Gửi bạn sinh viên muốn tranh luận,
Tôi viết bài này gửi bạn, vì tôi nghĩ bạn cũng đã ở một thời gian giống tôi. Có thể tôi không hiểu 100% những gì bạn đang muốn tranh luận với cô giáo của bạn tại trường đại học, nhưng tôi nghĩ tôi cần gửi điều này cho bạn.
- Thời điểm tuyệt vời để tranh luận
Thời gian đại học có lẽ là lúc tuyệt vời nhất để tranh luận. Tôi và các bạn tôi đã làm điều đó hàng ngàn lần, với hàng ngàn chủ đề, suốt 4 năm học cùng nhau. Tụi tôi đã cãi nhau trong quán cơm, thảo luận trong sân trường, hoặc rất gay gắt (đôi khi giận nhau luôn) vì một chủ đề nào đó. Sau này ra đời, tôi nhận ra sẽ không có ai nhiệt thành tranh luận với bạn giống các bạn đại học. Đây không phải thời điểm chín muồi về tri thức, nhưng là thời điểm ai cũng chịu học và sẵn sàng lắng nghe. Khi trẻ, không ai muốn nhảy lên đầu người khác ngồi, nên chúng ta có thể nói chuyện với nhau. Hơn nữa, mọi sinh viên đều rảnh, tranh luận chưa chán thì về đọc sách, đi kiếm đâu ra ý tưởng, rồi cãi nhau tiếp. Càng cãi càng học thêm ở bạn bè nhiều thứ. Nhưng tốt nhất là đừng nghỉ chơi nhau.
Sau này khi ra đời rồi, ai cũng bận kiếm sống. Không ai tranh luận nữa đâu.
- Tranh luận với ai?
Hãy chọn người tranh luận như chọn bạn thân. Đừng chọn kẻ phản bội. Tại sao?
Mục tiêu của tranh luận không phải là để bắt bạn của bạn phải nghe lời bạn, hay bạn sẽ quỳ phục dưới 1 thằng nào. Tranh luận để tất cả mọi người cùng ngồi vào 1 bàn, ăn những món ăn từng người bày ra – ở đây là các ý tưởng – sau đó dù mỗi người thích một món và theo 1 quan điểm, chúng ta đều mạnh mẽ hơn vì đã có thêm nhiều trao đổi tri thức. Dù có cứng đầu, thủ cựu, cấp tiến, hay nước đôi, thì tất cả người tranh luận đều học được gì đó. Rất tốt.
Chính vì thế, nếu có 1 kẻ phản bội trên bàn ăn, bữa tiệc sẽ rất lởm. Hãy chọn người ngồi ăn với mình thật kỹ.
- Không tranh luận với kẻ phản bội.
Đừng nhìn người tranh luận với mình trên vai vế xã hội (ví dụ như sinh viên thì cũng thường thôi, hay giảng viên thì giỏi nên đáng tranh luận). Từ ý số 2, tôi tin rằng, chúng ta chọn người tranh luận dựa trên tri thức và sự trung thành.
Nếu bạn có 1 giảng viên tuyệt vời, 1 người thầy chân chính và họ sẵn sàng tranh luận, hãy mời họ vào bàn ăn. Có rất nhiều giảng viên của tôi đến giờ vẫn tranh luận với tôi. Ngoài việc làm thầy, họ còn giống người mẹ, người anh. Họ trò chuyện để chúng ta hiểu điều tốt và tin rằng từ tranh luận họ cũng sẽ hiểu chúng ta hơn như ta muốn hiểu họ. Những giảng viên đó không phản bội triết lý của giáo dục. Họ tôn trọng tri thức và yêu thương học trò.
Còn những giảng viên khác? – Đừng mất thì giờ với họ. Ngày xưa, có 1 bạn lớp tôi viết vào bài thi môn đạo đức của bạn 1 tranh luận. Thầy giáo đã coi bạn là “kẻ thiếu đạo đức” và đánh rớt bạn. Với thể loại này, đừng mất thì giờ tranh luận với họ. Họ không phải thầy giáo. Họ là những kẻ phản bội.
Họ phản bội tri thức – đó là tôn trọng các cuộc tranh luận và không dùng quyền thế để ức hiếp 1 lý luận. Họ phản bội cả học trò – người cần được khai sáng và dẫn dắt.
Đó là lí do xuất hiện tiêu chuẩn thứ 2: Đừng tranh luận với kẻ phản bội – và kẻ phản bội thì có thể là bất cứ ai.
Ở một trường chuyên, thầy giáo dạy lịch sử của bạn tôi tranh luận với 1 em học sinh về 1 ý kiến nhỏ. Thầy không biết em đã ghi âm lời thầy nói, và dùng quyền thế của cha mẹ em để buộc thầy phải nghỉ việc tại trường. Ở đây, em học trò đó là kẻ phản bội. Em phản bội nguyên tắc công bằng của tranh luận và đã chơi xấu.
Hãy nhớ tiêu chuẩn số 2: Đừng tranh luận với những đứa bạn phản bội – về cơ bản, chẳng dẫn tới đâu đâu.
- “Internet chỉ toàn những chuyện của bọn tào lao, bọn dụ dỗ các em làm việc nguy hiểm”
Trích dẫn này được rất nhiều giảng viên, thạc sĩ, tiến sĩ “mách nhỏ” cho các sinh viên có thói quen đem các thứ các bạn đọc được trên internet và mang vào trường học để tranh luận.
Thay vì trả lời các câu hỏi thẳng vào vấn đề, hoặc đơn giản nói, trong phạm vi trường học tôi không thể trả lời, những giảng viên này tiêm cho bạn một ngụy biện.
Trước khi kết luận internet toàn bọn tào lao, tôi có thể nói với các giảng viên đó là internet đã trở thành cơ sở dữ liệu khoa học của rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu. Và những trường lớn hàng đầu thế giới đã dành nhiều công sức để đổ các khóa giảng dạy thực sự nghiêm túc lên internet. Nghĩa là internet không tào lao.
Ngoài ra, ngành công nghệ dot com này đã khiến Larry Page, Mark Zukerberg hay Bill Gates trở thành tỷ phú. Không ai trở thành tỷ phú bằng cách làm kẻ tào lao đâu. Họ trở thành tỷ phú vì đã tạo ra nền tảng vận hành cho một hệ thống làm ra tiền lớn khủng khiếp. Chắc chuyện thành công hay kiếm sống bằng internet không phải là tội phạm nguy hiểm đâu, đúng không?
Bạn có thể hỏi lại các giảng viên đã khuyên bạn câu đó, là họ có biết dùng Google không? – Hoặc tìm đọc đề tài nghiên cứu của họ. Có thể rất nhiều trong số này đã ăn cắp 1 đoạn văn nào đó trên internet để đưa vào đề tài tiến sĩ đấy. Vậy chắc internet cũng ích lợi 1 chút nào đó, chứ không nguy hiểm lắm, phải không?
- Đâu là giới hạn của tranh luận?
Kinh nghiệm của tôi là, tôi sẽ không bao giờ trả lời những đứa chửi tục khi tranh luận. Mục đích của tranh luận không phải là trát phân lên mặt nhau cho đen da, mà là để làm sáng tỏ hay có thêm góc nhìn mới, đồng thời bảo vệ ý kiến của mình. Về mặt tâm lý, người chửi tục khi tranh luận thường là bất lực và đuối lý. Tôi là phụ nữ, nên không thích bọn bất lực.
Tôi không bao giờ trả lời các tranh luận dạng tấn công cá nhân, khiêu khích, đẩy đưa tình cảm hay sỉ nhục những người khác. Tất cả các nội dung không tập trung vào chủ đề mà nhằm khích động cảm xúc của người khác đều là ngụy biện. Các ngụy biện không dẫn đến sáng tỏ vấn đề, cũng như không giúp tôi học được gì thêm, nên tôi không mất thì giờ cho nó.
- Ta mất thời gian tranh luận để làm gì?
Ở đại học, chúng ta không tranh luận để cứu thế giới (chuyện này tôi sẽ nói sau, vì về cơ bản, đa số chúng ta sẽ chết già mà vẫn chưa cứu được thế giới), chúng ta tranh luận để nạp thêm vào đầu óc mình những vùng tri thức mới, cũng như những khai mở mới, để từ đó ta có đường tự khám phá thêm thế giới và tri thức của mình. Nói cách khác, ta tranh luận để lớn lên và có cái nhìn rõ nét hơn về mọi vật thể.
Vậy thì, đừng tranh luận đến chết. Nếu 1 giảng viên bảo, nếu em còn cãi, tôi sẽ cho em rớt môn này, vậy thì bạn hãy đầu hàng. Hãy nhớ, những lão thầy giáo như vầy sẽ chẳng đi xa đâu khỏi 4 cái tường của lớp học và họ sẽ chẳng thể nào kìm được bạn lớn lên. Cây muốn lớn thì đừng lằng nhằng với cỏ. Những kẻ dùng quyền lực để đe dọa 1 tranh luận là bọn hèn kém. Đầu hàng mẹ nó đi cho xong, ra trường muốn làm gì thì làm.
Đừng vướng vào các tranh luận dẫn đến xô xát, bị giết hay bị đánh bể đầu. Một tranh luận lành mạnh không thể kết thúc bằng việc thằng lớp kia cầm cái chai đập vô đầu bạn cho bạn chết luôn trong quán nhậu. Vì thế, hãy đầu hàng nếu nó muốn đập bạn chết. Bạn không thể chết ở tuổi 20 được. Chết làm gì cho uổng?
- Chuyện cũ của tôi:
Lần đầu tiên tại TPHCM, khi tôi đang là sinh viên, giới sinh viên đi biểu tình ở lãnh sự quán Trung Quốc. Trường tôi đã gom sinh viên chúng tôi lại và giảng cho 1 bài, kết bài dọa rằng, nếu các em đi tụ tập, các em sẽ bị đuổi học. Ok, tôi không bao giờ tranh luận với cái thể loại thầy giáo như vậy. Đồng thời, tôi rất tôn trọng các bạn cùng lớp tôi đã tranh cãi với thầy. Tôi tin rằng, 1 giảng viên đúng đắn sẽ không hành xử thiếu sự tôn trọng với chúng tôi như vậy. Thầy hành động như vậy thì tôi không tôn trọng. Đồng thời tôi cũng chẳng muốn chết trẻ vì 1 người dùng quyền lực trấn áp tranh luận. Nên tôi chẳng mất thì giờ tranh luận làm gì.
Những diễn biến ở Sài Gòn vài năm sau này ra sao, tôi và tất cả bạn bè tôi đều rõ và hiểu. Còn thầy, ông mãi mãi chỉ là 1 giảng viên mà ít đứa nào trong chúng tôi còn thèm nhớ đến. Ông cũng không cứu được thế giới (bằng cách dọa đuổi học chúng tôi). Còn rất nhiều thầy giáo, cô giáo khác đã lắng nghe chúng tôi trò chuyện suốt nhiều năm, và dạy chúng tôi chuyên môn để biết đi làm nghề.
Ông thậm chí còn không giỏi nghề bằng nhiều đứa trong lớp tôi sau này.
- Tranh luận tiếp đi
… Tranh luận chẳng bao giờ xấu. Thỉnh thoảng có stress 1 chút thôi. Nhưng hãy nhớ, bạn nên và luôn luôn nên tranh luận 1 cách sạch sẽ, công bình và tôn trọng người khác. Khi nào bạn chửi người ta, là bạn đã thành đồ bất lực rồi. Khi nào bạn dùng nắm đấm trong tranh luận, thì bạn đã là thằng ngu rồi. Khi nào bạn thiếu ý kiến, thì nên đi đọc và tìm tiếp tri thức đi, cãi nhau mãi mà không học gì thì sau 1 hồi cái “bàn ăn” tranh luận sẽ không còn món ngon nữa đâu.
Hãy tranh luận khi bạn là sinh viên. Vì ra đời rồi sẽ cắm mặt đi kiếm tiền, chả ai hơi đâu tranh luận nữa đâu.
(PS: Rồi thì chúng ta chả cứu được thế giới đâu, nên đừng hung hãn quá làm gì!)
Khải Đơn
Reblogged this on Miley Duong.
ThíchThích
Reblogged this on Hương Lạc.
ThíchThích