Thế giới như tui thấy

Đó là một buổi chiều, tui đi ra bờ kè nhậu, cô tiếp viên ngồi cạnh tui vung vẩy chiếc điện thoại, mời mọc anh bạn tui lấy số điện thoại để tâm sự. Em gái ấy trẻ hơn tui, xinh không chịu được và ngồi ở đó kiếm ăn thôi, chẳng lương lậu gì.

Đó là phần lớn thế giới tôi được gặp và thấy, nơi những cô gái mới vừa dậy thì đã phải mang cái đẹp của mình lên thành phố, nương nhờ vào những quán hàng, kiếm chút tiền đắp đổi cho cuộc sống dốt nát, khổ nhọc và thất nghiệp của họ. Vài cậu trai 25 tuổi như tôi ngô nghê ra thành phố, may lắm thì kiếm được chân giữ xe, kiếm 2-3 triệu/tháng, dắt xe máy vật vã cả ngày. Phần lớn câu chuyện tôi nghe khi ngồi bên họ là làm sao cuối tháng gửi tiền về nhà cho em đi học, má ốm quá mà không ai lo.

Ở một thế giới khác, có một thằng nhóc sanh năm 1991, làm điều dưỡng trong bịnh viện, chửi một phụ nữ 60 tuổi là: “Bà câm đi, đau đéo chịu được thì biến!”. Mẹ thằng nhóc đó làm trưởng khoa, và bà ấy có thể tống cổ ra khỏi bệnh viện kẻ nào dám hó hé than phiền về thái độ của thằng con bả. Nó được một niềm vui là được xúc phạm cả những người lớn tuổi hơn cả mẹ nó và đang đau khổ.

Cái thế giới như tui thấy ngày hôm qua, là khi cha tui tần ngần cầm cái tờ khai sở hữu xe gắn máy mà mấy ông ở phường vừa phát, với mục đích là khai ra số xe nhà tui có, để mơi mốt thu phí đường bộ. Xong bữa trước tui nhớ tui đọc báo thấy 1 lít xăng đổ vô xe máy của cha tui bây giờ gánh 7.500 đồng tiền thuế gồm giá trị gia tăng (VAT), nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và môi trường. Con đường quốc lộ 1A từ nhà tui đến Sài Gòn là 40km, nó đã được thi công từ lúc tui học năm 2 đại học tới giờ, vị chi là 6 năm. 6 năm người ta dùng 1 đống tiền vô cùng khổng lồ, lấy từ từng ngàn đồng thuế của những con người lái xe máy cà tàng như cha tui để mở rộng đường, xây cầu vượt bằng thép, xây cống nước, làm cây xanh… và đến giờ con đường ấy vẫn chưa xong.

Mỗi đêm trời mưa đi về nhà, nhìn thấy một người bị tai nạn giao thông nằm máu me giữa đường, bên cạnh những miếng nhựa đường đắp vá, lồi lõm bất thình lình, tui lại tự hỏi người ta có trả tiền cho chúng tui, khi cứ có thêm nhiều người phải chết oan ức trên con đường làm bằng rất nhiều trăm nghìn tỉ đồng ấy hay không?

Ấy vậy mà giờ họ đã đưa thêm cho cha tui một tờ khai, để chuẩn bị thu phí đường bộ cho cái xe gắn máy của ông.

Vài thế giới tui thấy, là bạn tui khi đi làm phải đóng cơ man nào là loại bảo hiểm. Có lần tui nằm với một cô công nhân, cô ấy nói vầy: “Nếu không phải đóng bảo hiểm này kia, chắc cũng còn được…” – nhưng ngày cô ấy nghỉ việc, cô ấy chẳng thể đi đòi đâu ra tiền bảo hiểm gì của mình cả. Công ty thì bảo chưa chốt sổ, còn cô ấy thì mù tịt chẳng biết đi hỏi đi han đâu cho ra nhẽ cái vụ trừ tiền bảo hiểm, rồi xã hội này kia của cô.

Trong một khung cảnh khác, tui thấy người ta tìm cách để thu thuế, thu phí của bất kì ai ở bất cứ nơi nào. Tới 1 bà làm nghề thả lưới trên lòng hồ cũng phải đóng 300k tiền thuế 1 tháng cho bên “bảo tồn” và đứa con bà khi đi học cũng phải đóng 10 nghìn đồng nếu muốn làm … đơn xin miễn giảm học phí. Đứa nhỏ đó chỉ mới học lớp 5 khi nó phải nghỉ học vì nhà quá nghèo.

Tui nhìn vào mắt một vài người vừa gặp, họ nói với tui rằng: “Anh làm cho nhà nước, lương ít thôi mà lậu cũng được” – rồi cả đám họ rú lên cười với nhau. Tiếng cười ấy nó làm tui nhớ đến cái trung tâm huyện Vĩnh Cửu ngày xưa tui hay tới chơi, cách đó vài chục km là mấy cái trường cấp 1, cấp 2 bé tí xíu có vài cái phòng học. Còn ở trung tâm huyện, giờ người ta mới xây thêm một cái trụ sở công an to bành ki khói lửa như cái biệt thự cho mỗi ông 1 ô vậy. Kế cái trụ sở mới là cái trụ sở cũ cũng to bành ki không kém. Tui bắt đầu hiểu rằng, ở xứ sở của tui, người ta nói về giáo dục để ăn tiền trên thân trên xác những đứa trẻ con không biết đòi hỏi, xây thêm trụ sở công an để an dưỡng công việc cho mát lành và muôn đời đẻ thêm những thứ thuế mới, phí mới, càng rắc rối càng tốt, tên gọi càng vi diệu càng hay.

Bi giờ, người ta nói về việc xây tượng vĩ nhân, xây bảo tàng to nhất Đông Nam Á ,xây tượng đài, quảng trường, xây nghĩa trang siêu giàu… chẳng ai nói gì về việc xây những trường học mới (hoặc có nơi xây nhà vệ sinh trong trường 600 chai chứ quyết không mua bàn học), cũng chẳng ai nói gì về chuyện sẽ nghĩ ra cách để nông dân chăm làm, nông sản ngon vầy mà sao cứ khổ hoài vầy.

Ở đó, có những đứa giống như tui đã quên mất mình có sống cho đời này vui vẻ và bình an, họ sống với mớ lậu thiệt nhiều tiền, rủ anh em đến những quán chơi mát trời ông địa, xây những cái công trình “Văn hóa thể thao” không ai hiểu nổi chúng để làm gì ở giữa xứ sở của những người nghèo đến mức bóng đá cũng không có tiền mua bóng mà chơi. Họ cứ xây lên, cứ phá tiền, cứ lấy từng đồng xu lẻ của người dân đang làm việc cật lực mỗi ngày để xây lên cái lâu đài thành công và chính trực của họ.

Thiệt là u buồn biết mấy….

 Khải Đơn

Advertisement

3 bình luận về “Thế giới như tui thấy

Add yours

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: