Người bán kí ức ngọt ngào

(*bài cũ, post lại chơi)

35 năm qua, một ông già đi bán cả một miền kí ức ngọt ngào cho biết bao trẻ con người lớn ở thị xã Tây Ninh. Với cái nghề kẹo kéo rất phổ thông, ông Tư sống với nó bằng cả triết lí đời mình…

Bán kí ức ngọt ngào

ong-tu-1

Ông Tư (tên thật là Nguyễn Văn Đực) hồ hởi nói với đám trẻ bu quanh xe, giọng nói nhịp đều như một bài thơ: “Bắn súng vào vòng tròn, vào 1 vòng ăn 1 cây kẹo, 2 vòng 2 cây, 4 vòng thì được hẳn 5 cây ko tính tiền” – Chỉ nghĩ ra những trò chơi đơn giản ấy, ông đã đi quá nửa con dốc cuộc đời mình bằng cái nghề bán kẹo kéo đủ trò vui và cả nỗi lo cơm áo gia đình.

Người ở thị xã Tây Ninh, nhắc đến kẹo kéo thì nhớ ngay đến “ông Tư kẹo kéo”, mũ phớt, kính đen, quần áo chỉnh tề, đi cub bóng loáng, bán kẹo kéo mà nhìn rõ oai phong. Cô Thanh Vân, 49 tuổi, cả gia đình ở Tây Ninh từ thuở bé, kể lại: “Hồi thằng con trai còn chút xíu cô vẫn còn ăn kẹo của ông già. Giờ con trai cô 26 tuổi, ông già vẫn bán kẹo.” – Ông Tư kẹo kéo trở thành cả một miền kí ức từ cái thuở bọn trẻ thèm thuồng từng miếng đường ngọt đến ngày miếng ăn quá sung túc như bây giờ.

35 năm qua, thị xã Tây Ninh đã thay đổi đủ đường. Còn ông Tư kẹo kéo thì một mực trung thành với cái nghề của mình. Anh Quang Dũng, con cô Vân, giờ đi làm ở tận TPHCM, vẫn thỉnh thoảng về Tây Ninh đi tìm ông già kẹo kéo chỉ vì: “Kẹo của ông lúc nào cũng ngon. Cây kẹo lúc nào cũng to, đậu phộng giòn tan thơm phức. Cây kẹo còn có cả chỉ hồng thơm mùi bạc hà.” –Thỉnh thoảng có đứa trẻ như Dũng hỏi sao con nhớ hồi xưa ông Tư cao to lắm mà sao giờ thấp thế. Ông Tư chỉ cười, bởi vì tụi trẻ con đã lớn lên mà thôi.

Ông già tóc trắng như cước khéo như nghệ sĩ, kéo cây kẹo ra đều tăm tắp không cần nhìn, thẳng băng, vừa kéo vừa chào mời trêu ghẹo mấy cậu bé đang hớn hở bu quanh chiếc xe. Ông cười nhẹ bẫng như nắng: “Già rồi, đau mệt nhiều, nhưng đi xe, bán kẹo, nhìn tụi nhỏ thì khỏe hẳn, chẳng đau yếu gì nữa. Ngộ vậy đó. Cứ nghỉ ở nhà là tui ốm.”

Kẹo kéo của ông Tư đã nuôi niềm vui của vài ba thế hệ người lớn ở Tây Ninh bây giờ. Hàng ngày, ông vẫn ra cổng trường cấp hai, cấp một, trường mầm non khắp cả thị xã đứng chờ bọn trẻ tan học. Nhiều lúc ông kéo cây kẹo đưa vào tay đứa bé ở trường mẫu giáo. Cha đứa bé vừa đưa tiền vừa nhắc ông Tư: “Hồi xưa cha cũng ăn kẹo ông Tư, giờ con cũng ăn.” – rồi mỉm cười với ông, rồi ẵm con lên xe ra về. Nhiều lúc ông Tư ngẩn cả người ra vì cố nhớ xem “cái ông đó” là thằng nào ngày xưa chơi bắn súng bi ăn kẹo của mình.

Có lần, ông chở hai đứa con ra khỏi nhà, bị mấy anh công an bắt vì tội chở ba. Chưa kịp xin xỏ, lo lắng gì, mấy anh công an đã buột miệng: “Trời, ông Tư kẹo kéo kìa mày!” – Thế là cái gương mặt thằng bé hớn hở đợi chờ ông già kéo cây kẹo ngày xưa thoáng chốc vụt về ngay trong bộ quân phục nghiêm nghị. Mấy anh chàng dặn dò: “Lần sau ông Tư không được chở ba người nữa nha, ông ngồi 1 lát rồi tụi con cho ông đi.” – Ông Tư không bị phạt chỉ vì…bán kẹo kéo hồi xưa.

Không ít lần ông già bán kẹo đi qua những cơ quan, văn phòng rồi nhận ra cái anh chàng này, cô bé kia hồi xưa học cấp II, cấp III giờ đã trở thành thầy giáo, cán bộ bưu điện, cán bộ tỉnh. Trong vài khoảnh khắc chợt ngừng lại với nhau, ông Tư trở thành cái “giao điểm” để những người lớn giờ đã ẵm bồng con trẻ mường tượng lại kí ức ngọt ngào của mình từ thuở còn đứng chầu chực đợi cây kẹo nhồi đậu phộng ngọt ngay từ xe kẹo của ông kéo ra.

Đời, kẹo kéo, triết lí cho… trẻ con

Năm 1975, ông Tư hồi trai trẻ không biết làm nghề gì để sống. Một người anh cương quyết dạy nghề kẹo kéo cho ông rồi dắt ông đi đặt làm cái thùng xe kẹo kéo đầu tiên. Ông Tư nhớ lại: “Ngày đầu tiên đi bán,tui chỉ vái bán cho hết, lỗ cũng được. Mình thanh niên mà, bán ko được thì…xấu hổ lắm.” – Thế mà ngày đầu tiên cây kẹo kéo vừa làm ông kéo hết veo. Những năm ấy, ông Tư nuôi được cả gia đình bằng nghề kẹo kéo.  Chẳng ai nghĩ cái nghề nhỏ xíu ấy kiếm ra tiền nên ông Tư một mình một cõi, tha hồ chăm sóc khách hàng nhí của mình.

ong-tu-3

Từ những năm 80, 90, xe kẹo kéo ra nhiều không kể xiết. Ông Tư kể: “Có một cái quãng nhỏ xíu giữa chợ mà 5-6 xe kẹo đậu ở đó. Mình biết kiếm gì ăn.” – Rồi người bán kẹo cũng phải nghĩ ra đủ trò chơi, không thể chở thùng kẹo đi bán xuông như ngày trước. Người bán kẹo nghĩ ra trò chơi bắn súng với viên cao su vào lỗ trò gắn trên thùng kẹo, rồi chơi bắn bi trên bàn. Bọn trẻ bắn trúng nhiều thì ăn nhiều kẹo, trúng ít thì ít kẹo. Thời khó khăn chẳng có nhiều trò chơi, trẻ con người lớn gì cũng mê mải cái xe kẹo kéo đủ trò chơi. Kẹo kéo ông Tư bị cạnh tranh bởi hàng chục xe kẹo khác trên cái thị xã bé xíu chỉ có mấy con đường.

“Tui để ý bọn trẻ trúng nhiều là người ta kéo cây kẹo dài ra, bé đi, kéo thành nhiều cây vẫn có lời. Tui cứ kéo cây kẹo to như cũ, trúng bao nhiêu cây kéo y nguyên chừng đó cây cho tụi nhỏ. Tụi nó khoái nên lại chơi chỗ mình đông. Cỡ nào mình cũng đâu lỗ được, ăn gian với trẻ con ko bền đâu.” – Ông Tư nghĩ cách đối phó để khỏi mất khách. Cái trò chơi chỉ có cây súng nhỏ cũng được ông già nghĩ ra thành bắn súng một tay, bắn súng cự li xa gần. Hàng chục xe kẹo kéo cạnh tranh nhau, người ta bày ra cả trò bắn súng ăn tiền để lừa tụi trẻ con, gắn thêm đồ chơi lên xe rồi dụ đám nhỏ thích mê bỏ tiền vào. Ông Tư trầm ngâm: “Tui ko làm vậy được. Tui có trò chơi cho tụi nhỏ, nhưng chỉ ăn kẹo, ko ăn tiền, ko đồ chơi gì hết.” – Cứ như thế, khi xe kẹo này khác bỏ nghề dù có đủ trò, ông Tư vẫn kiếm sống rất khỏe với hai cây kẹo bán khoảng 4 ngày là hết veo. Xe kẹo của ông Tư không bao giờ có trò đỏ đen ăn thua từ ngày xưa lẫn bây giờ.

Xe kẹo của ông Tư từ hồi bao cấp đã nổi danh vì ông già xài cub bóng loáng, đội mũ phớt, đeo kiếng đen, đúng kiểu cao bồi trong phim hay có. Có lần xe kẹo nổi nhạc đi qua một ngã tư ở chợ Long Hoa, một bà mẹ tất tả chạy ra mua kẹo, hớt hải nói với ông: “Thằng con trai ốm hai ngày, nhất nhất ăn vạ không chịu ngồi dậy ra ngoài, cứ nằm ì trong phòng. Thế mà nghe xe kẹo tới bắt tui đi mua!” – Ông Tư cười sảng khoái khoe. Cứ được bọn trẻ nhớ là ông Tư sướng rơn như anh hùng được gắn mề-đay hồi xưa vậy.

Bán kẹo cạnh tranh, ông Tư phải nghĩ ra đủ trò lấy lòng khách hàng của mình. Có khi đến một xóm nào mới, gặp đứa nào bắn kẹo trúng nhiều, ông già khéo léo kéo cho thằng bé thành cây kẹo thật dài theo ý nó, có lúc dài như…cây kiếm. “Thằng nhỏ thích chí chạy từ đầu xóm tới cuối xóm khoe cây kẹo thì cả làng đã biết có ông Tư bán kẹo rồi. Mình quảng cáo luôn!”- Cứ thế, bọn trẻ quen dần rồi đến mua, đến chơi bắn súng ăn kẹo với ông. Cô Thanh Vân, đã hơn hai chục năm qua, vẫn còn nhớ chuyện xe kẹo ông Tư: “Thằng Lửa hàng xóm bắn được cây kẹo dài lắm nghen. Xe ông Tư tới đâu là bu đông kín xe tới đó.”

Trên xe kẹo của ông Tư lúc nào cũng có quyển sổ. “Có lúc mấy đứa nó bắn được nhiều kẹo quá, ăn ko hết, đem về nhà thì ba má la. Ông Tư ghi sổ vào, ngày khác gặp ông Tư cứ gọi lại, ông Tư kéo kẹo trả đủ cho.” – Cuốn sổ của ông Tư chi chít ghi tên mấy em học trò, trường nào, có khi trùng tên ông Tư thêm cả chỗ đứa nhỏ mua kẹo, trường nào, ông Tư “nợ” mấy cây kẹo. Mấy lần đầu lục sổ rối lên, cả ông bán kẹo lẫn đứa trẻ đều nản. Ông nghĩ ra cho mỗi đứa một số thứ tự, khi nào đòi kẹo thì đọc số ông Tư tìm trong sổ rồi trả đủ kẹo. Mấy chục năm đi bán, ông Tư khoe: “Giờ ở nhà tui xài hết hơn chục quyển sổ cỡ này rồi đấy!”

Ông Tư đi bán kẹo kéo hàng ngày, lúc nào cũng dặn lòng phải mua đường trắng ngon, đậu phộng tự rang ở nhà thật giòn thơm, cây kẹo làm phải thật sạch. Kẹo ngon trẻ con mới ăn. Cả đời bán kẹo, ông Tư tự hào khoe: “Không được ăn gian trẻ con thì nghề mới bền được.”

'Cậu bé' này đã ăn kẹo kéo của ông Tư từ lúc còn bé xíu!
‘Cậu bé’ này đã ăn kẹo kéo của ông Tư từ lúc còn bé xíu!

Có trăm nghìn thứ đã thay đổi từ cái ngày miếng kẹo ngọt còn là nỗi thèm thuồng xa xỉ với trẻ con. Bây giờ bọn trẻ bánh kẹo đầy nhà, ăn uống chẳng thiếu gì.Lạ lùng thay, cũng hai cây kẹo lớn như xưa, cũng đám trẻ xúm đen xúm đỏ quanh xe, ông Tư vẫn bán trong 3-4 ngày là hết kẹo. Ông già sống ngon lành với cái nghề rất thủ công và cũ kĩ ấy.

Bây giờ, ông vẫn đi bán ở tuổi 71 vì thèm nhìn tụi trẻ cười, thèm nhìn cái ánh mắt hăm hở đợi bàn tay “phù thủy” của ông kéo cây kẹo dài ra, kéo miếng kẹo chỉ tưa ra thành sợi ngọt lừng. Ở nhà nghỉ bán ông lại nhớ nhung, đau ốm. Ông nhớ mấy con đường, nhớ cái cổng trường giờ tan học, nhớ cả cái anh chàng ẵm đứa con mẫu giáo trả tiền kẹo cho ông y như ngày xưa anh ta bé xíu và cũng đi mua kẹo.

Ở Tây Ninh, hình như kí ức thành phố cũ đã kịp ghi lại một ông Tư kẹo kéo từ xửa xừa xưa vậy…

Khải Đơn

9 bình luận về “Người bán kí ức ngọt ngào

Add yours

  1. Cam on ban, Khai Don! Ban da viet mot bai that y nghia doi voi toi. Den tan hom nay toi va ba (ong tu) moi doc duoc bai viet cua ban, that am long!

    Thích

    1. 🙂 hihi. Ôi… thật tình cờ quá. Hum đó mình và anh bạn mình đến ăn kẹo ông Tư làm, ảnh nói, má ảnh cũng ăn kẹo của ông, ảnh cũng ăn từ nhỏ 😀 . Mà kẹo ngon thiệt., 🙂 Cảm ơn bạn và ba đã thik bài viết. Cho mình gửi lời cảm ơn đến ba của bạn nhé.

      Thích

  2. Nói đến ông tư thì những thế hệ 7x 8x và cả 9x ở cái đất thành phố tây ninh này không ai là không biết. Bài viết rất hay, nó gợi lại ký ức tuổi thơ ngày nào của tôi. Cảm ơn bạn và mong ông tư luôn khỏe mạnh để còn mang niềm vui tới cho những thế hệ tiếp theo nữa.

    Thích

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑