Tây Ninh: Biên giới của… quà vặt

Chỉ gần 2 giờ chạy xe máy từ TPHCM đến Tây Ninh, hoặc 2 chuyến xe bus từ Bến Thành – Củ Chi, Củ Chi – Tây Ninh, bạn đã có thể bắt đầu chuyến khám phá thị xã biên giới nhỏ xíu này. Sẽ luôn có nhiều bất ngờ đang chờ bạn.

Thị xã nhỏ, biên giới xa

Không giống những thị trấn biên giới đầy vẻ hoang sơ, mịt mù khói bụi hay chông chênh với những khu chợ hàng lậu xô bồ, thị xã Tây Ninh lại giống như một cậu công tử hiền lành, dù cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát dẫn qua đất nước Campuchia bên kia chỉ cách đó vài chục km. Thị xã Tây Ninh rất nhiều cây, được vây bọc xung quanh bởi những khu vườn cao su với những chủ đồn điền mới nổi. Cây cao su còi cọc, nhưng tán lá xanh rì, đủ để làm dịu lại cái nắng biên giới trong cơn nực nội của người phương xa.

Nếu bạn đến Tây Ninh vào tháng 3, tháng 4 hàng năm (sát thời gian Tết của người Khmer bên kia biên giới), thì Tây Ninh đúng là chảo lửa của cả miền Đông Nam Bộ. Nắng rạc cả người, dù gió mát dịu dễ dàng đến bất cứ lúc nào trong ngày.

Người ta đến Tây Ninh hầu như đều vì 3 địa điểm nổi tiếng. Thế nên, nếu đã trót xách xe máy đến thăm thú xứ sở bé nhỏ này, bạn cần phải đi qua để hiểu những nét đậm đặc khác biệt nhất của thị xã biên giới này.

IMG_9143

Hãy đến Tòa thánh Cao Đài, nằm ngay huyện Hòa Thành, Tây Ninh, cách trung tâm thị xã chừng 4km. Tây Ninh chính là thánh địa khai sinh ra tôn giáo này tại Việt Nam vào năm 1927. Tòa thánh là một quần thể kiến trúc tôn giáo vô cùng khác biệt, thậm chí có phần lạ lẫm với người ít thích thú với chủ đề tôn giáo. Tây Ninh đặc biệt vì đã là quê hương của tôn giáo bản địa đặc biệt này. Đền thờ của người Cao Đài luôn có một con mắt lớn ở giữa điện thờ. Tín đồ trân trọng tất cả những vị thần, Phật, thánh của các tôn giáo khác. Cộng đồng giáo dân Cao Đài ở đây được tổ chức rất tốt, họ có cả những hội đoàn lo việc tang ma, xe cấp cứu miễn phí và gìn giữ nhiều truyền thống rất riêng biệt so với cư dân khác tôn giáo xung quanh.

Tòa thánh Cao Đài là một quần thể đền thờ, nhà lễ, Điện thờ Mẫu, xưởng làm nhang… Đây cũng là thánh địa lớn nhất của người theo đạo Cao Đài cả nước. Nếu đến tham quan, bạn có thể lái xe máy vào tận khuôn viên của Tòa thánh, nhưng hãy tôn trọng kỉ luật của đền Thánh, đi đúng cửa dành cho nam, nữ và bỏ dép, giữ gìn trật tự trong điện.

Sẽ hiếm có nơi nào ở Việt Nam, quần thể kiến trúc tôn giáo lại đậm nét, còn giữ nguyên nhiều khu đền thờ từ thời xưa với những nét chạm khắc, tượng hình đặc biệt. Những cuộc hành lễ của tín đồ vẫn được diễn ra một cách yên bình, tĩnh lặng  như một phần hơi thở của chốn tôn nghiêm này.

Sau khi rời Tòa Thánh, bạn có thể đi thêm 11km nữa để đến núi Bà Đen. Tây Ninh quả là vùng đất có địa hình rất độc đáo và hiếm hoi ở miền Đông Nam Bộ. Ngọn núi Bà Đen như một khối tam giác khổng lồ bằng đá nhô lên từ vùng đồng bằng phẳng xanh ngắt kéo dài tít tắp. Núi Bà Đen cao 996m và là nơi rất thú vị cho những nhóm bạn trẻ thích đi bộ từ chân núi lên, để có thể nhìn thấy vẻ đẹp của đồng bằng bên dưới chân núi.

DSC_1447

Nhiều nhóm dã ngoại mất khoảng 2 giờ để leo đến đỉnh núi, nghỉ ngơi và đi xuống núi chừng 1 giờ. Tuy nhiên, núi có địa hình là các khối đá lớn, khi đi người du lịch cần cẩn thận bước chân, cẩn thận ở những đoạn cheo leo bất ngờ. Càng lên cao, bạn sẽ càng thấy cánh đồng phẳng băng bên dưới đang được chia ra thành các ô ca-rô nhiều màu sắc. Rất thú vị.

Nếu bạn quá lười phải đi bộ, cáp treo và máng trượt ở núi Bà Đen đều có sẵn cho người muốn chiêm ngưỡng đỉnh núi. Tuy nhiên, hành trình đi bộ lên đỉnh núi từ một góc khác của quả núi cũng là một chuyến trekking mà bạn nên thử nếu hoạt động cùng nhóm bạn.

Cư dân địa phương và các vùng xung quanh lại thích đến núi Bà Đen để đi lễ chùa ở chân núi và lưng chừng núi vì tin rằng Đền thờ Bà rất linh thiêng và đem lại điều tốt lành cho cuộc sống của họ.

Biên giới Mộc Bài hay cửa khẩu Xa Mát là 2 địa danh rất quen thuộc với những tay phượt ra vào Campuchia từ miền Nam Việt Nam. Mộc Bài từng là cửa khẩu thương mại rất lớn, tập trung nhiều siêu thị miễn thuế và cả… sòng bài ở bên kia biên giới. Người muốn đến Phnom Penh hầu hết đều đi qua cửa khẩu này để đến Phnom Penh trong vòng 4 giờ đồng hồ xe bus. Nếu bạn lái xe máy, con đường từ Mộc Bài đến Campuchia vô cùng đơn giản và thuận lợi.

…. xứ xở của quà vặt

Những người mê ăn lại tìm thấy Tây Ninh ở một vẻ đẹp rất khác. Đây là xứ sở thực sự của nhiều món quà vặt ít ai ngờ tới.

Nếu người ta quá quen thuộc với bánh tráng trộn ở Sài Gòn, muối tôm chấm trái cây thì chắc chắn sẽ tìm được những loại bánh tráng ngon nhất và những “chiêu” tìm muối tôm đặc biệt nhất ở thị xã nhỏ này. Khí hậu cực kì nóng và khô đã tạo điều kiện cho nghề làm bánh tráng ở tỉnh này phát triển từ xưa. Người nghèo ở Tây Ninh ngày trước chỉ cần xấp bánh tráng nhúng nước hoặc phơi sương, cuốn với rau lá hay búp cây trong vườn, ăn với muối tôm cũng no được cả bữa.

Bây giờ cuộc sống đầy đủ, người khách phương xa vẫn đi tìm món bánh tráng Trảng Bàng cuốn thịt luộc để ăn thử trên xứ sở này. Rau cuốn bánh tráng là đọt xoài non, rau sà lách, rau tía tô, lá cóc… và cả chục loại rau cỏ xanh mướt khác. Miếng thịt luộc mỏng tang cuộn vào cả biển rau xanh và tròn gọn trong màu bánh tráng trắng đục, chấm với nước mắm làm thật ngon, thế là thành đặc sản, đâu đâu cũng mê.

Người Trảng Bàng làm bánh tráng khắp nơi, từ nhà nhỏ đến xưởng lớn. Bánh tráng cũng trăm hình vạn trạng. Bánh tráng khô xếp từng xấp để người ta nhúng nước cuốn gỏi cuốn ăn. Bánh tráng phơi sương mềm dẻo ăn ngay với thịt luộc rau xanh. Bánh tráng tráng với con tép khô đỏ au cho đứa con gái thèm ăn vặt nhai nhóp nhép cả ngày.

IMG_9193

Cũng từ đó, ở cổng những ngôi trường, người bán quà vặt và đám học trò chế ra bánh tráng trộn, là bánh tráng ngon, trộn với xoài xanh, muối tôm, ớt sa tế, tép khô với quả trứng cút bóp vụn, thế là thành món ăn vặt mê tơi vừa ăn vừa rớt nước miếng vì thèm. Chẳng mấy chốc, món bánh tráng trộn “vô đối” đó nhập xứ Sài Gòn, biến ảo bao nhiêu kiểu cho lũ học trò thích quà vặt. Nhưng người Tây Ninh ăn bánh tráng trộn vẫn là tinh tế nhất,  bởi rành rẽ cách chọn muối tôm ngon, biết kiếm loại bánh tráng tráng đều tay, trong veo, mềm dẻo và thơm mùi gạo.

Người ta cũng thường đùa, Tây Ninh là xứ không có tí tẹo biển nào, nhưng có cả muối, có cả tôm, gọi là muối tôm. Muối tôm xuất phát từ những bà má ngày xưa rang muối với tôm, gửi cho chồng ở trong rừng đánh giặc, chỉ cần nấu nồi cơm lên là có ngay cả bữa ngon lành. Giờ muối tôm là món khoái khẩu trăm hình vạn kiểu chỗ nhiều muối cho người thích ăn mặn, loại nhiều tôm cho người khoái tôm, loại nhạt và ngon để ăn với bánh tráng, mặn và thật mịn để chấm trái cây tươi. Cứ đến xứ sở này, người ta phải hoa mắt vì nhìn hàng trăm loại muối tôm và chọn cho mình đúng loại bánh tráng ưa thích. Thật không còn gì bằng món quà vặt “khô khan” ăn rồi nhớ hoài đó.

IMG_9064

Đến Trảng Bàng, Tây Ninh (bạn chắc chắn phải đi qua đây nếu đi từ TPHCM), hãy tìm một quán bánh canh thật ngon, ăn thử bánh canh giò heo của người Trảng Bàng. Nước dùng ngọt vị xương giò heo, bánh canh đơn giản, nhưng ăn rồi cũng muốn ăn hoài. Ở ngay đường Đặng Văn Trước vào Trảng Bàng, có quán bánh canh Tư Pull bé xíu, bán từ mấy chục năm nay, tô bánh canh đuôi heo nổi tiếng lúc nào cũng ngon lành, hơn hẳn đám nhà hàng quán xá đã ra đời xô bồ sau này để “bẫy” khách du lịch. Đó chắc là tô bánh canh đuôi heo, giò heo nhớ đời nhất mà người đến Tây Ninh có thể thử ăn cho biết, dù rằng món ấy chẳng cao lương mĩ vị gì lắm.

Phải no bụng rồi mới gọi là đã đến Tây Ninh, ngắm biên giới và nhìn núi Bà Đen cao cao giữa đồng bằng xanh ngắt….

Khải Đơn

Ăn/chơi ở Tây Ninh:

Đến Tây Ninh:

Từ TPHCM, bạn chỉ cần đón xe bus từ Bến Thành đến bến xe Củ Chi, thêm 1 chuyến nữa từ Củ Chi đến Tây Ninh, chừng 2 giờ là bạn đã đến Tây Ninh. Nếu đi xe máy, bạn chỉ mất khoảng 2 giờ, hơn 90km, đi trên quốc lộ 22 từ ngã tư An Sương, Quận 12.

Ăn/chơi:

IMG_9089

–         Quán bánh canh gà 132, đường Nguyễn Thái Học, là quán bánh canh đã bán hơn 50 năm ở thị xã Tây Ninh. Mấy năm gần đây, do giá cả tăng quá nhanh, giá 1 tô bánh canh ở đây đã là…10.000đ, trước đó chỉ  5-6000đ là bạn đã có 1 tô bánh canh có cả thịt gà, nấu đúng kiểu từ lâu thường ăn của người Tây Ninh. Chủ quán cũng là bà cụ đã rất già, biết rất nhiều về thị xã từ xưa.

IMG_9071

IMG_9180

–         Quán cafe Một Cõi Đi Về: cứ hỏi xe ôm người ta sẽ chỉ cho bạn. Quán không có địa chỉ, chỉ nằm trên một con đường đất đỏ ở Hiệp Định, Hiệp Tân, Hòa Thành, Tây Ninh. Quán là nơi tập trung của người mê nhạc xưa, mê sách vở. Ông chủ sưu tầm những chiếc máy nghe nhạc Akai có tuổi đời hơn 50 tuổi, với những chiếc băng cối giọng hát thời hơn 50 năm trước, sẵn sàng bật cho bạn nghe trong  những chiếc loa cực xịn. Chủ quán mê nhạc, pha cafe ngon và có một ngôi nhà tuyệt đẹp làm quán cafe. Ông bán cafe gần 20 năm ở Tây Ninh.

–         Muối tôm Như Ý: là 1 cửa hàng nhỏ, bà chủ là người làm muối tôm cho chồng ăn trong vùng kháng chiến mấy chục năm trước. Muối tôm ở đây không phải vị ngon nhất, nhưng  bà chủ làm rất kĩ, sạch sẽ theo kiểu người già. Muối tôm ở đây có loại chuyên dùng để ăn bánh tráng, vị khá ngon. Bạn có thể mua được trên đường Cách Mạng Tháng Tám, số 409.

IMG_9196

–         “Thiên đường” bánh tráng trộn: Là hơn chục cửa hàng nằm trước trường THCS Thị trấn Gò Dầu, Nội Ô, thị trấn Gò Dầu. Ở đây bạn có thể tìm thấy hàng chục kiểu bánh tráng trộn khác nhau, bánh tráng muối me, bánh tráng mắm me, bánh tráng trộn xoài, bánh tráng cuốn trứng cút, bánh tráng tôm…. của chính những bà chủ bán quà vặt ở đây “chế” ra phục vụ trò ăn vặt của lũ học sinh nhỏ. Gần 20 tồn tại ở đây, nhiều tiệm bánh tráng đã nổi tiếng với những món bánh nêm rất ngon và dễ ăn của mình. Sẽ rất thú vị nếu bạn đi từ cửa hàng này sang cửa hàng khác và thử ăn từng loại một. Bánh tráng và muối tôm ở đây luôn rất mới, nhiều loại và sạch sẽ.

 (Cảm ơn anh Dũng đã dắt em đi viết bài này)

 

5 bình luận về “Tây Ninh: Biên giới của… quà vặt

Add yours

  1. chời, nhà tui gần cửa số 4 tòa thánh đấy, hehehe. Dân TN gọi Toa thánh là chùa ko à 🙂
    ở TN quán cafe nhiều như quỷ. Quán 1 cõi đi về ko fai dẹp rồi sao ta?

    Thích

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑