“Rimbaud viết: “Tám ngày nay tôi đã làm rách đôi ủng của mình vì những viên sỏi trên đường”
Đường bộ, đó là dải đất cho mọi người bước đi. Đường xe khác đường bộ không chỉ ở chỗ trên đó xe lăn bánh, mà còn ở chỗ nó chỉ là một tuyến dài nối điểm này với điểm khác. Đường xe không có ý nghĩa tự thân: ý nghĩa chỉ là ở hai điểm được kết lại với nhau. Đường bộ – đó là bản tụng ca không gian. Mỗi đoạn đường bộ đều tự thân có nghĩa và mời mọc chúng ta dừng chân lại. Đường xe – đó là sự hạ giá triệt để không gian, với nó giờ đây không gian chỉ còn là vật chướng ngại cản trở sự đi lại của mọi người và là việc tốn thời gian vô ích.
Trước khi biến mất khỏi cảnh quan, những con đường bộ đã biết mất khỏi tâm hồn con người: con người thôi mơ ước được đi bộ, được dạo chơi bằng chân để hưởng niềm khoan khoái. Con người nhìn cuộc đời không phải như đường bộ nữa, mà như đường xe: như một tuyến kéo dài từ điểm này tới điểm kia, từ cấp úy đến cấp tướng, từ vai trò người vợ đến vai trò bà góa. Bây giờ con người thấy thời gian sống thật sự là một chướng ngại vật cần phải vượt qua bằng những tốc độ ngày càng cao hơn.”(*) Sự bất tử – Milan Kundera
———–
Tôi đã mất vài ngày để hạnh phúc với đoạn văn bên trên của ông Milan Kundera. Y hệt như tôi ngồi trong một căn lều lạnh cóng suốt 8 giờ đồng hồ trong đêm, không ngủ được vì chân cứng ngắc đau đớn, thì từ cửa bước vào một người lạ, đặt lên tay mình một bình nước nóng thật nóng. Vừa khi mặt trời óng ánh sau khe cửa.

Đường đi bộ, nó là sinh vật ở dưới chân, tôi đi trên nó, chậm chạp, khờ dại và cứ mỗi bước đi lại hiểu thêm, cơ hồ như một người, một bạn thân, hay một chú mèo quen thuộc. Có một đêm, tôi bắt xe về Hà Tiên, xong suốt 5 ngày ở đó, tôi chỉ đi bộ.
Cuộc đi bộ dài đó đã bứt những suy nghĩ của tôi khỏi nhịp chuyển động bình thường. Tôi không còn muốn dừng chân ở một quán cafe, không nghĩ về chuyện buồn xảy ra với mình lúc đó. Mọi cảm xúc rời gót bỏ đi, y như một hôm mình đi vắng, và ngôi nhà im hơi thinh lặng. Càng đi bộ nhiều, chân tôi càng bị đau. Và cùng lúc tôi, tôi nghe thấy ở thị xã bé nhỏ đó có tiếng chim hót trên cái cây dừa nằm giữa một bùng binh tròn. Đến 9 giờ đêm, tôi dừng chân tại một quán nhỏ, bị xúc động khi nghe sau tiếng xe máy vẳng xa dần là một bản vọng cổ mỏng manh vang lên từ bác xe ôm già ngồi ngủ gật gần quán. Chưa khi nào tôi thấy một bản vọng cổ từ radio lại trong suốt và đầy rẫy xúc cảm đến vậy.
Đúng như Milan Kundera tả, con đường đi bộ là một bản tụng ca không gian. Nó cho mình nghe thấy những thứ mình sẽ lờ đi nếu đạp xe hay chạy xe máy, nó thổi vào ngực mình hơi thở của chính nó, khi chân mình cố gắng bước tới để hiểu hơn về tính cách của đoạn đường, như khi mình cố hiểu một người bạn.
Việc đi bộ làm tôi hồi hộp, giống lúc mình quen bạn mới, thật sự không biết cảm tình đó sẽ tốt đẹp hay làm tổn thương lẫn nhau, sẽ thân thiết hay xé nát nhau ra. Tôi thường bỏ cuộc giữa lúc đi bộ, và cảm thấy đau đau như lúc mình từ bỏ bạn mình. Có lần tôi đi bộ ở Sa Đéc từ sáng sớm đến gần 5 giờ chiều. Tự dưng mây đen ùn ùn kéo lại, và tôi đứng ngay sát đoạn bờ kè hướng ra sông từ làng hoa. Chỉ có một căn nhà khóa kín cửa xung quanh, không một bóng người. Tôi đã bị bỏ rơi ở chốn nào thế này? – Nó có giống lúc mọi người lặng lẽ rời xa mình không? – Cảm xúc đầy vẻ làm quá và ăn vạ như vậy, xuất hiện lúc mình đi bộ thấm mệt.
Thật khó đoán định một cuộc đi bộ thế nào là hạnh phúc, trộn lẫn mọi thứ vào nhau, như mùi hương, âm thanh, cách xe máy chạy xung quanh, cách người già nhìn tôi, cách tôi đoán xem đám thanh niên đang chơi gì, cách tìm ra và kết bạn với một cái hàng rào, góc đường có đèn màu vàng mệt. Giống như pha gia vị, sau một hồi ta không thể nhận ra đâu là đâu, nhưng “nếm” vào thì biết đó chính là thành phố đó, thứ cảm tính đó, âm điệu đó, không lẫn được, kiểu món thịt kho của mẹ sẽ mãi mãi khác với thịt kho của ba. Dù cho thành phố đó có những tên đường giống nhau, quảng trường giống nhau, chợ giống nhau, dãy nhà giống nhau, thì thứ mùi vị của nơi đó, pha lẫn hơi thở chán nản mỏi chân của mình, cũng sẽ thành một cảm giác mỏng và nằm im mãi trong tim mình, một sinh vật gieo rắc cảm xúc và quyến rũ xiết bao.
Cứ mỗi khi nghĩ về lúc đi bộ, tôi lại nhớ con đường ở Phan Thiết trong ngày hội Nghinh Ông với chú rồng màu xanh lá, nơi tôi đi bộ lần đầu tiên trong 1 ngày. Sau đó tôi đã đi bộ ở vài chỗ khác, tôi thấy thương Hà Tiên, bị quyến rũ bởi Sa Đéc, tôi hơi cáu giận ở Tiền Giang. Tôi ghét đi bộ ở nội thành Buôn Ma Thuột, Pleiku. Tôi từng cầu nguyện mong rằng mình sẽ đi lạc mãi mãi ở Siem Reap. Và tôi từng ước một buổi chiều ở Nakhon Phanom thôi đừng có hết, tôi hậm hực nhìn sông Mekong, vì hết ngày hôm đó, tôi sẽ không còn ngửi thấy mùi gió từ sông thổi vào thành phố này nữa.
Có vài chuyến đi bộ, dù có xa nhau tưởng chừng mãi mãi rồi, tôi vẫn thấy âm điệu của những con đường đó ở tận sâu trong hơi thở của mình, mỗi khi nhớ đến thì hít thật sâu, như khi ngửi mùi tóc người yêu vậy…
Khải Đơn
chào chị Khải Đơn
Em thường ghé fb và blog chị đọc, e thích cách chị viết. Không biết có có phải là năng khiếu bẩm sinh của chị không ạ? E cũng muốn viết nhưng nhiều khi bị cảm xúc chi phối, theo kiểu thích thì viết được, ko thì ko ra được chữ nào.
Em thấy cách viết của chị bình dị lắm, nhiều lúc đọc xong nghĩ “thế này mình viết cũng được, ngôn từ này mình biết mà…” nhưng đặt tay vào bàn phím lại tắc.
Chị cho em một lời khuyên được không ạ?
cảm ơn chị!
ThíchThích
Chào bạn Hưng, mình nghĩ việc viết lách phải được bắt đầu từ chỗ là giờ mình ngồi xuống viết. Thực ra chỉ là tập lâu thì quen tay thôi. Ngày nào bạn cũng viết vài trăm chữ, xong tăng dần. Chính bạn sẽ nhận ra mình tiến bộ thế nào giữa mẩu viết đầu tiên và mẩu viết thứ 50 🙂 Bạn tập đi, trong quá trình tập, đầu óc nó sẽ tự sinh ra những ý tưởng mới.
Mà bạn hãy tập bằng cách, viết về cái gì mình thấy nó, nghĩ nó, giận vì nó, điên vì nó, yêu nó, thích nó quá… mỗi ngày nên kiếm ra 1 cái như vậy, xong ngồi vào viết. Chủ đề vậy là dễ nhất. Chuyện chó mèo, bạn bè, cha mẹ, sách vở, đường xá, tủ lạnh… Mong bạn viết, xong cho mình đọc với 🙂
ThíchĐã thích bởi 1 người
cảm ơn chị! Có lẽ e đã hiểu ra vấn đề rồi. Không bắt đầu viết chữ A thì không viết được hết bảng chữ cái.
Em cũng đang viết ạ. Một ngày nào đó e sẽ gửi cho chị đọc (nếu chị có thời gian) 😀
Cảm ơn chị!
ThíchThích