Bùi Giáng đi… bộ đội với thầy hội đồng

Cá nhân tôi, tự nhận là một sinh viên chưa bao giờ mặn nồng với ngôi trường Xã Hội Nhân Văn của mình ngay từ những năm đi học. Và có lẽ hôm nay, trong một chút lạc bước xao xuyến, tôi đã hiểu vì sao mình không thể nào tôn trọng nổi ngôi trường ấy.

Sáng nay là Hội thảo khoa học về Bùi Giáng. Có lẽ đây là hội thảo được mong đợi rất nhiều vì (tui nghe) mọi người nói đây là một trong những hội thảo đầu tiên về Bùi Giáng từ sau 1975 đến giờ.

BuiGiangALND

Có rất nhiều người già, đã phải chống gậy, phải có con cháu đỡ… cũng lụi cụi đi từng bậc thang để lên hội trường ngồi nghe hội thảo. Có lẽ với giới mộ điệu, được thấy lại hình ảnh Bùi Giáng, nghe lại những vần thơ và thấy ông được thế hệ trẻ biết tới và “được công nhận” hẳn là một điều xúc động.

Tuy nhiên, rất đúng với tinh thần của ngôi trường tôi từng biết, một cái hội thảo khoa học về một nhân vật lớn đã bắt đầu một cách rất… hài hước.

Trường chúng tôi có thầy hội đồng Sen. Thầy làm đại biểu quốc hội, ai nấy đều hay. Thầy phát biểu trên truyền hình rần rần. Ai ai cũng biết. Tui còn nhớ hồi đó lớp tui còn bàng hoàng khi phát hiện ra chính thầy hội đồng Sen của trường mình là cao nhân đã phát biểu cái ý kiến cấm xe máy zô TPHCM rần rần báo giới hồi bấy giờ.

Hồi đó trên diễn đàn, thầy phát biểu zầy: “Đại biểu Võ Văn Sen góp ý: “Ùn tắc do xe máy không được nhìn thấy từ trước cách đây 10 – 15 năm. Phải dần dần đi tới hạn chế xe máy, tuyên chiến với xe máy và tuyên chiến với chính mình”.

Tui nhắc lại vụ này để nói tui vô cùng ấn tượng với thầy hội đồng Sen của tui. Ấn tượng đó mãi mãi không bao vờ phai mờ. Bởi sáng nay, trong cái hội thảo khoa học về thi sĩ Bùi Giáng, thầy – người khai mạc hội thảo – đã hùng hồn lên đọc lời giới thiệu.

Thầy hội đồng Sen đang fát biểu khai mạc

Như bao lời khai mạc khác, thầy hội đồng Sen đọc… tiểu sử Bùi Giáng (chắc khán giả của hội thảo khoa học nhiều người đến ko biết Bùi Giáng là ai). Thầy đọc chán chê mê mỏi mấy lời khen nào là Bùi Giáng là thi sĩ, là cao nhân, là dịch giả vĩ đại các kiểu. Xong bất thần, thầy đọc rất to đoạn “Bùi Giáng từng đi bộ đội”, cũng từng tham gia kháng chiến. Nguyên đoạn văn sau, thầy hội đồng Sen tiếp tục nhắc đến chuyện Bùi Giáng chiến đấu zì hòa bình dân tộc. Thầy dẫn chứng luôn là hồi xưa Bùi Giáng có cùng với 5 trí thức viết thư thỉnh nguyện hòa bình.

Túm lại, nguyên bài phát biểu khoa học trong một hội thảo của thầy hội đồng Sen về Bùi Giáng là nói về…. Bùi Giáng đi bộ đội và chiến đấu vì hòa bình. Không có một ý nào trong bài phát biểu nói về nội dung hội thảo. Không một ý nào trong bài phát biểu nói liệu họ sẽ trình bày điểm gì mới, đào sâu nội dung gì, vấn đề gì, khía cạnh nào của hội thảo khoa học. Tuy nhiên, thầy phát biểu rần rần như quân ta ra trận.

Thầy hội đồng rất hùng hồn. Chắc thầy vẫn không ngờ mình đang xuất hiện trong một buổi hội thảo khoa học. Chắc thầy cũng không biết Bùi Giáng khi còn sống là thi sĩ (có thể thầy nghĩ Bùi Giáng nhập ngũ cùng thời với thầy chăng?) hay đây chỉ là một biểu hiện thô bỉ lỗ của những kiểu cán bộ văn học như thầy vẫn phây phây trở thành hiệu trưởng, trưởng khoa rồi định hướng cả một nền văn nghệ theo kiểu không hề có tri thức và rất văn nghệ tạp kỷ như vầy.

Điều rất hài hước ở đây là cái hội thảo ấy đã không hề có chút “mùi mẫn” gì của một hội thảo khoa học cả, Những nhà nghiên cứu tâm huyết mang bài tham luận của mình tới , nhưng trước mắt họ lại bày ra…. tiết mục hát một ca khúc. Sau tiết mục ca khúc là tiết mục… trao tiền thưởng của họ Bùi cho thạc sĩ với cử nhân. Sau tiết mục trao tiền là tiết mục giới thiệu họ Bùi đã tặng khoa Văn Học 30 triệu.  Sau đó thạc sĩ nhận tiền thưởng lên cảm ơn vì mình được nhận tiền thưởng.

IMG_0450

Một hội thảo khoa học mà lại bắt đầu bằng việc … giới thiệu 1 video clip kiểu tạp kỉ giống loại thời sự 5 phút chiếu trên HTV mỗi ngày, trong video clip có quay 2 giây hình Bùi Giáng lúc già yếu và có một giọng đọc thê lương kéo bễ 1 bài thơ của ông khiến cả khán phòng ngơ ngẩn. Ngay cả phần hình ảnh này của hội thảo cũng là cái trò cẩu thả không hiểu nổi. Đó là 2 cái video clip cắt ra ghép vào nhau, 1 cái là clip của họ tộc Bùi (có 1 bà gì đó đọc bài thơ chồng trên nền tấm ảnh chân dung Bùi Giáng) và một phần cái clip của TFS làm từ tám kiếp trước về ông.

Rồi cũng chẳng có giới thiệu chuyên luận gì, vấn đề gì, khía cạnh nào trong sự nghiệp Bùi Giáng, bất thần thầy hội đồng Sen cho bắt đầu ngay vào “khoa học” bằng bài… giới thiệu tiểu sử nhà thơ Bùi Giáng của ông Huỳnh Như Phương.

Nếu cho rằng bài viết của ông Huỳnh Như Phương là 1 tản văn thể hiện cảm xúc của ông về Bùi Giáng như một fan hâm mộ thì rất hay. Nhưng nếu nhìn đây là một tham luận khoa học tham dự trong một hội thảo khoa học thì liệu có khác gì cái kiểu mời bạn tới nghe hội thảo về máy giặt, nhưng chắc chắn bạn chưa biết máy giặt là gì nên hôm nay tôi sẽ giới thiệu sơ lược về máy giặt cho bạn nghe.

Bên ngoài phòng hội thảo, cái bàn trưng bày tác phẩm Bùi Giáng chắc có hơn 50 quyển sách, xếp đầy 5 cái bàn. Còn cái bàn để các đề tài nghiên cứu khoa học về Bùi Giáng thì có chừng… 6 cái vỏn vẹn trong 1 cái bàn.

Không biết thầy hội đồng Sen có cảm thấy vinh danh dữ dội lắm không khi luôn miệng nói “Bùi Giáng đi bộ đội”!

Khải Đơn

PS:

Tuy nhiên, những nỗ lực của những nhà nghiên cứu đã mang tham luận đến đọc và chuẩn bị phần nói chuyện của mình chu đáo cũng đã an ủi và giúp những người mộ điệu không uổng công đến dự phần trong một kỉ niệm mình yêu quý. Hôm nay, tui rất thích bài của thầy Nhật Chiêu đọc.

20 bình luận về “Bùi Giáng đi… bộ đội với thầy hội đồng

Add yours

  1. nực cười là phải ngồi cho được cái chỗ hội đồng mới được (mặc dù éo biết cái gì? và hội thảo gì?)

    Thích

  2. Bạn Khải Đơn, xin chia sẻ với bạn một chút, đây là buổi tọa đàm chứ không phải hội thảo, trên tấm hình bạn chụp cũng có chữ này đó nha, buổi tọa đàm mang đầy đủ ý nghĩa với sự tham gia của đông đảo người quí mến Bùi thi sĩ, bài hát mở đầu, phát biểu của người lãnh đạo cao nhất của trường, hay các hoạt động bên lề cũng không có gì là quá đáng, chi tiết Bùi Giáng đi bộ đội hay đệ trình kiến nghị cũng được nhắc đến nếu bạn thầy cần phải phản biện thì vui lòng đưa dẫn liệu.

    Bạn đến dự với lòng yêu khoa học và quí mến Bùi thi sĩ, 6 cái tham luận của những học giả như Bùi Văn Nam Sơn, thầy Nhật Chiêu, thầy Huỳnh Như Phương,… thì ít nhưng bạn học chữ nghĩa cũng hiểu “quí hồ tinh bất quí hồ đa”, tôi và bạn chắc là những người còn trẻ hơn họ, nhưng nếu bạn thấy trống trải trên bàn để đề tài thì phải tránh trước hết là đám trẻ chúng ta, đừng nghiêm túc phán quá bạn à.

    Giá mà bạn để một ít đầu óc “lễ hội tháng ba” lên tiếng trong mình thì chắc hẳn bạn đã có một buổi sáng tuyệt vời hơn, nghiên cứu khoa học thiết nghĩ là sáng tạo và khám phá, đâu cần phải khô cứng và “dồi dào chất học thuật” thì chân lý mới hiển lộ.

    Mấy dòng chia sẻ, có gì không phải bạn bỏ quá cho, vui thôi mà bạn ơi.

    Thích

    1. Vậy để tọa đàm về thi sĩ Bùi Giáng được rồi, thêm hai chữ khoa học vào làm gì? Những cái đó là khoa học sao?

      Thích

    2. Bùi Giáng hình như cũng tham gia kháng chiến, đi bộ đội công binh gần 1 năm, thời đảng ta còn vinh quang đúng nghĩa.
      Hội đồng Sen nay lại là bí thư đảng ủy. Tọa đàm khoa học về thi ca của Bùi Giáng, cách mạng cũng phải nêu lại cái dữ kiện ấy để còn nhận phần công lao đã khai sáng cho thi ca Bùi Giáng chứ. Dây máu ăn phần, Bùi Giáng có còn sống đâu mà ô nhục hay vinh quang với chuyện ấy.
      Mà mình cũng chỉnh lại Khải Đơn một chút, Hội đồng Sen vốn xuất thân cán bộ Đoàn nhé, học khoa Sử, bạn đừng vu cáo cái chức danh “cán bộ văn học” cho ông mà phải tội với chữ nghĩa.

      Thích

    3. Mình có đôi dòng với bạn gọi là:
      Bản thân mình cũng có tham dự buổi hội thảo, ừ thì những hình thức, những phát biểu là cái phải có bạn à. Song, cái còn đọng lại ở mình, là một sự hoài niệm, rất “tồn lưu rớt hột” của Bùi thi nhân. Mình có cho bản thân những giây, những phút suy tư vể Sài Gòn, về văn khoa một thuở, về những cao nhân, những tài năng mà Bùi là đại diện. Đó là 1 cái mình có được. Rất thật, rất rõ ràng. Và mình đem lấy những điều đó ra về, và mênh mang trên phố, còn những cái nằm ngoài, mình bỏ lại hội trường.

      Như bạn thích bài thầy Chiêu ấy mà, còn lại mọi thứ, mình và bạn “Thôi kệ” bạn nhé!

      Cảm ơn chia sẻ của bạn! Và đây cũng chỉ là chia sẻ của mình thôi bạn há! Chúc bạn an nhiên!

      Thích

  3. Trước giờ tưởng đảng ta chỉ có 3,7 triệu đảng viên thôi. Hôm nay mới biết là 3,7 triệu lẻ 1 người. Hội đồng Sen vừa mới kết nạp thêm 1 đảng viên mới vào ngày 14/9/2013, tân đảng viên Bùi Giáng.

    Thích

  4. Người ta phải làm cho thật tốt cái công tác dân vận thì mới có hy vọng thay đổi chỗ ngồi hoành tráng hơn chứ ! Tiến sĩ, giáo sư sử thời nay đâu còn làm việc chép sử nữa, mà là “chỉnh sử”, “giấu sử” đi theo đúng định hướng tuyên truyền. Sử gia đi lùng kiếm sự thật là sử gia ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, còn sử gia kiêm… quản gia nhà trường chỉ mang nhiệm vụ duy nhất là lùa đám hậu sinh vào răm rắp lề phải, chỉ đen bảo trắng cũng gật, chỉ chó bảo mèo cũng ừ. Không tin hỏi mấy vị trưởng phó hiệu trưởng có bằng cấp to về lịch sử xem lâu nay các vị í có công trình gì về chuyên môn sẽ rõ. Sẵn nhắc hội đồng Sen, xin hỏi thăm đồng chí phó hiệu Phước lúc này ra sao rồi, bác Khải Đơn ? Thanks !

    Thích

  5. Đọc bài của bác KHAI ĐON, với trình độ dân ngu cu đen của tôi , tôi vẫn hiểu những gì bác KHAI ĐON viết , quý vị trình độ như ĐANG SINH, THI CA có coment trên hình như cố tình không hiểu để lái sang hướng khác….quả là thiển cận.!!! .. ….
    Kẻ hèn này rất tâm đắc với BÀI VIẾT CỦA KHAI ĐON và coment của Yamaha.

    Thích

  6. Tự giới thiệu: Tôi vào ĐHTH, khoa Ngữ văn thời Thầy Mai Cao Chương làm trưởng khoa. Khi ấy Thầy Lý Hòa làm Hiệu trưởng. Thuở học trò sau 1975 học trường Nguyễn Văn Bé (Thiên Ca cũ), gần như sáng nào tụi tôi cũng gặp thi sĩ Bùi Giáng từ hẻm chùa Liên Ứng xuôi về ngã tư Xóm Gà. Bùi thi sĩ hay uống cafe sáng ở quán của bạn học tụi tôi thời đó là Nguyễn Ngọc Thành (khi ấy ba của Thành đi học tập cải tạo vẫn chưa về!). Ấn tượng của tụi học trò khi ấy là Bùi thi sĩ thường… chê thơ Tố Hữu (sau này, nghe Thầy Hoàng Như Mai bình giảng về TH, tôi gật gù nhận ra Bùi thi sĩ còn tỉnh rụi hơn vô số các quý nhà thơ khác!). Sau này ra trường, ngoài lề xíu, tôi có nhận tin vỉa hè về Thầy Sen từ Đồng Nai về, và Thầy có liên quan đến một vụ chào cờ gì đó (không tiện nhắc!) thời Việt Nam Cộng Hòa….
    Sở dĩ dài dòng kể lể, vì rất chia sẻ với bạn Khải Đơn…

    Thích

  7. From Khải Đơn: Tôi nhận được phản hồi này của cô Trần Lê Hoa Tranh qua tin nhắn cá nhân, vì cô nói không thể comment trên blog của tôi. Thế nên, tôi post lại email của cô dưới đây, như một comment cô dành cho bài viết này của tôi:

    ========
    Conversation started today

    7:24am
    Tran Le Hoa Tranh

    Bạn Khải Đơn ơi,

    Với tư cách là một người của Khoa VH-NN, mình có một số ý chia sẻ:
    1, Số tiền gia tộc họ Bùi trao, không phải là “tặng, cho” khoa VH-NN mà là để dành hỗ trợ cho những nghiên cứu về Bùi Giáng, mỗi nghiên cứu sẽ đáng giá hơn 30tr đồng rất nhiều, đây chỉ là hỗ trợ, như là một cách thức tri ân, trân trọng những ai biết trân trọng thơ ông. Giống như gia đình mình vẫn hỗ trợ những nghiên cứu về Bích Khê, chẳng hạn. Mình nghĩ, đâu có gì sai?
    2, Việc Bùi Giáng đi bộ đội, hay viết thư cho các trí thức lớn kêu gọi hòa bình, có ảnh hưởng gì đến sự nghiệp văn học của ông không? và nếu nó có trong cuộc đời ông, tại sao chúng ta phải giấu? hãy nhìn Trần Dần, Quang Dũng, thơ văn họ có hay không? và họ đã từng đứng ở chiến tuyến nào?
    3, Tọa đàm, theo nguyên nghĩa, là cùng ngồi, bàn luận thân mật, nhẹ nhàng về một vấn đề gì đó, chính vì vậy mà khi làm nội dung với gia tộc họ Bùi, BTC quyết định sẽ làm cho thực nhẹ nhàng, thân mật, không lên gân, không khô cứng, vì bản chất văn thơ Bùi Giáng xa lạ với những điều đó. Nên mới có tiết mục văn nghệ mà bản thân mình, theo cảm nhận mình, là rất dễ thương, việc phát biểu của gia đình, của những người nghiên cứu về Bùi Giáng cũng không mất nhiều thời gian và đó cũng là tâm ý của gia đình mà. Bài thầy Sen có 10 phút, bạn nhận xét như thể đó là trọng tâm của hội thảo. Những phần quan trọng, chiếm thời gian nhiều nhất, khi viết, bạn cho vào PS. liệu có công bằng với hội thảo? Những người không đi dự được, đọc cái note này của bạn, sẽ hiểu như thế nào?
    4, Bạn có biết, để có được hội thảo này, rất khó, đến phút chót (tối ngày hôm trước) vì 1 số lý do, chúng mình đã định nói “lỗi hẹn với Bùi Giáng”, nhưng rồi thuyết phục, sửa chữa bản thảo, thì mới được tổ chức. Sống trong hoàn cảnh này, bạn biết mà, đôi khi chúng ta phải thỏa hiệp nếu nó không ảnh hưởng đến nguyên tắc của chúng ta lắm, để chúng ta đạt cái mình muốn. Nếu găng quá, thì những người yêu mến Bùi Giáng sẽ không có được một buổi sáng đến hơn 12g trưa hiểu về ông…
    Những nhận xét của bạn, đương nhiên là với tư cách cá nhân, và mình tôn trọng, nhưng nó cũng làm một số người buồn, vì cố gắng của họ không được hiểu đúng. Mình cũng đã từng bị phê bình, bị nghi ngờ… như vậy, nên mình hiểu cảm giác này. Dùng câu chữ để làm đau người khác, cho dù nó chứng tỏ cái cá tính, cái tôi của mình thật xuất sắc đi chăng nữa, cũng chả ích gì, bạn ạ.
    Vì mình chưa add bạn trên fb nên mình không comment trực tiếp trên fb mà gửi qua message này vài lời chia sẻ. Mình thực lòng trân trọng bạn, chứ nếu không, mình không rảnh để viết những dòng này đâu. Cảm ơn bạn Khải Đơn.

    Thích

  8. Có lần thấy một thành hai
    Có lần thấy một lại ra bốn lần
    (thơ Bùi Giáng).
    Vậy chắc có lẽ ông Võ Văn Sen bị” lầm lộn”(!), theo kiểu thấy một lại ra” bốn lần”!

    Thích

    1. Xin lỗi, tôi cũng hơi bị “lầm lộn” (giống ông Sen ghê!) vì câu thơ trên của Bùi Thi sĩ là:
      Có lần thấy một thành ba
      Có lần thấy một lại ra bốn lần

      Thích

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑