LUẬN VỀ CHẾT ĐUỐI

1. Cơn mất ngủ từ Thành Phố Cá

2. Lưỡi Hoàn Hảo

Miệng cứ rỉ rả vết máu, cửa khóa, và chẳng thể nào đi đâu, hóa ra nhiều chuyện kỳ lạ cứ lũ lượt kéo tới như vậy. Tôi ngồi trước cái tivi và cố gắng hệ thống hóa lại toàn bộ những chuyện xảy ra với mình, bắt đầu bằng tờ giấy nháp khổ lớn và một cây bút lông sẵn có trong nhà.

Dùng một sơ đồ đơn giản, tôi vẽ mọi thứ lên bằng 1 từ, gom lại chúng thành các vòng tròn, gắn bằng các đường kết nối. Trò này vẫn thường được dùng trong các thảo luận tại lớp. Chúng giống một cái bản đồ vô nghĩa khiến người ta nổi cáu bất lực vì chẳng ý tưởng nào thèm đẻ ra từ mớ hổ lốn đó.

photo (1)

Nhưng hôm nay, dường như mọi thứ bắt đầu có ý nghĩa hơn. Xung quanh từ Cá, tôi vẽ thêm các từ câm, mở mắt, nước, chết đuối. Chết đuối à? – Hẳn là có liên quan đến cá. Vô tình nghĩ ra từ này trong lúc bỏ cái bánh sandwich vào miệng, tôi bị nghẹn đến mức phải chiêu một ngụm nước dài. Từ lúc ấy, “chết đuối” hóa thành cái đinh, đóng vào óc tôi cho đến tận lúc tôi nằm trên salon và bắt đầu suy nghĩ, cố gắng xâu chuỗi lại xem từ quen thuộc này đã diễn ra thế nào.

Tôi đã tự tử 4 lần – theo cùng một cách – và không thể nào rời bỏ cuộc sống này. Cứ như thể tôi đã bị đóng đinh vào một cái mắc áo. Một bàn tay đen đúa bí ẩn nào đó bắt tôi lại, buộc tôi nhìn những chuyện xảy ra với mình, với xung quanh, cho quan sát đầy đủ, nhưng quyết không cho tôi được nhúng tay vào thay đổi bất cứ điều gì. Định mệnh vạch sẵn để mỗi người đắm chìm vào nó đến hơi thở cuối cùng.

Tờ giấy trước mặt kéo tôi trở lại một thời gian rất dài trước đó, quay tuột về một ngày bình thường xa thăm thẳm, tới vị trí có tồn tại một người đàn ông tên “Cha”. Mà không, thực ra tôi không nhớ được mặt cha, tôi chỉ là tin rằng hồi đó mình nhớ được mặt ông. Cha nằm trên võng, đong đưa và đặt tôi trên bụng. Bên ngoài cửa nhà, cái ao lóng lánh nước như một khung tranh hình vuông với hình ảnh chuyển động phía trong. Mẹ xuất hiện, bà bế tôi lên người, nựng má tôi và cho tôi lên chiếc xe quây tròn, với bát cháo lăm lăm trên tay.

Tôi là một đứa trẻ khó ăn đến mức mẹ phải đẩy xe cho tôi đi bộ hết một con xóm dài, tô cháo mới chịu vơi dần sau những lần tôi chỉ trỏ, à, ồ lên vì vật thể xung quanh. Khoảng ký ức đó của tôi, càng ngày càng mờ nhòe đi sau hơn hai chục năm đằng đẵng. Những ngôi nhà mới đã chồng lên cái nhà nhỏ ở quê đó, xóa nhòa từng nét hình của nó, xóa cái khung tranh hình cái ao đi, và đôi lúc tôi tự hỏi cái ao hình tròn hay hình vuông, và cái khung tranh ấy có thật không, hay nó chỉ là cảm giác của tôi về cái siêu hình đã tồn tại trong đầu tôi, như một tinh cầu rời rạc chứa tất cả những hình sắc mà tôi muốn giấu đi hết.

Con người chúng ta, có bao nhiêu phần thuộc về người đã sinh ra mình, hay toàn bộ cái bản thể, nhân dáng và các ý nghĩ của mình, chỉ là một cuộc sao chép vội vàng của người trước đó. Mẹ tôi yêu cha, và trong những buổi ăn cơm đó, mẹ thường sững người lại với nguyên chiếc muỗng đầy cháo trong tay, nhìn qua phên cửa hẹp, để ngắm nhìn cha phía sau đó, Ánh nắng chiều tỉa một ngọn qua khung cửa, in rõ gương mặt người đàn ông trầm ngâm đang toan tính điều gì bí ẩn. Có hàng trăm lần như vậy diễn ra, tôi quen đến mức không đưa miệng hứng thức ăn nữa mà nhìn theo đúng góc độ mẹ đang dõi về. Khoảnh khắc im lặng đó trị giá như một mảnh gien trong cơ thể tôi – nó khắc hình dáng của tôi, mũi, mắt, ánh nhìn, dáng đi của tôi thành thứ tượng được tạc mẫu cho cha – mẹ tôi bảo vậy. Mẹ không ghìm lại giận dữ khi nói, đó chỉ là các lời thốt ra nhẹ bẫng như hơi thở và ý niệm được sắp xếp sẵn từ lâu trong đầu.

Tinh cầu hình ảnh đó trôi đi nhanh qua những làn nước. Tôi đã lớn lên cạnh một bờ ao, ngắm nhìn cái bóng sững sờ của mẹ và ánh mắt sắc lẹm của cha quét qua khung nhà tối. Cái bóng nước long lanh nó cứ in hằn lên quãng bờ, dính dấp vào tường nhà và để lại trong ý niệm của tôi về một thế giới kín đáo, tịnh lặng đâu đó dưới kia, nơi người ta có thể gặp nhau nhìn nhau rõ nét hơn là cách mẹ đứng ngoài vườn nhìn vào trong – dù có nheo mắt cũng khó thấy xiết bao.

Ký ức của tôi, trong một mặt nào đó, rất giống với một bản nhạc chơi trong một tầng gác cao áp mái. Những người bên dưới có thể nghe thấy nó văng vẳng, mảnh mai, gợn xoáy, nhưng không bao giờ thực sự có thể nắm bắt trọn vẹn hoàn toàn khúc nhạc đó. Tôi cũng là người đứng dưới sân của cái tòa nhà ấy, nghe thấy những âm vực xa xôi, mới lạ, hoặc giả là chỉ tưởng tượng ra nó theo cái ý định vẽ ra trong đầu. Ký ức không lừa mình, chỉ có ước muốn được nhìn rõ hơn các dao động đã khiến não đánh lừa ta, tự tạo ra  các vùng như mong muốn của nó.

Thời gian rất lâu sau, khi thi đậu, chừng 2 năm trước, khi tôi chân ướt chân ráo vào làng đại học Thủ Đức. Tôi trút bỏ sự nặng nhọc của mẹ sắm sửa lên vai mình để bước vào tự do. Dạo gần đó tôi giận dữ đến mức cứ nghe tiếng mẹ chì chiết, tôi lại muốn bung cửa để rời đi không trở về nữa.

Tôi gặp Q. trong một buổi hiến máu ở trường, và lập tức thấy tim mình bị dán chặt vào ánh mắt của em. Đôi mắt ấy hơi mờ nhạt, sầu não, chứa đựng một chút u ám của buổi rất nhiều mưa và lầy lội ở đoạn phố này. Tôi càng nhìn, càng tự hỏi cái nỗi niềm nào đã tạo ra nhiều thất vọng đến thế trong ánh sáng trôi ra từ mắt. Và cho đến khi ánh nhìn của tôi quá soi mói, em đã phát hiện ra tôi.

Tôi dắt em đi ăn chè, ở quãng Khoa Học Tự Nhiên, rồi thỉnh thoảng ngồi trong một quán trà sữa. Hồi ấy, trà sữa là làn sóng của làng đại học. Tôi không thích trà sữa. Nhưng cũng chẳng biết uống gì, nên chiều theo em. Không rõ từ lúc nào, tôi nắm tay em, rồi hôn em. Mọi chuyện thảng nhiên như thể ừ thì lúc đó mình gặp nhau, ừ thì sau đó sẽ yêu nhau.

Một ngày nọ, hàng chục đứa đổ ra hồ đá. Người ta vớt được xác một cô gái. Cô tự cột chân mình vào đá, rồi nhảy xuống hồ tự tử. Có lời đồn đại từ trong đám đông trung tâm lan ra. Tôi và em đang đi dạo gần khu đó nên có lại gần xem. Khi cái xác được cáng lên khỏi các dốc đá, từ dưới tấm bạt phủ xác, cánh tay cô gái thõng xuống, để lộ làn da lở lói, trắng xóa, tím tái và những ngón tay bợt bạt có từng đoạn máu đen đóng cặn ở đầu móng. Người dân phòng lập tức tém cánh tay lên và phủ bạt kỹ lại. Nhưng khi ấy, tôi thấy tay mình đau nhói. Móng tay của em bấu chặt lấy da thịt tôi. Mắt em mờ đi, mờ hơn cả cái lần đầu tiên tôi gặp em, vốn đã sẵn sàng đầy đủ những u uất nhất của đời gộp lại.

– Đôi khi em không biết chúng ta sinh ra ở cõi đời này để làm gì?

– Thôi nào… em đừng nghĩ ngợi nữa…

– Không đâu anh à. Em phải nghĩ. Giống như cô gái kia, cái gì đã kết thúc sự sống chứ? Mà tụi mình, dẫu có thở hay không thở, liệu có khác gì nhau không?

– Có chứ em. Khi mình còn thở, mình yêu thương nhau, anh yêu em, như bây giờ.

– Vậy nếu em ngừng thở, chúng mình sẽ không còn yêu nhau nữa sao?

Em nhìn thẳng vào mắt tôi  thảng thốt. Nước mắt rơi xuống không thể nào kìm lại được. Tôi sai rồi. Sao lại giải thích sự sống bằng tình yêu cơ chứ. Chúng chẳng giống nhau chút nào, thậm chí có phần không liên đới. Nhưng tôi thì có thể biết gì hơn?  Đến cả cái chết, tôi còn chưa kịp hiểu nó là cái quái gì? Cả hai chúng tôi đã bị khuấy động bởi cái chết của một người lạ vừa lướt qua.

Em khóc mãi không thôi. Em gục vào ngực tôi khóc hết cả một buổi chiều tối tăm và đỏ quánh hôm ấy, chen lẫn với nước của hồ Đá, thứ nước đã lấp đầy tim phổi hơi thở và thân xác cô gái tự sát nọ. Tôi im lặng vì biết có nói gì hơn nữa, tôi cũng sẽ làm tình hình tệ hơn.

Cái cảm giác nắm bắt được thực tại khiến ta yên tâm rằng mọi thứ đang ở nguyên đó, và chắc chắn sẽ ổn. Nhưng bản thân đời sống này đã tiềm ẩn những nguy cơ không thể nào định đoán được, và việc cố biến nó thành mặt phẳng, chỉ là một phép an bài tinh thần để dỗ dành những sợ hãi sâu kín đang vang lên từ đâu đó. Khi tôi nắm tay cho em gục vào vai, giải thích mọi điều rành mạch như thế, tôi ngỡ mình là một người hiểu rành rọt chuyện gì đang xảy ra, vẽ vời rõ ràng với em về những thông tin cốt lõi sống sượng và thực tế. Gương mặt của Q. lúc ấy thế nào, sau này ngồi nghĩ lại, tôi nhận ra mình không nhớ được. Em có nghe những lời bình tĩnh ấy không nhỉ?

water_texture2378

Nhưng người ta sẽ còn có thể yêu nhau cả sau khi chết sao? Chuyện ấy có thật không, hay chỉ là ảo tưởng và sự dỗ dành của những người còn sống. “Này, em yên tâm, em cứ chết đi, vì tôi mãi yêu em.” – Các ngôn từ trỗng rỗng được lắp ghép vào nhau theo kiểu vậy để làm gì?

Q tránh mặt tôi suốt một tuần liền. Tôi không tìm thấy em trong lớp học, trong vườn học tập. Thậm chí, có hôm tôi đứng ở cửa phỏng trọ em suốt 2 giờ liền và nhìn chằm chằm vào cái ổ khóa màu đồng lạnh tanh. Cô bạn hàng xóm nói em đi vắng chưa về.

Một đêm, trong lúc tôi ngồi sửa nốt bài luận đang làm dở, có tiếng gõ cửa. Q. đứng đó, ướt nhẹp, mặc quần jeans và áo sậm màu, tóc lướt thướt thả bên vai trái. Em như một con mèo đáng thương đi tìm nơi trú ẩn. Tôi trút một hơi thở dài khỏi lồng ngực, ôm chầm em vào lòng, muốn bao trùm lấy cơ thể co ro của em bằng hơi ấm mình. Da thịt em lạnh buốt. Tôi khóa cửa phòng lại để xung quanh không ai nhòm ngó.

Q. tắm trong phòng tôi, tròng chiếc áo sơ mi xanh khá dài của tôi vào và leo lên chiếc giường đơn nằm co ro. Em chơi game trên điện thoại, im lặng nhìn vào khoảng tường trắng trước mặt trong căn phòng ọp ẹp. Một khối im lặng đông đặc như bóp nghẹt lấy cổ họng tôi và cả mớ đồ đạc bên trong này. Tôi cầu xin cho một cái xoong rơi, hay con chuột chạy, để âm thanh được nứt ra và xuyên thủng sự câm nín giữa hai chúng tôi.

Giữa khuya, hai chúng tôi nằm cạnh nhau, trong ánh đèn tắt lặng và tiếng dép xua ngoài hiên, nơi những phòng trọ khác có người đi lại về trễ. Tôi nhìn lên trần nhà tối om, cố tưởng tượng ra màu trắng của sơn trần khi có điện. Không hiểu sao, cùng lúc, hình ảnh của cái bàn tay lở lói, tím tái với mảng da bợt bạt của cô gái chết đuối bên Hồ Đá lại chồng lên cái màu trắng trần nhà trong tâm trí tôi. Cơn im lặng cứng ngắc và bưng bít đến mức tôi không dám thở mạnh và em tuyệt đối lặng lẽ như không còn tồn tại nữa. Tôi nặng nhọc trút bỏ các trí nhớ qua một hơi thở dài, mạnh dạn đưa bàn tay chạm vào cơ thể em. Thời đó, tôi chưa ngủ với cô gái nào. Thân thể phụ nữ cũng giống một sinh vật xa tít tắp mà tôi ít có định nghĩa, giống như tôi có thể nghĩ về nước, ao, nơi cha mẹ tôi lạnh nhạt nhìn nhau, chứ thực ra không hề biết sâu trong ao là cái gì.

Q. chủ động co người lại và rúc vào ngực tôi. Em thở rất khẽ. Tôi dùng tay mơn trớn vai em, cổ em, đưa môi mình chạm vào môi em. Răng em đánh lập cập vì lạnh. Tôi trùm cái chăn qua người, phủ cả cơ thể mình xuống, mong hơi ấm có thể cứu vãn được tình hình. Trong lúc đi vào em, lúng túng, khó khăn, hồi hộp và ngạt thở, tôi cảm thấy đau và muốn chuyện này kết thúc càng nhanh càng tốt. Ý nghĩ đó vụt qua đầu. Cùng lúc, tôi hoảng hốt không nhớ được gương mặt Q., không tưởng tượng được trong tiếng thở gấp gáp và lặng lẽ, gương mặt Q. thế nào. Sự đam mê của một cô gái có ở trên gương mặt không? Bỗng nhiên, Q. hỏi tôi bằng những từ vựng rõ ràng:

– Làm sao người ta có thể nhớ được đã yêu thế nào sau khi chết đi hả anh?

Tôi kết thúc mọi thứ một cách nặng nhọc sau câu nói ấy. Cả hai không nói một lời nào. Đêm tối dù có trợ lực của ánh đèn hành lang cũng đang dường như trở nên tối tăm hơn bao giờ hết. Cơ thể đẫm mồ hôi, tôi càng đào bới tâm trí mình để tìm ra gương mặt em. Mong chờ ấy lớn đến nỗi tôi vùng dậy lao vào nhà tắm rửa ráy rồi sốt sắng bật điện.

Trên giường, Q. đã ngủ say tự lúc nào. Mắt em nhắm chặt như một hàng song sắt của nhà giam, đã khép kín và đẩy tôi ra xa. Tôi gọi tên em vài lần, song gương mặt không chút cử động. Cơn lạnh mơ hồ len vào dưới bụng, khuấy lên thành một khối rỗng không trong bao tử và đẩy tôi nhớ lại cảnh tượng ở Hồ Đá. Q. đã ở đâu suốt một tuần qua. Em có thế giới nào để giấu tôi sâu trong hàng lông mi rậm và cong vút kia. Q. rời khỏi phòng tôi khi tôi còn đang say ngủ, để quên điện thoại trên giường và đồ lót trong nhà tắm.

Làm sao người ta nhớ được đã yêu nhau như thế nào? – Trời ạ, tôi không biết nữa.

Chừng 4 ngày sau, cô bạn hàng xóm em gọi cho tôi. Chủ nhà đã phá cửa phòng của em vì họ ngửi thấy mùi thối. Xác của em được tìm thấy, đang nằm gục đầu trong một chậu nước đầy, với một vết cắt sâu trên tay và nước trong chậu đặc lại vì có máu.

Ông bác sĩ công an nói em chết đuối trước khi chết vì mất máu. Có lẽ là tự tử.

Tôi đã đứng ở đó, nhìn người ta dọn dẹp em khỏi căn phòng, với mùi tử thi bâu lên mắt môi và trí nhớ của mình. Chết đuối, vậy chắc em đã chết giống với cách cô gái ngoài hồ đá chết. Đó là cái chết của nước, có mùi nước sinh hoạt chứa vài chục thành phần hóa học để làm sạch nước ngầm trước khi đưa theo đường ống đến người sử dụng. Có thể công ty nước đã lấy nước từ hồ đá, nơi có xác cô gái kia, xong lọc lại và đưa cho mình uống. Vậy là em đã chết trong cùng một cảm xúc với cô gái kia. Vậy sẽ may mắn hơn là em chết đuối trong chính máu của mình. Máu đặc, một chất lỏng khó chịu, khó ngửi, tanh buốt và mặn chát xông vào phổi. Phổi em đầy máu. Em chết giống như một binh sĩ trong một bộ phim chiến tranh, bị bắn thủng phổi, máu tràn vào, chết ngộp và ngửi thấy mùi máu của mình.

Em không để lại cho tôi một lời nào.

Thực tại của chúng ta, nó giống một cái gậy bóng chày kiểu Nhật, vung lên và giáng thẳng vào đầu mình một lúc nào đó không thể lường được. Ở đó, chẳng có định đoán hay suy diễn nào đủ sắc nét để tưởng tượng ra một cú đánh chí mạng từ sau gáy. Đến lúc ném hoa xuống mộ Q. tôi vẫn tự hỏi gương mặt của em đêm hôm nọ thế nào. Tôi không thể nhớ được.

Gunderson_ChurningSea-ADist

Càng đào bới tâm trí để nhớ về Q. , để trấn tĩnh mình rằng trong cuộc làm tình đó em đã thực sự hạnh phúc cùng với nhịp đưa của cơ thể, hơi thở, tôi càng bị rơi vào một hố sâu hơn của những hồi tưởng. Q- chết đuối – bị chồng  lên hình ảnh của cái ao lóng lánh trước sân nhà năm tôi tập ăn cháo. Cái ao bị chồng lên sự lặng lờ của cha tôi và ánh nhìn yêu đương quy phục của mẹ. Sau vài chục giây não tôi bắt đầu ong lên và chỉ còn chừa lại đủ vùng cho những sợi nắng chiếu xuống nước hiển thị. Trong cuộc truy đuổi và tưởng tượng ấy, tôi thường thấy cha đứng dậy sau tấm liếp, cầm theo một khúc vật gì đó dài và nặng, một cái gậy, hay chày, hay một khúc tre, hay chổi…. không rõ ràng gì hết. Nhưng cha tiến ra phía cửa, và tháo tung cửa bằng một nhát bổ chí mạng, căn nhà bùng lên trong lửa sau lưng cha. Mẹ đứng sững sờ nhìn cha âu yếm như không khí, rồi khuất dạng sau ánh hào quang đó với thân hình lực lưỡng đầy sức mạnh. Căn nhà trở thành một lỗ đen nhả ra đầy các cột khói vần vũ. Mẹ lao vào trong với tiếng khóc sướt mướt như một khúc nhạc u uất. Khi ấy, tôi ngồi trên xe đẩy, nhịu chân đẩy mình đi xuống dốc để tiến lại bờ ao lóng lánh.

Tôi nhìn thấy mình đang cười với mình bên dưới nước, xanh thăm thẳm, mắt tròn xoe. Đứa bé dưới ấy là tôi – một tôi thực thụ, rõ nét hơn cả chính tôi đang đứng trên bờ – cười tươi – hạnh phúc, vẫy tay gọi tôi đi nhanh hơn một chút để thấy toàn thân.

Tôi sốt sắng đẩy cái xe nhanh hơn, lao xuống màn nước sâu hun hút và có nụ cười nhiệt tình đang yêu chiều đón đợi mình. Năm đó, tôi chừng 2 tuổi – nếu không nhầm.

Nhớ lại xem nào, hình như nước xanh của ao có vị hơi mặn.

Vừa lúc ấy, máu trên vết xước môi rỉ rả vào lưỡi.

Tôi khoanh tròn từ “Chết Đuối” – dự đoán đây sẽ là một vấn đề dài mà mình cần phải nhớ lại thêm nữa.

Khải Đơn

(còn tiếp)

 

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: