“Hãy đi tìm người nhạc sĩ già, người ca ngợi cỏ cây và biển của thành phố, ngắm nhìn chim chóc và quan sát ánh mặt trời từ lúc trên đỉnh cao đến khi dời gót xuống dòng nước lạnh” – ông bác viết vào trang cuối của quyển sổ nhỏ, trước khi thả tôi ra.
Tôi phấn khích đến mức đã khó khăn lắm mới nhắm mắt lại và ngủ được hết đêm cuối cùng, trước khi trèo lên chiếc xe đò để chu du thiên hạ.
Người lớn thường lo nghĩ khôn nguôi, nhất là khi bạn cao 1m50, đeo giày thể thao màu đỏ, mê áo thun màu vàng cốm và muốn trở thành nhạc sĩ hát rong. Mẹ tôi nói: “Con hãy mặc đồ màu xám hay màu đen, như thế con sẽ giống người xung quanh, sẽ không có gì nguy hiểm xảy ra!” – Ai mà quan tâm chứ? Tôi sẽ chu du khắp thiên hạ với sự sặc sỡ độc nhất này. Thật là tuyệt!
Tôi đã giấu đôi giày vào đáy balô để có thể mang nó theo.
Tôi hay mơ mình rời khỏi nhà, đi hát rong, để tóc dài thượt, uốn lọn thật cuồng nhiệt, ôm đàn và hát ở phương trời xa xa, và không nghe mẹ cằn nhằn nữa.
Nghệ sĩ là vô đối. Cuộc đời này sẽ trở nên ý nghĩa nhất trên cả ánh mặt trời nếu tôi có thể không vướng víu những lời cằn nhằn của mẹ và cả câu dặn ngớ ngẩn của ông bác.
– Con sẽ hát rong, đầy cảm hứng, và ngon cơm nhất hạng!
– Hát rong không thể làm bao tử con đầy được, chớ có suy nghĩ vớ vẩn thế!
– Bao tử đầy hay không là do con. Người hát rong thường được ban tặng những bữa ăn thịnh soạn bất ngờ!
Để rồi xem!
Mẹ hôn vào trán tôi, cười ngất ngưởng vẻ khinh bỉ cái ý hướng tuyệt cùng đó, và thò tay tắt cụp ngọn đèn ngủ. Tôi đành phải kéo chăn lên và mơ tiếp phần kiếm ra nhiều tiền trong chiếc nón hát.
Tôi nghĩ đời thế quả chán ngán không tả nổi. Tôi sẽ phởn phơ ca hát, phiêu lưu trần gian cho mẹ ở nhà sợ xanh mặt!
Thành phố ấy đón tôi bằng một chuyến xe đò cọc cạch y hệt một em gái tóc vàng hoe đang nhí nhố nhảy nhót trên đường.
– Ai muốn về biển hôm nay, về hát dưới nắng chiều và xe đò cọc cạch!!!!
Anh chàng lơ xe tóc đỏ khé hò hát như vậy trên cửa xe mỗi khi có một khách hàng tiềm năng nào đó đang đứng lớ ngớ dưới con đường bụi đỏ mịt mù.
– Thế cô nhóc về đâu?
Anh chàng nhe hàm răng vàng khè thuốc lá hất hàm hỏi. Tôi chìa quyển sổ ra.
Nhìn xuôi nhìn ngược giây lát, anh chàng nhíu mày, rồi bật tay đánh chách một cái:
– “Nhà nghỉ Cá Ngừ!” – bến cuối!
Rồi anh chàng ra phía đuôi xe, mơ màng nhìn ra cửa sổ và gác chân lên băng ghế trước mặt.
Nhà thờ làm bằng gạch đỏ hoàn toàn, màu đỏ loang vết ra cả bầu trời, tan vào ánh nắng, làm thành thứ ánh sáng sặc sỡ đối trọng với tầm nhìn ra xa, nơi người ta bắt gặp biển vờn vẽ dưới làn trời xanh thẳm. Cảnh tượng đó khiến người ta nghĩ về nơi tận cùng của trời đất, huyền vọng sinh ra, cuộc sống nảy nở và sắc màu được pha trộn từ đây.
Ông nhạc sĩ đứng trên đỉnh núi, bên hông nhà thờ, chơi đàn cho những vị khách du lịch mê thích màu đỏ của nhà thờ cổ. Thỉnh thoảng ông còn nhảy chân sáo trong tiếng đàn bập bềnh mơ hoặc. Cái gân cổ già nua cứ căng hẳn ra, đến nỗi đôi khi tôi cảm thấy nó rung lên dưới làn da nhăn nheo khó nhọc.
Khi ông ta dừng hát, ngửa cổ tu chai nước lọc với mồ hôi rịn trên trán, tôi chìa những dòng chữ của ông bác tôi ra cho ông ta xem.
– … “ngắm nhìn chim chóc và quan sát ánh mặt trời từ lúc trên đỉnh cao” – chà, nghe thật êm tai!
– Vâng, bác cháu bảo cháu phải đi tìm ông trên nhà thờ đỉnh đồi.
– Thế à, ông ấy có nói gì nữa ko?
– Sao ông có thể hát như thế chừng ấy năm trời?
– Nghề nghiệp. không hát thì ta đói.
– Cháu không tin, sao người ta có thể kiên trì mà hát với chừng ấy cảm xúc suốt chừng ấy tháng ngày?
– Thế à? Ta không để ý. Ta có một bể đầy cảm hứng giấu đâu đó gần đây.
– Thế ông dẫn cháu đi xem đi.
– Xa lắm.
– Không sao, ông đi được thì cháu cũng đi được.
– Thôi được, cô nhóc cứ chờ ở đây, khi ta kiếm đủ tiền cho bữa tối của các con ta thì ta sẽ dẫn cô đến.
Tôi gần như đã va đầu vào bức tường màu đỏ lúc mê mải ngồi chờ rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Khi ông ta kéo khóa hộp đàn và gọi tôi dậy, ánh nắng chiều đã rải xuống chừng đầy khắp mặt biển phía xa.
-
Đi nào. Cô muốn xem đấy nhé!
Ông dắt tôi rời khỏi đỉnh đồi. Màu của biển phai dần, rời khỏi tầm mắt, và lui hẳn khỏi khung của ánh nhìn.
Chúng tôi men theo sườn đồi, đi qua những cây dương cao lớn đang đong đưa, bước dần thấp xuống, qua 20 bậc lát những viên đá cẩu thả và nhiều cỏ dại, rẽ qua bên phải, lại đi xuống tiếp 10 bậc nữa. Như thể tôi đang đi xuống lòng đất.
Thốt nhiên, từ phía trước hiện ra cảnh của biển rõ ràng hơn bao giờ hết, như thể tôi đang đứng ngay một vách đá dựng áp mặt vào con sóng. Những cành cây khẳng khiu to lớn đan kết ngang dọc thành các mắt lưới hình chữ nhật. Tôi bị thôi miên bởi màu óng ánh của nắng mờ và sắc xanh của biển. Tôi đi sát gần lại, áp mắt qua song cây ngang dọc, nheo nheo bắt lấy màu lấp lánh.
Một lực đẩy bất thần từ đâu hất tôi rơi thẳng vào một cái hố. Mắt tôi chỉ còn ngang tầm của song sắt. Nước biển tung chút bọt mỏng tang vào mắt, cay xè. Tôi hoảng hốt ngẩng lên. Ông già đẩy một khung lưới gỗ từ đâu ập đến. Tôi như một con chim đã bị vây lấy bởi cánh cửa lồng.
– Hãy ăn cho no sóng biển và ánh mặt trời đi. Mày sẽ thấy bể cảm hứng của tao.
Ông già bỏ đi. Tiếng cười đắc thắng cưỡi lên sóng biển.
Tôi hoảng loạn lay những khung gỗ cứng đờ. Sóng biển đã hóa thành màu xanh xám ngoét, và mặt trời rời bỏ mặt nước.
Tôi đâu liên quan gì đến cảm hứng của ông ta? Tôi đâu phải kẻ thù hay đứa phá bĩnh? Chỉ là một đứa trẻ muốn hiểu về cảm hứng của một ca sĩ cơ mà?
– Lão già ấy chẳng có cảm hứng gì cả! Lão hát như tôi đang gân cổ lên đây thôi! Lão đã ném xuống đây hàng chục đứa cho chết rục vì tội dám hỏi lão về cảm hứng.
Cái giọng nói đang trả lời cho ý nghĩ hoảng loạn của tôi là một con chim có cái mỏ màu vàng to tướng, đậu ở trên một mô đá trước cửa lồng.
– Xong rồi lão sẽ móc mắt cô, ăn luôn khi nó còn tươi, như thể mắt cô đã thu hết ánh sáng và bóng tối của biển. Cảm hứng đấy!
Con chim lại có vẻ đang trả lời câu hỏi trong ý nghĩ của tôi.
– Tôi còn quá nhỏ. Tôi không thể chết! Vô lý.
– Có lý cả đấy! Các đứa nhỏ có cả một thế giới tưởng tượng, đấy là cái bẫy chết của chúng, để lão già ăn được cảm hứng của chúng.
– Nhưng tôi không liên quan gì tới lão già cả. Tôi không thể chết vì lão.
– Thế thì đập cánh đi. Như tôi. Cô có thể ra khỏi mắt lưới.
Tim tôi đập loạn xạ, mắt tôi đầy nước. Sao tôi có thể trở về với mẹ?
Tôi tuyệt vọng huơ huơ tay như con chim.
Người tôi nhẹ tênh dần. Song sắt to ra, to ra… Tay tôi bớt mỏi, cảm thấy nhẹ nhàng hơn sau mỗi đợt huơ tay.
Tôi tuột ra khỏi song sắt, rơi xuống làn sóng biển xám thẫm.
Rồi gió đẩy mình tôi lên.
Tôi hét lên với con chim:
– Giờ làm sao tôi có thể hạ cánh? Tôi cần phải về nhà!
– Muộn rồi! Giờ cô có đôi cánh và trở thành nô lệ của gió.
Tiếng con chim cười lên ha hả khi mặt trời tắt. Tôi đã mắc bẫy một lão già nhạc sĩ cũ mèm và huênh hoang. Giờ lại mắc bẫy thêm một con chim láu cá khôn lường.
Làm sao tôi về với mẹ?
Làm sao quay trở lại chiếc xe bus phương xa với anh chàng lơ xe hát vang?
…..
Tôi lơ mơ mở mắt. Giọt nắng chiều rưng rưng phản từ màu gạch đỏ nhà thờ bật vào mí mắt. Tôi đã ngủ gục bao lâu rồi?
Lão nhạc sĩ già vừa hết bài hát, quay qua hỏi:
– Cô có biết cảm hứng của tôi đến từ đâu không?
Khải Đơn
(* Truyện ngắn viết cho Thế Giới Gia Đình)
Reblogged this on Nước có chảy có trong!.
ThíchThích