Lí do đầu tiên để những phố sách cũ tồn tại đầy nhóc ở Sài Gòn, có lẽ là vì có rất nhiều người ở Sài Gòn cần mua sách, đọc sách, và cũng có rất nhiều người muốn bán sách. Ở Vĩnh Long, Trà Vinh hay tỉnh nào khác có lẽ khó có một lực lượng đọc đủ hùng hậu để thị trường sách cũ sôi động đến thế. Hoặc nơi đông người bán lại hẻo người mua, nơi có người cần sách lại không có người bán. Sài Gòn may, có rất đông người mua, và không ít người bán.
Những hiệu sách cũ tồn tại như một mặt biển phẳng lặng, bí ẩn, phải ngụp lặn vào đó mới thấy cái hay ho nhuốm đầy bên dưới.

Người mua là những sinh viên ít tiền, cần đọc, có thể tìm thấy hàng loạt những quyển sách nội dung tốt bị đẩy ra ngoài. Giá giảm từ 30 -50% hoặc thậm chí giảm đến 80% nếu rách bìa, bị ướt. Với người đọc, ít tiền, được đúng tựa mình thích, là một ước mơ có thật.
Người mua là giới đọc sâu, thèm cảm giác “bắt được vàng” giữa một mớ vé chai, như có người hào hứng mua được “Ngựa chứng sân trường” của Duyên Anh với giárất rẻ , hay mua được “Khảo về thơ của Bà Huyện Thanh Quan” của Bùi Giáng giá 45 ngàn.
Người đọc phải “ghìm” cái ham muốn rờ rỡ trên mặt xuống, ra bộ không thèm, để anh bán sách không rành mặt hàng bị hớ, bán rẻ cho, đôi khi còn phải “dìm hàng” sách bằng kiến thức của mình để troll anh bán. Hài hước như đấu trí, đụng anh bán sách “gà” thì sách ngon giá rẻ, đụng tay sành sỏi, lọc lõi, đọc nhiều, anh mua sách đành tiu nghỉu rút cả trăm ngàn cho một mớ giấy cũ vàng mèm, để sở hữu được tri thức mà mình ao ước.
Người mua là giới nghiên cứu, lặn lội cả trăm km, vào Sài Gòn đi tìm một quyển sách. Như một nhà nghiên cứu tôi quen từng kể, ông từ quê ghé Trần Nhân Tôn, đụng trúng bộ sách tìm đỏ mắt không ra, cầu xin cậu bán sách giảm giá. “Nhưng nó ác quá, không giảm, thằng quỷ khôn lỏi, nên tui… cầm luôn cái Honda ôm bộ đó, đi xe đò về, gom hết tiền ở nhà mới đủ lên… chuộc xe” – ông kể lại, vẫn còn tức vì sao sách có thể mắc như thế. Nhưng đã 20 năm, ông vẫn đi về Sài Gòn, để tìm một tác phẩm cần cho nghiên cứu, tìm một bộ sách có tư liệu mình cần. Giới bán sách Sài Gòn chăm sóc nhà nghiên cứu như trứng mỏng, họ đọc không tiếc tiền, mua không tiếc tay, chỉ cần đúng tư liệu. Có chuyện “vỉa hè” từng được kể là Sơn Nam đã bỏ ra số tiền gấp 33 lần giá bìa, để mua lại một quyển cũ của Bình Nguyên Lộc mà ông đã mất, vì ông nhớ văn của bạn mình.
Ở Sài Gòn, có quá nhiều sách cũ, không phải chỉ bởi có người mua “đại gia” thế Honda, mà còn bởi có người bán. Trong truyện cũ thầy tôi kể, ai cũng có thể bán sách. Thầy kể thời là sinh viên văn khoa, đi tới Bà Chiểu là thấy bao văn nhân tài tử đứng đường… bán sách. Thầy kể ông linh mục Thanh Lãng viết và in roneo “bảng lược đồ văn học Việt Nam”, đám sinh viên đem ra bán giùm. Nguyễn Tất Nhiên in thơ đứng đường bán làm bao em gái si mê, Bùi Giáng cũng đội thúng thơ đi bán, Khai Trí in sách cho tác giả trẻ có cơ hội được bán, Bình Nguyên Lộc vừa viết báo vừa mở nhà xuất bản…
Người viết tự bán sách, người in đem bán sách. Thị trường sôi động hào hứng đó vẫn còn đầy trong dấu ấn cảm xúc của những người nay mới chỉ gần 50 tuổi, kể rằng vì họ nghe ngày xưa Nguyễn Tất Nhiên cũng bán sách, nên khi làm sinh viên, có sách đọc xong mà hết tiền ăn, họ cũng mạnh dạn ra khu Bà Chiểu ôm sách đứng bán kiếm tiền còm.
Có anh hàng sách “vớ bở” được những tủ 4000 -5000 quyển sách quý của các nhà trí thức lớn vừa mất, kiếm bộn mua luôn nhà mặt tiền, là những chuyện “truyền kỳ” cỡ bự trong làng sách. Chuyện buồn cũng ẩn mình trong sách cũ, khi người mua cầm cả bộ sách tâm đắc trên tay, mặt hớn hở, thấy những dòng chữ trân trọng của chủ cũ với bộ sách, lại ngậm ngùi khi nghe người bán kể cha vừa chết, mấy đứa con lập tức “tống tháo” cả ngàn quyển ra đường, chia nhau tiền xài.
Khởi sinh đó đã tạo ra những phố sách Lê Quang Định, Lý Chính Thắng, Calmette, Nguyễn Thị Minh Khai và sau này là Trần Nhân Tôn, Trần Huy Liệu…
Khi internet xuất hiện, sách cũ cực nhọc thêm một chút. Người bán sách cũ nói rằng từ điển không bán được, vì ai cũng xài từ điển máy tính. Còn các loại khác, có khi 1 bộ sách cổ cũng dễ dàng được scan lại, in photo ra, bán vài trăm ngàn/bộ, những bộ sách cực hiếm hàng chục triệu bị xuống giá vì (may quá) người đọc ít tiền cũng tìm cách mua được rồi.

Sách cũ ở Sài Gòn chưng ra gương mặt của sự thiếu thốn của nền xuất bản hiện tại, nơi người nghiên cứu không đủ tự tin để dựa vào sách xuất bản mới cho tư liệu mình cần, nơi những sinh viên không đủ tiền để chịu đựng giá cả quá cao của những cuốn sách mới ra lò, nơi những phần tri thức cũ bị “chảy máu” và thất truyền bởi các gián đoạn lịch sử. Đó cũng là thị trường của các mối duyên, của cảm giác hạnh phúc khi chộp được quyển sách ai đó bán thải ra ngoài, lại có đúng chữ ký của tác giả mình yêu thích, là niềm vui khi tìm đúng mảnh tri thức mình tìm hoài không biết ở đâu ra đắp vào.
Trong quyển “Thú Chơi Sách” của Vương Hồng Sển, ông mô tả vài đoạn thế này: “Trong giới người Việt biết yêu sách, tôi có quen một ông, tánh tình hiền lành nhưng rất khó đối với sách: quyển nào anh em mượn, trả về có chút hư hao, ông không nói gì, sai đem bán lấy tiền đắp thêm mua cuốn mới. Đó là ông Đoàn Quan Tấn.
Một ông cưng sách như trứng mỏng, cắp nắp ôm đồm từ những quyển học trường lớn bên Pháp đến những tập hai ba xu Việt văn. Việt Minh bùng dậy, phá làng đốt xóm. Tủ sách ông ra tro. Từ ấy, tóc ông càng bạc thêm, ông chuyên về tu hành, nghiên cứu Phật giáo, những ai dở chuyện sách ra nói, mí mắt ông ướt hồi nào không hay. Đó là ông Phạm Văn Còn.
Một ông nữa cắp ca cắp củm, sưu tập nhiều bộ nếu nay còn là một kho tàng quý giá vô cùng, vì ông là nhà khảo cứu chuyên về sử học Việt Nam. Không bộ sách nào ông không có, nào Khâm Định, nào Phật lục, đủ cả, luôn những bộ môn sách Pháp như bộ Đô thành hiếu cổ, bộ Viễn Đông bác cổ, kịp năm loạn lạc, lớp bị đốt, lớp Tây lấy, lớp người ta dọn. Ông chỉ còn một cái cười hồn nhiên của nhà học giả chơn chánh, không buồn sắm nữa, cũng không hít hà! Đó là ông Lê Thọ Xuân.”
Ở Sài Gòn, sướng là sướng vại thôi.
Khải Đơn
(Viết cho Le La Images: https://www.facebook.com/lelaimages )
-Le La Images là gì, sao chỉ có ở FB?
-“văn nhân tài tử đứng đường bán sách”… : nghĩ tới thôi đã thích hình ảnh đó rồi; bây giờ chắc không còn.
ThíchĐã thích bởi 1 người