Người ta gặp nhau bao nhiêu lần trong đời cho đủ?

Sáng nay ra bến xe miền Đông mua vé, tôi nhìn thấy một cô gái bế đứa con và ôm anh chồng một cái. Cô đi ra cửa xe. Anh chồng đứng lại nhìn.

Có cả ngàn cách để diễn tả một cái ôm ở bến xe, là vương vấn, là in lên vai người mình yêu thương một vết xiết tay, là để chút mùi của chính mình vương lên mũi người đó.

IMG_0891

Một cuộc chia ly làm tôi nhớ đến chuyện bạn tôi kể: Anh em của bạn đi làm khắp Nam Bắc, nhưng đứa nào cũng hứa với mẹ, đúng Tết sẽ về. Từ ngày học đại học, có chật vật khốn khổ thế nào, bạn cũng quyết mua được một cái vé để về đến nhà. Có năm bạn kể sáng mùng 2 bạn mới đến đầu đường, trời lạnh căm, đã thấy mẹ quấn khăn quanh cổ đứng đợi.

Con người chúng ta là một sinh vật của sự ra đi. Ta sống dưới một mái nhà, dưới tiếng chuông chùa hay cánh đồng quen thuộc, và một ngày thấy chật chội nhức nhối, ta quẩy túi lên và cất lại sau lưng tất cả. Ta ra đi cho một chân trời.

Nhưng trong bước chân ấy, mỗi người bị đóng đinh lại bởi nhiều ngổn ngang. Nơi ấy có một ông anh trai và hai đứa cháu nhỏ. Nơi ấy có mẹ đang đảo nếp trong nồi chờ xôi chín. Nơi ấy có em gái bé đang gạt mái chèo, nước kêu bì bọp rồi cất một tiếng hát với ta. Có cả ngàn vết đinh như vậy, đóng trong tim mình. Rồi ta tự thoả hiệp, ta sẽ về, dù xa nghìn dặm, mỗi năm (hay vài năm) ta lại về – hẹn nhau đúng chốn nào đó – tái hợp một tình thương, tái hợp những tháng ngày sinh hoạt hệt như các vết đinh đau nhức nhối và khắc khoải. Lời hẹn ấy không có giấy tờ, không kí nhận hay công chứng, nó chỉ giống như ta cầm búa, đóng sâu thêm nhát đinh vào tim mẹ già, hay đóng chặt mình vào cây bông gòn đầu xóm vắng buổi trưa, nơi ta đi chôm ổi rồi bị ông hàng xóm dí chạy.

Người ta có một cam kết để trở về.

Ta có gặp mẹ vạn cũng là không đủ, nhưng ta sống ở ngôi nhà đó ngàn ngày thì lại thầm trộm nhớ những con đường xa, việc làm mới, cuộc vui chơi đình đám của tuổi trẻ phố chợ. Người ta không thể giữ mình sao cho giống cái tủ chén hay một con đò, quanh quẩn đâu đó cạnh cái kênh trong xóm nhỏ. Người ta phải ra đi, phải vun đắp thêm vào thân thể những vết gió mưa, vun vén những cuộc trò chuyện và tranh giành để trở thành một người lớn thêm và già đi mãi mãi…

Tại sao phải làm thế?

Đó là định mệnh. Chắc thượng đế sinh ra loài người để đi và gieo rắc những cuộc trò chuyện. Họ mang chuyện xóm nước lên rừng hoang, mang loài từ biển xa về nhốt trong bể kiếng, mang vết giày đất đỏ trộn vào cát biển trắng phau, mang chính thân xác mình ra và quăng vào thế giới của triệu nhân tính khác. Và gọi tên đó là một cuộc ra đi.

Rồi lặp lại như một con thoi, ta lên xe trở về nhà, thấy mẹ già tóc bạc, thấy tay mình nắm chặt tay mẹ, thấy gió ngoài hiên thổi đúng mùi thơm gạo của tuổi lên 10, thấy sông đang lầm rầm một lời giận dỗi. Ta thấy mình đang thực hiện một lời thề hẹn – một thứ hợp đồng vĩnh cửu gắn bó với tim, với nhịp thở, với từng sợi tóc già phất phơ bay.

Ta trở về, vì đó là ngày hẹn gặp, bao lâu là đủ thì không rõ, chỉ nhớ cần phải về cái đã…

Kẻo có mắt ai lại mong ngóng mỏi mòn…

Khải Đơn

Chúc bạn Tết này sum họp

Advertisement

7 bình luận về “Người ta gặp nhau bao nhiêu lần trong đời cho đủ?

Add yours

  1. Tết này mình không về, vì mình có 2 quê, quê ngoại và quê nội. Năm nay mình ăn tết quê nội, cũng chính là Sài Gòn. Đọc bài viết của bạn, mình thật sự rất cảm động. Cảm ơn bạn rất nhiều. Chúc bạn và gia đình một cái Tết ấm áp.

    Thích

  2. Đọc xong thấy bồi hồi, 22 năm rời xa miền đất Tây Đô nơi có nhiều ký ức tuổi thơ và những người thân yêu lên Sài Gòn tìm kiếm cuộc mưu sinh và nay đã là công dân TP nhưng chưa bao giờ hưởng 1 mùa xuân ở đất Sài Thành vi khi mỗi độ xuân về lòng mình cứ nôn nao ve 1 miên quê mà nơi đó có những nguoi yêu thương luôn ngóng đợi.đúng là lời hứa không cần ký kết, mình đã làm 22 năm qua và sẽ làm nhiều năm nữa.Chúc tất cả mọi người một mùa xuân sum vầy hạnh phúc bên những người thân thương

    Thích

  3. Người ta gặp nhau bao nhiêu lần cho đủ?
    Vùng quê nghèo khó ấy nuôi tôi lớn, căn nhà nhỏ có bà Nội nằm cạnh phe phấy quạt mo mỗi đêm hè, ông Nội ngồi trước hiên kể chuyện thời đánh nhau với Pháp. Có bác ôm ngủ những ngày giá, có mẹ chăm lúc ốm (hồi bé tuần nào cũng bị tiêm, ốm o hoài, lớn lên vì thế mà mi nhon hơn các bạn cùng trang lứa). Tuổi thơ dừng lại quá sớm, tôi chỉ còn nhớ được những trò chơi mình đã cùng chơi với bọn trẻ trong làng ở phía dưới sân kho hợp tác xã, bãi bóng cỏ trước nhà có mấy dứa xóm dưới chăn trâu, dạy nhau làm diều giấy. Giờ lớn rồi, nhớ lại cái chi cũng mờ mờ, kí ức đứt đoạn. Người quê giờ khác, người thân cũng khác; chào hỏi nhau còn thấy gượng gạo. Ấy vậy mà chẳng bỏ mà đi được, chẳng hiểu sao.
    Mỗi lần về cũng được mấy ngày, mẹ xách giùm balo ra đầu ngõ đợi oto đi qua vẫy lại kẻo lỡ chuyến. Đứng đợi xe mẹ cứ hỏi riết mấy quả trứng gà con nhớ xách tay chưa, tiền mẹ cho thêm để ở ngăn cùng balo có kéo khóa ấy, nãy có dặn bố rồi hãy đi không, nhớ gọi điện về hỏi thăm bác,,…mẹ cứ dặn từng tí cho đến khi xe đậu trước mặt. Lên xe rồi, mẹ đứng nhìn xe đi khuất mới về.

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: