“Keo dính chuột, không độc hại…”

Trong cùng cái chợ Hòa Hưng, một bữa sớm tôi đi chợ, và nghe những tiếng rao chen vai nhau, như những cô hàng xê dịch từng mét trong con đường chợ hẹp để bày biện hàng hóa của mình ra.

Chè đậu xanh đây!

Cần tây! Cần tây, rau nhút nấu lẩu đây!

Ai bánh bò không!

Những tiếng rao cất lên như lời hát. Thiên hạ bảo các cô hàng miền Tây nói giọng lên giọng xuống như hát, có lẽ vì sớm phải bôn ba, lỡ ghim chặt đời mình bên từng phút nước, giờ chợ mà miết thành thói quen rồi đem tiếng rao lên tận đầu ngõ chợ cho người khách biết đường lần xuống ghe mua hàng.

Đám trẻ ngủ gật như tôi tỏ ra mê chợ mà đi vòng vèo kiếm cái bánh sáng cũng mê nghe tiếng rao như nghe một dải âm sắc vòng vèo bay lên trong cơn mơ màng.

Một bận nọ,tôi nghe người ngồi ăn kế bên mình nói: “Tui nhớ tiếng rao xưa, nghe sao mà tình, nghe mà biết cái cô hàng ra sao. Giờ tiếng rao toàn là loa máy, nghe cứ khô khốc, khô khan làm sao đó.”

taicamhangrong2810098

“Keo dính chuột, không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường. Công ty trách nhiệm hóa màu vừa cho ra đời….”

“Chưng gai bánh giò, bánh chưng bánh giò, bánh giò bánh chưng… chưng gai bánh giò”

Đó là những tiếng rao rặt ròi từng chữ được nghiến vào một chiếc máy ghi âm nào đó, rồi có anh chàng sang băng ra nghìn cuộn, phát cho những ai làm “đại lí” keo dính chuột (hay bánh chưng) để cứ thế trên khắp nẻo phố, người người đua nhau kêu tiếng “dính chuột”.

Anh bạn tôi bảo, trong cơn mưa ở quê anh, hồi nhỏ, chỉ cần nghe tiếng rao là mường tượng ra gương mặt cô bán vịt lộn. Xóm có 2 cô bán, mà nghe tiếng là biết cô nào, biết cảm xúc tâm tình ra sao, để mà thèm… ra mua trứng vịt lộn.” Tiếng rao ấy nhiều đồng cảm tới độ người nào ăn trứng vịt cô Xuân chỉ cần nghe tiếng cất lên là ra khỏi nhà gọi trứng. Người nào ăn cô kia cũng phân biệt mà ra mua. 2 người phụ nữ ấy rao từ thuở trẻ trung tới lúc già lọm khọm, rồi biến mất lúc nào trong con hẻm vắng, khi nơi ấy thành phố, mà chẳng ai còn nhớ ra họ đã trôi về đâu mất.

Có người đi xa tít tắp quê hương bảo nhớ tiếng gõ hủ tiếu, nhớ thằng nhỏ vừa đi vừa rao mời thiên hạ ăn hủ tiếu. Nhớ cay lòng. Nhớ tanh tách như tiếng gõ nhỏ xa dần trong hẻm tối.

Tui biết là ai ai cũng ác ý với cái thứ loa máy rao ồ ồ như nước đổ vô đầu ta (hay đầu vịt?). Ai ai cũng bảo nghe tiếng rao xưa như nghe lời tâm tình, như tiếng hát mong manh con nước. Ai ai cũng nhớ. Vậy thì ai ai có thể hiểu nổi cho cái anh bán bánh chưng bánh giò đêm nay, trong hàng nghìn tiếng xe máy SH, CBR150,siêu xe Lexus… còn đủ sức mà gân cổ lên rao “ai bánh chưng bánh giò hôn?” Rồi cứ đạp xe lầm lụi như thế trên hết những hẻm cùng tối đến đường sáng choang ánh điện cả đêm cả ngày, có rao cho ra tiếng được chắc anh bánh giò cũng đứt luôn dây thanh quản.

Cái đứa nhỏ năm nào đi khẽ khàng trong bóng tối, nhá từng tiếng gõ khoan thai mời cậu sinh viên ăn hủ tiếu giờ cũng dẹp tiệm luôn cho đẹp trời. Nghĩ sao mà cái thanh sắt gõ ấy đọ nổi tiếng bô xe máy rít lên trong từng quãng đường? Nghĩ sao mà cậu bé hò hét cho nổi tiếng nhạc xập xình vẳng ra từng những hàng điện thoại di động mang tên thế giới to đoành.

Rồi có bữa, tui đi trên xa lộ Hà Nội, con đường ấy quanh năm suốt tháng sửa chữa mê tơi, container chạy rầm rập như lễ hội, xong nạn nhân bị cán bẹp và chui gầm xe cũng đầy lên trang báo mỗi ngày. Ở giữa một cái lô cốt đầy bụi và bê tông, có một cô phụ nữ gầy nhom, đội chiếc nón lá, dùng luôn chiếc mùi-soa vừa làm quai mũ vừa làm khẩu trang, dựng chiếc xe đạp hùng dũng đứng giữa hai làn container, thản nhiên cất tiếng rao ngời ngời: “Keo dính chuột, không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường” – rồi tiện miệng hít luôn làn khói bụi đường làm dở vô cuống phổi.

2

Tui đi suốt năm tháng qua đó, khi nào cũng gặp cô, đứng bán từng hộp keo dính chuột cho những vị khách gặp vấn đề khó ở với loài vật đầy căm tức này. Tiếng rao nghe loa máy mà sao nghe hoài cũng thấy thương, nó ngoi ngóp lên tiếng hội hè đình đám của lũ container chạy ra chạy vô,  nó khắc khoải ngân mỏi mệt trong nhiều buổi chiều tối mưa lũ ập về cả dưới hầm cầu vượt. Cô ấy cứ đứng đó hoài, để mà đóng khung điển hình cho cái cuộc đời của một người bán hàng cần phải có tiếng rao.

Rao lên cho mà biết. Rao lên để mong đợi người mua. Rao lên, rao lên hoài…

… người xưa ăn vịt lộn mà thương cô bán trứng rao mùi mẫn, quá tay mua tô bún riêu của cô hàng nặng gánh đưa lời, thì nay thôi thì vì xe ồn ào quá, mà chịu khó thông cảm cho tiếng loa máy rời rạc đang rao ngoài phố hẻm kia.

Âu thì giống nhau đến gai người máy móc, nhưng trong tiếng rao vẫn là số phận riêng của mỗi người bán hàng nhọc nhằn.

Mà có rao, liệu ai trên phố này còn kịp nghe thấy… hay chỉ cứ thế tăng ga rít máy với tiếng bô hoàng tráng nhức óc thôi?

 Khải Đơn

(*) Ảnh chôm từ internet, hổng có ảnh nào của tui hết!!!

TGGĐ

Advertisement

2 bình luận về ““Keo dính chuột, không độc hại…”

Add yours

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: