Thức uống của quỷ (2.4): MỘT MÙA ĐỊA NGỤC

Trong phần này, nghe lời cậu bé học đại học nông nghiệp, tác giả đến Jiga- jiga, bất chấp đang có chiến tranh, để đi tìm một tách cafe.

>> Thức uống của quỷ (1): Ly cafe đầu tiên
>> Thức uống của quỷ (2.1): MỘT MÙA ĐỊA NGỤC
>> Thức uống của quỷ (2.2): MỘT MÙA ĐỊA NGỤC
>> Thức uống của quỷ (2.3): MỘT MÙA ĐỊA NGỤC

ĐÓ LÀ HAI GIỜ LÁI XE DỄ CHỊU TỪ HARRAR ĐẾN Jiga-Jiga, xuyên qua Thung Lũng Kỳ Diệu, dù tôi chẳng hiểu thứ gì đã làm cho thung lũng này kì diệu cả. Tôi đã khởi hành lúc năm giờ sáng, Abera đã cảnh báo tôi là tài xế sẽ không chịu lái xe về từ Jiga-Jiga sau hai giờ chiều vì sợ bọn cướp đường. Cậu đã đề nghị tôi đi sớm và trở về Harrar trước buổi trưa nếu tôi không định ở lại qua đêm, trong trường hợp đó chắc chắn là khách sạn chỗ tôi ở cũng sẽ bị tụi cướp có súng xông vào trấn. Cũng chỉ là phỏng đoán thôi, dĩ nhiên rồi, có ai mà ngu ngốc đến nỗi dám cho tôi ở trong lều của họ chứ. Có lẽ chủ nhà phải hoang tưởng một chút?  Chắc vậy. Dù sao đi nữa, đi thế này là một cách khởi đầu ngày mới thật mát lành và trong trẻo. Tuy nhiên, đến lúc chúng tôi tiến gần ranh giới hoang mạc, không khí trở nên quá nóng đến nỗi một vài khách đi chung xe đã tháo khẩu súng lục cài bên dưới áo ra.

Sir Richard Burton
Sir Richard Burton

“Đầu người, một khi đã bị chặt đi, không mọc lại như hoa hồng.” – Câu nói này được một sĩ quan người Anh đưa ra khi Sir. Richard Burton(1) đề xuất chuyến đi đến vùng đất này năm 1854, và câu nói ấy cứ quay mòng mòng trong đầu tôi mãi. Sự tương đồng giữa sứ mệnh của Burton và hành trình của tôi có vẻ ngày càng rõ ràng. Chúng tôi đều đang đi tìm kiếm “thân thể của nước” đầy bí ẩn ở vùng Trung Phi; chất nước bí ẩn của tôi chứa vài hạt cafe, nhưng còn hơn thế nữa, thực ra cả hai chúng tôi đều đi tìm một thứ. Burton muốn hiểu nơi bắt nguồn dòng sông Nile; tôi muốn biết vài đoạn hạ nguồn của nó ở đâu. Burton kết thúc hành trình bằng một mũi giáo Somali đâm xuyên qua hai má ông; tôi hi vọng sự tương đồng này của mình với ông sẽ kết thúc ở chỗ này.

Jiga-Jiga là một nơi bụi mịt mù chuyên xây dựng lên những cái lều làm từ thùng dầu Shell. Tôi thò đầu vào cái cửa nhà đầu tiên có ló ra một khay ly tách sứt mẻ.

“Kati?” – Tôi hỏi thăm bằng tiếng Amharic và tiếng Ả Rập. “Ở đây có kati không?”

Nggười phụ nữ trỏ vào cái mũ phớt bằng rơm đã tả tơi của tôi và bật cười khúc khích. Tôi ghé thử một quán cafe khác. Tay chủ quán xua tôi ra ngoài, quán kế tiếp và quán kế tiếp nữa cũng y vậy. Mỗi lần tôi thò mặt ra đường tôi lại thấy một bộ xương cao 1m8 đang nhìn tôi với vẻ ơ thờ đáng sợ. Đàn ông ở đây mang súng trường. Phụ nữ đeo những chiếc khăn trùm đầu sặc sỡ. Người Ogaden, tôi đoán thầm.

Thình lình, một bà lão với làn da nhăn nheo, xăm quanh cổ một hình cái dây chuyền có Thập Giá, ra dấu cho tôi theo vào lều của bà. Bà thỏ thẻ nói như thể đang rất sợ hãi. Tôi thầm thì ra dấu trong câm lặng và khẽ hỏi về kati.

“Kati?” – Bà hỏi ngược lại tôi là chỉ về phía một bao tải chất đầy đống lá bẩn. Bà lặp lại kiểu ra dấu đang uống nước của tôi và hỏi lại. “Kati?”

“Vâng!” – Tôi rút một chiếc lá từ bao tải ra và hít ngửi- có phải nó không? Kati huyền thoại, qat shia, trà Abyssinia, và phải chăng là thủy tổ của mọi loại cafe trên cõi đời này? Bà lão ra hiệu cho tôi ngồi xuống một góc lều, rồi bà quay đi. Có điều ở góc lều đó chả có cái gì để mà ngồi. Thực ra, là chẳng có gì trong cái lều này ngoài bao tải lá to tướng ấy. Đây là một quán cafe sao? Không ly tách, không ghế ngồi… và bà già ấy đi đâu nấu kati chứ? Thậm chí, làm sao mà tôi biết được đám lá ấy có phải lá cafe không chứ?

Bà lão bỗng nhiên chững lại và quay lại nhìn tôi đầy nghi hoặc.

“Kati?” – Tôi hỏi lại.

“Owwwww.” – Bà thở ra với một giọng thoải mái.

Ồ, được rồi. Trông bà lão có vẻ rất hiền từ. Tôi co chân ngồi xuống nền nhà đầy đất. Nhưng lỡ bà ta đánh thuốc mê tôi thì sao? Có một tiếng gõ cửa nhỏ, và một gã lính mặc quân phục thò đầu vào nhìn tôi. Ông ta đề nghị tôi cho xem hộ chiếu. Ông muốn biết tôi đang làm cái quái gì ở Jiga-Jiga này.

Lính biên giới Ethiopia
Lính biên giới Ethiopia

“Cafe” , tôi giải thích một cách yếu ớt. “Người ta chỉ tôi nên đến đây để uống cafe.”

Người lính hỏi bà lão một câu hỏi. Bà lắc cái bao tải đầy lá trên tay.

“Cậu là một thằng da trắng ngu xuẩn.” – Ông ta đầy vẻ giận dữ. – “Đây là vùng cấm – rất nguy hiểm! Ra đây đi theo tôi!”

“Nhưng… bà ấy đang pha cho tôi..” Lập tức, tôi thấy rõ mấy lời này cũng như đàn gảy tai trâu. “Thôi được, thưa sĩ quan.” – tôi đáp lại đầy rụt rè. “Nhưng trước hết, tôi có thể mời ông một tách trà không?”

“Trà á?” – Ông ta hỏi lại.

“Không, không. Ý tôi là kati.

“Đó là thứ gì?”

Tôi bắt đầu giải thích.

“Không, cậu phải đi ngay. Khu vực này do quân đội quản lí.”

Khi ông lính “dẫn độ” tôi đến chuyến xe tải kế tiếp để đuổi tôi khỏi Harrar, tôi nhớ lại lúc mấy tay bạn người Ai-len bị tống cổ ra khỏi khu Đông Harlem bởi hai gã cảnh sát New York, bất chấp việc họ liên tục phản đối là họ đến đấy để gặp bạn bè.

“Đừng có ngu xuẩn thế!” – Một cảnh sát nói khi lôi cổ đám bạn tôi đến nhà ga tàu điện ngầm gần đấy. “Cậu sẽ chẳng có bạn bè gì ở đấy đâu.”

(Còn tiếp)

Stewart Lee Allen

Khải Đơn dịch

=========================================

(1) Sir Richard Burton: (19/03/1821 – 20/10/1890) là một nhà thám hiểm, nhà địa lý, nhà thơ, nhà nhân học người Anh. Ông đã thực hiện một chuyến thám hiểm đến Harar (ngày nay là Ethiopia) nơi mà chưa có người châu Âu nào đặt chân đến (có một lời tiên tri rằng thành phố sẽ bị hủy diệt nếu có một người Thiên Chúa Giáo bước vào thành). Chuyến đi đã kéo dài 3 tháng, phần lớn thời gian ông ở cảng Zeila và phải cải trang, đợi đến khi nghe nói đường vào thành Harar an toàn. Burton không chỉ đến Harar mà còn được yết kiến vị vua của thành này và ở thành phố trong 10 ngày, trở thành vị khách của nhà vua. Chuyến trở về bị ngăn trở vì sự thiếu thốn hành trang, Burton viết rằng có lẽ ông đã chết khát nếu không nhìn thấy những con chim trên hoang mạc và nhận ra chúng bay về nơi có nguồn nước uống. (chú thích của người dịch)

2 bình luận về “Thức uống của quỷ (2.4): MỘT MÙA ĐỊA NGỤC

Add yours

Gửi phản hồi cho Thức uống của quỷ (2.5): MỘT MÙA ĐỊA NGỤC | Khải Đơn Hủy trả lời

Blog tại WordPress.com.

Up ↑