Thức uống của quỷ (2.2): Một mùa địa ngục

Ở phần này, tác giả trở về ngôi nhà xưa mà nhà thi sĩ tài hoa và đồng tính Arthur Rimbaud đến Ethiopia để tìm cafe.

>> Thức uống của quỷ (1): Ly cafe đầu tiên
>> Thức uống của quỷ (2.1): MỘT MÙA ĐỊA NGỤC

Hãy cùng trở về thời đó, một ngàn năm trăm đến ba ngàn năm trước, những tín đồ yêu cafe đầu tiên trên thế giới, những người Oromo[1] du mục sống ở vương quốc Kefa[2]. Những người Oromo thực ra không uống cafe. Họ ăn cafe, nghiền nát hạt, trộn với mỡ, vo viên thành những viên tròn cỡ quả bóng chơi golf. Họ đặc biệt thích ngồi nhai thong thả những viên cafe này trước khi bước vào những trận chiến chống lại người Bonga, những kẻ đã đánh bại và đe dọa người dân Oromo.

gourmet-coffee-beans-cupNhững người Bonga từng là những tay buôn nô lệ hạng nhất, hàng năm gửi khoảng bảy ngàn nô lệ đến những khu chợ Ả Rập ở Harrar. Trong số những nô lệ kém may mắn đó là những người Oromo mê nhai cafe đã bị bắt trong các trận chiến. Chính họ là người đã vô tình mang những hạt cafe đến Harrar. Lính Ethiopi kể lại những đoàn người nô lệ ngày xưa đã đi qua bóng râm của những cây cafe mọc lên từ những hạt họ bỏ lại khi ăn dọc đường.

Nhưng điều quan trọng là sự khác biệt của cây giữa những vùng khác nhau. Hạt cafe từ những vùng thấp của Kefa mọc ở trong những khu rừng cafe khổng lồ và khá giống với giống Robusta mọc sát đất và có vị chát đắng thường xuất hiện ở rừng Zaire hàng ngàn năm về trước. Hạt cafe của Harrar, ngược lại, thon dài và có vị ngon hệt như cafe Arabica. Khi thích nghi với độ cao của vùng Harrar, một biến đổi tuyệt vời nào đó đã xảy ra với hạt cafe ở nơi này. Không ai thực sự biết đó là gì, nhưng chúng ta nên trân trọng rằng chính những hạt Arabica đã tiến hóa từ Harrar sau này đã được đưa đến Yemen, và sau đó lan rộng ra khắp thế giới.

Vì thế sự mạo hiểm sinh mạng của Rimbaud đi tìm hạt cafe (trong thực tế, cafe đã giết chết ông) có lẽ không hoàn toàn vô lý. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nhà thơ/thương nhân này có vẻ như chẳng coi trọng những hạt cafe Harrar là mấy. Ông từng mô tả cafe trong một lá thư là “kinh dị”, “thứ khủng khiếp” và “kinh tởm”. Cũng được thôi. Có lẽ những năm tháng nghiện ngập đã làm vị giác anh ta bị trì độn. Những chủ hiệu địa phương thích bán cho anh những túi cafe trộn đầy phân dê, nhưng cũng chẳng quan trọng gì mấy với anh.

Sau vài cốc cafe, tôi đến vào khách sạn chọn chỗ ở và chuẩn bị chuyến đi tìm ngôi nhà của Rimbaud. Harrar là một thị trấn nhỏ khoảng hai mươi ngàn dân; một mê lộ đầy những hẻm hóc lấp ló mái đền thờ Hồi Giáo xen lẫn mấy chiếc lều đất lụp xụp. Đáng chú ý là nơi này có vẻ thiếu tên đường. Ngôi nhà của Rimbaud có lẽ là nơi dễ tìm nhất trong thành phố bởi bất cứ người nước ngoài nào có ý định đến gần ngôi nhà đều sẽ bị vây bọc bởi những tay hướng dẫn viên nghiệp dư xung quanh. Tôi chẳng hề có ý định trả tiền cho ai để dẫn tôi đến ngôi nhà. Tôi men theo lộ trình khuất đến khó tưởng tượng, và cuối cùng cũng đến được khu vực xung quanh nhà Rimbaud chưa được tìm ra, và phát hiện mình đã đi vào hẻm cụt.

Chẳng có ai trong tầm mắt, vì thế tôi nói to một tiếng chào đầy cảnh giác.

“Ở đây” một giọng nói tương tự vọng lại.

Tôi trườn qua một khoảng nứt răng cưa trên một bức tường, và trước mắt tôi, anh chàng Rambo đang ngồi xổm trên một đống đổ nát chờ tôi.

“Aha!” – Gã la lên. “Cuối cùng thì anh cũng đến.”

Gã đang ngồi trước cổng một ngôi nhà lạ lùng nhất tôi từng thấy. Ít nhất là nó có vẻ quá lạ so với những chiếc lều đắp bằng đất chỉ có một tầng ở Harrar này. Nó là một ngôi nhà ba tầng lầu với hai mái nhọn, toàn bộ ngôi nhà được phủ bởi những lớp điêu khắc tinh xảo. Mái nhà bằng ván mỏng được viền toàn bằng những trang trí hoa bách hợp[3] và cửa sổ được sơn màu đỏ. Như thể từ trong truyện cổ Grimm bước ra, tôi lập tức nghĩ vậy. Tuy vậy, điều lạ lùng nhất là ngôi nhà được bao quanh bởi một hàng rào đắp bằng đất cao đến 12 feet[4] mà không có cửa ra vào nào ngoài cái ngách đất vỡ mà tôi vừa trườn qua.

Gã nhìn tôi đầy ngạc nhiên: “Cậu không có hướng dẫn viên à?”

“Hướng dẫn viên? Để làm gì chứ?”

“Không sao.” – Gã vẫy một mảnh giấy vàng nhỏ trước mắt tôi và đòi 10 birr [5].

“Cái này là cái gì?” – tôi hỏi

“Vé”

“Vé? Thật không đấy?”

“Coi đi!” – Gã thoáng có vẻ chạm tự ái. Vé – Rimbaud, mẩu giấy ghi vậy. 10 Br.

“Anh thấy không- nhà thật. Chính phủ. Không phải mấy cái khác.”

“Ý anh là còn có những cái nhà Rimbaud khác hả?”

“Không. Chỉ có cái này thôi.”

rimbauhouse4
Bên ngoài ngôi nhà tráng lệ của nhà thơ Arthur Rimbaud ở Ethiopia

Tôi trả tiền cho gã, và gã dắt tôi đến một cầu thang hẹp trong nhà dẫn đến một căn phòng rộng lớn, có lẽ phải rộng đến ba ngàn foot vuông, với một mái trần cao đến 50 feet bao quanh bởi một ban công hình bầu dục kiểu xưa trên cao. Những bước tường được phủ bởi những tấm vải vẽ tay “tranh trang trí tường”, giờ đây đã bám bẩn và xơ xác khiến tôi liên tưởng đến cảnh tượng những khu vườn Ba Tư kỳ lạ với những huy hiệu trang trí. Những hạt bụi trôi lơ lửng trong không khí. Ngôi nhà không còn đồ đạc nội thất gì.

Một bức ảnh mới tìm thấy về Arthur Rimbaud trong ngôi nhà của ông ở Ethiopia (người thứ 2 từ bên phải)
Một bức ảnh mới tìm thấy về Arthur Rimbaud trong ngôi nhà của ông ở Ethiopia (người thứ 2 từ bên phải)

Nhà thơ người Pháp vĩ đại đã dành những ngày cuối đời để sống trong cái lâu đài siêu thực này, trong sự cô đơn không có ai bên cạnh trừ người đầy tớ nam yêu dấu của ông. Ông không sáng tác bài thơ nào nữa, và những bức thư của ông phủ đầy những lời phiền muộn dành cho nỗi cô đơn, bệnh tật, và cả vấn đề tiền bạc, đặc biệt là nỗ lực tai hại của ông trong việc cố bán nô lệ và súng ống cho hoàng đế Ethiopia. Lời tiên tri của ông về chuyện quay về nhà với  “mình đồng da sắt và đôi mắt dữ dội” vậy là đã tiêu tan .  Ông trở về Pháp trong cơn mê sảng và nghèo khó. Chân trái của ông đã bị cưa. Nó bị nhiễm trùng một cách bí ẩn và ít lâu sau ông qua đời.

Tôi đi dạo một vòng chốc lát, nhìn chăm chú lên ban công, chạm vào những bức tường. Nơi này dường như không có ai ở. Một thằng bé rách rưới theo đuôi tôi rồi lại trốn tiệt mất ngay khi tôi định mở miệng nói. Bồ câu gù trên tổ giữa những bức tranh rách treo tường.

rimbaud house 3
Bên trong ngôi nhà của Rimbaud ở Ethiopia

Khi tôi rời khỏi ngôi nhà, gã đàn ông hỏi tôi có thích gặp con cháu của Rimbaud không.

“Có mấy cô con gái.” – Gã nói – “Con gái Rimbaud…”

“Rimbaud có con à?” – Tôi hỏi.

“Rất nhiều con gái. Con gái rất xinh… rất trẻ…” – Gã ngừng lại, vẻ khuyến khích “Cậu thích con gái Rambo à?”

Để ngủ với một đứa con đẻ khốn kiếp nào đó của Arthur Rimbaud, tôi nghĩ, đó cũng là một câu chuyện đấy. Cô nàng có thể xinh đẹp, giống như tất cả phụ nữ ở đây, và kiêu căng, là con cháu của một cặp người Ethiopia-Pháp nào đó. Thật là cám dỗ. Nhưng chẳng phải là bệnh lậu ở Harrar này đã giết chết Rimbaud ư? Tôi từ chối ngay.

Stewart Lee Allen

Khải Đơn dịch


[1] Nhóm dân tộc đông dân nhất ở Ethiopia

[2] Kefa được người ta cho rằng là nơi xuất phát của từ “Coffee” (cà-phê). Một số ý kiến khác lại tranh luận từ coffee có nguồn gốc từ từ Ả Rập với từ qahwa, với gốc q-h-w-y, để tạo ra “một nghĩa tương phản nào đó”. Qahwa trong từ gốc là để chỉ các thức uống như rượu – là loại thức uống khiến thức ăn khó nuốt, và cũng được dùng để chỉ cafe bởi vì thức uống này khiến người ta khó ngủ. Một điểm khá thú vị là Ethiopia là quốc gia duy nhất trên thế giới không sử dụng một từ tương tự như “coffee” để gọi tên thức uống này. Ở đây, người ta gọi cafe là buna, có nghĩa là “bean”(hạt cafe).

[3] Fleur-de-lis: Dịch tạm là hoa bách hợp, là một mẫu cách điệu hoa thường được sử dụng trong các vương triều, ngày xưa hay được sử dụng ở Pháp và rất nhiều nước châu Âu.

[4] 1 foot = 30.48cm, 12 feet = 365.76cm (khoảng hơn 3m6)

[5] Birr: đơn vị tiền tệ của Ethiopia, 10 birr = 11,138.07 VND  😀 Thời giá lúc dịch.

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: