Tín cầm tờ giấy vung vẩy lên, mắt lóa một nụ cười:
– Con trúng tuyển. Tuần sau con đi đó cha!
Tín và nhiều đứa trai khác ở xóm này sẽ đi đến một miền đất thật xa nào đó mà cha chưa từng nghe nói đến. Cha cựa mình trên chiếc chõng tre, để một tiếng kêu kọt kẹt xé nhẹ màn đêm. Cha đã đeo kính vào, đọc tới đọc lui tờ giấy trúng tuyển ấy, “ thực tập sinh lao động tại Algeria 3 năm”. Không biết xứ sở ấy có những cái bờ nước lõm đõm cho tụi thằng Tín cởi áo nhảy tùm xuống trong những buổi trưa hè không. Cha tự hỏi, chiếc mắt kính còng xuống dưới sức nặng của một bên trán nằm nghiêng. Mắt cha mỏi dần, rồi chìm vào giấc ngủ.
Trong giấc mơ, cha thấy thằng Tín lũn cũn từng bước đi theo cha, đến tận ngoài lộ để vào lớp 1.
– Cha nhớ đợi con về nghen, đừng có đi đâu mất kẻo lạc.
– Các bạn có chịu chơi với con ko?
– Tại sao mình phải học chữ?
Con đường nhỏ xíu phảng phất mùi cỏ cháy chiều qua trở nên lung linh như một giấc mơ mềm, khiến cái bàn tay xù xì to bè của cha run run trước cái sinh linh nhỏ xíu đầy hạnh phúc này. “Con học chữ để mai mốt đi thật xa, thấy ngoài xóm mình có gì nữa” – Cha loay hoay cái ấm đun nước, mắt như muốn nhòa đi, khi nhớ lại buổi tựu trường đầu tiên và câu trả lời ấy của chính mình. À, cuối cùng Tín cũng đi thật, đi ra tận ngoài thế giới, tận Châu Phi. Đúng ý cha muốn còn gì?
Cha vụng về ngắt những cọng cải non mềm xếp vào tô, chế nước sôi lên hai vắt mì.
– Cha nấu làm chi? Con dậy ăn bậy bạ cũng được mà.
– Cha nấu cho mà ăn, mơi mốt đi xa con không quên nhà.
Tự dưng giữa hai người đàn ông có một sợi dây mỏng nào đó chùng xuống sau câu nói ấy. Tín im lặng bưng tô mì lên, húp sì sụp, cha cũng húp sì sụp. Chỉ có tiếng nước mì trôi qua hai cái miệng.
– Mì cha ngon nhứt!
Tín cười hệt như buổi sớm đi học đầu tiên mà cha còn nhớ được.
Xóm ấy xôn xao cho những đứa trai mới trúng tuyển xuất khẩu lao động lên đường.
Má Tùy đi qua nhà, nói gởi thằng Củn cho Tín. Thằng đó ngu lắm. Ăn cũng ngu. Ngủ cũng không biết lựa chỗ. Thôi thì xa nhà con đùm bọc nó giúp má.
Dì Hương cũng tới lui bên nhà, nói cho con cái áo dì mới may, may cho thằng Húy với bây giống nhau, coi như đội nhà, bây đi thì thương yêu nhau, tới ngày về lại xênh xang, đừng cãi cọ.
Cha cười hiền dịu. Tín bẽn lẽn, gặp ai cũng dạ, tụi con ở với nhau, lo cho nhau, nhậu với nhau cũng vui nhứt, để đỡ nhớ nhà. Mấy người đàn bà tất tả ra về, để lại hiên nhà một bóng nắng trống trơn vô hạn. Cha bỗng nghĩ mốt thằng Tín đi, bóng nắng chắc cũng chẳng thèm qua đây nữa.
Trong đêm, Tín đưa võng kọt kẹt. Cha nằm im trong bóng tối bọc lấy mình như cái kén.
– Cha ở nhà đừng có cuốc đất cả ngày, tối về đau lưng hổng có con bóp dầu cho đâu nghen.
– Ờ…
– Con kiếm được nhiều tiền sẽ mua máy hát xịn, mua đầu đĩa, gởi về cha nghe cải lương cả ngày cho đã.
– …
– Không biết ngoài đó người ta có thương mình như xóm mình thương tụi con hông …
– Con người ở đâu cũng giống nhau, cũng thương nhau cả. Mà đi xa thì phải thương cả mấy đứa cùng xóm mình hơn, tụi nó khờ tổ mồ.
– Ờ, hồi xưa cha nói vậy rồi, giờ con ra ngoài đó biết chuyện, xong điện thoại về kể cha nghe…
– Sợ tiền điện thoại mắc dữ lắm.
– Thì cứ điện chứ sao. Kiếm được tiền con điện liền. Chớ không nghe tiếng cha chừng 1 tháng chắc chịu hổng thấu.
Cha nằm im, nước mắt đâu đó tới tấp làm nhòe mắt mất tiêu.
Hôm Tín đi, cả làng có mười thằng nữa cũng đi. Cái xe tải hở mui của công ty xuất khẩu lao động vào tận xóm, đón từng thằng lên xe để ra ngoài thị xã, kịp lên Sài Gòn đón chuyến bay sớm mai.
– Hổng biết Châu Phi lạnh dữ hôn. Mang đại cái áo gió bự của cha đi!
Cha dúi cái áo vào tay Tín, bất chấp mớ hành lí đã căng đầy trong balô. Cái áo gió chống được nước vô, ấm dữ lắm, ngày xưa Tín hay chui vào trong ngực áo ngồi mỗi khi hai cha con đi xe gắn máy buổi sớm trời sương. Đó là món quà cha quý nhứt hồi ông bạn Việt kiều Mỹ cho gần hai chục năm trước.
Rồi cứ thế, cha lùi về tít phía xa, nhìn cái mặt non choẹt của Tín cười cười vẫy vẫy tay. Mắt cha nheo nheo như ngày đầu tiên Tín đi học, ngời ngời bừng lên ánh mặt trời đâu đó trên đường. Tự dưng ở dưới bụng cha quặn lên một cơn thắt lòng, giờ cha chỉ ước chiếc xe lủng bánh, không kịp ra sân bay sớm mai, để thằng Tín ở nhà luôn với cha, khỏi tới Châu Phi xa xôi nào ngoài đó. Nghĩ vậy, mà cha quay vào nhà, tránh cái ánh mắt thiết tha mà thằng Tín cứ ghim vào cha đến nhói lòng.
***
Cha nằm trên chõng tre, lơ mơ thấy bóng thằng Tín chạy lung xung bên những thân cây ngô cao gầy. Lũ chúng nó đuổi nhau trong vườn, hết trốn tìm rồi lại chia phe oánh nhau. Ngô mà lụi chắc cha cho cả lũ ăn đòn quắn đít.
Thằng Tín sụt sịt: “Cha đừng đánh thằng Củn, tội nghiệp nó ngu lắm, nó nghe con dụ chơi thôi, cha đánh con đi, tại con bày trò.” – Nghe tới đó, tự dưng roi của cha mềm oặt, thương gì đâu và thắt cả lòng.
Cứ thế, nước mắt cha tuôn ra, ướt hết cái lóng tre mà cha đang kê đầu. Cha nằm trong ánh mặt trời đang lên ngời ngời ngoài ngõ xóm, tự dưng hiểu đó chỉ là giấc mơ của ngày cũ.
Cả đời cha loay hoay hết tháng ngày chẳng được gì, chỉ sướng nhất là nhìn thằng Tín cứ phổng phao lên như cái đọt măng chẳng biết sợ trời đất gì. Thằng Tín lớn to cỡ nào là lời hứa với má thằng Tín được cha hoàn thành to cỡ đó. “Anh phải nuôi con thiệt khỏe, thiệt lớn, thành khổng lồ cũng được!” – Má thằng Tín dặn được chừng đó, mím môi cười rồi tắt thở. Cha ôm thằng Tín lóng ngóng như gã trai chưa có con bận nào, cứ thế mà ngồi khóc hết một đêm một ngày, tay đỡ bình sữa thằng Tín bú, nước mắt cứ thế mà trào ra.
Có lần, thằng Tín trốn học đi đâu mất. Cha chạy xe khắp nơi tìm nó. Tim cha đập như nghe rõ trong lồng ngực. Đến khi chiều vụt tắt và cha tuyệt vọng thì thấy thằng Tín đang ngồi tựa vô cái bia mồ của má trong nghĩa địa của xóm. Nó ngủ mất tự bao giờ.
– Cha, sao tụi ở lớp nói con không có má? Tại sao má nằm dưới đây hả cha?
Cha cũng chẳng biết nói gì, cũng chẳng buồn tức máu mà đánh cho nó trận đòn nữa. Tự dưng cha thấy mình có lỗi, đành thui thủi ôm nó vào lòng, bồng nó khỏi nghĩa địa mà về nhà ăn cơm nguội lạnh. Nước mắt cha chắc rớt đâu đó trên mặt ngái ngủ của nó. Từ đó tới giờ, thằng Tín cũng không trốn học bữa nào nữa.
Sáng hôm ấy, trong ngôi nhà chỉ còn một mình, cha thấy tất cả những ngày tháng lao xao trong xó nhà, nơi thằng Tín ngủ, chỗ thằng Tín chơi đánh nhau với bạn, cây na má thằng Tín trồng, cái xe máy lộp cộp kêu bành bành khi chở thằng Tín đi học. Cha thở dài, đi vào bếp, đổ miếng nước sôi lên một vắt mì, rồi cứ thế ngồi húp sì sụp.
– Mì rau cải ngon dữ hén!
Cha buột miệng, tự dưng thấy mình xuội lơ, vì thằng Tín đâu có ở nhà, nó đi làm xứ khác 4 tháng rồi cơ mà.
Tô mì vừa cạn nước, cha thấy những tiếng hàng xóm lao xao ngoài kia. Má Túy đẩy bật cửa nhà cha khép hờ. Cha giật mình đứng đó. Má Túy bối rối những lời trong miệng:
– Có chú nhà báo ở thành phố kiếm anh.
Cha thấy ánh mặt trời bên ngoài lơ mơ quá. Dì Hương, cô Út Giọt cũng theo người lạ men theo vườn vào cửa nhà cha. Anh nhà báo đeo kính trắng, nhìn thẳng vào mắt cha bằng cái nhìn thương cảm chỉ đàn ông mới có cho nhau.
– Chú tên Thiện Khiêm, cha thằng Tín phải không?
– ….
– Thưa chú, tụi con xin chia buồn. Bên xuất khẩu lao động nói tàu cá của Tín với mấy em xóm mình gặp bão. Em Tín cứu hai người bạn nên lúc sóng đánh mạnh, em bị đập vào thành tàu…
Tự dưng cha không còn thấy gì nữa. Cha nghe người ta lao xao đỡ cha vào cái chõng tre nằm. Cha nghe má Túy nấc lên thành tiếng, bảo tui đội ơn anh, thằng Tín cứu sống thằng Củn nhà tui. Cha nghe anh nhà báo đưa vai đỡ lấy mình, hệt như thằng Tín đỡ hôm cha bị trúng gió ngoài đồng.
Trong cơn xao động lạnh giá, cha nghĩ mình đang cởi trần, vung cuốc thật lực. Mảnh vườn sau nhà tơi lên màu đất đen xốp mịn. Cha ném những hạt bắp xuống. Cha nhìn ánh mặt trời đi vội vàng trên cao cho đến khi ngừng lại.
– Đợi cây ngô lớn, thằng Tín về lại chơi đánh trận với tụi bạn nó. Lúc đó cha hổng đánh đòn nó nữa, cũng hổng đánh đòn thằng Củn. Cho nó chơi đã đời!
Khải Đơn
(*) Truyện
Em không đùa đâu chị. Em đã khóc khi đọc bài viết này.
ThíchThích
trời ơi, truyện đâu zậy, đọc nữa đêm, cháy nước mắt nè mèo ơi là mèo!!!!
ThíchThích
Một cái gì đó chạy dài theo sống lưng…Một nỗi buồn đến nhói lòng.
ThíchThích
Buổi trưa ngồi đọc, nước mắt chảy ròng ròng 😥
ThíchThích