Abole, Berke, Sostga – một cốc, hai, ba cốc và chúng ta sẽ là bạn mãi mãi (Con artist in addis Abada)
>> Thức uống của quỷ (1): Ly cafe đầu tiên
“Anh có thích Ram-bo không?”
Người hỏi tôi câu đó là một anh chàng người Phi lai Ả Rập với mái tóc cứng đang ngồi xổm trong bóng râm của một bức tường đất sét trắng. Ánh mắt sắc, hàm râu rậm rì, khăn quấn đầu màu trắng. Không phải kiểu fan điển hình của sylvester Stallone[1].
“Rambo?” – Tôi nhắc lại một cách hồ nghi.
Gã gật đầu. “Ram-bo” Anh chàng chỉnh lại thế ngồi để tà áo không bị quét xuống nền đất bẩn. “Ram- bo”, gã nhắc lại và tỏ vẻ chán không thể tả.“Farangi.”
“Anh là fan hâm mộ Rambo thật hả?” Tôi ngạc nhiên quá – đến Charles Bronson còn nổi tiếng hơn ở Calcutta. Tôi gồng chuột tay lên để làm hiệu cho rõ ý. “Anh thích thế này hả?”
Gã nhìn tôi có vẻ hơi tởm. “Ram-bo” anh ta rên rỉ. “Ram-boo, Ram-boooo. Anh đi không? Anh thích không?”
“Không đi”- Tôi nói, chân thì bước đi. “Không thích.”
Tôi vừa đến Harrar, ngôi làng nhỏ xa tít tắp ở vùng cao Ethiopia, sau một chuyến xe lửa xuất phát từ thủ đô Addis Ababa, suốt hai mươi tư giờ và nhừ tử cả người. Tôi lập tức cảm thấy thích Harrar hơn cả. Những con phố hẻm quanh co không có bóng dáng xe hơi nào và cũng chẳng có cướp, một sự tiến bộ hơn hẳn ở Addis, nơi mấy gã móc túi đi theo tôi như ruồi và một bữa chơi đêm của tôi đã kết thúc khi một tên cố cướp đồ của tôi sau một “nghi lễ uống cafe mừng tình bạn”. Tôi cũng thích hương thơm kiểu Ả Rập ở làng Harrar này, những ngôi nhà đắp bằng bùn được sơn trắng, và những cô gái mặc quần áo châu Phi đầy màu sắc như gypsy. Anh chàng Rambo là gã xô bồ đầu tiên, và tới giờ vẫn là một kẻ khá là chấp nhận được với tôi.
Tôi tìm thấy một quán cafe thích hợp và chọn một bàn ngồi trong bóng mát. Được pha trong một chiếc máy espresso đẩy bằng lực tay, cafe tạo thành một chất lỏng đặc màu đen và được rót vào chiếc ly đựng một shot cafe. Hương vị thật sốc, vì chất cà phê mạnh tiêu biểu cho kĩ thuật rang phổ biến ở Ethiopia là rang trong chảo gây ra chút cháy nhẹ.
Hạt cafe ở làng Harrar là một trong những loại tốt nhất thế giới, chỉ đứng sau cafe ở Jamaica và Yemen, nhưng loại này thì… Tôi nghi ngờ những hạt cafe tại đây đã bị trộn lẫn với cafe Robusta Zairea (tức cafe của Congo – người dịch), là nhân tố tạo ra bọt nâu nổi crema [2] (được gọi là wesh ở Ethiopia), cũng là thứ khiến tôi, sau khi uống hết ly cafe đầu tiên, cảm thấy rùng mình trong cơn lâng lâng khó chịu.
Tôi gọi thêm ly thứ hai. Anh chàng Rambo đứng bên kia đường nhìn tôi săm soi. Mắt chúng tôi chạm nhau. Hắn nhún vai và giơ tay lên như muốn đề nghị chuyện gì. Tôi cau có đáp lại.
Ảnh từ blog About Addis Ababa
Harrar là một trong những thành phố huyền thoại của Châu Phi cổ xưa. Nó bị đóng cửa và cấm người nước ngoài trong nhiều thế kỉ vì các vị thánh Hồi Giáo đã đưa ra lời tiên tri về ngày tàn của nơi này là khi có một người không theo đạo Hồi bước qua những bức tường thành. Những tín đồ Thiên Chúa Giáo có ý định bước qua cổng thành đều bị chém đầu; các thương lái châu Phi có lẽ cũng đã bị cấm vòa thành phố và bị bỏ mặc cho lòng từ bi của lũ sư tử ngoài kia. Bên trong thành cũng chẳng khá gì hơn. Lũ linh cẩu lang bang trên đường phố, nhâm nhi bằng thịt của những người nghèo không nhà cửa. Trò phù thủy và những kẻ buôn nô lệ bành trướng, khét tiếng với trò bán những nô lệ da đen bị thiến cho hậu cung của người Thổ Nhĩ Kỳ. Đến những năm 1800, thành phố sau bức tường thành đã trở nên quá mức bị cô lập đến độ một loại ngôn ngữ riêng đã ra đời. Dân ở đây đến giờ vẫn nói thứ tiếng đó.
Danh tiếng của thành phố đã khiến những nhà thám hiểm gan dạ nhất châu Âu tìm đến Harrar này. Nhiều người thử, nhiều người đa chết, mãi cho đến khi Sir Richard Burton, một người Anh đã “khám phá” ra đầu nguồn của sông Nile, có thể vào được thành phố vào năm 1855 trong bộ dạng giả trang một người Ả Rập. Chẳng bao lâu sau, thành phố sụp đổ.
Tuy nhiên, vị khách châu Âu đầu tiên có ý định tìm đến Harrar sớm nhất, lại là một nhà thơ tượng trưng người Pháp tên Arthur Rimbaud. Rimbaud đã đến Paris khi ông 17 tuổi. Sau một năm theo đuổi cách sống “hủy hoại các giác quan”, ông đã được biết đến là người đàn ông trụy lạc nhất thành phố. Năm 19 tuổi, ông đã hoàn thành kiệt tác của mình, tác phẩm “Một mùa địa ngục” (A Season in Hell). Khi vừa bước qua tuổi 20, ông từ bỏ thơ ca và như biến mất khỏi trái đất. Ôi… Rimbaud…
“Rambo!”- Tôi la lên, nhảy khỏi ghế quán cafe. Đó chính là thứ mà gã trai bên kia đường đã cố nói với tôi – Rimbaud, phát âm thành “Rambo”. Chắc chắn anh chàng đã muốn dẫn tôi đến dinh thự của Rimbaud. Nhà thơ ấy đã không “biến mất khỏi bề mặt trái đất” khi ông từ bỏ thơ ca vào năm 1870. Có lẽ ông đã suy nghĩ một cách hợp lí và quyết định trở thành một thương lái cafe ở Harrar.
Vào lúc ấy, gã Rambo đã biến mất.
Lí do để Rimbaud đến Ethiopia có lẽ phức tạp hơn là khao khát đơn giản được bước chân vào ngành buôn bán cafe. Thực ra lúc đó ông đã hoàn thành một chuyến đi từ kiệt tác “Một mùa địa ngục”, trong đó ông dự đoán mình sẽ đến một vùng đất của “những khí hậu lãng quên”, từ nơi ấy ông sẽ trở về với “mình đồng da sắt và ánh mắt dữ dội” Ông muốn hành động, muốn lao vào hiểm nguy và kiếm tiền. Ông đã đạt được ít nhất hai điều đầu tiên như trong câu thơ khi đến Harrar. Vị lãnh chúa Ả Rập chỉ mới bị lật đổ hai mươi năm trước đó, và những căng thẳng vẫn còn rất ngột ngạt. Những thương lái cafe từ Pháp cần một ai đó đủ điên rồ để thí mạng mình vì những hạt cafe (dù một pound cafe có giá một trăm đô la). Rimbaud chính là người họ cần.
Tuy nhiên, sự quan trọng của Harrar Longberry lại ở phía sau những chiếc tách cafe thơm phức mà nơi này sản xuất ra. Người ta tin rằng đây chính là nơi những hạt Robusta có giá trị khiêm tốn đã ngấm ngầm phát triển trong vùng đất của Arabica, tiềm ẩn nguy cơ khiến cafe Harrar Long berry mất đi mối liên kết với gen Coffea. Để hiểu được sự quan trọng này, trước tiên, bạn cần phải biết có hai loại hạt cafe cơ bản: hạt Arabica ngon lành từ Đông Phi, thích nghi tốt ở điều kiện khí hậu vùng cao; và hạt Robusta đáng nguyền rủa có nguồn gốc từ Zaire, mọc được dễ dàng ở bất kì xứ sở nào.
Để hiểu được, chúng ta phải trở về thời kì bí ẩn trước khi ánh sáng văn minh đến, Kỷ Nguyên Trước Khi Có Cafe.
[1] Sylvester Stallone: Ngôi sao điện ảnh cơ bắp người Mỹ, đóng vai chính trong loạt phim hành động Rambo nổi tiếng.
[2] Crema (gọi là wesh ở Ethiopia): là loại bọt kem nâu nổi lên trên ly cafe espresso vừa pha xong.
“Devil’s Cup” là một trong những quyển du ký mà tôi thích nhất, của tác giả Stewart Lee Allen. Đó là hành trình của cafe, của một tín đồ đi tìm kiếm cafe trong hàng chục năm, từ châu Phi đến châu Á, đến tất cả nơi đâu có dấu tích của cafe. Với tôi, nó thú vị như thể tôi có thêm một tách cafe loại mới mỗi sáng để ngồi nhâm nhi thử, có lúc thơm lừng, khi bị sốc đến ngây ngất, đôi khi cũng… cụt hứng, nhưng mà thế là được. Đời mà… cần cafe thôi…
Thế nên lúc rảnh tôi dịch lại những chỗ tôi thích. Tôi cũng chẳng chuyên dịch cái gì và cũng dốt tiếng Anh, nên cũng sẽ hơi lung tung. Nếu bạn thấy tôi sai thì sửa giúp :|.