Sa Đéc: Thị xã nhỏ của “người tình”

Nếu ai đó đã từng xem bộ phim “Người tình”  của đạo diễn Jean-Jacques Annaud về mối tình của một cô gái Pháp và một người đàn ông giàu có ở Sài Gòn, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nữ văn sĩ Marguerite Duras, hẳn bạn sẽ muốn đến Sa Đéc, thị xã nhỏ ở miền Tây Việt Nam, nơi mối tình đầu tiên đã tạo cảm hứng cho bà viết nên tác phẩm đó.

nguoitinh

“Người tình” nhỏ

Ngôi nhà  ở địa chỉ 225A đường Nguyễn Huệ, phường 2, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp giờ đây được gọi thương mến là nhà “Người Tình”. Đó là ngôi nhà của gia đình ông Huỳnh Thủy Lê, người đàn ông yêu thương của nữ văn sĩ Marguerite từ khoảnh khắc họ cùng chung một chuyến phà để lên Sài Gòn (phà Mỹ Thuận, bây giờ nó còn có 1 cái tên gọi khác là cầu Mỹ Thuận.)

Huynh Thuy Le (1)

Bà Marguerite đã sống cả tuổi thơ ở thị xã Sa Đéc, đi học ở đây và rời thị xã về Sài Gòn. Khi ấy, ông Huỳnh Thủy Lê, con trai của một trong những người giàu có nhất Nam Bộ bấy giờ, cũng lên chuyến phà ấy. Chuyến đi mang đầy định mệnh đó khiến họ đã gặp gỡ và yêu nhau.

Mối tình không thành. Bà Marguerite về lại xứ Pháp. Ông Huỳnh Thủy Lê theo mai mối của gia đình đã cưới người con gái đẹp nhất xứ Tiền Giang thời bấy giờ. Ông thừa kế tài sản lớn của cha mình, ông Huỳnh Cẩm Thuận và tiếp tục sống ở ngôi nhà đó cho đến khi lớn tuổi và mất.

Huynh Thuy Le (4)

IMG_9651
Bên hông nhà ấy là màu xanh như vầy…

Trong nhà người tình, những tấm ảnh thời son trẻ của nữ nhà văn, của ông và của cả người vợ thực sự ông đã cưới đã được treo trên vách nhà, như thể những bước chân và mùi hương tình yêu của họ vẫn còn quyến luyến nơi này, với rất nhiều thương mến, nuối tiếc và cả lãng mạn đến mức trở thành tình yêu làm rung động biết bao trái tim người hâm mộ văn nghệ khắp thế giới.

Kiến trúc kiểu Pháp pha lẫn những chi tiết của gia đình người Hoa  vẫn còn được giữ nguyên vẹn trong nhà, bên ngoài kiểu Pháp, ban thờ ông Quan Thánh là một bức tranh vẽ hàng trăm năm trước được chính chủ nhân thuê họa sĩ từ Trung Quốc về vẽ.

Mặt nền của ngôi nhà được thiết kế lồi lõm để cho nước có thể chảy và tập trung vào chính giữa nền ngôi nhà. Cô thuyết minh có thể chỉ dẫn cho bạn xem cả cách thoát nước, cửa gỗ kéo lại dùng để ngủ trưa cho thoáng không khí và loại gạch Pháp được dùng trong nhà.

Ở nhà “Người Tình” bây giờ có một cô hướng dẫn viên rất xinh, dường như đã đọc rất rõ về mối tình này, thậm chí gặp cả con cái của ông Huỳnh Thủy Lê và người con còn lại của bà Margeurite Duras sang thăm để hỏi cho tường tận chuyện cũ. Cô kể cho người khách nghe mối tình của họ bằng nhiều cảm xúc, diễn giải tường tận, sẵn sàng chỉ khách đường đến ngôi trường cũ mà nữ văn sĩ từng học, cũng như những chùa cổ mà gia đình Huỳnh Thủy Lê đã xây cho thị xã này.

IMG_9797

Ngôi trường xưa nữ văn sĩ Marguerite học ngày xưa giờ là trường tiểu học Trưng Vương và được giữ nguyên kiến trúc Pháp. Ở đây còn duy trì đều đặn việc học tiếng Pháp cho học sinh tiểu học bắt đầu từ lớp 2. Những mái chùa trăm tuổi như chùa Kiến An Cung mà gia đình ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của ông Huỳnh Thủy Lê) xây lên ở xứ sở này vẫn còn nguyên vẹn, ấm áp nhang khói và nhẹ bẫng tiếng cười của con trẻ trong buổi chiều đá cầu trong sân chùa.

Chùa Kiến An Cung - gia đình ông Huỳnh Cẩm Thuận xây dựng
Chùa Kiến An Cung – gia đình ông Huỳnh Cẩm Thuận xây dựng

IMG_9784

Đến Sa Đéc, người khách có thể thuê xe đạp, ở lại 2-3 ngày, đạp xe mơ màng trên những con phố sát bờ sông. Trong Chợ Thực Phẩm, những món hàng nhỏ bé như đèn dầu, dao bào kiểu cũ… vẫn còn được bán đầy.

IMG_9678

IMG_9792
Chủ tiệm áo dài chỉ sơn lại ngôi nhà rất xinh….

Ở đâu trên những con phố, bạn cũng đều có thể bắt gặp những ngôi nhà kiểu Đông Dương xưa, với mái cao, cửa sổ lớn và màu sơn dịu nhẹ. Những tấm biển hiệu kẻ chữ kiểu xưa như “Áo dài Thiên An”, “Hiệu Buôn Hoa”, “Nem Giáo Quỳ”… còn ở khắp nơi như thể một câu chuyện xưa xưa nào đó ở miền Nam này xuất hiện ngay dưới bước chân bạn đi. Những ai yêu chuyện cũ, thích nhìn một chiếc xe đạp kẹo kéo còn nguyên màu sơn và món đồ chơi kiểu cũ, thích ngắm màu sơn ố vàng… đều có thể được trọn vẹn mê đắm nơi này.

Lạch nước cho hoa suốt mùa

Từ tháng 11 hàng năm, người ta nói Sa Đéc sẽ trở thành trung tâm nuôi giữ cả mùa hoa xuân cho Sài Gòn và khắp các tỉnh Nam Bộ. Các vườn kiểng cỡ lớn như Tân Quy Đông, Ca Dao, Tân Quy Tây, Tân Khánh Đông nằm ngay bên hông thị xã Sa Đéc đều sẽ ngập hoa tươi, xếp hàng dọc các bờ sông và theo những con nước Cửu Long đưa hoa về bến Bình Đông (quận 8, TPHCM).

vuon kieng (5)

vuon kieng (3)

vuon kieng (7)

Tuy nhiên, nếu không phải mùa hoa, vườn kiểng ở Sa Đéc vẫn là nơi xứng đáng để bạn dành 1- 2 ngày ghé thăm. Rất nhiều vườn kiểng lớn nằm sát  bờ sông, nhà vườn rộng mênh mông, trồng đủ kì hoa dị thảo. Vườn ươm mầm cũng đầy ngập các giống cây hoa xanh mướt. Người Sa Đéc nói hoa Sa Đéc phải tưới bằng nước sông mới tươi, lá mới xanh mượt, đâm chồi liên tục, dùng nước máy là lá ố vàng, rụng hết.

vuon kieng (6)

Chỉ cần đạp xe trên đường Nguyễn Huệ ở bên này thị xã, qua chiếc cầu sắt quay (dân ở đây gọi vậy), đi dọc theo đường Lê Lợi chừng 10 phút đạp xe là bạn đã có thể rơi vào những con đường nhỏ hẹp ôm sát những lạch nước nhỏ nối vào những vườn kiểng rất lớn và nổi tiếng ở đây. Có vườn chuyên trồng cây thông lớn, vườn chuyên hoa sứ, vườn trồng cây môn xanh…. tạo ra những mảng màu sắc khác hoàn toàn và đầy sức sống.

Vào giờ tưới kiểng, những nông dân lem luốc tưới lên những đợt nước lóng lánh, tạo thành cầu vồng nhỏ ngay trong vườn. Những vườn kiểng trải dài ra tận lạch nước sông, xanh biếc cạnh màu nâu úa của làn nước đục ngầu.

vuon kieng (2)

Người làm vườn kể hoa Sa Đéc phải tưới bằng nước sông mới xanh lá, thơm hoa, tưới nước máy là cháy ngọn rồi chết. Từ vườn hoa, xứ sở cũ kĩ và bé nhỏ này đã làm đẹp cho xứ Nam Bộ vào mùa xuân đến mức nào.

Ở nơi này, những người yêu nhau thấy tình yêu dịu dàng và thơ mộng đến lạ kì…

Khải Đơn

===============================================================================

Đến Sa Đéc: Bạn có thể đi xe Mai Linh từ TPHCM – Long Xuyên, dừng ở Sa Đéc, giá vé 115.000đ, xe Phú Vĩnh Long, xuất phát từ 4h30 sáng, mỗi giờ có 1 chuyến, giá vé 85.000đ/vé ( gọi số 08.386.603.78 để đặt vé).

Chơi ở Sa Đéc: Bạn có thể hỏi bảo vệ ở nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để thuê xe đạp với giá 60.000đ/ngày để đi dạo trong thành phố. Đi dạo dọc theo đường Lê Lợi ở bên kia sông để ngắm những hàng dừa thẳng tắp và những hàng hoa nở rộ. Nhà cửa trong các con phố ở hai bên sông có rất nhiều nhà kiểu Đông Dương như ngày xưa.

Vườn hoa: Đi thẳng đường Lê Lợi đến cuối đường, bạn có thể gặp vườn hoa Tân Quy Đông. Đây là vườn kiểng lớn nổi tiếng ở thị xã Sa Đéc. Từ tháng 11 đến gần Tết, khu vực này luôn ngập sắc hoa và luôn có những thuyền hoa ra vào để đưa hoa về Sài Gòn và nhiều tỉnh Tây Nam Bộ khác.

Ở đây có 1 cái khách sạn với một cái tên hết sức diễm lệ và “huệ”: BÔNG HỒNG!!!!!

11 bình luận về “Sa Đéc: Thị xã nhỏ của “người tình”

Add yours

  1. Khi nào có dịp tôi sẽ đến viếng chỗ này. Cám ơn em đã giới thiệu.
    Dura là một trong những nhà văn nữ tôi thích đọc, nhất là quyển “Người Tình.” Tôi vẫn ao ước lúc bảy mươi mà viết được một tác phẩm như thế là có thể chết được (vì mãn nguyện).

    Thích

  2. Phải có một tình yêu quê hương mới viết nên những điều cặn kẽ đến thế. Bạn đã làm cho Sa Đéc đáng yêu hơn, tò mò hơn trong tâm tưởng của mỗi người khi đọc bài này. Cảm ơn rất nhiều.

    Thích

  3. Là một đề tài nhiều người đã viết, nhưng bài viết này mang đến những nét thú vị riêng. Rất thân mến.

    Thích

  4. Mình chỉ biết Sa Đéc là một địa danh ở nam Việt Nam, và có một kỉ niệm nhỏ liên quan đến Sa Đéc như thế này:
    Khoảng năm 1992 hay 1993 gì đó, mình có làm phụ hồ ở khu vực Ngã Bảy, cạnh trường Hồ thị Kỷ ở Saigon. Công việc của mình khi ấy là “sai đâu làm đấy” cho một căn nhà đang xây dựng mà chủ nhân là vợ chồng anh Học và chị Cúc – chị Cúc lúc đó là giáo viên của trường Hồ thị Kỷ, còn anh Học làm gì mình không biết mặc dù được anh rủ đi uống cà phê lai rai. Làm chung có một thằng nhóc (không biết chữ), tên nó là Đỗ văn Sang, quê nó ở Sa đéc theo như giấy chứng minh nhân dân của nó cho thấy. Làm chưa được bao lâu thì xảy ra chuyện “chôm chỉa” vật liệu xây dựng của anh chàng, mình có phản ứng trực tiếp với nó, còn nó quay trở lại dùng thói du côn hù mình. Hình như mình không có duyên với nghề phụ hồ, vì lần nào cũng gặp ba cái chuyện như vậy, cho nên sau đó mình bỏ về. Chiều, trên đường về bến xe miền đông, gặp công an, máy bộ đàm trên tay, đứng gác đầy đường, xe mô tô hú còi inh ỏi, mình tưởng đâu chúng đang hộ tống mình về vì sợ thằng nhỏ Sang “làm thịt” mình thật, ai dè tụi nó đang đón Lý Bằng (lúc đó là thủ tướng Trung cộng) thăm Tp HCM. Ngày ấy, bỏ đi không kịp cám ơn về sự đối xử tốt đẹp của anh Học và chị Cúc. Còn thằng Sang nữa, nếu ngày ấy mày không “hù” anh ba thì giờ đây tao đâu có chút kỉ niệm về Sa đéc của mày này. Mấy dòng hồi tưởng trên đây coi như lời cám ơn muộn màng đến anh Học và chị Cúc, một chút kỉ niệm man mác về một thằng Sang có một cuộc đời kém may mắn nhưng có một quê hương Sa đéc thật đẹp.
    Cám ơn blogger khaidon đã cho post ké!

    Thích

  5. Quê hương tôi đó mọi người, có dịp ghé ngang mãnh đất Sen Hồng, xin mọi người dừng chân để cảm giác được sự vui vẻ, hài hòa của người dân nơi đây nhé

    Thích

  6. Ở trong bài viết có chi tiết “Cầu sắt quay” – bởi cây cầu lúc sơ khai đúng với tên gọi của nó. Thời pháp thuộc, vì Sa đéc là vùng đất trũng, bên lỡ bên bồi. Mùa nước hàng năm về nhiều…..tàu bè qua lại bất tiện, nên họ đã xây cầu này có ròng rọc hai đầu. Mỗi khi nước lên, cầu được quay để nâng lên theo mực nước để tàu bè có thể qua lại được.

    Tuy nhiên, sau giải phóng một thời gian cầu vẫn giữ đúng chức năng của nó (là có thể quay…) nhưng vào dịp lễ 30/4…..lâu lắm rồi. Nhà nước có tổ chức lễ hội đua thuyền & bắt vịt….dân lên cầu đông rất đông làm cho nhịp cầu bị sập……..kể từ đó ko còn quay được nữa, nhưng tên gọi vẫn giữ y nguyên cho đến bây giờ.

    Qua thơi gian, cầu vẫn chỉ được trùng tu (cho dù hiện nay ko còn quay được), chứ ko xây mới. Ko biết, sau khi quyết định lên thành phố (năm 2013), Sađec có thay đổi gì cho chiếu cầu này ko….hy vọng vẫn giữ lại cái tên & kiểu xưa cũ để người dân còn kể cho con cháu nghe về một xứ miên man này.

    Đã thích bởi 1 người

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑