Bài học đầu tiên về cái chết

Quyển truyện đầu tiên mẹ mua cho tôi – khi nhà tôi ở trong một khu dân cư giáp rừng – là quyển Đôrêmon, tập 14, “Con chó của Xuka”.

Xuka nói rằng “Con Pero sống với tớ từ lúc còn nhỏ xíu. Nó và tớ thương nhau lắm cơ. Lúc nào nó cũng quấn quýt bên tớ, đi đâu cũng có nhau… không rời nửa bước. Nhiều lần nó đã xả than bảo vệ cho tớ thoát khỏi nguy hiểm. Thế mà bây giờ nó bỏ tớ mà đi luôn rồi! Huhu…”

Bằng thuốc thần trị bách bệnh và cỗ máy thời gian, Đôrêmon và Nôbita đã cho Pero uống thuốc, để rồi chú chó vùng dậy từ chiếc hộp tội nghiệp, lại quấn quýt bên cô chủ như xưa.

Đó là câu chuyện buồn nhất và hạnh phúc nhất tôi đã đọc.  Tôi đọc hết cả bộ Đôrêmon, nhưng cứ nhớ hoài câu chuyện về cái chết từ truyện ngắn đó.

Con chó của XuKa
Con chó của XuKa

Sau này, trong nhiều mẩu chuyện các cô cậu bé đã rơi nước mắt khi gần như mất nhau. Nobita đã khuỵ gối xuống khóc khi biết Đôrêmon mãi mãi không quay về bên mình nữa. Nobita đã xúc động nằm bên bà ngoại khi biết chỉ một thời gian ngắn sau bà sẽ mất, mang theo cả ước mơ về sự trưởng thành của Nobita.

Tôi cũng lớn lên theo những câu chuyện ấy. Tôi học cách đón nhận cái chết trong cuộc sống ở rất gần mình mỗi ngày.

Tôi đã từng mất chú mèo đầu tiên tôi nuôi, nhìn chú mèo lớn bị người ta đánh bả chết, giãy đành đạch lên, nhìn tôi thảm thiết và rồi nhắm mắt nằm im. Tay tôi chạm vào mèo, thấy thân thể nó cứng đờ. Tôi đã ôm gối, lén lút quay lưng vào tường và khóc trong những năm 9-10 tuổi của mình. Khi ấy, tôi nhớ tới chú chó Pero và Xuka. Tôi ước gì mình được là Xuka, để được một phép màu cứu chú mèo bị đánh bả giãy quằn quại của mình sống lại.

Với một người lớn, tiếc một chú chó, chú mèo đã chết đôi khi là chuyện vớ vẩn. Nhưng với một đứa trẻ, chú mèo ấy có thể là một người bạn đã rất thân, người đã nghe rất nhiều tâm sự không biết nói cùng ai. Đón nhận cái chết của chúng thật không dễ dàng gì, nhất là nhiều khi nỗi buồn nghẹn lên bởi một lời nói vô ý tứ nào đó của người lớn xung quanh nhà: “Có con mèo chết cũng khóc um sùm, trẻ con vớ vẩn!”

Rồi tôi cũng học cách hiểu rằng cuộc sống không có quá nhiều phép màu. Nhưng mỗi khi nghĩ rằng mình được che chở bởi lời an ủi của mẹ, bởi truyện đôrêmon mẹ đọc cho mỗi ngày, tôi thấy cái chết hoàn toàn có thể thay đổi, khi mình nghĩ về nó đơn giản và bình yên hơn.

Tôi vẫn cứ ước hoài, ước hoài cảnh mình được trở về căn gác nhỏ nhà mình, nằm xuống ngủ và thấy chú mèo thân quen rúc vào vai, bên cạnh chiếc gối. Trong nhiều giấc mơ thuở ấy, tôi vẫn còn thấy Xuka chảy nước mắt reo mừng ôm chầm lấy Pero khi chú chó nhảy khỏi hộp và chạy về phía cô chủ. Tôi tỉnh dậy, thấy mình rơi nước mắt, tôi không có Đôrêmon ở bên cạnh để dành cho tôi phép màu nào cả.

Càng lớn lên, tôi càng hiểu cái chết là điều không cách gì đảo lại được. Nó là một tất yếu, là sự tự nhiên đầy đau khổ nào đó sẽ đến thăm ta vào một ngày bất thần nhất.

Khi tôi lần đầu tiên bước đi trong đám tang người bác mình yêu quý, tôi hiểu cảm giác mất mát và đối diện với cái chết nghĩa là gì. Tôi đã cười khi nhìn ra mảnh vườn, nhớ ra bác hồi đó hay bảo tôi, đọc cho bác nghe truyện “Con chó của Xuka” xem nào. Tôi đọc vanh vách, thực ra là chẳng biết chữ nào, chỉ vì nghe mẹ đọc cho nhiều lần quá mà thành ra nhớ hết câu từ.

Trong đám tang hôm ấy, tôi nhớ về tất cả câu chuyện Đôrêmon đã gắn liền với 22 năm tuổi trẻ của tôi. Đó là Con chó của xuka, là mỗi buổi chiều mẹ ngồi đọc cho tôi nghe, là khi bác say sưa khen cháu bác giỏi chưa biết đọc đã nhớ, là niềm vui đầu tiên khi tôi cầm trong tay bộ Đôrêmon mới tái bản lần 1, là niềm xốn xang chợt dâng lên khi nghĩ đến lúc Nobita nằm trên gối bà ngoại và rồi khóc nức nở tự hỏi sao bà lại bỏ cháu đi.

doremon32_886138500

Xin cảm ơn 20 năm yêu thương và trao gửi yêu thương, Đôrêmon ạ. Cảm ơn bạn đã dành cho tôi những tháng ngày mộng mơ nhất thế giới, khoái mê tơi cửa thần kì, tưởng tượng ra cả lâu đài làm bằng nước đóng viên, mê mẩn thế giới cá tôm dưới đáy biển, và nhất là biết để tim mình xúc động trước tình thương, xúc động vì những điều bé nhỏ, yêu thương những tạo vật gần gũi nhất trong ngày tháng mình lớn lên.

Cảm ơn hai bác tác giả, bác là người lớn thứ 2, cùng với mẹ cháu, không chế giễu và cợt nhả trước giọt nước mắt của cháu, khi con mèo đầu tiên của cháu bị những kẻ đánh bả làm nó chết ngay trong vòng tay cháu.

Cái chết lúc nào cũng thật đau buồn… nhưng đứa trẻ nào cũng cần học về nó như một niềm hi vọng, phải không bác?

Khải Đơn

(* Viết cho Tuổi Trẻ ngày)

Advertisement

2 bình luận về “Bài học đầu tiên về cái chết

Add yours

  1. Phép màu đôi khi vẫn tồn tại nhưng bằng một cách khác hơn, nó tồn tại trong sự hi vọng là suy nghĩ của mỗi người và chỉ xuất hiện khi ta tin tưởng dù có đang rơi xuống vực sâu.
    e đọc Doraemon từ năm lớp 1 và mãi đến giờ vẫn còn đọc, chú mèo máy màu xanh tròn tròn là động lực chính để e tiếp tục đeo đuổi ước mơ tưởng chừng như vô vọng của mình. Đọc bài này của bác, e thấy cảm động, ừm, thực ra thì e có đọc “chú chó của Shizuka” rồi nhưng e không nhận ra bài học này, cách nghĩ đơn thuần chỉ là tội cho Pero và mừng cho Shizuka….

    Cảm ơn bác về bài viết 🙂

    Bác cho e mượn bài này post lên một diễn đàn nhé? Cảm ơn bác trước (lần 2)
    Đây là link: http://www.vnsweetdream.com/

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: