Nghề nghiệp của tôi là đi tìm tự do

“Thế hệ của đám trẻ bây giờ chỉ có 1 mong ước, trong mọi mặt đời sống. Nếu hỏi là bọn bay làm nghề gì, sẽ trả lời rằng: “My ultimate job is freedom for myself”

Tôi sẽ dùng con đường Lê Duẩn ở quận 1 TPHCM trong những ngày lễ hội này để diễn tả về thế hệ của chính. Đối diện Nhà Thờ Đức Bà màu đỏ rực, một công trình hoàn hảo của người Pháp để lại, là thương xá Diamond, nơi đang có những trang trí cho mùa Noel lấp lánh ánh đèn khi đêm xuống. Ở giữa đường, dẫn thẳng vào dinh Độc Lập, không chịu kém cạnh, là những dàn đèn hình cờ đỏ sao vàng cặp đôi với cờ đỏ – xanh sao vàng (cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam). Một di sản của thuộc địa, đứng cạnh một sự thời thượng đáng mơ ước của xã hội hiện đại (gọi theo các người già là tư bản) và sự hiện diện của ý thức hệ chính trị chính thống trên nền đèn khá thời thượng không kém.

freedom

Đó là cách những người trẻ ở Việt Nam đang chịu đựng và đối phó. Hầu hết chúng tôi sinh ra và lớn lên trong các gia đình có cha mẹ làm bộ đội, cán bộ, hoặc các công việc liên quan tới nhà nước. Hoàn cảnh gia đình này là mẫu số chung của những người nào cưới nhau trước 1975 đến mãi 1995. Cha mẹ lập gia đình, được phân công bởi tổ chức, xã hội, nhà nước, đảm nhiệm các công việc gì đó, và nuôi con cái trong thiếu thốn, cực nhọc.

Ám ảnh vật chất là thứ hiện ra hàng đầu của hầu hết người Việt Nam – mãi đến những đứa nào may mắn sinh năm 1996 trở đi. Thật kỳ lạ, tôi và bạn bè từng ngồi kể một câu chuyện, món quà ngon nhất mà chúng tôi từng ăn là những tuýp si-ro trộn đá đông cứng, nhai hết đường đi học vẫn còn ngọt miệng. Một số bạn ở TPHCM từng kể họ đã bu ra ông bán lõi dứa ngoài cổng trường để mua một cái lõi quả thơm ăn vì ngon và rẻ. Trong khi đó, ở TPHCM và miền Tây nam Bộ, dứa là một thứ quả dễ trồng và dễ ăn.

Ám ảnh tri thức không tồn tại. Tại 64 tỉnh thành, hàng triệu học sinh, chúng tôi học chung 1 giáo trình, xem chung các quyển bài giải mẫu. Ngày xưa, sách giải chỉ có mỗi NXB Giáo Dục bán (cũng là nơi sản xuất sách giáo khoa hàng loạt). Khác là bây giờ sách giải thì NXB nào cũng có thể in. Nội dung của tri thức rất đồng đều. 100% học sinh sẽ học về lịch sử xã hội chủ nghĩa, học vẽ nguệch ngoạc, học hát ồn ào với 1 đám đông. Không triết học. Không nghệ thuật. Không nghiên cứu. Không viết bài luận hay tự chế ra thứ gì, giáo dục nghĩa là học thuộc và copy lại 100% của sách do ai đó viết, không cần biết đúng không. Nhiều thời điểm, cả báo chí cũng phải rần rần lên chỉ vì 1 bài văn viết hay nhưng không giống đáp án vì thế bị điểm cực thấp. Sự tranh luận của toàn bộ nền giáo dục phổ thông chỉ có một mục tiêu : NÊN CHÉP ĐÚNG HAY KHÔNG CHÉP ĐÚNG 100%?

Ám ảnh về bản thân. Cực kỳ khủng khiếp. Mãi đến khoảng những năm 2007, lần đầu tiên, tôi mới được nghe các bạn trẻ sinh viên thẳng thắn thảo luận về phản ứng của cơ thể mình trước sự thay đổi của các yếu tố tính dục trong cơ thể mình. Nhiều câu chuyện được kể lại thế này, một em gái bị hành kinh, mẹ bảo đóng bỉm vào, nhưng chưa bao giờ được nghe giải thích vì sao mình có kinh nguyệt. Kinh nghiệm tình dục duy nhất của các bạn trai trước khi vào đại học là… cô giáo Thảo viết tay nhét ngăn bàn. Lên đỉnh cao thời thượng của internet là Liên Xô Đánh Mỹ. Những người trẻ mất cực kỳ nhiều thời gian để tự khám phá về những quy luật cơ bản của cơ thể trong một xã hội mà mọi chủ đề đều được xem là cấm kỵ, kể cả tình dục. Trả giá dễ nhìn thấy nhất là tỷ lệ phá thai cao đến mức bùng nổ, nhưng đó không phải là vì các cô gái hư hơn, mà bởi vì họ chưa bao giờ thảo luận về chính bản thân mình và hiểu nó ra sao.

Ám ảnh xã hội của có không? – Có lẽ, với tôi là tôi luôn ngạc nhiên tại sao cha tôi luôn nói về Đảng của ông như những người tốt, còn tôi thì lớn lên và cảm thấy mình đã bị thừa hưởng một di sản của một lũ tham nhũng. Đi làm CMND cũng tốn tiền, đi học muốn vào lớp chọn cũng tốn tiền, trẻ con học mẫu giáo muốn vào trường tốt cũng tốn tiền. Y tá đến giường bệnh không muốn bị tiêm đau cũng phải tiền.  Có phải tôi đã bị lừa không? Bố tôi có lừa tôi không? – Tôi không nghĩ bố tôi đã lừa tôi, ông luôn tự hào mình đã làm việc tốt và không bao giờ nhận tiền lót tay của ai. Vậy cái gì đã lừa tôi? – Có rất nhiều người trẻ tôi quen đã thảo luận với tôi điều tương tự.

b-4

Một người bạn của tôi từng nói, cha của bạn là một người bộ đội. Lúc bạn học năm 2 đại học, cha và bạn cãi nhau 1 trận to khủng khiếp, đại ý, cha bảo bạn không được nghĩ xấu về Đảng, còn bạn thì nói xung quanh bạn chỉ toàn một bọn bịp bợm. Họ giận nhau vài tháng. Sau này bạn nói sẽ không bao giờ nói chuyện này với cha nữa. Với bạn cha là người tốt, bạn sẽ không tranh luận để làm cha buồn nữa. Ám ảnh xã hội duy nhất mà tôi và bạn có (ngoài các cuộc cãi nhau với người thân mình), là chúng tôi sẽ cắt bỏ cái cảm giác không hiểu, nghi ngờ, giận dữ…. bởi vì thực sự chúng tôi không hiểu bất cứ điều gì đã diễn ra cả, càng không hiểu cái nào mới là sự thật của xã hội mà mình đang sống.

Các chủ đề cấm kỵ trong xã hội luôn tràn đầy ngay từ khi một đứa trẻ được sinh ra. Nó trở nên đặc biệt nhiều theo những biến động phức tạp của mô hình xã hội này. Trẻ con không được dạy đúng trong lịch sử. Sinh viên bị cắt bỏ các phần lịch sử không như ý. Câu chuyện của các lãnh tụ. Chuyện của sự tham nhũng. Sự kỳ quặc của nền kinh tế. Hình ảnh nude, sinh viên tranh luận với giảng viên, học trò viết 1 bài luận khác ý cô giáo… đều là đề tài cấm kỵ. Trẻ con cấm kỵ sẽ đẻ ra những người trẻ cấm kỵ. Các thứ cấm kỵ trở thành 1 vùng màu đen ngắt quãng khó lòng giải thích được nội dung và sự khó hiểu của chúng.

Đến đây, tôi dịch lại một ý của Anthony Giddens, một nhà xã hội học người Anh được dẫn lại: “Sự nhận diện bản thân không phải là thứ gì đó chúng ta có, hay một thứ ta có thể chỉ ra. Sự tự nhận diện là cách chúng ta nghĩ về bản thân mình. Tất nhiên những gì chúng ta nghĩ sẽ thay đổi từ tình huống này sang tình huống khác theo không gian và thời gian. Đây là lí do vì sao Giddens mô tả sự tự nhận diện là một “project”. Sự tự nhận diện do chúng ta tự tạo ra. Nó là thứ gì đó luôn tiếp diễn, luôn di chuyển về phía trước chứ không phải ập đến. Một “project” nhận diện bản thân được xây dựng trên:

  • Chúng ta nghĩ bây giờ chúng ta là gì, trong quá khứ và hiện tại?
  • Chúng ta nghĩ chúng ta muốn trở thành cái gì, trong quỹ đạo của cái tương lai chúng ta mong ước?” (1)

Vậy, theo ý mà Anthony Giddens viết, rõ ràng một thế hệ không hiểu biết gì về chính mình, bị ám ảnh vật chất thúc ép, bị thiếu tri thức khoa học và mỹ học, kỹ thuật được luyện tập giỏi nhất là học thuộc và copy, với 1 lịch sử ngập tràn cấm kỵ – sẽ nên mơ ước gì?

Ám ảnh vật chất => Phải có tiền, phải được du lịch, phải được ăn mặc đẹp, phải có đồ đẹp.

Ám ảnh tri thức => Không tranh luận, chỉ nên copy

Ánh ảnh bản thân  => Bức bối, khao khát tìm kiếm bản thân

Ám ảnh xã hội => Nhầm lẫn, bực bội, từ chối.

Banksy artwork

Sự từ chối điều cấm kỵ để  khoảng trống ấm ức bên trong những người trẻ. Vừa lúc ấy, phim Hàn, phim Nhật, Manga Nhật, tiểu thuyết Mỹ, phim Mỹ, ngôn tình Trung Quốc tràn vào. Tất cả những thể loại này đều là một nét tốt đẹp và ưu trội nào đó của thế giới bên ngoài du nhập vào (ít ra là tốt hơn các vùng đen cấm kỵ). Đó là lí do của sự đón nhận. Đâu có gì đáng trách. Song song với sự đón nhận sẽ là sự lờ tịt đi những khoảng đen ngày càng tối hơn của xã hội – bởi họ cảm thấy mình không thể nào thay đổi bất cứ gì ngoài tầm với của mình.

Ám ảnh xã hội và tri thức có lẽ thể hiện rõ hơn trong hành vi của các nghệ sĩ trẻ. Họ học rất nhanh các kỹ thuật mới trong âm nhạc, hội họa, nghệ thuật đương đại, nhưng các chủ đề của họ khi thể hiện ra hoặc là rất “tả chân” cùng kiểu với văn tả cảnh học hồi phổ thông, hoặc chính họ cũng không giải thích được sự khó hiểu của tác phẩm (vì đang thực hành kỹ thuật), hoặc bị dẹp tiệm cuốn gói đi chỗ khác nếu sáng tác quyết liệt và am hiểu trong 1 số đề tài cấm kỵ. Nhiều nghệ sĩ cắt bỏ hẳn ý niệm sáng tác trong vùng cấm kỵ sau khi thấy đồng nghiệp bị “dẹp tiệm”.

Người trẻ – họ thực dụng hơn một cách cần thiết – sau khi đã trải qua đủ giận dữ và u sầu.

Cuối cùng, tất cả đẩy hành vi của một người trẻ tuổi đến một kết quả: Chúng tôi muốn tự do (để không phải làm một công việc không hạnh phúc giống cha mẹ, hay bị ai đó phân công), kiếm ra nhiều tiền (chúng tôi sợ nghèo quá rồi), chúng tôi sẽ đi (chúng tôi chưa bao giờ được đi), chinh phục thế giới và tìm kiếm bản thân. Chúng tôi sẽ cho thế giới biết chúng tôi có tồn tại, tồn tại một cách cực hay ho, cực đỉnh, cực chuẩn. Cộng với internet – quỹ thế giới ở bên ngoài – cho họ biết về những vùng đất mới hay ho và đầy hấp dẫn. Và họ bị thôi phúc phải đi tìm, phải bỏ đi, phải lao ra ngoài.

Đó là mong ước của họ: “Công việc tiên quyết mà tôi phải làm là tự do cho chính tôi”

Có còn cái hệ quả nào hay hơn không?

Khải Đơn

======================================

(1) Cultural Studies: Theory and Practice: Chris Barker – Part Three – No. 7. Section: Self-identity as a project

 

8 bình luận về “Nghề nghiệp của tôi là đi tìm tự do

Add yours

  1. Chị Khải Đơn viết một bài so sánh về cách dùng từ để ám chỉ một tầng lớp xã hội của nước mình và nước khác được không chị. Sau khi xem clip này em thấy người Mỹ dùng từ dùng từ “Người vô gia cư – homeless person”, còn người Việt mình dùng từ “ăn xin” thấy thô thiển và không được văn minh chị ah. Hy vọng ít nhiều họ được tôn trọng hơn. Cảm ơn chị !
    http://goo.gl/m6Grxy
    Sorry chị vì đã cm ở đây !

    Thích

  2. Reblogged this on Miley Duong and commented:
    Vì mình cũng là một người trẻ, không hẳn mù mờ lạc lối theo tất cả những ám ảnh dưới đây, nhưng hệ quả thì thực mình phải giật mình.
    Đây là tôi, trong thế hệ của chúng tôi, là những người trẻ phải đi để bảo vệ tự do của mình.

    Thích

  3. “Freedom for myself=tự do cho chính tôi”? What is freedom really? Is “freedom” an idea or a reality? Is it a destination of a journey to arrived at or a goal, a purpose to achieve? Why are you not free now? What is it that stops you from being free? Want to be free! Where do these wants come from? Beside the financial and physical restrictions and/or constrains, why can’t we be free?
    What if freedom is only the absence of all ideas… Could freedom be this simple?

    Thích

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑