Sẽ rất uổng nếu bạn bỏ quên mất Pleiku khi nghĩ về cao nguyên trung phần. Đà Lạt lãng mạn, Buôn Mê Thuột đất đỏ. Kon Tum tĩnh lặng. Còn Pleiku “má đỏ môi hồng” như nhà thơ Vũ Hữu Định từng viết.
Mùa dã quỳ trên Biển Hồ
Nếu bạn chỉ từng đến Đà Lạt và vội vã nói Pleiku chẳng khác gì, cũng dã quỳ, cũng đồi thông, bạn đã bỏ lỡ mất một màu sắc khác của thành phố núi này. Pleiku là phố núi, nhưng không lạnh ngắt buồn tênh, không mơ màng trong vần thơ. Núi là núi. Và cuộc sống gay gắt như chốn xưa còn ngập rừng.
Người sống ở Pleiku từ nhỏ kể, từ sáng sớm đến tận giữa trưa, thành phố tắm trong sương mù. Người đi từ xa chẳng cách gì nhìn rõ mặt nhau, nhân ảnh chỉ phảng phất vừa đủ. Nhưng đó là ngày xưa, giờ muốn thấy cái cảnh sắc với mùi sương mù đó, người du lịch phải đi xa khỏi thành phố mấy chục km, để mà tắm sương mù với… rẫy cafe thì may ra bắt được cảm giác đó. Phố núi không còn sương mù vì biết bao nhà lầu, xe cộ đã mọc lên suốt mấy chục năm qua.
Sẽ chẳng vui vẻ gì nếu bạn muốn đi bộ mà ngắm nhìn thành phố Pleiku. Đó chỉ là những khối nhà xếp sát vào nhau, với bê tông cốt thép và những cấu kiện thô bạo của loài người.
Nhưng Pleiku ở ven rìa khối thành phố ấy lại khác, một thế giới khác, và bạn cần xe máy để lang thang.
Nhiều xóm làng dân tộc ở ven thành phố vẫn phơi rạ ra giữa đường mùa thu hoạch, vẫn tuốt lúa với chiếc máy xình xịch, vẫn trắng tươm nở hoa cafe trên con đường hút ngàn xanh rì. Những đứa bé dân tộc chạy nhanh thật nhanh về nhà, trên tay còn cầm theo những quả bắp vừa được người lớn cho. Nắng nỏ bao nhiêu thì rạ thơm bấy nhiêu. Giữa lưng chừng núi, người đi xa có thể lấy cả lúa dưới thung lũng, cả cafe ngộp lưng núi, cả những trụ tiêu vươn cao lên bất thần đến ngột ngạt.
Hoa dã quỳ ở Pleiku ướp cả màu của nắng rực, cả hơi mềm của sương mù, tạo thành những quả đồi dã quỳ vàng rực như lễ hội nhỏ. Nếu đến đây đúng tháng 11, 12, đúng mùa hoa nở, người đi xa có thể nghe tình yêu leng keng rung lên trong đáy lòng mình, như chiếc phong linh vô tình hút phải gió núi rừng.
Mùa tháng Năm, hoa ở Pleiku là loài hoa dại màu trắng tinh, mọc tung bay trên khắp các con đường, ruộng rẫy, khắp ven suối, lưng đồi. Hoa dại bé li ti nhưng hàng nghìn cũng thành đẹp mê hồn không chịu nổi.
Người đến Pleiku ai cũng ghé qua Biển Hồ, nhìn một chút cái hồ nước nằm nghiêng dưới đồi thông thẳng thắp, nghe thấy hơi lạnh luồn vào áo thì ra về. Ít ai còn biết, chỉ cần đi tiếp trên đường quốc lộ chừng 15km nữa, đến nhà máy Chè Biển Hồ, rẽ vào hẻm bên tay phải (hướng lên Kon Tum) là đến được Biển Hồ Trà, một cánh đồng chè thẳng thắp xanh thê thiết dưới nắng chiều và hàng cây thông hàng chục năm tuổi thẳng tắp như bất cứ con đường xinh đẹp nào người ta có thể thấy trên phim ảnh phương Tây. Đó là cấu hình của điều lãng mạn trong tình yêu của em “má đỏ môi hồng” trên núi sương mù và cánh đồng chè buổi chiều dịu tàn trong hoàng hôn.
Nếu đi chơi Pleiku, hãy là một tay du lịch bụi, xách balô, mặc áo kín cổ, lái xe máy và đi đến những huyện thật xa, đi vào những con đường núi hiểm trở, để bắt gặp cuộc sống bên mái nhà rông, nhìn những chiếc máy cày chở đầy rơm rạ mùa thu hoạch, hay so cái sắc đỏ gay gắt của đất rừng với màu xanh lá cafe đang độ tươi thắm.
Chỉ cần đến Pleiku từ tháng Tư đến cuối năm, bạn đã luôn phải sẵn sàng mang theo áo mưa, sẵn sàng thấy bầu trời tối sầm lại từ quãng 2 giờ trưa và mưa rả rích đến tận đêm khuya lạnh giá. Có những ngày, thành phố này chìm trong mưa phùn, chìm trong màu xám ngột ngạt, chân ướt đẫm bùn đỏ và người đi trên phố lầm lũi câm lặng với sự ướt át như từ chiếc nón trời ụp xuống.
Nhưng vào lúc ấy, hãy nhớ đến khói cafe bốc lên trong tách nhỏ đậm đà…
Cafe thơm và những kẻ mê ăn
Có hai thứ người ta thường nhắc đến Pleiku, đó là cafe và phở khô Gia Lai.
Ở Pleiku, sẽ rất thú vị nếu bạn dành nhiều thời gian để đi tìm quán cafe. Dù trong một quán rất lớn, hay một quán cafe nhỏ xíu ven đường, nơi hiên quán bên hồ nước ở đập Đức An trong thành phố, bạn sẽ luôn là người may mắn tìm được ly cafe êm dịu, thật thơm nhưng uống rất tỉnh trong tiết trời lạnh lẽo. Là một trong những nơi trồng cafe rất lớn ở Tây Nguyên, người Pleiku cũng rất khó tính khi uống cafe, cũng muốn cafe thật ngon và thực ra… họ rất sành sỏi để chọn được quán pha như ý mình muốn. Ở Pleiku, cafe không chỉ là một cuộc trò chuyện, đó là những người uống thực sự.
Chiều mưa dai dẳng, bầu trời mù tối, cành dã quỳ mỏng manh rung rinh trong gió, quả thông khô lăn lóc trên vỉa hè dễ dàng kết tinh thành vài khung kí ức nhỏ trong lòng bạn nếu đến Pleiku. Rồi từ đó, cạnh một ly cafe nóng thơm bay lên trong cơn gió quất mình ngang qua hồ Đức An và mưa bụi, bạn có thể sẽ nhận ra Pleiku cũng không đến nỗi xô bồ lắm, không đến nỗi hung hăng và thô bạo lắm. Pleiku chỉ là phố nhỏ, chỉ có em ngang qua phố, “mềm như mây chiều trông”.
Những người mê cafe có thể dành nhiều ngày để đi vào các rẫy dân tộc bên ngoài thành phố, đơn giản hơn là đến khu làng dân tộc Plei Ốp, với những rẫy cafe dàn hàng tuôn từ đỉnh đồi xuống chân, mua những hạt cafe thô chưa rang xay, về nhà trổ tài tự chế biến lấy món cafe vừa với miệng và vị yêu thích của mình.
Với món ăn, những người miền Bắc và miền Trung di cư vào phố núi này từ năm 1954 đã quen thuộc với món phở khô Gia Lai, mùi vị được nêm nếm theo vị người Bắc quen ăn. Dân Sài Gòn lần đầu ăn sẽ ngay lập tức nói “hủ tiếu gõ khô chớ gì!” – nhưng bạn đừng nhầm vội như thế.
Phở khô Gia Lai là món ăn sáng được bán ở rất nhiều nơi trong thành phố này, với những tay “gạo cội” nấu phở hàng chục năm với nước dùng ngọt lịm làm xiêu đổ bất cứ kẻ ăn khó tính nào.
Chỉ là món ăn sáng, với một tô phở khô trụng sẵn được nêm gia vị, có gà hoặc bò/heo, và một tô nước dùng tách riêng, người dân Pleiku rất thích dùng món ăn này vào bữa sáng. Và bất cứ người khách nào khi đến Pleiku cũng nên đến ăn sáng thử ở phở khô gà Ngọc Linh (đường Phan Bội Châu), phở khô bò Hồng (đường Nguyễn Văn Trỗi), phở khô heo & bò Hạnh (đường Nguyễn Đình Chiểu)… Có những gia đình đã bán phở khô ở thành phố này hàng chục năm trời, chỉ với một món và một vị duy nhất không thay đổi. Trong những buổi sáng cuối tuần, người địa phương vẫn tụ tập trong những quán phở khô sớm, ăn xong lại vội ra góc phố làm ly cafe, thật nhanh gọn trước khi nắng lên quá gắt hoặc cơn mưa chiều thình lình đổ ập xuống.
Ở thành phố cao nguyên hơi xô bồ này, bạn cần phải chậm rãi hoặc… thô bạo hệt như nó, chậm thật chậm để nhìn thấy sự lãng mạn đã bị lãng quên như làn sương mù quá khứ hoặc nhanh thật nhanh lái xe rời khỏi thành phố, để đi tìm núi, tìm con đường thông reo, tìm Biển Hồ, tìm cánh đồng chè và những buổi cafe mưa buồn không dứt. Nơi này cần những người đi biết cảm thông và tinh tế chia sẻ với nó những ngày hoang vu cuối cùng của núi cao, khi những cánh rừng hoang vu xưa kia đã dần hóa thành đồi cây buồn bã…
Chỉ còn dã quỳ…
Chỉ còn em, Pleiku má đỏ môi hồng (*)…
Khải Đơn
Ăn/ chơi ở Pleiku:
Đi xe khách từ TPHCM đến Pleiku, giá vé xe từ 250.000đ-270.000đ, có các chuyến từ 18 giờ đến 19 giờ, đi đến sáng hôm sau là đến nơi. Bạn ngủ trên xe và có thể bắt đầu vui chơi ở thành phố ngay khi đến.
Ăn:
Đặc sản của Pleiku là phở khô Gia Lai, bạn có thể tìm thấy nhiều quán phở khô nổi tiếng như phở khô Hồng (đường Nguyễn Văn Trỗi), phở khô gà Ngọc Linh (đường Phan Bội Châu), phở khô Hạnh… cứ hỏi xe ôm là biết đường đến. Ngoài ra, bún riêu cũng là món được nấu khá ngon ở những quán như bún riêu Chi (đường Phan Đình Phùng), bún riêu 354 Hùng Vương…
Cafe: Bạn có thể uống ở bất cứ quán cafe nào để thử sự khác nhau giữa các quán. Cafe ở đây thường nặng, dễ gây say nếu bạn không phải người uống cafe nhiều. Nếu muốn nhìn mưa và hồ nước, cafe Hạ Vàng ở đập Đức An có chỗ ngồi rất đẹp, nhưng thức uống không ngon lắm. Cafe Hoàng Hà trên đường Nguyễn Văn Trỗi dễ uống, cafe Gu ở Hoàng Hoa Thám ngon và cô chủ biết làm nhìu hình vui vẻ với cappuccino
Đi chơi:
Biển Hồ: là một hồ nước rất rộng, nằm cách thành phố Pleiku chừng 8km. trên đường đến là các con đường và đồi thông rất lãng mạn.
Biển Hồ Trà: là cánh đồng trà phía bên kia của Biển Hồ. Đi từ Quốc lộ 14, rời khỏi Pleiku, đi theo hướng lên Kon Tum chừng 15km, rẽ vào nhà máy Chè Biển Hồ, hỏi người địa phương, bạn sẽ đến được những cánh đồng chè mênh mông và con đường có những hàng thông khổng lồ rất đẹp.
Làng Plei Ốp: Đây chỉ là nơi bạn nên ghé nếu không có nhiều thời gian. Đây là 1 làng dân tộc được xây dựng lại ở đầu làng để đón khách du lịch. Có một nhà rông xây đẹp, nhưng không có không khí thật sự của đời sống cư dân địa phương. Nếu muốn gần hơn với đời sống người dân tộc, bạn chỉ cần đi thêm vài km, đến các rẫy cafe và đồng lúa, nơi họ đang sinh sống và lao động. Ở các huyện xung quanh Pleiku có rất nhiều làng như vậy, nếu bạn không thích một cảm giác “du lịch dàn dựng” thì cứ xách xe máy đi tham quan ở xa hơn thành phố.
======================
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, có bồ ở Pleiku, nên ko có công tâm cho lắm :D)
(*) Thơ của nhà thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy đã phổ nhạc:
tôi đã chở dìa dới Đơn bụng bự đây \m/
ThíchThích
theme mới nữa, điệu quá
ThíchThích
Đó là thành quả của 2 tuần rị mọ đó gái xấu. Em về rùi nhan sắc đã tàn phai chưa?
ThíchThích
Reblogged this on Như Khói Mây Bay.
ThíchThích
Trời ơi! Bạn làm ta nhớ quá đi thôi. Nhớ Dalat những ngày còn đại học, nhớ Ban mé và Pleiku những ngày còn lính tráng và sau đó là những ngày đi (địu) tìm trầm hương. Thoáng cái đã gần 60 cái xuân rồi nhưng vẫn còn muốn lang thang.
ThíchThích