Cuộc sống của chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra cuối thập niên 80 đã không còn một sóng gió nào quá lớn, nếu so với cả một con đường dài quá mỏi mệt và đầy mâu thuẫn của những người cùng dân tộc sau chiến tranh Việt Nam. Không có bom, không có ấp chiến lược, không có cả những cuộc hành quân rùng mình với hàng triệu tuổi xuân ra đi. Chúng tôi tuyệt nhiên không nếm những nỗi khốn khổ của quá khứ.
Trong nhiều cuộc gặp gỡ, có bà lão ở Sài Gòn nhìn vào mắt tôi và nói: “Tôi quá buồn vì ngày 30 ấy.” – Bà nói bà không thể chịu được cảm giác một ngày nọ cả nhà bà phải đi ra đường, để nhường chỗ cho người xa lạ vào ở trong ngôi nhà bà, con bà chết vì nhỏ quá mà bệnh trên vùng kinh tế mới.
Một lần, ở Dương Minh Châu (Tây Ninh), tôi nghe một bác già chậm nước mắt lưng tròng, nói con bác hi sinh cả 2 đứa. Một ông bác rất già đang hùng hồn kể chuyện đi đánh giặc ở Tây Bắc, bỗng nhiên lặng đi, nấc lên và nói: “Bác ân hận mãi, bạn của bác chết vì mìn cóc, anh em chưa kịp chạy ra khiêng xác nó, thì bom rơi, xác nó tan tành.”
Những người già ấy khóc trước mắt tôi. Họ giống những người kể chuyện trong các bộ tộc ngày xưa, rầm rì bên đống lửa, truyền lại thứ tinh thần mà họ đã sống với bạn bè, anh em, đồng đội, giữa cay đắng, khổ sở, giữa vinh quang, mất mát. Họ có một điểm giống nhau đến lạ lùng, dù ở phe bên này hay bên kia, là không bao giờ chỉ vẽ những đứa trẻ như tôi phải đứng lên để đánh đập một cái gì. Có ông kể xong còn kết luận: “Kể vậy để tụi bây hiểu chuyện gì cực chứ mình cố gắng làm cũng được, đừng có sợ.” – Triết lí cuộc đời của những người đã mất con, mất chồng, mất nhà, mất đồng đội trong cuộc chiến đơn giản lắm. Họ muốn những người nhỏ tiếp tục sống một cuộc đời hiền hòa và thanh thản bởi vì họ đã gồng mình lên, đi ra khỏi mất mát để nuôi lũ con cháu này lớn lên, và để cho chúng hưởng sự hòa bình hiếm hoi này.
Nhưng tự do hay hòa bình là cái gì, mà sau 39 năm rồi, vẫn có những thầy cô đứng thao thao giảng trên lớp học: “Quân ta tiêu diệt địch”, vẫn có những người lớn hung hãn đập bàn ghế để nói về “kẻ địch”, “Ngụy quyền”, “Việt Cộng” cả ở Việt Nam và những cộng đồng ở nước ngoài.
Tôi không dám chắc những người lớn ấy đã sống bao nhiêu phần trong chiến tranh, giống như những người già đã kể chuyện cho tôi nghe. Không biết có ai trong số họ đã ở trong tận cùng của địa ngục xung đột, nơi người yêu thương mất nhau, gia đình chia lìa, tan vỡ, nơi bà mẹ mất con cái mình… Hay có thể bởi vì họ không ở trong trung tâm của nỗi đau thương, họ mới hùng hồn mạnh miệng vẽ lên trong đầu óc người trẻ chúng tôi những khái niệm đầy ác cảm và chia cắt, cả ở đây và ở nơi họ gọi là “phía bên kia”? Những bài học lịch sử, những câu chuyện khích động không còn chút đáng tin nào nữa, nó giáng vào tim của những người trẻ một sự nặng nề đầy ác cảm và khiến họ không nhìn thẳngvào mắt nhau và tự chia cắt bằng một lằn ranh vô hình.
Vậy ai mới xứng đáng với tự do? Người Việt Nam mình dễ dàng tha thứ cho người ngoại quốc bao nhiêu, dễ dàng tay bắt mặt mừng với “bè bạn quốc tế” Pháp, Mỹ nhanh chóng mà không thể thở một hơi nhẹ nhàng và nhìn vào mắt của những người cùng một tiếng nói, cùng một vùng đất mà mình đã từng chĩa súng vào đầu nhau. Họ quên quá nhanh những đau thương cũ và thù giận quá lâu cho một quá khứ không thể nào cải biên (cho đẹp hơn) được.
Nhiều người lớn lên trong hòa bình và vẫn lớn tiếng chửi đổng người đã chết trong chiến tranh, gọi họ là thằng này con kia, phe này phe nọ. Họ đâu có ở bên ngoài cuộc chiến đó như những người già mất con, mất chồng kia, sao không biết trân trọng hòa bình? Sao cứ phải thì thầm vào tai con trẻ những cụm từ đầy chia cắt và ác cảm?
Và những người đã đến được với thiên đường của tự do tận châu Âu, châu Mỹ, đã tận hưởng và uống bầu không khí của bình an, sao không để những chuyện buồn cũ lại và giúp con cái mình lớn lên với cảm xúc hòa nhã và bớt đau khổ hơn?
Những người lớn giận dữ ấy không chịu hiểu rằng, nếu cuộc sống quá khứ của họ tràn đầy thiếu thốn, căm giận, là mất quê hương, nơi ở, thì lẽ ra giờ đây, con cái họ có thể và xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp hơn, và không cần phải thở trong bầu không khí giận dỗi đầy ngột ngạt ấy nữa. Chỉ vừa rời khỏi cuộc chiến tranh, người ta đã mờ mắt không chịu hiểu về sự quý giá của cuộc sống yên bình. Họ không chịu gieo những hạt mầm an lành mới vào trái tim con cái mình.
Trẻ con không xứng đáng phải sống với di sản của chiến tranh và chết chóc. Sẽ đến một lúc khi đủ bình tĩnh, những đứa trẻ sẽ đi tìm gương mặt của lịch sử mà chúng muốn hiểu biết, chứ không phải là lớn lên trong những câu chuyện kể của những người lớn đầy chia cắt và phẫn nộ.
Ngày hòa bình, xin đừng gieo thêm nỗi giận buồn nữa…
Khải Đơn
Bài đăng trên Thanh Niên Online: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140502/ai-xung-dang-voi-tu-do.aspx
Ha ha! Lâu quá mới đọc lại Khải Đơn – sau cái bài tiêu biểu cho “Văn chương tự cổ đa vi lụy” hôm xưa, bạn theo Rimbaud vui chơi hết “Một mùa địa ngục” (Une saison en enfer), nay quay lại ” Ngày Địa ngục 30/4″ . Aristotle nói “Con người là động vật chính trị” (Man is a political animal), và Carl von Clausewitz tiếp : “Chiến tranh là kế tục của chính trị” ( La guerre est une simple continuation de la politique par d’autres moyens ); cho nên ” Chẳng có vị cứu tinh nào, chẳng có sự bó buộc ngoại lai nào, có thể mang lại tự do cho ta; tự do chỉ có thể đến từ đáy lòng ta, từ sự nỗ lực của ý chí ta” [Pas de sauveur, pas de contrainte extérieure qui puisse nous procurer la liberté; la liberté ne peut venir que du fond de nos cœurs, de l’effort de nos volontés.(J.G.Fichte)]. Dĩ nhiên bạn có thể cho ngày 30/4/1975 là ngày bắt đầu của hòa bình, tự do (trên đất nước VN), hay là ngày bắt đầu của một cuộc chiên tranh mới, một sự nô lệ mới thì cũng được thôi. Chẳng phải người ta đã thi đua yêu nước, và yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội; còn chủ nghĩa xã hội là cái gì thì chẳng ai biết ai thấy, nhưng người ta phải “giả vờ” rất am hiểu để khỏi bị đói, bị tù. Tóm lại người ta phải ca ngợi chiếc “bánh vẽ” để được ăn bánh thật. Theo tôi ngày 30/4 /1975 là kết quả của một sự lựa chọn giữa “sự thật” và “dối trá”.
“Il n’y a d’histoire digne d’attention que celle des peuples libres; l’histoire des peuples soumis despotisme n’est qu’un recueil d’anecdotes” (Chamfort) (Tạm dịch: Chẳng có lịch sử nào đáng chú ý ngoại trừ lịch sử của các dân tộc tự do; lịch sử của các dân tộc sống dưới ách độc tài chuyên chế chỉ là một bộ sưu tập những giai thoại)
ThíchĐã thích bởi 1 người
Chiến tranh không ai muốn cả, chẳng ai muốn nó nhưng ko vì chúng ta ko muốn mà nó không đến. Mà khi nó đến thì ta phải đối đầu thôi. Việt nam lúc đó từ 1945-1975 cũng như chị dậu trong tắt đèn của Ngô Tất Tố thôi, ông cha ta vì hòa bình mà phải hi sinh bao sương máu bao mất mát, vậy ai muốn những thứ dó kết quả của những trận chiến tranh. Hãy đặt câu hỏi tại sao lúc đó ta phải đấu tranh và nguyên nhân từ đâu?
ThíchĐã thích bởi 1 người