Chuyện sinh viên thực tập báo chí

Chuyện này góp lại từ 4 năm qua, tính cả ngày tôi đi thực tập báo chí. Hôm nay lớp tôi mừng 4 năm ra trường, viết lại, để bạn sinh viên nào thấy cần thì dùng.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ các sinh viên báo chí có quá nhiều vấn đề với cả thầy cô giáo trong trường + phóng viên  + tòa soạn nơi họ thực tập, nhưng thường tất cả đều bắt đầu từ hiểu nhầm, cũng như hiểu biết của sinh viên báo chí và các phóng viên là… hoàn toàn khác nhau. Hãy nhớ, tôi nói là hoàn toàn khác nhau chứ không nói sinh viên thì dốt hơn phóng viên nhé.

Reporter-To-The-Beautiful-You-Fashion2

Các trường hợp tôi liệt kê dưới đây hoàn toàn là chuyện tôi nghe được từ đồng nghiệp, bạn bè và cả các em sinh viên tôi quen. Không có trường hợp nào là đúng 100% với tất cả mọi người, vì trải nghiệm nghề báo là trải nghiệm hoàn toàn khác biệt với mỗi bạn.

Sinh viên: Ông phóng viên đó chôm đề tài của em!

Tuyen_Canbiet02

Một bạn sinh viên sau 2 tháng thực tập quyết định bỏ cái ban và cả anh phóng viên hướng dẫn mình. Bạn nói: “Em rất bực, đề tài nào em viết, sáng hôm sau cũng thấy đăng trên báo với … tên ổng, không thì cũng là tên em kèm tên ổng. Tại sao người ta có quyền ăn cắp đề tài của em?” – Khoan vội giận dữ đã, đề tài của bạn là gì? Đó là cái tin nhà văn hóa thanh niên có triển lãm ảnh, là cái tin Đại học X khai mạc hội thao hè… Bạn nghĩ rằng cái tin của bạn “đẳng cấp” đến mức nào để phóng viên hướng dẫn phải “chôm” cái tin đó?

Thực ra, tất cả các cơ quan đều mời rất nhiều phóng viên khi họ khai trương, mở hội, khánh thành. Có nơi mời hẳn 1 tờ báo 3-4 người đi. Bạn là sinh viên, bạn thấy sự kiện đó hay và tới viết. Nhưng bạn có biết đồng thời anh phóng viên hướng dẫn bạn cũng đã được người ta gửi thư mời và tất nhiên anh ta cũng có thể làm cái tin đó chứ, đúng không? Trong trường hợp này, tôi có thể đảm bảo là anh phóng viên kia đã biết sự kiện trước bạn chừng… 10 ngày. Vả lại, đừng nghĩ phóng viên đi tranh với bạn 1 cái tin 50 chữ, nó chỉ đáng giá có mấy chục ngàn thôi. Và nếu tòa soạn, vì lí do nào đó, chỉ đăng tin của anh ấy (mà bạn cho là anh ấy chôm của bạn), thì bởi vì anh ấy nắm mảng đó và đã có thông tin từ sớm rồi. Nếu tòa soạn đề thêm tên bạn, đó là vì họ ghi nhận bạn là đồng nghiệp cùng đi lấy tin với anh ấy, chứ không phải vì anh ấy… muốn ăn chia 50% nhuận bút với bạn.

Khi nào bạn có thể đánh giá một phóng viên “đàn anh” là đạo văn bạn? – Đó là khi bạn thực hiện một đề tài rất ít người biết ví dụ như một em gái bị cha bạo hành, và tin này chỉ có mình bạn biết vì vụ đó xảy ra ở quê bạn, chưa có báo nào đăng cả, chưa nghe ai nói gì cả. Bạn báo cáo sếp ok mà sáng hôm sau lại thấy đề tên phóng viên “đàn anh” thay bạn – với các câu văn, câu hỏi, câu phỏng vấn, câu trả lời chính xác đến 70% như văn bản bạn đã nộp. Thì đó là đạo văn. Tuy nhiên, các tòa soạn lớn thì chẳng ai làm điều này, vì quy trình của họ khá rõ ràng, thậm chí việc ghi tên ai là người viết, ghi tên ai trước, ai sau, ai là người có công khai thác thêm, ghi tên chung bài viết… đều có các chính sách rõ ràng. Chỉ có ở các tòa soạn báo nhỏ, mập mờ vì quy trình, lộn xộn về việc nộp bài, ghi tên bài, xác minh… mới xảy ra các chiện hi hữu như trên.

Và cuối cùng, bạn không nên mất thời giờ “đấu tranh” cho 1 cái tin 50 chữ mà bạn cho rằng người ta chôm của bạn. Mà nếu họ có chôm thật, bạn hãy “phục thù” sau khi trở thành phóng viên, là giỏi hơn anh phóng viên ấy cho anh ta “biết mặt”. Chứ ko nên làm trang nam nhi mà đi cãi nhau vì một cái tin 50k 😀 chẳng kul tí tẹo nào.

Trong đời làm báo, bạn sẽ viết ngàn vạn cái tin như vậy, viết đến chán mớ đời luôn. Hãy yên tâm. Lúc thực tập là lúc bạn cho cơ quan thực tập thấy bạn rất chăm chỉ, bạn đang hành nghề, bạn hành nghề đàng hoàng và bạn xứng đáng có bài được đăng. Mà để làm vậy thì bạn phải mắc công chạy vòng vòng đi viết, chứ đừng có ngồi đó chửi tòa soạn. 😐 Khổ lắm.

Sinh viên: Tòa soạn gì mà kì cục, bắt tôi ngồi đọc báo suốt 1 tháng, stress lắm, chẳng coi ai ra gì cả!

f47c09044bda88e85b7154992bc4f4a2-pv

Em được giảng viên khoa giới thiệu vào báo. Sếp không giao cho em đi viết bài với ai cả, ông chỉ nói em: ngồi đó đọc báo đi. Em đã đọc báo 3 tuần rồi. Làm sao em có đủ chỉ tiêu? Làm sao em tốt nghiệp được? – Bạn sinh viên này thực ra không có lỗi. Hồi tôi bằng tuổi bạn tôi cũng thấy nhiều bạn cùng lớp của tôi bị trường hợp trên. Nhưng bạn có biết là, trước khi để có biết và đi viết gì đó, bạn cần hiểu một chút về phong cách, thói quen khai thác tin tức, thói quen trình bày bản tin cũng như màu sắc của tờ báo bạn sắp phục vụ không?

Điều đáng buồn là, cái thứ này đã không hề được dạy trong trường đại học. Cách tốt nhất để nhận diện và hiểu các tờ báo vận hành ra sao là trong lớp nên có vài bạn mua báo (các tờ khác nhau), sáng đi ra cổng trường ăn sáng cafe và cùng đọc báo. Cùng 1 sự việc, ba tờ báo có thể có 3 cách đưa tin khác nhau. Đôi khi, bạn có thể đọc to vấn đề trong bài báo ra, và cả đám sẽ được 1 trận cười đã đời, vì sự việc được trình bày quá khác nhau trên 3 tờ báo. Nhưng ngoài cái trò vui ấy, thì tác dụng của việc đọc nhiều tờ báo là bạn dần dần định ra được phong cách và ý hướng mỗi tờ báo. Khi bạn bắt đầu đi thực tập và lấy tin, và sau đó ngồi gõ bài, cái phong cách này nếu hiện ra trong đầu bạn, nó sẽ khiến bạn có cơ hội được đăng bài cao hơn.

Và việc 1 ông sếp nói bạn đọc báo đi trong 1 tháng thì chưa chắc có nghĩa là ổng muốn giao đại 1 việc vô nghĩa cho bạn làm như thể bạn là cái nùi giẻ vô dụng đâu. Hoặc là ổng muốn bạn phải biết đọc báo, biết tìm thông tin, biết cảm nhận nhịp độ tin tức mỗi ngày. Hoặc đơn giản là ổng muốn bạn trau dồi 1 chút, trước khi ổng nghĩ ra sẽ giao bạn cho anh chị phóng viên nào kèm cặp. Trong tháng đầu tiên này, bạn cũng nên chủ động làm quen với phóng viên trong ban, từ đó bạn ngỏ lời xin giúp, hoặc chính anh chị PV đó sẽ ngỏ lời muốn bạn đi viết bài cùng. Sao cũng được, miễn là cuối cùng bạn sẽ được đi viết và có sản phẩm thực tập. Nghề báo dù sao cũng là nghề cần phải giao thiệp, quan hệ và viết báo, bạn đừng có căm tức vì mình phải ngồi đọc báo và làm quen với người khác nhé.

Nhưng đừng có nghe người ta nói đọc báo cái là bạn ngồi im re 3 tháng đọc báo luôn nghe, dù sao cũng phải tới lúc “tiến thêm 1 bước” là đi xin ai đó cho mình ra ngoài làm cái gì đó chứ. 🙂

Phong bì  và câu chào

Bi kịch là trong số các câu chuyện tôi nghe, năm nào cũng có đứa chết vì 2 cái thứ này.

Ở những báo lớn, nơi có chính sách khá rõ về phong bì (cho sinh viên thôi, phóng viên thì chưa chắc), bạn sinh viên hãy chắc chắn rằng mình sẽ NÓI RÕ và NỘP LẠI mọi phong bì cho tòa soạn sau khi đi dự bất cứ gì. Đặc biệt, ở những tòa soạn hứa hẹn một tương lai báo chí lớn, bạn càng cần phải rõ ràng cái này. Chớ có nghĩ là không một ai không biết chuyện này và mình có thể “ỉm” cái phong bì vài trăm ngàn vớ vẩn đó đi nhé. Tất cả phóng viên và trưởng ban đều rõ việc này như ban ngày, họ chỉ muốn biết bạn có thể là một phóng viên đàng hoàng và rõ ràng hay không thôi. Có nhiều em sinh viên đã phải ca bài ca uất hận vì đã “ôm và đòi” nhiều phong bì của các cơ quan mà mình đến xin thông tin. Dù sau này hành nghề sẽ khá là khác, nhưng khi là sinh viên, bạn đừng nghĩ làm phóng viên là để đòi phong bì những nơi cung cấp thông tin cho mình, bạn sẽ chết ngay đấy. Tại sao bạn đi xin thông tin người ta để có bài báo đăng, rồi lại còn nghĩ mình có quyền đòi tiền nhỉ?

67_8_1331601316_29_nguoiduatin-nhung-pha-tac-nghiep-dang-cap-va-dien-ro-cua-phong-vien-anh-2

Tuy nhiên, khi bạn đã vào nghề thì đó là chuyện khác, tôi cũng thấy mình chưa có đủ tư cách để bàn gì về điều này.

Có rất nhiều sinh viên ăn mặc đẹp, sang trọng đi lên tòa soạn, ngồi gác chân lên ghế đọc báo. Tuy nhiên, bạn đó tuyệt nhiên không chào ai cả. Với bạn, xung quanh chỉ là những người lạ, hơi đâu mất thì giờ chào hỏi. Quan trọng là sếp, phải o bế sếp trước đã.

Thực ra đây là chuyện rất nhỏ, nhưng nó cũng có thể rất to nếu sau 2 tháng bạn vẫn giữ gương mặt lạnh như tiền, quyết không thèm quen ai hết và “chỉ o bế sếp” thì thứ thiệt hại nhất cho bạn là bạn không quen được các phóng viên vẫn đang ngày ngày chạy ra đường viết bài. Họ có cả ngàn kinh nghiệm có thể kể bạn nghe. Họ cũng có thể rủ rê bạn đi viết chung nếu bạn quen họ. Tuy nhiên, vì bạn hoàn toàn lạnh lùng với người ta, ai hơi đâu mà đi làm quen với bạn.

Tại sao bạn không nghĩ rằng nghề báo là một nghề cần nhiều câu chào và sự quen biết? Tại sao bạn hiểu rằng cần phải ra ngoài đường “tìm nguồn tin” mà không hiểu rằng nên làm quen với chính những đồng nghiệp lớn của mình trước? Tại sao không bắt đầu thực hành nghề nghiệp từ bước dễ nhất là làm quen với người cùng nghề? Và bạn cũng đừng có mong ai đó phải cúi dập đầu chào bạn nếu bạn cứ hếch mặt lên và coi họ chỉ là cái bình trà ở góc phòng nhé. Bạn là ai chứ? Bạn có phải là hot girl hay ngôi sao đâu? Hãy bớt tưởng bở đi nhé.

Tại sao các phóng viên thì ngồi trong tòa soạn sung sướng, còn tôi phải chạy ra đường trời mưa lặn lội vì 1 cái tin?

Đừng nghĩ thế. Các phóng viên có khi đã mất 10 năm chạy vòng vòng ngoài đường rồi (và có thể họ còn chạy tiếp). Nếu vì hôm nay trời mưa, họ sai bạn đi làm cái tin thì thay vì giận dữ, hãy “gồng” lên và nắm lấy cơ hội của mình. Họ có 10 năm làm phóng viên để có 1 vị trí đi bài. Tại sao bạn mới đi thực tập có 1 -2 tháng mà đòi ngồi mát ăn bát vàng có tin bài giống họ. Ai bắt đầu nghề đi viết cũng vậy thôi, có ai gọi đó là nghề nằm viết hay ngồi viết không? Đó là 1 nghề lao động như bao nghề khác, và bạn cần phải chạy ra ngoài đường nếu muốn lấy 1 cái tin lụt đường, ngập phố. Và bạn sẽ có tin đăng báo. Đó là cơ hội của bạn. Xin đừng thắc mắc như thể bạn sắp làm sếp tới nơi như vậy bởi vì có những người phải chạy vòng vòng 10 năm trước khi tạm dừng bước ở một khâu khác của tòa soạn đấy.

Mà nếu bạn không thích chạy ra ngoài đường thì thôi, đi làm nghề khác đi chứ mắc công viết báo chi cho mệt. Haiz…

Hồi em đi làm cộng tác viên trang web, em viết bài nào báo cũng đăng, việc gì anh phải làm khó em thế?

Cái case này chỉ xuất hiện ở thời này thôi, khi mà các trang web thông tin liên tục ra đời, rồi thuê các em sinh viên ngồi copy, xào bài, viết tổng hợp lại cái… người ta đã tổng hợp đăng báo. Sau một thời gian, các bạn có thể tưởng là tất cả những thứ mình viết ra đều hay hết và sếp tất nhiên phải đăng. Điều này hoàn toàn đúng với trang web bạn đang làm việc.

Tuy nhiên, khi bạn đi thực tập và đến 1 tờ báo, bạn thực ra đang đến một cái công ty khác với cái công ty làm trang web của bạn. Tất nhiên là các chính sách cũng sẽ rất khác. Các tờ báo có quy trình duyệt bài, kiểm tra thông tin, biên tập… rất nghiêm ngặt và họ cũng đòi hỏi chất lượng bài phải phù hợp với tờ báo của họ. Vì thế, lúc mới làm, bạn đương nhiên có thể bị gác bài nếu bài chưa phù hợp.

Và sau khi bạn viết 50 bài, họ vẫn gác bài bạn thì bạn đừng nản chí. Bạn hãy hỏi chuyện sếp, để biết bạn đã làm chưa đúng điều gì. Bạn hãy đọc báo, để hiểu rằng tin tức trên một tờ báo là phải đi săn tin, đi làm tin, chứ không phải ngồi tổng hợp lại từ nguồn… trên mạng giống như lúc bạn viết các bài cho trang web nhé. Các loại thông tin này hoàn toàn khác nhau. Các tờ báo đòi hỏi tin chính xác, tin mới, tin do bạn viết và tìm hiểu – chứ không phải tin copy, tin xào.

Điều này không có gì đúng và không có gì sai giữa trang web và tờ báo bạn thực tập, hai cơ quan này đơn giản là khác nhau thôi. Và bạn phải biết mình thích gì? Mình muốn kết thúc kì thực tập có sản phẩm? Hay mình muốn tập trung làm cho trang web kia? Tấ tcả câu trả lời là ở bạn thôi. Tôi không thấy có gì sai khi làm cho 1 trang web cả.

Rồi đó, mới có vài case vậy, mà viết mỏi tay quá. Hum nào rảnh tôi sẽ viết tiếp, nếu bạn thích đọc.

Khải Đơn

22 bình luận về “Chuyện sinh viên thực tập báo chí

Add yours

  1. Đồng ý với em, gái ạ! 1 trong những điểm yếu cố hữu của SV Báo chí là ko vượt qua được tính tự tôn. Nghề báo như bao nghề khác, cần đam mê và biết cách phát huy tinh thần hăng say hiệu quả. Trong công việc, chẳng ai tôn trọng bạn khi bạn chỉ tìm cách khẳng định mình giỏi giang, tài năng. Chỉ lòng đam mê nghề nghiệp, chấp nhận bươn chải trước thử thách mới thuyết phục lòng tin người xung quanh, cấp trên. Câu này của anh nè: Người thành công luôn tìm hiểu điểm mạnh-yếu và tôn trọng đối thủ, kẻ thất bại luôn tự đắc mình đã giỏi giang và sẵn sàng khiêu khích đối phương.

    Đã thích bởi 2 người

  2. Rất cảm ơn vì bài viết của c. Nhưng ngôn từ có vẻ NẶNG quá thỳ phải? :))
    Đọc xong ngẫm thấy Hình như lớp t là một lớp may mắn trong 3 tháng kiến tập vừa qua? tình trạng trên rất ít thấy. Mà như cá nhân t thỳ thế này:
    – Sinh viên: Ông phóng viên đó chôm đề tài của em!: các a/c trên tòa soạn không làm thế, dù không cho đề tài nhưng rất khuyến khích sv kiến tập đi tìm đề tài, nếu trùng đề tài với pv a/c nói thẳng luôn để cho mình tìm đề khác, đừng đi làm mất công.
    – Sinh viên: Tòa soạn gì mà kì cục, bắt tôi ngồi đọc báo suốt 1 tháng, stress lắm, chẳng coi ai ra gì cả! : t kiến tập bên báo điện tử, ngay từ đầu các a/c đã nói : “các em lên tòa soạn cũng chẳng có chỗ mà ngồi, đi tìm đề tài mà viết rồi các a/c sửa, lăn lộn thực tế mới khôn được.
    – Phong bì và câu chào: phong bì là điều tối kỵ , câu chào là thứ không thể thiếu, đi đâu, lên tòa gặp ai từ bảo vệ đến TBT gặp ai cũng chào dù…. chưa biết là ai.
    – Có rất nhiều sinh viên ăn mặc đẹp, sang trọng đi lên tòa soạn, ngồi gác chân lên ghế đọc báo: lên tòa soạn chỉ diện những bộ nào nhìn năng động nhất, không son phấn màu mè, bề ngoài một phần nói lên tính cách, kể cả phong cách làm báo.
    – Tại sao các phóng viên thì ngồi trong tòa soạn sung sướng, còn tôi phải chạy ra đường trời mưa lặn lội vì 1 cái tin?: đùa chứ, cơn bão haiyan vừa rồi năn nỉ rách mép mà có ai trên tòa cho đi, một số bạn bè cứ liều mình đi dù biết báo đã có pv đi rồi.

    Thích

  3. rất thực tế và hữu ích. Hãy bắt đầu làm tốt từ những việc nhỏ để trở thành một nhà báo lớn trong tương lai. Nghề báo cũng như bao nghề khác, đừng chỉ nhìn vẻ hào nhoáng bên ngoài 😉

    Thích

  4. cám ơn chị rất nhiều về bài viết này, năm sau em cũng bắt đầu đi thực tập rồi. E học báo điện tử mà bây giờ cũng đang khá lo lắng vì chưa tìm được cơ quan thực tập thích hợp. Nhưng dù sao đi nữa cũng phải cố gắng, trường hợp 1 là em đã gặp 😦 cái kiểu viết bài qua tay, mà mình sinh viên thấp cổ bé họng, làm gì đây?

    Thích

    1. Chào em,

      Có 2 tình huống em cần phân định:
      1. Nếu là cộng tác để kiếm sống + học tập: mà chuyện này tái diễn nhiều lần và em có CHỨNG CỨ rõ ràng – chứ ko phải là em CHO RẰNG thế. Thì em có thể ngưng cộng tác với người đó và kiếm mối khác.
      2. Nếu là nơi thực tập: Em ko nên suy tính chuyện này, vì lúc này cái quan trọng em cần đạt được là được học nghề và có kinh nghiệm + chỉ cần đủ chỉ tiêu qua kỳ tốt nghiệp. Vì thế em có thể bỏ qua, ko nên đôi co gì nhiều. 🙂 Khi em đã được đưa tới 1 cơ quan thực tập, chuyện bỏ ngang giữa chừng có thể khiến em không thể tốt nghiệp. Điều này không tốt cho em – là trước hết.

      Thích

  5. Cảm ơn c đã cho em thêm niềm tin vào nghề Báo, trường Báo ;;)
    Nếu sau này cán bộ làm công tác tư tưởg như e đc lấn sân sang ngành này thì e sẽ biết ơn nhiều với trang viết này.
    Em cảm ơn ạ !

    Thích

  6. Cám ơn bạn Khải Đơn. Hồi đó mình mà được đọc những bài như thế này thì mình đã tiến xa hơn rồi.

    Thích

  7. Kính chào nhà báo Khải Đơn! Em tên Thanh Tâm và em đang tập làm báo. Em không phải là sinh viên báo chí ạ. Rất mong được làm quen với chị

    Thích

  8. em đang tìm thông tin cho kì kiến tập sắp tới của mình. đọc bài viết và cmt của mọi người thấy khá nhiều thông tin hữu ích.

    Thích

  9. Em cảm ơn chị nhiều lắm, nhưng em vẫn có 1 băn khoăn là hầu như các tòa soạn báo đều nhận sinh viên có người giới thiệu, nhưng em thì không có người giới thiệu. Em liên hệ đến tòa soạn nào họ cũng bảo là không biết 😦

    Thích

      1. Em học Nhân Văn nhưng khoa Văn học và Ngôn ngữ ạ. Khoa bảo SV tự liên hệ chỗ thực tập, nếu có chỗ thì đến trường xin giấy giới thiệu. Bọn em bây giờ đang hoang mang lắm.

        Thích

  10. em là sinh viên năm 3 của trường CĐ Phát thanh- Truyền hình 1. Em sắp đi thực tập, chị có thể chỉ cho em cách chọn đề tài viết BCTT cho phù hợp được không ạ? ( chuyên ngành báo mạng điện tử)

    Thích

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑