“Mùi” của những ngày xuân đã qua lâu

Một năm nọ, khi vừa 20 tuổi, tôi quyết định lần đầu tiên không ăn Tết ở nhà. Từ năm đó, đã có nhiều mùa xuân khác trôi qua ở đâu đó xa nhà.

Mùa xuân trong rẫy cafe

Năm đó, rẫy cafe nhà bạn vừa đợt ra hoa. Bạn dắt tôi về quê, nói là đi ăn Tết người làm rẫy. Đêm 30 Tết, chúng tôi lái xe ra chợ – một cái chợ từ 10 giờ đêm. Hàng hàng những chiếc xe công nông máy nổ giòn tan kéo về trên con đường chính. Cái thị trấn bình thường tĩnh lặng giờ rập rình những đèn sạp hoa, đèn ở khu chơi ném bóng, đèn chăng kín để sưởi cho những cây hoa còn nụ kịp giờ ra bông chỉ 1-2 ngày tới. Đêm sáng rực rỡ như mặt trời ngay lưng một quả đồi lớn dù sương mù đã phủ kín đường đi, lạnh buốt cả cánh tay người lái xe.

6176_1193143382574_2877765_n

Những ông nông dân già nua, hàm râu bạc quặp trên gương mặt nhiều góc cạnh, gồng cánh tay bưng xuống hàng lũ chậu hoa mai khổng lồ, xếp hàng dài dọc theo đường chính vào chợ. Năm ấy, tết dân cafe giàu vì được giá, người ta truyền miệng nhau cái salon xe máy trong thị trấn chiều nay đã bán hết sạch xe, không còn chiếc nào, mà vẫn còn có người phải lên tận Buôn Ma Thuột để mua xe “ăn Tết”.  6176_1193144862611_1729105_n

Người bán hoa thay phiên nhau đặt giường xếp ngay giữa vườn hoa mà ngủ, giấc ngủ chui kín mình trong cái chăn bông xỉn màu, rồi đột nhiên choàng dậy giữa làn sương lạnh và ánh đèn đỏ quạch, thay phiên cho người thân đang đứng bán đi ngủ. Người mua hoa đổ về hàng hàng lũ lũ, như thể họ soi đèn đi qua những thân cây, qua nương rẫy, rừng suối để đổ tất cả về nơi có ánh đèn xôn xao lộng lẫy này. Chỉ vài tiếng sau, chợ ngập người, ngập tiếng gọi nhau ý ới của mấy đứa nhỏ dân tộc đi mua quà rồi ngậm đầy miệng, cười hoan hỷ, ngập ngợi.

duong di Ha Tien (1)
Chỗ này ở mút Hà Tiên :)) ko liên can tới bài viết

Năm ấy, mùa xuân đến giữa rẫy cafe, tôi phát hiện ra hoa cafe thơm dịu và ngọt như hoa lài. Tôi theo người làm cafe đi chợ hoa, mua hoa rồi chở hoa về nhà bằng… máy cày. Tôi theo mẹ của bạn, đốt đống lửa giữa sân, diệt trừ hết điều không may năm cũ và đón hơi ấm vào nhà. Đống lửa nhà bạn sáng bập bùng trên thềm nhà, gần dưới chân đồi. Đứng từ ấy nhìn lên cao, thấy những nhà hàng xóm khác cũng đã thắp lửa, có nhà làm hẳn một khúc củi to, hơi lửa sáng rõ, bước vào nhà thấy ấm cả bàn tay. Từ 2 giờ sáng, đám thanh niên gọi nhau ý ới dậy, rồi lái xe chở nhau đi gõ cửa từng nhà, gọi cả mấy bố mẹ già đang ngủ phải bật dậy. Đám trai ấy cười, nói thật to lời chúc: “Chúc bố mẹ làm ăn phát tài” – rồi ăn miếng mứt, uống li rượu với bác chủ nhà, đứng dậy rồi lại xôn xao qua nhà người khác.  Mấy ông bà già thương đám nhóc mê tơi, tóc bạc, lưng còng mà cứ cười suốt cả đêm khuya. Đám trẻ sẽ đi hết cả đêm khuya, chúc hết tất cả nhà trong xóm, mới chịu mò về lăn ra ngủ đến trưa mùng Một Tết.

Giữa khoảnh khắc ấy, tôi như lạc vào giữa rẫy cafe thơm ngát, nơi những tích tụ và mong ước của biết bao năm tháng và con người đã dồn lại trong một sự thể hiện rất nhỏ: Một đống lửa cho năm mới ấm áp, một chậu hoa cho sự sung túc đầy tràn, một tiếng cười ngập ngợi nhà cho một cha mẹ già còn ở bên những đứa con…

Cành đào rừng và bà lão trên núi

Nhưng có vài mùa xuân không may mắn để vui tươi như vậy. Một lần nọ, tôi đi xe máy với bạn lên Tây Bắc. Đó là những thời khắc cuối cùng của mùa Đông trên núi. Bầu trời có nắng lạnh, trắng lóa. Người đàn bà buổi sớm bày hàng ra bán, chỉ , thấy chúng tôi mò vào ăn vì trời quá lạnh nên đói quá. Bà nhìn chúng tôi mấy lượt rồi đi vào nhà, xắn ra hai miếng bánh chưng to đoành, để trong chiếc đĩa nhựa mà bà dành để bán quà sáng cho khách. Bà cười nói: “Ăn bánh với bà, bánh xong mà mấy đứa cháu đi hết, bà ăn không hết.”– Sáng hôm ấy, bà đã kể về cháu bà từ Hà Nội về, chơi được mấy ngày với bà lại than ở quê buồn quá, đòi về ngay, chẳng thèm đợi Tết với bà nữa. Bà bán quà sáng cả ngày cuối năm vì không muốn nằm mãi trong chăn, lại thấy cảnh nhà vắng người, không ai nói cười cho vui nhà vui cửa. Ra bán hàng bà có khách hàng nói cười cũng thành ngày Tết.

2446_1095905231681_866508_n

Năm ấy, ngày cuối đông lạnh cóng, sương mù trời lúc 6 giờ sáng phủ đầy trên những con đường. Khi lướt qua những cành đào chúm chím màu hồng dưới ánh xám sắc lạnh của núi, tôi nghĩ đến những người đào hồng rừng về phố để chưng. Hoa đào ấy bé tẹo, cành to khổng lồ, nét hoa yêu kiều như thể một thứ bùa ngải núi rừng, đẹp mê mẩn. Vậy mà cứ lái xe một quãng lại đâu đó có một người còng lưng đẩy một cành đào rõ to ra giữa đường, đứng vẫy xe hơi đi qua, để chào bán được một cành đào rừng vừa đào được đâu đó mang về. Người ta mua xuân về Hà Nội thì người bán đào coi như cũng có thêm chút mùa xuân. Cành đào được người mua cột chặt lên nóc xe, rồi cứ thế phăm phăm hàng trăm km về tới phố, lơ ngơ trong những góc nhà bé hẹp và tiếng còi xe ngột ngạt, rồi hết ba ngày tết thì nằm ngổn ngang trên vỉa hè. Một nhành hoa bị vứt bỏ.

Nhìn cảnh Tết ấy, tôi nhớ đến bà lão bán quà sáng, bà là một góc ấm của nhà đã bị bỏ quên trên núi cao, bà có nét gì đó cũng cô đơn và mong manh như cành đào về phố, không ai trò chuyện, không có người cùng chia sẻ bữa cơm ngon, sao quá đỗi cô đơn và lẻ loi trong những rặng núi ngập màu xám lạnh này…

Cành đào bị đánh rơi trên phố, không biết có nhớ bà đang ngồi một mình ở hàng quán lạnh đó không?

Tết đêm Sài Gòn

Sài Gòn luôn là một nơi kì lạ khi Tết đến. Trước ngày mùng 2 Tết, nhiều người nói rất khổ sở, vì quen ăn ngoài, giờ Tết đến quán xá nào cũng đóng cửa. Hàng triệu người đi lại trên các con phố giờ như bị hút đi đâu mất đến một hành tinh khác. Cả thành phố trống trơn, im thin thít. Đường Trần Quốc Thảo có thể lăn ra giữa đường ngồi cũng chẳng thấy xe thèm đi qua. Ở góc đường Hòa Hưng, tôi thấy qua hàng rào, những gia đình đã xếp trước cửa nhà rất nhiều chậu cúc vàng và hoa mai. Tết ở thành phố hoa lệ khổng lồ này chỉ là tiếng cười rúc rích của em bé bên mẹ trong buổi sum họp gia đình kín đáo. Tết chỉ vô tình đọng trên môt góc phố, có bà bán cafe vì miếng mưu sinh đã vội ra bán từ ngày đầu, mấy vị khách thì cười giả lả trêu bà xin lì xì.

306609_3175080809771_1224031599_n

Có một đêm, tôi ngồi trong công viên Hoàng Văn Thụ nhìn ra, đếm mãi mới thấy một chiếc xe máy chạy qua, mà buồn hiu hệt như một cánh chim lạc vào buổi chiều sụp bóng. Có hai cô bé gái mặc đồ đẹp đi ra công viên mang theo quà vặt bày ra ngồi ăn với bạn, nói chuyện một lúc rồi đi về, bóng cũng hút dần, không hề giống cái “công viên chợ trời” thường ngày chút nào.

Rồi bỗng nhiên chiều mùng Hai tết, anh giữ xe bỗng ở đâu xuất hiện, điệu bộ còn ngái ngủ, quán chè bỗng kéo cửa cái rẹt, mở bung ra. “Chiều mùng 2 bán lại” – quán ghi biển vậy. Rồi vậy mà đường vắng thế kia, xe cộ ít ỏi thế kia, chỉ cần quán chè bung cửa ra một cái là có ngay khách chạy vào. “Mấy bữa Tết nhậu không, mệt bao tử quá, thèm đồ ngọt mà hôm qua giờ ở nhà hổng ai nấu!”  – anh trai cười hiền khô, rúc rích với bạn gái, mỗi người một chén chè.

Rồi cứ thế, từ cái kéo cửa rẹt đó, bỗng chốc đêm Sài Gòn đông ào ào lại. Từ mùng 2, người ta đã ra đường kiếm miếng ăn lại rồi.

Vậy là chẳng còn đêm nào tôi có thể thấy con đường công viên vắng tanh nữa. Tôi lủi thủi về nhà, rúc vào giường ngủ một mạch hết “mùng”, lên Sài Gòn đã thấy biển người đầy nhóc lại tự bao giờ.

Hoa anh đào nở trong cốc nước nhựa

Năm 2011, tôi đến một trại tị nạn của người bị sóng thần trong thị trấn ven biển Kitakami, ở vùng Tohoku ở Nhật. Đó là đầu một mùa xuân rất lạnh. Hoa anh đào vẫn chưa nở vì trời quá lạnh. Năm ấy, người ta bảo trời không chịu bớt lạnh và vẫn còn những đêm tuyết rơi.

Thị trấn làm nghề cá ấy quá sát biển và đã bị lật tung lên toàn bộ sau cơn sóng thần tàn bạo. Tất cả chỉ còn là một bãi xà bần đổ nát. Chỉ có một khu thể thao trên núi còn xót lại, trở thành nhà của toàn bộ người còn sống.

o NHat Ban (5)

Rất nhiều người già lặng lẽ quay trở về đống đổ nát ngoài biển, lật dưới bùn ướt và xác nhà mình lên những quyển album ảnh người thân. Họ phơi ảnh trên những vỉa hè xi măng trong ngày không có tuyết. Một bà lão, tay xếp ảnh khô vào một tập giấy, đã ôm tấm ảnh vào lòng, rồi khóc nức nở trong một góc của nhà trú. Lúc ấy, tôi đứng ở rất gần bà, và người ta nói bà đã mất cả hai vợ chồng đứa con và cháu. Bà chỉ còn lại một mình trong đời.

Trời lạnh hơn khiến mọi người khổ sở, nhất là những người già. Ông trưởng nhóm nơi trú ẩn nói, ban ngày ông sẽ cùng những người đàn ông còn khỏe nhất quay về nhà, đi tìm những người còn sống sót hay… xác của họ. Còn những phụ nữ sẽ chăm sóc nơi này. Ông ngồi bệt xuống cái ghế, gương mặt đầy mồ hôi dù đang ở giữa buổi chiều rất lạnh.

o NHat Ban (2)
Hoa trên bàn ông ấy đây

Chính lúc ấy, bà lão xếp ảnh nhẹ nhàng đi đến sau lưng đám người đang bàn luận chúng tôi. Bà nhẹ tay bẻ cành hoa anh đào có vài bông mới nở, tiếng kêu : “tách”. Bà lặng lẽ lấy một cốc nước nhựa, cắm cành hoa vào, đặt lên bàn ông trưởng nhóm, rồi im lặng đi ra. Khi đèn cầy được thắp lên trong đêm tối thiếu thốn và giá lạnh ấy, bông hoa như lung linh và lay động theo ánh nến. Trong bóng tối đó, gương mặt ông lão như hiền hòa và trẻ trung hơn.

o NHat Ban (3)

Sau này, tôi được bà và nhiều người nói họ cảm ơn ông, vì ông không phải người vùng này, nhưng đã tình nguyện ở lại và giúp đỡ họ đi qua cơn đau khổ và hỗn loạn.

Vì biết như thế, bà đem tặng ông hạt mầm đầu tiên của mùa xuân vừa đến trong vùng đất của giá lạnh.

Khi ấy, hoa anh đào đã nở… và mùa xuân chớm trên khắp cả tháng ngày…

Khải Đơn
TVTD

Advertisement

1 bình luận về ““Mùi” của những ngày xuân đã qua lâu

Add yours

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: