Hôm bữa trên mạng có một anh viết đùa, xóm anh phải đóng 250k mới được làm gia đình văn hóa. Có bà kia bán chè nghèo, nuôi 2 đứa con học đại học, chắc không có tiền đóng nên chắc không có văn hóa.
Chuyện “gia đình văn hóa” được xác nhận bằng cách xì tiền ra đã được mọi người xầm xì mấy năm về trước. Đến khi nào thì khái niệm “văn hóa” có thể cân đong thành bằng khen được, khi ấy chắc xung quanh mọi người au cũng có văn hóa cả, đặc biệt là các anh/chị cán bộ, vậy mới có quyền đi chấm điểm xem người khác văn hóa cỡ nào chứ.
Bẵng đi một thời gian, có một bác nọ đã lên blog cắt nghĩa cho mọi người hiểu, có văn hóa và biết chữ là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Có ông thầy giáo nọ, bằng cấp đầy đủ hết, ra ngoài quần là áo lượt, dạy ở trường đại học, nhưng về nhà thì đánh vợ đến mức phải vô bệnh viện, phường xã phải ứng cứu bà vợ. Cái đó gọi là biết chữ mà vô văn hóa. Còn có ông già, cả đời mù chữ, ký tên cũng đánh dấu x hoặc điểm chỉ chứ không biết ghi chữ, nhưng ông làm nghề sửa xe, trẻ con trong xóm đi học, cứ xì lốp thì đem ra ông vá, ông không bao giờ lấy tiền trẻ con. Người như vậy, không biết chữ cũng gọi là có văn hóa.
Nói dài vậy để thấy, “văn hóa” là một phạm trù rất khó đo lường (dù rằng không phải không có cách). Một người có văn hóa được nhìn nhận qua thái độ họ ứng xử và làm việc với những người xung quanh, với gia đình, với học trò, bạn bè, thú vật, cây cỏ. Nói chung là phức tạp. Nhưng để đơn giản hóa, thì đóng 250k (như anh bạn trên Face) hoặc như nhà tôi đóng 100k. Bố tôi ngơ ngác đóng, xong ngơ ngác nhận bằng chứng nhận, chưa kịp hiểu vì sao một buổi chiều nọ, bỗng nhiên cả nhà được có văn hóa.
Vậy văn hóa mà khó đo lường như vậy thì hạnh phúc là một khái niệm còn kinh khủng hơn rất nhiều. Thậm chí, giữa hai người đang yêu nhau ngời ngời thắm thiết, có khi cả hai người cũng có cảm nhận rất khác nhau về hạnh phúc và giá trị của hạnh phúc. Có người yêu phải có hôn nhân mới là hạnh phúc. Người khác lại cảm thấy “ôi mình ngu quá!” khi lỡ kết hôn!
Hạnh phúc là thứ mà – nói chung chung – thì người trong gia đình tự cảm thấy ở người mình yêu thương. Còn nói riêng, thì có khi còn tệ hơn, hạnh phúc là thứ không thể định hình cho giống nhau được giữa từng người. Một em 23 tuổi, nhà rất giàu, có iPad, có xe máy, có nhà Sài Gòn, không lo tiền bạc, có khi cảm thấy không hạnh phúc vì mình cứ phải sống theo ý thích của cha mẹ mình, phải trở thành họa sĩ giống bố muốn, ăn mặc cảnh vẻ như mẹ muốn. Bạn bè bên ngoài nhìn vào bảo cậu hạnh phúc vì cái gì cũng có. Nhưng cậu bé thì khó biết được hạnh phúc đó có phải là thứ tận cùng trong đời mình muốn không.
Có khi 2 người ngủ chung trên một chiếc giường, hạnh phúc hay không họ cũng không thể chắc chắn là người kia có trọn vẹn. Hạnh phúc mỏng manh, mơ hồ, toàn vẹn hay chật vật là thứ xúc cảm sâu kín trong tâm trạng và cuộc sống mỗi người.
Vậy đó, vậy mà cũng có người mà bộ não bị khùng tới độ nghĩ ra cái danh hiệu “gia đình hạnh phúc”(*) để đem trao tặng cho người khác. Kinh dị hơn là cũng có người dám nhận, ngời ngời chụp hình, lên báo khoe khoang vợ mình hay lắm, con mình giỏi lắm, các bạn nên học theo mình. Cái trò này, mấy năm trước, tôi còn nhớ có mấy bà sồn sồn lên tivi khuyên bảo các cô gái khác là các em phải nhường nhịn, như chị nè, nên chị hạnh phúc lắm. Xong ngoài đời thấy bà đó có 3 – 4 anh bồ :)) – zậy hạnh phúc trên tizi với bên ngoài đời ắt là khác nhau. Mà có người can đảm đi nhận danh hiệu làm gì không biết, để sau này biết đâu phải bẽ bàng đi phân bua là “cô ấy không phải là hạnh phúc của đời tôi! Mọi thứ đổi dời rồi.”
Có những giá trị thẳm sâu trong từng con người. Mình là mẹ giỏi, ai biết, chỉ có con yêu của mình biết. Mình là chồng tuyệt vời, ai biết, chỉ có vợ mình biết (còn nói thật hay không thì không chắc)? Vậy hà cớ gì hạnh phúc cũng có thể hóa thành giấy khen, huân chương, cũng có thể đem lên sân khấu tuyên dương, vỗ tay tán thưởng? Hạnh phúc có béo lên miếng nào sau khi nhận giấy khen không? Hay bất hạnh có bớt đi tí nào khi người ta đi nói với khắp thiên hạ là mình hạnh phúc tràn trề không?
Người đi nhận mấy thứ này cũng nên cẩn thận, hạnh phúc, về cơ bản không phải là giày xịn hay nữ trang cài áo bằng ngọc quý, đi show off dữ quá, coi chừng có đứa cướp mất đó =))
Khải Đơn
(*) 23 gia đình trẻ được tuyên dương sống hạnh phúc: http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/615022/23-gia-dinh-tre-duoc-tuyen-duong-song-hanh-phuc.html#ad-image-0
Reblogged this on Giai01's Blog and commented:
xem
ThíchThích
Làng P.C tôi ở được công nhận là làng văn hóa hơn chục năm rồi . Có một tấm bảng đúc bằng bê tông chữ nổi màu đỏ dựng ngay trước UBNDX dẫn vào làng, hàng chữ “Làng văn hóa P.C2” kèm theo mũi tên bên dưới. Bây giờ thì cái UBNDX đã bị đập đi để xây dựng lại to tát hơn ở nơi khác, tấm bảng “Làng văn hóa P.C2” cũng bị bỏ lăn lóc chơ vơ. Hình như cái danh hiệu “Làng văn hóa” cũng phải tốn nhiều “chầu” để “lobby” trước khi nhận và cũng nhiều “chầu” để ăn mừng sau khi nhận. Danh hiệu “gia đình văn hóa” cũng vậy, cũng phải tốn tiền; có khác chăng cái L. văn hóa thì tiền “chùa”, cái gia đình văn hóa thì tiền mình. Còn văn hóa là gì chẳng ai cần quan tâm ngoài việc hiểu rằng “có văn hóa” cũng được coi là một giá trị tích cực (positive). Một bên thì mua hư danh, một bên thì bán hư danh thế thôi! Bây giờ ở chỗ tôi người ta đang hô hào xây dựng “nông thôn mới”. Sau 30/04/1975 người ta xây dựng “con người mới”, và kết quả sau gần 40 năm là con người VN trẻ lẫn sồn sồn bây giờ! Hổng biết nông thôn mới rồi sẽ giống cái gì?! Nhưng chắc chắn nó -nông thôn mới- không thể kém “văn hóa” hơn nông thôn “cũ?!
Tự điển “webster’s Nineth New Collegiate Dictionary” định nghĩa : culture is “the integrated pattern of human knowledge, belief, behavior that depends upon man’s capacity for learning and transmitting knowledge to succeeding generations” ( văn hóa là một mẫu tích hợp gồm tri thức, niềm tin, cách cư xử của con người mà -mẫu này- phụ thuộc vào khả năng học hỏi và truyền thụ những hiểu biết của con người lại cho đời sau). Theo tôi thước đo văn hóa là cái mức “nhân văn” , cái ” chân, thiện, mỹ” chứa trong cái mẫu tích hợp ấy.
Trong “Anna Karénine” , Tolstoi viết “Tous les bonheurs se ressemblent, mais chaque infortune a sa physionomie particulière” ( Mọi hạnh phúc đều giống nhau, nhưng bất hạnh thì mỗi thứ một vẻ). Theo tôi hạnh phúc nó thiên về cảm giác (feeling) hơn, nó phụ thuộc vào hoàn cảnh và cảm xúc của từng người. Cùng một hoàn cảnh, nhưng mỗi người (có thể) có thái độ khác nhau trước nó, chưa nói đến quan niệm của mỗi người về hạnh phúc. Thời đại “số hóa” nên cái gì người ta cũng “số hóa”, tức là cân đong đo đếm cụ thể bằng những con số, kể cả hạnh phúc.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Thanks chi vì chia sẽ một tấm lòng 🙂
ThíchThích
Việc nhường nhịn đâu có xấu đâu?
ThíchThích
Haha
ThíchThích
viết hay…
ThíchThích