Những trạm dừng chân đi qua đời tôi

Trong suốt nhiều năm đi chơi linh tinh, thứ làm tôi luôn phải bật cười mỗi khi nghĩ đến là trạm dừng chân.

Cơm tù?

Tối khuya hôm ấy, xe dừng lại ở một cánh đồng đen thui, với chỉ duy nhất 1 cái quán cơm to khổng lồ ngập đầy bóng điện. Sau một hồi nheo mắt nhìn quanh đường, tôi nhận ra mình đang ở Bình Định.

Điều huyền bí của cái trạm dừng chân này là nó bãi xe khách rất rất rất mênh mông, nhưng bên trong quán lại lèo tèo chỉ có 4 -5 chỗ có người đứng múc đồ ăn để bán, so với trạm dừng chân quy mô – nhiều – xe – khách như thế thì quả là phi lí.

Quầy phở bị vây kín bởi cái mùi nước lèo chua loét và những miếng thịt màu tím tái chắc là đã được xắt ra 20 ngày trước. Nhà vệ sinh thì khỏi phải bàn, quầy thức ăn mà dơ cỡ đó thì nhà vệ sinh phải gấp 10. Sau một hồi quá ngán ngẩm, tôi đi ra ngoài cái bãi xe mênh mông kia ngồi cho tỉnh ngủ.

Bỗng nhiên, ngay lúc ấy, 2 anh thanh niên cùng xe tôi đi ra phía ngoài, định rẽ qua bên nào đó (chắc kiếm đồ ăn) thì lập tức từ đâu 4 tay cởi trần, gương mặt hung hãn, bóng nhẫy đẩy vai 1 anh vào lại phía quán cơm. Tay một trong hai thằng có cầm thanh gỗ lớn.

–          Đi đâu? Các anh muốn đi đâu?

–          Ơ… đi ăn… không được à?

–          Ăn thì vào trong! Đi vào!

Đoạn đối thoại ngắn ngủi đó đã khiến tất cả những người già, phụ nữ đang lục đục bước xuống 2 chiếc xe khách vừa đỗ ngoan ngoãn tiu nghỉu đi vào trong mua đồ ăn. Một trong 2 anh thanh niên kia phải xuống nước xin thằng cầm thanh gỗ đừng nóng.

Từ giờ khắc đó trở đi, tất cả mọi người đều răm rắp chui vào những quầy phở (với miếng thịt tím) và giá 1 tô phở là 50 nghìn đồng, loại phở mà nếu ăn ở Sài Gòn vào thời đó bạn có cả một tô to bằng cái nồi nấu nước ở nhà.

Khi 2 anh chàng kia tiu nghỉu quay vào thì anh thứ 3 (cũng từ xe khách tôi đi) bước xuống. Anh ta nói gì đó với 2 anh chàng, 2 người kia lắc đầu quay vào quán. Tuy nhiên, anh ta vẫn đi ra phía 4 tay côn đồ kia. Anh ta rút từ trong túi ra chiếc đồng hồ, nhìn từ ánh điện đêm,  nó khá là lấp lánh.

–          Em hết tiền rồi. Em đi tới đây nhà xe đuổi em xuống. Các anh thương em mua giúp em cái đồng hồ, em xin 300, vừa đủ vé xe về tới quê em thôi.

–          Anh xem đi, mặt đá quý, không xước. Em lấy chìa khóa vạch lên cũng ko xước.

–          Anh trai em cho em tận Sài Gòn, không dưới 2 triệu. Em cũng tiếc lắm, nhưng ko tiền thì chẳng biết thế nào mà về quê được mới phải bán.

–          Ây dà, em có nói đắt các anh làm gì. Em chỉ xin đúng 300, vừa số tiền mua nốt chỗ vé xe từ đây về quê em. Em mà đi bán thì ai lại bán giá đó, các anh thấy ko?

Tôi đã ngồi đó tưởng như vô tận, để nghe hết tiết mục quảng cáo đồng hồ của anh ta, thậm chí đến cuối cùng anh ta còn gợi ý cho 4 thằng kia mỗi đứa chỉ cần bỏ 8 chục là mua được cái đồng hồ đắt tiền, còn dư cả 20 nghìn.

Cuối cùng họ gom tiền mua chiếc đồng hồ.

Vừa cầm tiền xong, một chiếc xe khách de ra. Anh ta liến thoắng:

–          Em cảm ơn các anh. Giờ em phải đi. Em có đủ tiền rồi, ra xin nhà xe cho đi mới kịp.

Anh ta cầm chiếc túi vải nhỏ xíu, chạy nhanh rồi đu người lên chiếc xe khách đã bắt đầu lăn bánh.

Chừng 15 phút sau, khi chiếc xe khách của tôi khởi hành, tôi còn kịp thò đầu ra nhìn xuống đường, thấy 1 trong 4 tên ném chiếc đồng hồ vào 1 thân xe đậu gần đó.

–          Mẹ nó, đồ chó chết!

Nhiều vị khách trên xe lao xao. Có ai đó nói, anh chàng kia đã lừa 4 thằng “cứng cựa” bằng một chiếc đồng hồ dỏm chỉ có cái vỏ không. Cuối cùng tôi đã được gặp một tiệm “cơm tù” lần đầu tiên trong đời. Chỉ có điều cái “tù” ấy lại bị lừa bởi 1 tay chuyên bán đồng hồ dỏm mà ai cũng có thể bắt gặp ở bất cứ đâu giữa Sài Gòn.

Và những trạm dừng chân kì lạ khác

IMG_9104
Minh họa thôi. Chẳng có nội dung gì

Trạm dừng chân dơ bẩn nhất tôi từng gặp chắc là ở Hà Giang vào năm 2012. 2 giờ sáng, người ta dừng xe trước một ngôi nhà vô cùng to và hoành tráng giữa một cánh đồng tối om.

Để đi WC, hàng trăm khách đi xe phải đi cầu thang xuống 2 lượt, có vẻ như ngôi nhà lớn này được xây ở rìa núi. Dưới 2 tầng đó, lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là dơ bẩn. Chỗ lẽ ra là một khoảng hẹp dưới chân cầu thang là nơi chất cao 1 đống rác khổng lồ, bốc mùi kinh dị. Từ trong đống rác đó, có 4,5 mẹ con nhà chó con chun ra chun vào chơi đùa. Cạnh cái đống rác đó là cánh cửa chắc là dẫn vào nhà gia chủ. WC thì là thể loại WC “hàng loạt” nơi người này giải quyết cũng… nhìn thấy người kế bên đang giải quyết (thứ WC ta thấy trong ý nghĩ sáng chói của Đảng ngày xưa mỗi khi xây nhà tập thể).

Tuy nhiên, nếu rời WC đi tiếp ra phía sau một chút, ta sẽ phát hiện ra ở phía đó người ta đang nấu nước lèo và nhặt rau cho món phở bán phía trên.

Trạm dừng chân đắt tiền đến mức hi hữu có lẽ là Đại Nam, nằm đâu đó ở quãng Bình Phước – Buôn Ma Thuột. Cái trạm này được tôi nhớ đến vì nó luôn có 1 cái giá đắt tiền đến mức gây kinh ngạc. Ví dụ, 1kg bòn bon nó bán 80k, 1 túi me Thái được vài chục quả là 50k. Tuy nhiên, đó là thứ duy nhất có giá ở tất cả các quầy hàng dơ dáy, cũ kĩ, đầy mùi hóng và sự khó chịu mỡ màng. Ấy vậy mà nó rất đông khách.

Trạm dừng chân hay ho nhất chắc phải kể đến Tâm Châu ở Bảo Lộc. Trong vài lần tôi đến, ở đây có trà miễn phí, cafe miễn phí và luôn giữ gìn vệ sinh từ trong ra ngoài vô cùng tuyệt đỉnh. Các trạm dừng chân ở Đồng Nai, Long Thành, Phan Thiết đều khiến tôi khoái vì có bán nhiều loại trái cây theo mùa, nhìn mà phát ham.

Trạm dừng chân lạ nhất là Buôn Mê, nằm ở bến xe Nam Buôn Ma Thuột. Đây là nơi đầu tiên tôi thấy có một kệ để cho các bà mẹ đặt em bé vào trong lúc mình đi vệ sinh, có phòng riêng và lối đi riêng cho người khuyết tật. Tuy nhiên, khu vực nhà vệ sinh ở nơi này cũng chẳng sạch sẽ gì so với phần còn lại cao cấp và xinh đẹp kia.

Nơi này cũng có hàng loạt ghế ngồi bằng gỗ cho khách không sử dụng dịch vụ gì ở trạm. Tuy các món ăn đều nóng sốt, sạch sẽ và đầu bếp có ăn mặc gọn gàng, nhưng thức ăn ở đây cũng dở hệt như truyền thống của các trạm dừng chân.

Nếu bạn hăm hở mua trái cây ở Thái, mua snack ở Malaysia hay mua sắm lu bù ở Sing thì ở VN, hên lắm thì tìm được một cái trạm dừng chân có nhà vệ sinh sạch sẽ.

Khải Đơn

Advertisement

1 bình luận về “Những trạm dừng chân đi qua đời tôi

Add yours

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: