà cô để tâm đến.
Nhân vật đối kháng chia thành 2 tuyến rõ rệt:
– Những người hoàn toàn kiên định: Mehmet, mẹ Umay, em gái Rana
– Những người day dứt và đầy suy tư: Cha Umay, em trai Stipe
Sự kinh khủng của truyền thống Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ trong bộ phim này nằm trọn vẹn trong hai người phụ nữ: Mẹ Umay và Rana. Mẹ Umay đã có cả cuộc đời trùm kín khăn. Bà đã từng ngồi trong phòng tắm hỏi tại sao cô bỏ đi khỏi nhà chồng. Bà chỉ bật khóc khi cô trần truồng bước ra khỏi nhà tắm với những vết lằn thâm tím trên lưng từ cuộc đánh đập của chồng. “Mẹ nói mẹ luôn ở bên con, phải không?” – Umay khóc nức nở như một con gà con bé bỏng tìm được vạt cánh của gà mẹ sau ngày trời mưa bão.
Nhưng cũng chính bà là người đầu tiên lạnh lùng tuyên bố từ bỏ cô trong buổi công viên đầy gió. Umay khóc nức nở, còn bà quay lưng bỏ đi trên những hàng cây rào rạt.
Sự giáo dục khép kín của gia đình đã thành công đến nỗi, Stipe, đứa em út của Umay, dù là thằng con trai mặc áo thun, cắt tóc, nghe headphone kiểu Tây, nằm ôm chị trong ngày gặp mặt, cũng trở thành kẻ tát thẳng vào mặt chị mình khi chị cầu xin được gặp lại gia đình.
Truyền thống ấy đã lên nòng cho khẩu súng mà Stipe cầm đến và chĩa vào chị ngay ở cổng bệnh viện. Tất cả những gì còn xót lại của kỉ niệm và tình chị em trong Stipe chỉ đáng giá vào lúc cậu quá sợ hãi, ném khẩu súng và bỏ chạy khỏi hiện trường tội ác.
Con dao của Mehmet nhuốm đầy máu cháu trai của mình cũng chỉ là hành vi cuối cùng, được nuôi trồng và vun đắp trong sự lạnh lùng của cha, mẹ, và truyền thống Hồi giáo của cộng đồng. Vì danh dự của gia đình, đứa con trai của Umay phải trở về với cha, hoặc phải chết.
Cuộc đâm chém chỉ là một kết thúc đi theo sự lựa chọn cuộc đời mà Umay theo đuổi. Dù có chạy đi xa bao nhiêu, có thoát khỏi sự kiềm tỏa bao nhiêu, sự yêu thương gia đình một cách bản năng của cô đã hóa thành con dao giết chết đứa con trai mà cô nhất mực bảo vệ.
Nhiều khán giả đã cười lên chế giễu khi Umay dắt con quay trở lại đám cưới em gái, lên sân khấu và phân bua cho con mình. Đó có thể là một hành vi kì lạ và dở người, dưới góc độ người xem. Nhưng hành vi đó lại cực kì hợp lí trong sự tuyệt vọng của cô gái Hồi giáo bị chối bỏ. Cô sợ con trai cô cũng sẽ bị chối bỏ, sợ người đàn ông bé nhỏ của cô cũng sẽ bị bôi nhọ bởi cái danh xưng “con điếm” mà cộng đồng sắm vai cho cô. Cô nói để phân bua, khóc để xin xỏ sự thừa nhận từ cộng đồng khép kín ấy của mình. Đó mới là hành vi hợp lí và tài tình nhất mà đạo diễn Feo Aladag có thể tưởng tượng được về cô gái Umay mình đã tạo ra. Tự do bao nhiêu cũng là không đủ, trái tim sinh ra ở nơi nào sẽ mang tính cách và linh hồn của nơi ấy.
Trong tác phẩm “Tuyết” của nhà văn Thổ Nhĩ Kì Orhan Pamuk, nhà thơ Ka đã sống ở Đức không biết bao nhiêu năm, với đầy đủ tri thức và sự tiếp cận với xã hội khác. Nhưng chỉ cần trở về Kars, đối mặt với quê hương của mình, trong tim ông lại dấy lên cả những sùng bái tôn giáo, sùng bái những chuẩn mực của dân tộc mình (cho dù đôi khi chuẩn mực đó rất man rợ và chính ông đã chối bỏ nó khi đến Đức).
Dòng máu dân tộc, tôn giáo và sự cực đoan ấy đã được vấy đầy lên trong bộ phim “Người dưng” này, theo cùng một cách đã khiến nhà thơ Ka mịt mù vùng vẫy trong thị trấn Kars với cảm xúc hỗn độn, sự sùng tín kì quặc và cả lí trí đầy tri thức.
Umay cũng vậy, cô bị giằng xé và thiêu hủy.
Khải Đơn
Bộ phim “Die Fremde” (Người dưng) của đạo diễn Feo Aladag được thực hiện năm 2010, nói về chủ đề giết người vì danh dự trong cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo ở Đức thông qua bi kịch cá nhân của từng người trong một gia đình nhỏ.
Bộ phim đạt được các giải thưởng: Giải của giới phê bình phim Đức 2011: quay phim, nữ diễn viên xuất sắc nhất, phim đầu tay xuất sắc nhất, cắt cảnh xuất sắc nhất, phim truyện xuất sắc nhất, kịch bản xuất sắc nhất.
Bộ phim vừa được trình chiếu tại rạp BHD trong liên hoan phim Đức tại TPHCM tuần đầu tháng 10 này.