Đọc Murakami

Tôi rất thích ông Murakami.

Về thể loại không phải tiểu thuyết/truyện ngắn, tôi đã đọc Ngầm và “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”. Cả 2 quyển đều cho tôi một chân dung rất mạnh về kiểu người viết chuyên chú. Có lẽ Murakami là kẻ như vậy, viết như hoạt động tập chạy, ngày nào cũng phải làm, chán cũng phải tập, vượt qua những cơn đau hồi mới tập lại, tăng tốc…

haruki-murakami

Ngầm cho tôi cái nhìn về hành trình của ông, đi phỏng vấn, ngồi nghe, từ ngày này qua ngày khác, hỏi vài câu hỏi, nghe trong im lặng. Và 1 quyển sách thành hình. Đó là thể loại tôi thích nhất: phỏng vấn. Đó là cách Murakami làm. Nếu Levai Balázs cho tôi thấy tài của một phóng viên chuyên phỏng vấn kiểu nhà văn sừng sỏ thì Murakami cho thấy một kiểu người có thể ngồi lún vào chiếc ghế salon và nghe nhân vật của mình suốt ngày, suốt đêm, suốt tháng năm dài và những khoảnh khắc bé mọn. Nếu bạn là phóng viên, có thể bạn sẽ thích Ngầm. Đó là quyển sách – giống một tác phẩm báo chí – mà tôi rất thích.

Murakami không chỉ tên ai để nói về thảm họa do giáo phái Aum gây ra khi rải khí độc sarin xuống đường tàu điện ngầm Tokyo và gây ra cơn đau cho nước Nhật. Ông chỉ ngồi đó, nghe nạn nhân kể, rồi nghe kẻ gây án kể, nghe người qua đường kể, rồi lại nghe cả những đồng đạo của người gây án kể… Thế giới trôi qua giống một ngày thường nhật, được Murakami cắt ra từng miếng nhỏ, ghép lại thành 24 giờ của ngày thảm họa, nhưng là theo các vết cắt tự ông đi tìm ra bằng đôi mắt của ông.

Về tiểu thuyết, có một tấm ảnh trên Facebook từng mô tả Murakami rất ngộ nghĩnh: Mèo, vợ, biến mất, cô gái kì lạ, tai xinh đẹp, giếng cạn, bị theo dõi, nhạc jazz, mấy em teen cá tính, thế giới song song, tên lạ, Tokyo, nói chuyện với mèo, mèo tên cá….

murakami

Nếu một người đi tìm cốt truyện, hẳn họ sẽ rất chán ông. Thế này nhé, bạn gần như có chung 1 cốt truyện nếu tóm tắt tất cả các chuyện ông viết lại thành vài dòng.

Nhưng tôi nghĩ, thứ tôi tìm được ở Murakami là thế giới nhỏ nhỏ của mỗi người, có thể là cô gái Aomame trốn từ một giáo phái kì lạ ra hay anh chàng Tengo với người cha đi thu phí truyền hình đài NHK, có thể là “Tôi” chuyên làm nghề “xúc tuyết văn hóa” – viết mục ẩm thực, một chàng sinh viên hay một cậu bé tuổi teen.
Các thế giới đó bé và bình thường, nỗi sợ hãi bị cha dắt đi đòi tiền truyền hình như một ám ảnh, nỗi sợ phải chui xuống giếng cạn hoặc nấp trong chỗ tối và hẹp, nỗi sợ phải đi tìm cái gì đó cho chính mình mà bản thân mình còn không rõ.

Thứ rất thú vị ở từng tập truyện là hành trình nhân vật ấy đi, mỗi ngày lại nghe nhạc jazz, nói chuyện với mèo, gặp 1 cô gái đẹp, thích làm tình với cô ấy, nghe Bob Dylan hát như cậu bé xem mưa, hay đau đớn tột cùng với câu chuyện lột da sống tù binh Nhật, hoặc chỉ đơn giản là giết tay đánh bóng chày ấy bằng cách hắn đã giết lính Nhật.

Ở mỗi quyển truyện, đó là một chút môi, một chút nụ cười, một chút tóc, một chút dáng đi, tiếng nói và tinh thần của từng con người khác biệt được Murakami khắc họa. Đó là món quà lớn nhất ông có thể dành cho tôi khi cầm quyển sách lên – là được thấy rõ một con người đơn giản – với một đời sống đơn giản trầm dịu và hàng nghìn khoảnh khắc nào đó óng ánh lên một cách khác thường nhỏ nhoi.

Với 1Q84, Murakami lần đầu tiên đổi ngôi kể chuyện trong tiểu thuyết của mình. Tôi thấy câu chuyện ấy giống một tác phẩm nổi tiếng – có vẻ rất vần điệu – với 1984 nổi tiếng của George Orwell. Ở đó có 1 chàng trai và 1 cô gái, họ tìm cách chạy trốn, tìm cách tìm nhau, gặp nhau đâu đó, mất dấu nhau, nhưng phải bí mật dưới ánh nhìn đầy sức mạnh và u ám của bóng tối (ở đây là giáo phái Sakigake và Người Tí Hon, còn George Orwell là Anh Cả- thật là ngược nhau). Ở George Orwell, cuối cùng đôi người kia đã hóa thành máy móc, nhân vật chính quỵ ngã. Còn Murakami, sau 1 hành trình tự đào bới chính kí ức và ẩn ức của mình, đi cùng với sự dũng cảm của chính họ dành cho nhau, họ đã tìm thấy nhau, trong nhạc nền “It’s only a paper moon” cuối cùng…

Said it is only a paper moon

Sailing over a cardboard sea,

But it wouldn’t be make believe

If you believed in me.

Rất thú vị, đó đơn giản là các cuộc phiêu lưu, không nên tìm cách đòi ông phải sáng chế ra 1 cái tinh thần hay “bài học kinh nghiệm”lạ lùng cao vợi nào đó. Các cuộc phiêu lưu thường rất hay trên hành trình, kết thúc là hết rồi. Đôi khi kết thúc chẳng là gì cả, chỉ là “tôi” được thấy mình ở trong căn nhà cũ, ánh sáng chiếu xuyên qua và chú mèo vắt vẻo ngồi trên cửa sổ.

Truyện ngắn của Murakami lại là chuyện khác, nó rõ là thứ rất kool, giống đậu phộng rang giòn cho một chầu bia ngon mát lạnh.

Tôi thường đọc lại truyện ngắn của ông khi có 1 cái cửa sổ sáng trong veo kế bên để tựa vào.

Không biết có con mèo nào đi loanh quanh ngoài kia không nhỉ?

Khải Đơn

Advertisement

4 bình luận về “Đọc Murakami

Add yours

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: