Almost famous là một bộ phim dành cho bạn, nếu bạn thích âm nhạc một chút, và đang định trở thành phóng viên (hoặc thích thú xem cái nghề này nó ra gì).
Phim kể về một cậu bé kì quặc tên William Miller, 15 tuổi. Nỗi khổ của cậu là có một bà mẹ làm cô giáo quá lo lắng cho con và quá nhiều kì vọng vào tương lai của con, đến nỗi gây ra cãi cọ với cả cô con gái lớn, và khiến cậu bé trai ngán ngẩm. Bà mẹ này kinh dị đến mức vì quá muốn con trở thành thiên tài, đã bắt con đi học sớm 2 tuổi. Khi cô chị bỏ nhà đi theo bạn trai, cô để lại cho thằng em một kho đĩa nhạc và nói: “Hãy nghe Tommy dưới ánh nến và em sẽ tìm được hướng đi cho mình.”
William nghe nhạc từ 7 tuổi đến 15 tuổi thì xách túi đòi đi làm phóng viên (giờ gọi là mảng văn hóa văn nghệ) sau khi nghe ông phóng viên radio Lester Bang nói một đoạn dài đầy cảm hứng cho khán giả radio nghe: “Âm nhạc,cô biết đấy, nó không chỉ là nhạc rock’n’roll, dù cô chọn gì nó cũng hiện diện trong xe hoặc trên tai nghe của cô, trên đại dương, trên cầu cảng hay trong dàn đồng ca thiên thần trong đầu cô. Nó là một nơi nào đó cách xa… sự yên bình của nước Mỹ. Cô biết bài “The Letter” của The Box Tops chỉ dài có 58s không ? Nó chả có nghĩa gì cả. Họ đã mất 2 phút để làm điều mà Jethro Tull mất hàng giờ vẫn không làm được. Thật ra nó cũng hay… nhưng cần phải đưa thêm vào nữa mới là nghệ thuật. The Doors? Jim Morrison? Ông ta chỉ là một tên bợm nhậu tưởng mình là thi sỹ.”
Sau khi gặp cậu bé đã gửi cho ông một mớ bài cộng tác từ trường trung học, Lester Bang bảo William đi viết cho ông một bài về buổi diễn của nhóm Black Sabbath. Tuy nhiên, cậu bé 15 này không có thẻ phóng viên, chả có thư mời, cũng không nổi tiếng nốt. Và khi đến buổi diễn, cậu đã phải trải qua tất cả những chuyện hài hước và bối rối của một phóng viên mới vào nghề: bị bảo vệ đuổi, bị hỏi thẻ đâu, giấy mời đâu, dí theo cái xe của nhóm Black Sabbath rồi cái xe chạy mất tiêu đứng dòm trông rất khờ khạo. Khi xem đoạn này tôi đã thấy rất vui vì đó là tất cả những gì những phóng viên mới vào nghề như tụi tôi từng gặp phải, nói chung, vì mình chẳng là gì, sẽ không ai hứng thú gặp mình trừ khi mình… quá lì.
William cũng thế, cậu bé đủ lì để đứng đực ra đó, xong đi vòng vòng xung quanh cái khu biểu diễn để tìm ra một câu chuyện “bên lề” mà chả phóng viên đàn anh nào thèm quan tâm: đó là một nhóm rock’n’roll sẽ hát mở màn cho đêm diễn của Black Sabbath, nhóm đó tên Still Water, toàn mấy anh đẹp trai cảnh vẻ mà chưa nổi tiếng. Bằng kinh nghiệm và kiến thức 6 -7 năm nghe nhạc, đọc sách, cậu bé đã khiến cho mấy anh chàng “sắp nổi tiếng” tin rằng mình đang được một phóng viên hấp dẫn theo đuổi. Ưu thế của William, nếu có, chỉ là mớ kiến thức mà cậu bé đã chịu khó rị mọ suốt mấy năm trời bị cả thế giới cười nhạo ở trường cấp III. Đó lại là một bài học nữa cho nghề phóng viên, thứ duy nhất mà người viết có thể đem ra “chào bán” để nhân vật chịu đón nhận mình, đó là mình chịu “học bài” trước khi đi phỏng vấn họ.
William đã viết 1 bài báo trị giá 35USD cho ông Lester Bang đăng trên cái tạp chí bé xíu trong phố của ông về một nhóm nhạc “sắp nổi tiếng” chưa ai biết, nhưng không ngờ, sự trẻ trung và hấp dẫn của bài viết đã khiến một biên tập viên của The Rolling Stones gọi cho cậu bé – Ben Fong Torres muốn William viết cho anh một bài feature dài về nhóm Still Water (không biết có nổi tiếng được không) dài 3000 từ trên tạp chí danh tiếng nhất nước Mỹ này.
Phần tiếp theo của bộ phim là hành trình Willam 15 tuổi đi theo những tay chơi rock’n’roll, bên những bữa tiệc đầy ma túy, rượu, các em hot girl không mặc đồ và những buổi diễn rực rỡ, điên dại và… dở hơi của band nhạc. Những ca sĩ đã được William phỏng vấn. Cậu bé tìm thấy những mâu thuẫn trong nghề đi hát, trong hậu trường, những mối tình hài hước… đúng như một cuộc phiêu lưu mà một phóng viên trẻ gặp phải. Cuộc phiêu lưu này đầy âm nhạc, đầy những đoạn hài chảy nước mắt, đầy những phân vân tuổi trẻ của William trước thế giới người lớn quá đỗi sững sờ và ngang trái.
Nhưng tại sao đây là bộ phim hấp dẫn cho phóng viên trẻ?
Trong phim này, có những đoạn rất độc đáo về nghề đi viết được diễn tả rất thú vị.
Biên tập viên tạp chí Rolling Stones nói với William trước chuyến đi: “Stillwater. Một band làm việc chăm chỉ. Hỏi họ về phản ứng của các nhà phê bình khi bỏ lỡ mất hai album đầu tiên của họ. Tay guitar chắc chắn là ngôi sao của ban nhạc. Thật điên rồ. Hãy viết 3000 từ. Hãy theo họ trên đường đi diễn. Chúng tôi sẽ trả tiền – đừng để band nhạc trả bất cứ gì cho cậu.”
Một nguyên tắc rất thú vị của nghề đi viết, đó là khi phóng viên nhận tiền của nhân vật, họ sẽ cảm thấy khó khăn để viết về một cái gì đó. Hẳn nhiên anh chàng Ben Fong của The Rolling Stones đã nói rõ “luật chơi” này cho William: Em viết bài cho tạp chí, họ sẽ trả tiền, chứ không phải ban nhạc/nhân vật mà cậu bé sẽ gặp. Yếu tố này sẽ theo suốt bộ phim, khi cậu bé 15 tuổi chi xài tiết kiệm từng đồng và gặp rắc rối với những cuộc ăn chơi quá đà của ban nhạc. Vì phải theo đúng “luật chơi”, cậu bé sẽ không sa vào các cuộc đàn đúm mút mùa đầy thuốc lắc, ma túy… của các đàn anh từ Stillwater. Vì thế cậu bé vẫn có thể tỉnh táo mà viết bài.
Lester Bang, “ông thầy già” khó tính hơn, lại cho William những đạo cụ khác của nghề phóng viên:”Đi viết bài đó đi. Sẽ là một chuyến đi tốt cho cậu. Nhưng hãy nhớ đừng làm bạn với những người đang cố lợi dụng cậu để khiến cho chuyện làm ăn của những ngôi sao nhạc rock vô giá trị như Stillwater có thể ngon hơn. Đừng để bọn con buôn rẻ tiền đó thay đổi cậu.”
Và đến cuối phim, ông nhắc lại một lần nữa quan niệm này khi William rơi vào bi kịch của sự nhầm lẫn và trót yêu một cô gái đi theo band nhạc:
Lester: “Ồ, cậu bé. Cậu đã LÀM BẠN với họ. Thấy không, họ chỉ làm cậu say đi trong tình bạn. Họ muốn cậu bét nhè và cảm thấy cậu thuộc về họ. Họ làm cậu cảm thấy “cool”. Và này. Tôi đã gặp cậu rồi. Cậu chẳng hề “cool”.
William: “Tôi biết. Thậm chí tôi đã nghĩ tôi là bạn họ. Giờ thì tôi biết tôi không phải bạn.”
Lester: “Bởi vì chúng ta không “cool”. Chừng nào phụ nữ còn là một rắc rối với bọn đàn ông như ta, thì hầu hết những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời nhất trên đời này chính là viết về thứ rắc rối đó. Những gã kẻng trai chẳng có gì hấp dẫn. Nghệ thuật của chúng không sống mãi. Chúng cua hết các cô gái, nhưng chúng ta thông minh hơn…. Nghệ thuật vĩ đại viết về những xung đột và đau đớn, tội lỗi, khao khát, về tình yêu trá hình trong tình dục, và tình dục trong cái vỏ tình yêu… hãy đối mặt với nó, cậu đã có một cái tựa đề lớn để viết rồi đấy.”
Cả Lester và Ben Fong đã trở thành những ông thầy “đáng gờm” cho một cậu bé sắp bước vào nghề báo. Họ dạy cậu chọn tâm thế khi đi viết, chọn cách nhìn nhận sự việc, chọn điểm nhìn, chọn phong cách thể hiện và chọn cả những hành xử cần thiết bất ngờ diễn ra trong nghề nghiệp làm phóng viên “văn nghệ” của cậu bé William. Thậm chí, những chiêu trò hài hước nhất trong nghề như làm sao để chào hàng một bài viết, làm sao để “câu giờ” với biên tập, làm sao để “nâng tầm” bài viết của mình trong tâm trí họ, Lester đều chỉ hết cho William.
Trong một đoạn thoại khác, Lester Bang đã nói rõ chuyện này: “Cậu KHÔNG THỂ làm bạn với ngôi sao nhạc rock. Đó là điều quan trọng. Nếu cậu làm phóng viên viết về nhạc rock – đầu tiên, cậu không kiếm được nhiều tiền đâu. Nhưng cậu sẽ nhận được đĩa nhạc miễn phí từ các hãng thu âm. Và họ sẽ mua đồ uống cho cậu, cậu sẽ gặp các cô gái, họ sẽ cố mời cậu bay đi đâu đó miễn phí, mời cậu chơi thuốc… Tôi biết. Nghe có vẻ tuyệt đấy. Nhưng họ không phải bạn cậu. Những người đó chỉ muốn cậu viết những câu chuyện giả dối về các thiên tài nhạc rock thôi, và họ sẽ hủy hoại rock’n’roll và họ đang xiết chết tất cả những gì chúng ta yêu mến trong loại nhạc này.”
Và ngoài chuyện về nghề phóng viên ra thì đây là một bộ phim hấp dẫn không chịu nổi, âm nhạc lu xu bu, hài hước và dễ chịu, thắng một Oscar về kịch bản. Thú vị hơn, đây là trải nghiệm thực đầu đời của đạo diễn Cameron Crowe khi ông cũng muốn trở thành phóng viên âm nhạc như cậu bé William trong phim.
Và ở đó, có mọi thứ dở khóc dở cười mà một phóng viên trẻ phải đối mặt 🙂
Bạn nào thích xem phim thì mời xem ở đây ạ: http://www.phimdata.com/xem-phim/gan-nhu-noi-tieng/2873.html
Khải Đơn
Reblogged this on Giai01's Blog and commented:
xem
ThíchThích
Phim về văn nghệ văn gừng mà được chấm 8.0/10 của iMDB 😀
ThíchThích