Captain Phillips – một cảnh đáng tiền

Bộ phim chiếu từ tuần trước – chắc giờ còn chiếu.

Nếu bạn mong chờ quá nhiều ở bộ phim này, thì tôi hi vọng là bạn không nên mong chờ nhiều. Tôi thấy có 2 món ăn ngon trong bộ phim trên, ngoài ra các thứ khác thì chỉ như phim “Cảnh Sát Hình Sự” dở hơi tập bơi thôi.

Câu chuyện xoay quanh con tàu chở hàng container triệu đô đi qua vùng Sừng Châu Phi – gần sát khu vực Somali và không có cảnh sát biển. Một nhóm cướp biển Somali dùng một cái thuyền nhỏ có 2 máy (gắn thêm 1 máy sau khi đập 1 thằng tiêu đời), 1 cái thang sắt hàn thô sơ, và chiếm được cả con tàu triệu đô. Thuyền trưởng Phillips và thủy thủ đoàn của ông đã cùng nhau chiến đấu với bọn cướp. Có điều sau 1 hồi thương lượng vì bên cướp thì có Phillips làm con tin, bên tàu container thì bắt được trùm nhóm cướp là tay MUSE gầy. Trao đổi 1 hồi thì ông Phillips phải theo tụi nó lên cái tàu cứu sinh, để tàu chở hàng thoát đi. Phần còn lại của phim là cảnh sát biển Mỹ với 1 lũ tàu vây cái xuồng cứu sinh để cứu ông thuyền trưởng.

4 tên cướp biển

Có lẽ sau khi casting 700 diễn viên và chọn ra 4 người làm cướp biển (chính) là Muse – trưởng nhóm – gầy – giang hồ nhưng lý lẽ. Najee (Faysal Ahmed) : to con, lái tàu giỏi và cực kỳ côn đồ, hung bạo, ranh mãnh, một lái tàu ít vai trò và nhiều rúng động, và một cậu bé bị mảnh sành đâm vào chân và không có khả năng kháng cự gì hơn, dù đó là chuyến đầu tiên cậu làm cướp biển.

Vai diễn của Muse (Barkhad Abdi thủ vai) thực sự là một vai diễn đối trọng không thua kém gì Tom Hanks (trong vai Captain Phillips). Diễn viên với gương mặt gầy tọp, thường xuyên nhai lá qat và là một thủ lãnh máu lạnh của nhóm cướp này đã có những đối thoại vô cùng xuất sắc và nhập vai trước Tom Hanks. Những lần nhìn thẳng vào mắt nhau, thoại ngắt quãng đơn điệu, những lời ra lệnh, ánh mắt đấu trí, không chớp mắt lần nào, lẫn lộn trong vẻ gian hùng và sành sỏi khó đoán trước được.

1394789_574423049304277_1298036875_n

Nhưng cũng đâu đó, trong con tàu cứu hộ, Muse lại là một tên cướp biển có lí, với nhiều phân vân về “ông chủ” trước những lời gợi ý của Phillips trong các đối thoại ngắn giữa họ.

Captain Richard Phillips: There’s got to be something other than being a fisherman or kidnapping people.
Muse: Maybe in America, Irish, maybe in America.

(Phillipps: Các anh có thể làm nghề gì khác, như là làm như dân, thay vì đi bắt cóc người
Muse: Có lẽ ở Mỹ, Irish ạ, có thể ở Mỹ sẽ được vậy)

Muse: I’ve come too far. I can’t give up

Barkhad Abdi đã thủ vai thuần thục đến mức trên gương mặt anh toát ra ra vẻ đói khổ tột cùng của một người ngư dân Somalia đã quá sành sỏi với việc làm công nhân cướp biển cho một ông chủ nào đó thường xuyên vác súng đến làng và lùa anh ra biển. Nhưng giữa lằn ranh của sự đói khổ đó là một ý chí mạnh khủng khiếp của một tên cướp sống – chết vì điều mình phải đạt được, có thể dã man hết mức, có lí hết mức, thương thảo hết  mức và rồi… chùng tay bất ngờ vì cái “ngư dân” sâu thẳm trong người anh ta trỗi dậy trong cơn đói thuốc, đói nước giữa biển.

Giữa quá nhiều thái cực cảm xúc, mà tất cả chỉ được quyền thể hiện trong những đoạn thoại nhát gừng 4 -5 chữ, giữa những góc nhìn chênh vênh thông qua góc con tàu cứu hộ nhỏ xíu, Muse chạm vào tất cả các cung bậc bằng ánh mắt trắng dã cương quyết, đôi môi vẩu ra đầy mệt mỏi, vài khoảnh khắc đôi mắt mờ đi và rung rinh chút yếu lòng. Cảm xúc như một hòn bi trôi qua lại trên một sợi dây mỏng, cái thiện và cơn dằn dữ song song có thể ập tới một lúc nào đó mong manh nhất. Diễn xuất của Muse được nhiều nhà phê bình đánh giá là một diễn viên tay mơ lần đầu lên sàn và ngang ngửa với Tom Hanks.

Vai diễn tay súng Najee ( Faysal Ahmed thủ vai) cũng rất tròn vẹn. Từ một kẻ cục súc, chỉ biết đến máy móc và nghe lời Muse tuyệt đối, trở nên hung hãn tột cùng khi có súng trong tay và chinh phục con tàu, khi bị đẩy vào đường cùng Bilal như một coi hổ. Y cuống cuồng, phẫn nộ vì thiếu thuốc, thiếu nước. Không còn là người đàn ông hùng hổ và mạnh bạo nữa, y trở nên hung hãn và tủn mủn khủng khiếp: không cho thuyền trưởng uống nước, treo ông lên và hét vào mặt ông những câu chửi tàn độc. Sự hung hãn của Najee nhiều lúc như một con linh cẩu cắn xé ông thuyền trưởng trong cơn bấn loạn.

MV5BMTk2NjE3NTg3NV5BMl5BanBnXkFtZTgwODA1NzIzMDE@._V1_SX640_SY720_

Cùng với 2 vai nổi bật này, Bilal bị thương và lái tàu kết hợp lại làm thành một bộ tứ hoàn hảo, bổ trợ cho nhau cực kì nhịp nhàng trong diễn xuất, nhiều lúc trong khoảnh khắc, vai diễn của họ lấn át Tom Hanks.

Cảnh cuối phim

Đó là cảnh Tom Hanks được đưa lên tàu cảnh sát biển sau khi 3 tên cướp biển bị bắn chết và ông bị treo trước vũng máu của chúng. Cô nhân viên y tá dắt ông vào khoang y tế. Cô hỏi những câu hỏi an ủi. Ông tên gì? ông bị đau ở đâu? ông đã được an toàn rồi? Hãy thở sâu. Ông có thấy đau ở đâu không? Các câu hỏi diễn ra, cô y tá và người đồng sự làm những việc chuyên môn với cơ thể ông, kiểm tra chấn thương, cắt quần áo ông để sơ cứu… Cô liên tục hỏi để trấn an ông. Còn Phillips, ông chỉ nấc lên từng tiếng ngắn, rồi im lặng, ánh mắt ông lạc thần, thân thể ông sững ra như một hòn đá. Ông chỉ trả lời: Có, vâng, phải… yeah… ông nói không rõ từng tiếng. Ánh mắt ôngkhông nhìn vào ai trong phòng y tế đó cả.

Captain Phillips trailer launch - video

Dường như ông không thể gục xuống hay òa vỡ ra sau một khoảng thời gian quá dài bị đánh đập, đấu trí, tỏ ra mạnh mẽ, cân não với những tên cướp biển. Có lúc, dường như ông đã được kết nối với chúng, khi ông thương cảm cậu bé Bilal bị mảnh sành đâm làm nát chân. Ông cứ ngồi đó, mắt lạc đi, cho đến khi người ta đặt ông nằm xuống trên băng ca, tiếng nấc của ông to dần, to dần, rồi uất lại, nhỏ dần, nhỏ dần.

Nước mắt trào ra, chỉ có một giọt. Phillips đã nén quá lâu cái cơn đau, nỗi sợ hãi, sự bấn cùng không tên gọi khi phải tỉnh táo để đối đầu với những kẻ máu lạnh giữa biển khơi, không nước uống và thức ăn, và những cơn đánh đập, dí súng vào đầu dọa bắn.

Đó là cảnh phim khiến tôi cảm thấy nấc lên, nó thành thực trở thành một dòng cảm xúc bùng nổ, xui khiến người ta cũng không nói được lên một lời nào – để phân bua cho cái tình cảnh đau khổ lúc ấy của Phillips. Ánh mắt của Tom Hanks, sự chuyển động của gương mặt, thân thể và sự bị vai diễn chi phối của ông quá lớn, đến mức đẩy vai diễn vào sự tột cùng của cảm xúc. Cứ như thể cái vỏ lọc lõi của một Tom Hanks đã trải qua nhiều vai diễn lớn đã bị nhai và nuốt đi, để cho cái ông thuyền trưởng già – một người bình thường – được trỗi dậy, đẩy toàn thân Tom Hanks rung rẩy, ánh mắt chới với và vô phương vào lúc được cứu bất ngờ nhất trong cơn sinh tử bi đát hàng chục giờ liền.

Với tôi, cảnh phim này và 4 tay cướp biển đã cứu cả bộ phim.

Không thì nó chỉ còn là phim cảnh sát hình sự khoe tàu sân bay mất thôi…

Khải Đơn

PS: Tôi không bàn đến những tranh cãi quanh nội dung về bộ phim làm dựa trên thuyền trưởng Phillips thật và một sự việc có thật của con tàu chở hàng Alabama. Sau bộ phim, nhiều thủy thủ (ẩn danh) đã kết tội đạo diễn là thổi phồng hình ảnh Phillips quá đáng, ông ta không hẳn là dũng cảm như vậy. Tôi không đề cập đến chi tiết này vì tôi không biết sự thật là thế nào. Tôi chỉ mới coi 1 bộ phim và thấy chừng này thứ thui. Hehe

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: