Ông viện trưởng mê người trẻ Sài Gòn

Nếu bạn từng mê liên hoan phim Đức, mê những đêm nhạc Cracking Bamboo nồng nhiệt, những buổi đọc truyện hay chơi nhạc ở quán cafe do viện Goethe ở TPHCM tổ chức, hẳn bạn sẽ rất vui khi biết Paul Weinig – người đã dành suốt nhiều năm qua để si mê giới trẻ nghệ thuật ở Sài Gòn này.

Say mê khán giả

anh Nguyen The Son (2)

Tiến sĩ Paul Weinig làm viện trưởng viện Goethe tại TPHCM từ năm 2008, nơi ông còn rất xa lạ. Ông đã quen với Hà Nội từ năm 2002, quen với các nghệ sĩ ở Hà Nội, hơn nữa, còn kết hôn cả một cô gái người Hà Nội. Nhưng Sài Gòn là một nơi xa lạ và đầy mới mẻ mà ông bắt gặp.

“Nghệ sĩ ở Sài Gòn sinh sống và làm nghệ thuật khó khăn hơn. Ở HN, các thảo luận nghệ thuật diễn ra liên tục, còn ở đây nghệ sĩ chỉ làm việc riêng họ. Nhóm của họ rất nhỏ, làm việc với nhau trong hoàn cảnh nhỏ hẹp. Ngoài ra, ở đây, nghệ sĩ không có không gian, không có phòng trưng bày, studio để làm và trình diễn, hoặc phải thuê với giá rất đắt. Hầu hết hoạ sĩ không có nhiều tiền. Họ phải làm nghề khác để kiếm sống. Họ phát triển rất khó khăn.” – Ông tóm tắt về sự khác biệt của TPHCM,vùng đất sôi động mà ông đang cố để hiểu nó.

Paul có hàng trăm cách để hiểu Sài Gòn. Ông xuất hiện ở liên hoan phim Đức, đứng ở cửa, và mỉm cười chờ đợi bất cứ vị khán giả nào cầm chiếc vé miễn phí đi vào rạp. Ông xuất hiện ở cửa phòng hoà nhạc, đứng nhìn say sưa những con người đang xôn xao đi ra sau buổi biểu diễn nhạc jazz. Ông cầm ly rượu và đứng khiêm tốn trong quán cafe Himiko, nhìn nhạc sĩ Fuasi trình diễn kèn Saxophone và xem hoạ sĩ Nguyễn Sơn vẽ tranh.
Theo một cách nào đó, ông viện trưởng viện Goethe ở TPHCM bước vào đời sống nghệ thuật ở TPHCM rất tự nhiên và nhẹ nhàng.

IMG_7698

Nếu có ai đó hỏi Paul về một cuộc triển lãm, buổi trình diễn, ông có thể rành mạch chỉ ra vì sao nó đông người xem hoặc quá kén chọn. Ông rất hiểu những con người mà ông đang phục vụ.

“Có nơi đề nghị tôi tổ chức liên hoan phim Đức ở quận 7. Không được, nơi đó quá xa. Một người đi làm về nhà ở quận 2 sẽ không muốn đi đến quận 7, xem phim, rồi lại quay về.” – Vì thế liên hoan phim Đức 2012 được tổ chức ở rạp BHD, một nơi muốn trình chiếu và có vị trí khá gần cho nhiều người đi đến.

“Cactus là một phòng tranh có không gian rộng, và có cả máy điều hoà nhiệt độ. Ở đây, không thể trưng bày tác phẩm mà không có máy lạnh.” – Vậy là triển lãm “Nhà mặt phố” của hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn được tổ chức ở một phòng tranh đủ rộng và có… máy lạnh cho khán giả.
Paul hiểu khán giả của mình đến từng chi tiết. Sài Gòn là nơi ông không thể bắt người ta đi xa, chịu nóng hay kiên nhẫn chờ đợi. Vì thế, ông tìm một cách khác để đưa nghệ thuật đến với khán giả, theo cách thông minh và tiện lợi nhất. Ông muốn mọi người được tận hưởng.

nguyen the son (1)

Sau một buổi chiếu phim ở liên hoan phim Đức 2012, cả hai phòng chiếu phim đầy kín người xem, yên lặng và kiên nhẫn xem trọn vẹn những tác phẩm nghệ thuật đoạt giải và có nội dung hơi khó hiểu. Đó quả là một thành tựu mà Paul có thể tự hào. Những khán giả phổ thông bình thường sẽ leo ra khỏi ghế và bỏ về ngay nếu bộ phim quá khó hiểu và… quá chán với họ. Còn ở đây, 200 con người trong phòng chiếu yên lặng thưởng thức hết từng khoảnh khắc của tác phẩm và bắt đầu xôn xao hỏi nhau khi ra về. Đó là những khán giả rất trẻ – họ khiến Paul tự hào.

“Khán giả là người trẻ. Rất tuyệt.” – Paul mừng rỡ nói sau đêm hoà nhạc Cracking Bamboo lần thứ 3. Buổi trình diễn nhạc cụ gõ của 30 nghệ sĩ đến từ châu Á, châu Âu đã khiến khán giả lặng đi và thực sự thích thú. Đã 3 lần diễn ra ở Việt Nam, Cracking Bamboo luôn luôn đầy kín người xem. Nhưng thứ duy nhất Paul quan tâm, là có đến 50% là người trẻ tuổi, là sinh viên, học sinh đến xem và không hề bỏ về giữa chừng. Ông tự hào khi được là người chứng kiến khán giả trẻ đang dần trưởng thành.

Với một tiến sĩ Triết học, chủ trì hàng chục chương trình nghệ thuật của viện Goethe TPHCM suốt 4 năm qua, Paul đã thực sự tạo ra được kì tích của riêng mình theo cách như vậy.

“Trong một thành phố lớn thế này, đủ thứ vấn đề xã hội sẽ xảy ra bởi vì mọi người có quá nhiều tiền nhưng lại không biết làm gì. Khi có thời gian rảnh, họ chơi cờ bạc, nhậu nhẹt. Họ tham gia vào những hoạt động tệ nạn vì đã không thiết lập nên được gương mặt văn hoá của xã hội đó. Vì thế bạn phải đối mặt với rất nhiều loại tội ác, từ những người có nhiều tiền, có thời gian để tiêu phí vào những thứ vui và tội phạm. Đám trẻ sẽ làm gì? Chúng quá thiếu hoạt động vui chơi. Chúng tôi cố gắng đưa hoạt động nghệ thuật vào trường, làm chúng bận rộn, thế là chúng sẽ không trèo lên xe máy và đi đua bởi vì chúng có thể nghĩ quyển sách này hay, hoặc làm sao hiểu bức tranh đó. Khi bận rộn, chúng sẽ không lao vào tệ nạn nữa. Tôi đọc báo mỗi ngày và thấy những bạn trẻ VN nhập vào những đoàn đua xe hàng ngàn người. Cảnh sát phải xuất hiện. Chúng gây tai nạn, tiêu phí cuộc đời mình. Họ có tiền và sẽ mua ngay 1 chiếc motor rồi đi đua để chứng tỏ bản thân. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra, họ cần phải tiêu phí năng lượng trẻ và cả để trình diễn. Đó đơn giản là vì họ không biết làm gì. Có người muốn có thêm 1 chiếc xe nhanh hơn và lại đua để kiếm tiền.”

Paul Weinig

Đi tìm không gian cho nghệ sĩ Sài Gòn

“Tôi ở Berlin từ 1982 rồi quay lại đó năm 1993. Tôi đã được nhìn thấy những nghệ sĩ vẽ lên các bức tường, toà nhà đổ. Họ tập trung lại một chỗ và sáng tác ra những tác phẩm của riêng mình. Nhờ không gian nghệ thuật và tự do đó, giờ Berlin là trung tâm văn hoá, nghệ thuật của châu Âu.”
Paul nhớ lại tuổi trẻ của mình. Ở Sài Gòn, ông cũng đang thấy tuổi trẻ ấy lặp lại một lần nữa, trong cuộc sống chật vật, khó khăn và nhiều xoay trở của những hoạ sĩ trẻ.

Ông biết họ phải làm đủ nghề để kiếm sống, vẽ tranh và tự duy trì lòng yêu nghề của mình. Viện Goethe và ông dành những cơ hội có được cho tình yêu đó. “Họ có tác phẩm, chúng tôi sẽ hỗ trợ để được triển lãm.” – Nhờ sự nhiệt tình và cả mạng lưới nghệ sĩ mà Paul tự tìm ra suốt nhiều năm qua, nhiều triển lãm có chất lượng đều đặn hàng năm xuất hiện ở đâu đó giữa Sài Gòn. Ít người biết, sau những triển lãm đó là cuộc đi tìm, gặp gỡ, đối thoại và mến mộ của Paul với người nghệ sĩ Việt Nam.

Thỉnh thoảng, vào chủ nhật một tuần nào đó, thay vì ở nhà với con gái yêu 3 tuổi của mình, Paul lọ mọ vào viện Goethe ở cư xá Đô Thành, chuẩn bị một bài đọc sách cho những khán giả quen thuộc của mình.

Ông đọc một đoạn thật hay trong tác phẩm nổi tiếng “ Người đọc” cùng với một người Việt. Sau đó, ông giới thiệu về bộ phim và mời khán giả cùng ông xem bộ phim về tác phẩm đó. Cuối buổi trình chiếu, Paul giải thích, trả lời và đón nhận tất cả phản ứng của người đến xem. Trong những buổi như vậy, nhiều bạn sinh viên trẻ đã được hiểu hơn và thậm chí được tặng cả tác phẩm mang về nhà đọc.

paul_cracking bamboo

Hàng tháng, Paul tìm được cách hợp tác với IDECAF để chiếu 1 -2 phim Đức cho khán giả xem. Ông mô tả: “Phim ở IDECAF là phim vui. Ai cũng xem được, sinh viên, người già, trẻ con. Khán giả thích phim vui. Những phim nghệ thuật sẽ được chiếu ở liên hoan nhiều hơn, với các góc nhìn nghệ thuật khác hơn.” – Cứ thế, trong suốt cả năm, khán giả nào rất ít tiền như sinh viên vẫn có thể tìm ra vài nơi miễn phí, giá rẻ để có thể thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật mà họ say mê.

Để tìm ra một nơi thích hợp cho cuộc trình diễn của nghệ sĩ nào đó mà viện Goethe bảo trợ, Paul thường phải tốn rất nhiều công sức và đau đầu đi tìm không gian cho tác phẩm “sống” được.

Ông cười buồn: “Thứ thiếu thốn nhất ở TPHCM cho nghệ sĩ chính là không gian. Ở đây, không có nhiều phòng triển lãm đạt chuẩn. Với triển lãm của Nguyễn Thế Sơn, chúng tôi rất khó khăn mới tìm ra Cactus Gallery, một nơi đủ rộng cho các tác phẩm đồ sộ của Sơn. Nhưng Cactus sắp đóng cửa. Họ gặp khó khăn khi tìm cách duy trì phòng tranh đó. Mai mốt chẳng biết tìm đâu ra không gian nữa!”

Có hàng trăm thứ đáng buồn như vậy xảy ra khi ông làm viện trưởng Viện Goethe và tháng nào cũng có vài hoạt động nghệ thuật diễn ra. Ông có thể rất buồn vì sinh viên trường Mỹ Thuật thờ ơ và chẳng mặn mà gì với nghệ sĩ Christiane Baumgartner mà ông mời sang để dạy họ miễn phí 1 tuần. Ông có thể rất bối rối khi khán phòng của nhạc viện không có đủ ánh sáng đẹp tập trung cho nghệ sĩ piano trình diễn. Và khi một buổi chiếu ở liên hoan phim Đức đầy ắp khán giả, ông cúi mình: “Xin lỗi, phòng chiếu ở đây nhỏ quá, chúng tôi không đủ chỗ!”

Nhờ có viện Goethe và ông, đã có hơn 2000 lượt người đến xem trọn vẹn những bộ phim rất đẹp đoạt giải từ châu Âu mang sang.

Với Paul, điều hạnh phúc rất lớn, là khi thấy khán phòng nhạc viện ở TPHCM đầy những gương mặt trẻ trung, háo hức và chìm vào suy tư trong âm nhạc.

Ở đó, rồi sẽ có cả cô con gái nhỏ của ông, khi cô bé lớn lên và hoà mình vào thế giới của những người trẻ yêu nghệ thuật sau này…

Khải Đơn

Paul Weinig hiện là viện trưởng viện Goethe tại TPHCM, chuyên tổ chức thực hiện các chương trình văn hoá, nghệ thuật, các khoá học ngắn về nghệ thuật, âm nhạc, hội hoạ do viện Goethe tổ chức hoàn toàn miễn phí dành cho nghệ sĩ Việt Nam.Từ năm 2008 đến nay, viện Goethe đã tổ chức thành công 3 lần nhạc hội Cracking Bamboo nổi tiếng, nhiều lần liên hoan phim Đức, chiếu phim ở IDECAF  hàng tháng, các khoá học ngắn hàng năm cho sinh viên đại học Mỹ Thuật, Đại học Điện Ảnh trong khuôn khổ chương trình “Open Academy” của viện Goethe.Ngoài ra, các chương trình cỡ nhỏ khác tại viện Goethe như đọc sách, nghe nhạc ở quán cafe, triển lãm cũng thường xuyên diễn ra và quen thuộc với khán gỉa. Ở TPHCM, chỉ có Paul và 2 cộng sự khác tổ chức toàn bộ các công việc này cùng với sự hỗ trợ của viện ở Hà Nội. Paul luôn tìm ra cách nào đó để tiếp cận và cảm nhận, thấu hiểu được các hoạt động mà nghệ sĩ ở đây đang phát triển.

(Viết cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Advertisement

1 bình luận về “Ông viện trưởng mê người trẻ Sài Gòn

Add yours

  1. Cái đoạn đầu đúng quá chị, nếu từng tới viện Goethe, hoặc đi xem triển lãm, LHP, thể nào cũng để ý ông này, và thể nào cũng mê mẩn viện Goethe. Cảm ơn chị về bài viết <3.

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: