Xứ Đồng Nai, như một câu chuyện cũ trên trang giấy ố màu, là cái mũi đất đầu tiên của cuộc mở cõi 300 năm mà sứ thần Nguyễn Hữu Cảnh đã dừng chân. Từ đó trở đi, câu chuyện của những con người theo dòng sông mở cõi bắt đầu…
300 năm dòng sông sung túc
Xứ Đồng Nai có cái ‘lõi’ là một dòng sông cùng tên. Con sông nội sinh dài nhất Việt Nam này là linh hồn của cả vùng đất. Sự đo đếm, những trải nghiệm, quá khứ, những cuộc xuôi dòng Nam tiến mở cõi, cả những truyện cổ tích của rừng núi cũng đều đã từ dòng chảy ấy sinh ra.
Người đi chơi tìm thấy sông Đồng Nai giống một cuộc rượt bắt, thoắt ẩn hiện bóng dáng của những làn nước. Cứ bám lấy sông, cứ nhìn dòng nước chảy, ắt là đến được những vẻ đẹp bất ngờ không thể lượng trước được. Con người xưa ở xứ sở này cũng vậy, đã theo dòng nước mà lập ra một dinh Trấn Biên, khai mở xứ Biên Hòa cho Đông Nam Bộ sau này.

Trong buổi sáng trời hơi mờ mịt, bạn đi từ con đường Cách Mạng Tháng Tám băng qua hai cây cầu Ghềnh trăm tuổi để đến Cù Lao Phố, đó là khi bạn thấy được trái tim xa xưa nhất của vùng đất này. Cù Lao Phố vẫn là hòn đất nổi thơ mộng bất chấp cái thành phố bên kia cầu là những nhà hàng và khối nhà chung cư hiện đại. Các ngôi nhà nhỏ bé lúp xúp đã xây từ nhiều chục năm trước. Vài con đường đất dẫn miên man tới cánh đồng xanh đẫm màu lúa.
Tiếng xe máy có thể tan vào bầu trời, bị cuốn đi đâu mất bởi màu nước vàng đục ngoài mé sông. Cầu Ghềnh bằng ánh sắt màu xám chỉ là sợi chỉ mỏng manh khiến cho xứ sở xa xưa này không quên cuộc sống nhộn nhịp ngoài kia. So với thành phố Biên Hòa phía trong, Cù Lao Phố là nơi có không khí cực kì trong lành, tĩnh lặng và luôn mát mẻ.
Cù Lao Phố là nơi chẳng có thắng cảnh gì nhiều, cũng chẳng có thiên nhiên kì vĩ bất thường nào cả. Ở Cù Lao Phố, ngôi chùa Ông nổi tiếng 300 năm tuổi của các thương hội người Hoa xưa vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn đến bây giờ. Chùa nhìn ra sông, cửa chùa ngóng vọng đến cây cầu Ghềnh đang dậy lên tiếng còi xe lửa. Và tất cả chìm trong một sự lắng dịu yên bình đến nao lòng.

Những người giữ chùa đều già nua, phong thái nhẹ nhàng, chừng mực. Người cần cầu xin, cúng bái cũng tĩnh lặng làm việc cầu nguyện của mình. 300 năm tuổi, 300 năm nghi ngút khói nhang, chùa Ông vẫn là nơi tụ hội mỗi năm ngày lễ đến, những người con cháu của xứ Cù Lao Phố quay về lại quê hương, ngắm nhìn và cúi mình trước tổ tiên.
Ở cổng chùa ấy, khách lạ cơ hồ có thể tưởng tượng được cõi xưa nơi này là một thương cảng vô cùng nhộn nhịp, là chốn giao lưu buôn bán của những đoàn thuyền buôn theo sông đến, từ xa xôi tận xứ sở nào vượt biển ghé ngang. Có nhà nghiên cứu từng ghi nhận, Cù Lao Phố đã vô cùng nhộn nhịp, trước khi những cuộc binh đao lớn đổ ập xuống, khiến cư dân nơi này dời về Sài Gòn, bỏ lại vùng đất đầy lưu luyến lại sau lưng.
Người xưa không còn bóng dáng nào, nhưng ngôi chùa và những gian nhà 300 năm tuổi vẫn đứng đợi, như một bóng già nua, ngắm nhìn những phôi thai trẻ trung của mình đang tản đi khắp các dòng nước và gieo thêm mầm sung túc cho sự hiện đại sau này. Đình Tân Lân, đình Bình Kính, chùa Đại Giác, Chùa Ông đều là những di tích cổ nhất của nơi này, giữ nguyên vẹn câu chuyện của người xưa, khiến ai đến thăm có thể hiểu được dáng vẻ của xứ sở này trong vùng quá khứ huy hoàng của nó.
Khác với sự dồn tụ văn hóa của Cù Lao Phố, Cù Lao Tân Triều (đi từ TP Biên Hòa về hướng Bửu Long khoảng 8km) là một câu chuyện nhỏ rất khác biệt. Dù đến nơi này vào bất kì thời điểm nào trong năm, ngôi làng luôn là nơi xanh tươi với những vườn bưởi trĩu quả. Ở đầu làng là một nhà thờ nhỏ, với những con chiên tĩnh lặng đi lễ sớm từ tinh mơ. Tân Triều nổi tiếng với cái tên Làng Bưởi.
Những cô gái ở đây có thể chỉ bạn cách nấu nước hoa bưởi gội đầu, làm món gỏi bưởi rất ngon và dắt bạn đi thăm những khu vườn bưởi hàng trăm gốc. Rất nhiều món ăn từ bưởi, rượu bưởi đã được chế ra bởi những cư dân sinh sống lâu đời và gắn bó ở nơi đây.

Đến gần Tết, cả làng Bưởi như một vựa trái cây khổng lồ, với cuộc thu hoạch đầy màu sắc và sôi động của những chủ vườn sung túc và yêu cây trái. Người già ở đây nói, đất Cù lao Tân Triều trồng bưởi luôn được sai trái, thơm ngon. Sự sung túc ấy có hàm chứa dòng nước phù sa và bình yên của sông Đồng Nai đang bao bọc lấy cù lao này.
Ánh sáng trên mặt nước
Lộ trình cho một chuyến đi chơi Biên Hòa chừng 3 ngày có thể cho phép bạn khám phá thêm một gương mặt khác của Đồng Nai. Bạn chỉ cần đi xe máy rời khỏi Biên Hoà, đi theo quốc lộ 1A về phía Bắc, đến ngã ba Bùi Chu, rẽ trái vào 19km để đến nhà máy Thủy điện Trị An.
Đến Trị An không hẳn là để bạn ngắm một nhà máy, mà là để bạn gặp được một góc nhìn rực rỡ, nhiều rừng cây và cả sự vĩ đại của con sông Đồng Nai chảy qua quãng này.

Trong những ngày cuối tuần, tôi hay lái xe về Trị An, tìm một khoảnh đất trống ven hồ và nằm ngủ nhiều giờ cạnh bên bờ nước. Đường đến di tích Chiến khu D là con đường rất đẹp, ít xe cộ, nhiều quãng quanh co dễ chịu, nhiều cây cối xanh mát.
Nếu có thể khởi hành từ Biên Hòa thật sớm, bạn có thể thấy mặt trời mọc trên hồ Thủy điện Trị An. Cảnh đẹp cực kì tĩnh lặng, không bóng người, không cả những làn xe cộ, chỉ có bạn và những quãng dốc núi mênh mông xếp gần nhau giữa một lòng hồ phẳng lì đầy ánh sáng.
Nhiều gia đình làm nghề chài lưới nói tiếng Khmer đã dựng nhà ở trên lòng hồ. Họ có cả nghìn câu chuyện để kể về chuyện câu cá ở hồ, chuyện họ đã đi xuồng từ Biển Hồ ở Campuchia nhiều tháng trời, vượt ngàn dặm sông suối để về đến Đồng Nai, thuê một chiếc cẩu nhấc chiếc xuồng của họ từ sông Đồng Nai mà đặt lên lòng hồ, cầu mong một cuộc sống an cư lạc nghiệp hơn nữa ở con hồ mới mẻ này. Cũng giống như những người ở cõi xứ Biên Hòa xưa, họ đã bắt đầu một cuộc gieo hạt mới, để lòng hồ nhân tạo ngày xưa càng trở nên sung túc và ấm áp hơn.

Trong một đêm trăng Nguyên Tiêu, tôi đã ngồi trên bờ hồ, nhìn tấm gương khổng lồ ấy phản chiếu ánh trắng sáng trắng, tròn xoe từ trên đỉnh trời xuống thẳng mặt hồ. Người đánh cá từ trên chiếc ghe mỏng loay hoay với chiếc đèn cóc tí xíu giữa mặt nước xa thẳm.
Ở Đồng Nai, sự sống có màu dòng nước vàng đậm nặng chở phù sa…. từ hàng trăm năm trước, từ hàng chục kiếp người tiếp nối nhau như thế…
Khải Đơn
Ảnh: Cảm ơn anh Mai Trần (F-Photo)
Đến Biên Hòa:
Từ TPHCM, bạn chỉ cần đi xe bus 604 (từ bến xe Miền Đông), 601 để có thể vào trung tâm thành phố Biên Hòa (bến xe Biên Hòa) . Hầu hết các huyện ở Đồng Nai đều có xe bus. Tuy nhiên, để đi tham quan thủy điện Trị An, bạn cần sử dụng xe máy vì xe bus không vào sâu trong các quãng rừng và cảnh thiên nhiên.
Từ bến xe bus Biên Hòa có rất nhiều xe bus đi các huyện khác.
+ Cafe trong thành phố: Biên Hòa không phải là nơi bạn có thể tìm thấy cafe ngon nên đừng thất vọng nếu uống phải cafe pha siêu dở trong các quán. Tuy nhiên, hầu hết các quán cafe ở con đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn sát Nhà Thiếu Nhi tỉnh) đều là cafe nhìn ra sông, cảnh quan rất mát mẻ, nhiều cây cối và góc nhìn đẹp. Cafe Cây Bàng trên con đường này là một quán đã có từ lâu đời, với 3 gốc cây bàng rất lớn và bóng mát đẹp, các món uống đơn giản và cũ kĩ, nhưng cảnh quan rất dễ chịu, đặc biệt vào sáng sớm.
Xe bus 604 không vô Biên Hòa mà đi ngoài Xa lộ Hà Nội, xe bus 601 xuất phát từ Biên Hòa (bến xe Biên Hòa cạnh ngã tư Cầu Mới) đi bến xe Miền Tây và ngược lại, lộ trình đi theo xa lộ Đông-Tây, từ bến xe miền Tây qua ngã tư Ga, Bình Phước, Sóng Thần, đến ngã tư cầu vượt Linh Xuân thì quẹo trái theo QL 1K để vô Biên Hòa. Từ bến xe Chợ Lớn khách có thể về Biên Hòa bằng xe bus số 5, hoặc xe 150 tuyến Tân Vạn-Chợ Lớn, tới bến Ngã tư Vũng Tàu thì xuống xe và ra Cổng bến xe để đón xe bus số 6 Biên Hòa-BigC để vô Biên Hòa.
ThíchThích
trời ơi sao dòm trong hình ốm dữ dậy hảaaaaaaa
ThíchThích