Cơn mất ngủ từ Thành Phố Cá

Tôi mất ngủ suốt 11 tháng. Mọi chuyện bắt đầu từ buổi chiều tôi nhảy xuống dòng sông, và một người đàn bà lái đò vớt tôi lên. Bà nói: “Cậu vội quá, cậu đã hiểu chết trong im lặng có nghĩa là gì chưa?” – Tôi ướt rượt, thở hổn hển, trèo lên bờ, không ngoái lại. Tôi oán hận bà đã giật lại cái chết từ tay tôi. Tôi có thứ gì để người ta giành giật nữa, vậy mà bà ta cũng nỡ.

Trong ánh đèn nhạt nhoà cuối buổi chiều hôm ấy, tôi đứng trước dòng sông và tự hỏi, có con mắt nào dưới kia đang chứng kiến cuộc chết đuối của mình.

Lúc ấy, nước thở dài.

Sau 11 tháng tôi không nhớ được gương mặt phúc hậu của người đã cứu mình nữa. Tôi dính lời nguyền của bà ta, tôi không được chết. Tôi cũng không còn ngủ được. Một tờ báo lá cải tôi từng đọc nói người ta ngủ 26 năm trong một đời. Cứ như thể tôi sẽ phải thức như vậy 26 năm kế tiếp, trả cho đủ số thời gian cả đời này mà người ta ngủ rồi mới đi đâu thì đi.

2

Cơn mất ngủ treo tôi lủng lẳng trước thời gian như một con lắc trên sợi dây mỏng. Dần dà, mọi thứ trước mắt đều mờ nhạt, đờ đẫn. Tôi thức ngủ bất thường giữa những buổi trò chuyện với mẹ, rồi tôi vơ vội balô đi khỏi nhà, có tiếng mẹ khóc sau lưng dù tôi nghe không rõ lắm. Bà lúc nào cũng vậy, thích kể lại những mất mát của bà, như để nguyền rủa tôi- đứa con bà đã sinh ra với người làm bà bất hạnh. Tôi gục xuống trong một cuộc thảo luận trong khán phòng rồi tỉnh dậy bất thần chỉ vài chục giây sau đó. Ka đỡ tôi dậy, nhưng tôi xách balô và bỏ đi, không ngoái lại nhìn nàng, dù nhớ đến đau cả ngực mỗi khi mùi thơm của nàng phảng qua vai.

Những thứ trong căn phòng trọ, giống như lũ yêu tinh ngáng trở ánh mắt. Tôi bắt đầu ném từng thứ vào tường, cho đến khi căn phòng ngăn nắp 11 tháng về trước bắt đầu trở thành một bãi phế liệu. Tôi ngủ trên nền gạch lạnh, giữa mảnh sứ của chén vỡ và vỏ chai gần kệ rửa. Tôi phải dùng đến nước biển nhỏ mắt vì mắt khô, không nhắm được, cứ thao láo nhìn lên trần nhà. Thỉnh thoảng tôi khóc, và thấy mình không còn nước mắt nữa.

Tôi gặp Salin trong một đêm mất ngủ. Hắn đang ngồi gọt một cành gỗ nhỏ bằng con dao Thái Lan trong cái hầm qua đường tối om.

– Cậu cũng mất ngủ nên ra đây ngồi à?

– Không,  tớ chỉ đang đợi vài thứ. Tên tớ là Salin.

Salin đưa cánh tay gầy guộc lên bắt tay như một người bằng hữu. Gương mặt hắn xanh xao, lạnh lẽo nhưng đôi mắt lại sôi nổi và sáng tươi một cách không phù hợp.

Những ngày dài, kể từ khi có Salin, giống như cuộc đời tôi được một nhà văn bí ẩn mở ngoặc kép bắt đầu trích dẫn một đoạn dài khắc khoải, phức tạp và đen tối vậy. Tôi gặp Salin thường xuyên hơn, không cần hẹn. Hắn luôn ngồi ở chỗ đó, với con dao Thái Lan đó và vẫn gọt một cái cành cây nào mới vớ được. Tôi ngồi với Salin hết đêm này qua đêm khác. Nhà Salin ở cuối con đường gần khu tôi. Hóa ra đó là ngôi nhà to khủng và bí ẩn mà tôi vẫn hay đi bộ ngang và tự hỏi ai trong đó. Mẹ Salin hay đi nước ngoài. Chỉ có một bà giúp việc một tuần đến một lần. Khi nào tôi thích có thể qua ở, hắn từng ngỏ ý. Thường Salin bỏ về trước,  tôi ngồi trong đường hầm đến khi mặt trời ló dạng mới về phòng chuẩn bị đi học.

Một lần, chúng tôi nói về mẹ. Có lẽ vì hôm ấy trời mưa, tôi lại có tâm trạng:

Cha tớ bỏ đi. Mẹ tớ nghĩ tớ là nguyên nhân khiến bà luôn nhớ đến ông. Bà hay chỉ tay vào đầu tớ và nói: “Tao buồn nôn mỗi khi nhìn mặt mày con ạ. Mắt mày, mũi mày, miệng mày, tất cả là của cái thằng già khốn nạn ấy. Sao mày không giống tao lấy một phân thế hả con”. Lúc đó tớ chậm rãi ăn hết tô cơm của mình, vì nếu bỏ mứa cơm, bà sẽ tát tớ. Ngược lại, nếu tớ cố ăn nhanh, tớ bị nghẹn, và bà sẽ bóp miệng tớ. Chẳng may là nhà trọ nhỏ, tớ và mẹ luôn ngồi đối diện nhau mỗi khi phải ăn tối bên nhau trong miễn cưỡng. Năm 20 tuổi, tớ lỡ tay tát bà một cái khi bà bóp miệng tớ đến dộ tớ ho suốt vài phút vì sặc cơm. Từ đấy, bà không đánh tớ nữa. Mọi thứ hòa thuận. Mỗi lần nhớ cha, tớ chỉ cần soi gương, vì mẹ bảo tớ là bản sao 99% của cha.

Salin kể:

“Cha mẹ tớ bỏ nhau lâu rồi. Mẹ tớ làm kinh doanh gì đấy. Ít về nhà. Hồi xưa còn bé, tớ ngủ với bà vú. Sau này tớ dậy thì, mẹ đuổi bà vú đi. Tớ ở một mình. Tớ gặp mẹ 2 lần một năm, Giáng Sinh và mùa hè, đó là khi bà có các kỳ nghỉ dài và đi chu du khắp nơi, nên có ghé ngang nhà. Tớ không nhớ mặt cha. Lâu lâu mẹ về, tớ cũng nhầm bà với một cô bạn của bà. Có một lần bà ôm tớ khóc nức nở vì tớ gọi nhầm tên bà. Thật mệt mỏi. Cậu không thể hiểu đàn bà nghĩ gì, dù bà ta là mẹ đẻ ra cậu.

Tôi bị những cơn mệt mỏi ập đến và ảo giác không dứt vì bị mất ngủ. Thỉnh thoảng, tôi thấy hàng trăm người chạy từ phía xa đến nơi mình ngồi, hẳn sẽ dẫm lên cổ mình, nhưng hóa ra chẳng là ai cả. Tôi dùng nước biển nhỏ mắt nhiều hơn, và mỗi đêm đều ra hầm chui tìm Salin. Một hôm, Salin biến mất.

1

Phải 20 ngày sau tôi mới gặp lại hắn. Trong suốt thời gian đó, tôi bị nhiều cơn đau đầu xâm chiếm bất thần. Trong một bữa cơm với mẹ, bà khóc suốt, bà nói tôi bà buồn lắm, vì tôi đi mãi không chịu về.

Tôi nhét đầy cơm vào họng, nhai như thế để giết đi âm thanh của tiếng thút thít vang đập vào cánh cửa, bản lề, vách tường. Ngôi nhà đã hóa thành một sinh vật nỉ non với cơn ủ rũ tra tấn của mẹ tôi, nhiều khi chẳng cần nguyên cớ gì, chỉ cần cái mặt tôi sao giống cha đến vậy. Nhưng tôi có thể làm gì với mặt mình để mẹ bớt buồn, dùng dao nạo nó đi sao? Hay xe nó ra thành từng mảnh, xếp trên bàn và trả lại cho bà để bà có thể ném vào lò thiêu cái người đàn ông đã lừa tình bà? – Định mệnh sinh tôi ra trong một cái kén bị nguyền rủa và tượng hình tôi bằng một thân xác bị căm thù. Tôi chẳng thể làm gì, chỉ mong tiếng nhai thức ăn trệu trạo có thể lấp đầy khe hở âm thanh mà tiếng nức nở của bà chen vào.

Ka từng bảo “Anh đưa em về ra mắt mẹ!” – Và tôi đứng dậy bỏ về không một lời giải thích. Ka giận rất lâu. Nhưng đó không phải là thế giới mà Ka đáng phải chịu. Chốn ấy là cho tôi, trong lời rầm rì triền miên không dứt của một mối tình oan ức, tệ bạc, thứ đã hoài thai ra tôi. Sau cuộc giận dỗi ấy, tôi tránh gặp Ka. Mình không cần phụ nữ khi phải trả lời các câu hỏi từ bên trong. Phụ nữ không hiểu. Ka sẽ nghĩ gì nếu tôi bảo nàng hãy dùng dao cắt cái mũi tôi và gửi cho mẹ? Hoặc tôi sẽ đòi nàng chiều tôi suốt những đêm dài tôi không ngủ? – Cả hai chúng tôi sẽ bị điên mất. Ngay lúc này, tôi cần lí trí để sống sót qua cơn mất ngủ. Ka không quan trọng lắm. Tôi có thể tìm gặp nàng và xin lỗi khi đã ổn. Ka luôn tha thứ. Còn bây giờ, nếu tôi không giữ được sự cân bằng, có thể chuyện gì đó khủng khiếp lắm sẽ xảy ra – trực giác thầm thì như vậy với tôi.

Khi tôi đã từ bỏ ý nghĩ Salin sẽ trở lại thì đêm đó, khi đi đến cuối hầm, tôi thấy Salin đang nhấc bổng một thằng người khác lên, bóp cổ và ép nó vào tường. Không thể lầm được, cái vai khoằm khoằm đó là Salin, Hắn thả thằng kia xuống khi thấy tôi đi lại. Hắn móc thằng kia dậy, đấm liên tiếp vào bụng, hông, lên gối vào mặt. Thằng kia phun ra một chất nhầy, ôm bụng nằm co người như con tôm. Khi tôi đến khá gần, Salin đá một phát nữa, và chửi: “Cút ngay cho khuất mắt tao.”

Lúc lại gần, Salin đứng nhìn tôi trân trân. Mắt hắn vằn đỏ trong ánh đèn đỏ tía. Bàn tay hắn trầy bựa và dính máu, chẳng biết máu của ai. Tôi hơi choáng vì trận đánh ban nãy. Salin lấy vải băng tay ra, quấn lại chỗ đã trầy xước, ngồi thụp xuống thở hổn hển:

– Tớ tưởng là cậu không đến đây nữa. Tớ đi cũng lâu quá rồi.

– Không hẳn, tối nào tôi cũng ra đây, không có cậu thì đi hết vài vòng rồi về nằm không vậy.

– Cậu có bớt mất ngủ chưa?

– Không thay đổi gì. Tệ hơn thì phải. Hình như mắt tớ bắt đầu thấy cả những thiên thần.

– Vậy à, thiên thần kiểu gì?

Salin cười khanh khách tinh quái. Ý nghĩ về thiên thần thật dở. Trong ánh mắt của hắn đã có thứ gì đó mới mẻ vô cùng, khác với Salin mà 20 ngày trước tôi từng ngồi đây cùng. Salin vân vê quả đấm đã băng vải trong bàn tay kia, và hỏi tôi:

– Khi không gặp cậu, tớ đi đến Thành phố Cá. Nói tôi nghe nào, cậu nghĩ loài cá khác gì chúng ta?

– Ừm… Nếu tôi là Cá, và một lưỡi câu móc vào họng tôi. Tôi sẽ kêu la. Lưỡi thép thì đau đấy. Cá thì im lặng.

– Vậy cậu nghĩ giữa việc gào toáng lên là tôi sắp chết đây với im lặng mà chết thì kết quả có gì khác nhau chứ? Cậu có kêu rõ to thì người ta cũng đem chiên cậu thôi?

– Về cơ bản thì… không khác gì. Nhưng ít ra thì mình cũng được kêu đấy thôi.

– Cậu không hiểu đâu. Âm thanh chẳng thể thay đổi được gì cả. Chỉ có sự im lặng mới cứu rỗi thê giới này.

Salin phấn khích đến mức ánh sáng nhảy múa trong mắt hắn như một cơn kích thích bằng thuốc đến rạo rực. Tôi không hiểu lắm. Liệu có chuyện gì thực sự quan trọng giữa một con cá  bị câu dính ở Thủ Thiêm với cái cuộc đời mà tôi đang mắc kẹt chứ?

5

Lần thứ 2 gặp lại sau cuộc mất tích dài, Salin cưỡng hiếp một cô gái ở dưới gầm cầu quen thuộc của chúng tôi. Cậu ta dùng khăn cột miệng cô ấy lại, cởi quần cô ấy ra và làm mọi thứ thô  bạo như một con thú dữ. Salin cắt lưỡi cô khi hành sự xong. Tôi nôn ói như một con bệnh khi nhìn thấy cô nằm thoi thóp ở phía đằng xa. Tay tôi bị run bắn lên khi nhìn thấy cái lưỡi của cô trong tay Salin. Hắn vung tay và ném cái lưỡi xuống kênh Thị Nghè. Cô gái nằm như một xác chết đầy máu. Tôi nghĩ cô còn sống. Hai chân tôi cứng đờ như tảng đá khi Salin cầm con dao và đi về phía mình. Hắn khoác vai tôi. Và chúng tôi đi bộ với nhau một đoạn rất xa. Salin rút từ balo ra hơn chục lon bia. Tôi uống như sợ hắn sẽ tranh mất phần của mình. 3 giờ sáng không ai bán thêm bia. Và cảnh tượng hãi hùng vừa rồi khiến tôi cần phải uống, để bớt sợ, để ngồi được, để tỉnh, để nghĩ rằng Salin sẽ không làm gì mình với cái con dao của hắn.

Mắt Salin có màu sáng – tôi ngờ ngợ nhận ra dưới ánh đèn sáng hơn bình thường của cây cột điện này. Da hắn trắng bệch như một người bệnh. Tóc Salin có một vài lọn quăn và nhạt màu hơn phủ trước trán. Những lon bia khiến người ta im lặng. Chất lỏng màu vàng này sẽ kéo dài sự cố kết của hai chúng tôi vào nhau thêm một lúc nữa, trước khi tôi quá sợ hãi mà bỏ chạy mất hoặc ngất đi vì bị hắn cắt lưỡi. Giọng Salin khàn đặc:

– Cậu biết không, ở Thành Phố Cá, tôi nghe tiếng gọi của sự hoàn mỹ. Khi ngôn lời bị che lấp bởi ý nghĩ lừa dối, nịnh nọt, bịp bợm, thì sự im lặng chính là cứu rỗi cuối cùng mà thế giới này có thể tìm được. Ở đó, người ta không giao tiếp bằng tiếng nói, chỉ có sự rung cảm của trái tim, trong im lặng tuyệt cùng. Tớ đã không muốn quay về nữa, tớ thà chết già ở đó, trong sự tĩnh lặng muôn thuở toàn mỹ của lòng chân thành. Nhưng đâu phải mọi thứ sẽ như mình muốn phải không?

– Nhưng…. chuyện ấy thì liên quan gì đến…

– … cô gái ấy à? Cậu không thấy cô ấy sẽ hạnh phúc sao? Sự im lặng sẽ ở cùng cô ấy. Tớ đã ban cho cô ấy sự tĩnh lặng, bằng tình yêu và sự thanh khiết tớ mang về từ Thành Phố. Không ai có được điều vô giá ấy.

– Nhưng cậu cưỡng hiếp cô ta!

– Thân xác không quan trọng. Giống như lúc cậu có hét lên được hay câm lặng thì cậu vẫn bị lưỡi câu móc vào họng, phải không?

– Cậu điên rồi!

– Tớ chỉ chờ đợi ngày được quay lại đó.

3

Đêm ấy, Salin đưa tôi về nhà. Thật kỳ lạ, sao tôi lại đi theo một kẻ vừa cầm dao và cưỡng hiếp một cô gái. Đó đâu phải là tôi. Lẽ ra, tôi phải chạy thật nhanh đến một chốt dân phòng nào đó và la toáng lên kêu người cứu cô gái.

Nhưng tôi đã ngủ một giấc dài miên man trong nhà của Salin, mắt không hề mở ra và cũng không có cơn giật mình nào. Một giấc ngủ hoàn hảo. Tôi đi dạo trong một thảo nguyên xanh thẳm và ngập đầy gió nhẹ. Mùi hoa phảng phất đâu đó. Cô gái đêm qua chạy từ cánh đồng xa thật xa về phía tôi. Nàng mặc váy trắng tinh, có cài hoa tím trên áo. Sợi dây màu tím cột ngang hông tôn lên cơ thể tuyệt mỹ của nàng. Chiếc váy trắng tinh khôi bị gió áp vào cơ thể cho tôi nhìn rõ ngực nàng, hông nàng. Mắt nàng đẹp như một mặt biển đầy sóng lấp lánh trong ngày nắng phôi pha. Nàng nhìn tôi và nói:

– Anh đến rồi, đi với em nhé!

Nàng nắm tay tôi chạy thật nhanh… Tôi để ý miệng nàng không hé mở, chỉ như có một đôi môi vẽ trang trí bên ngoài. Giọng nói của nàng đến từ sâu thẳm đâu đó trong tiềm thức hay vùng tai trong xa xôi.

Tôi tỉnh dậy. Trên chiếc tivi mở sẵn đối diện giường, cô phóng viên mặc vest xanh đang đứng trước gầm cầu Văn Thánh. Cô ấy đọc bản tin về một thiếu nữ bị sát hại. Máy quay lia đến một hiện trường có màu đỏ và bị xóa mờ đi bởi các ô hiệu ứng xanh đỏ.

 Khải Đơn

(còn tiếp)

4 bình luận về “Cơn mất ngủ từ Thành Phố Cá

Add yours

Gửi phản hồi cho hiendao20 Hủy trả lời

Blog tại WordPress.com.

Up ↑