Sài Gòn – cô gái điếm hay lão sếp già?

Tết đến rồi ha. Sao cứ năm nào, đứng trên cầu Sài Gòn nhìn xuống, tôi lại thấy Sài Gòn xa mình thêm một chút.

Sài Gòn của mình, hiền như một cô điếm. Đẹp kì ảo, lung linh, xong đêm muộn trở về, hệt mùa Tết đến, trống trơn như một ngôi nhà hoang. Nếu cô điếm sau một đêm dài lặng lẽ trở về ngôi nhà trống bé nhỏ của mình, thì Sài Gòn chẳng có chỗ mà về, nó lênh đênh trên bờ sông, mải mê thở dài trước cơn tĩnh lặng hiếm hoi của vài ngày rất ngắn. Người ta bỏ đi để về với yêu thương, về gia đình, hội ngộ, gặp cha mẹ già. Sài Gòn này sao có tất cả mà không gì hết, có trọn vẹn tình nghĩa, có tháng ngày vui tươi, có chỗ dừng chân bằng hữu, chỉ thiếu mỗi nơi để về. Một người ham chơi, qua bao cơm phở chán chường, cuối cùng cũng chỉ thèm cơm mẹ mà quay về chốn xa. Rồi bỏ rơi Sài Gòn thôi.

Photo 17 21 14 10-04-2014

Sài Gòn, như một ông sếp già khó tính. Ông ta ngồi ì đấy, mình phải gập đầu chịu đựng, gập đầu cho những đêm thật muộn ngập ngụa việc làm. Ở đây, tất cả đều cày cuốc như những con thiêu thân. Sài Gòn có tiền. Muốn sống thì làm. Muốn điên cuồng giàu có, thì làm. Sài Gòn là sự công bình ngỗ ngược của một hạt nhân chống lại cả một đất nước không cần quan tâm và tôn trọng sức lao động. Ở đây, trước lão sếp già khó tính, hãy làm việc chăm chỉ, và được sống như những con người thật sự. Không có sự so đo chèn ép nào, không ai có lịch sử, không cần đến quá khứ. Cứ làm việc, thiêu thân, và sống.

Nhưng ông sếp già sẽ luôn bị bỏ rơi, khi những con người làm việc đã giàu có, khá khẩm, đã bình an tự tại. Họ bỏ phố ra đi, tìm những nơi có cỏ xanh, gió mát, tìm ngày Tết thân quen, tìm một dáng nhà thanh thoát với không khí trong lành. Họ vứt lại kẻ ghiền lao động đã nhàu nhĩ già nua sau những tháng ngày làm việc chết bỏ, đớn đau, thành phố ô nhiễm, nực nội, lào khào thở theo gió. Sếp già – như Sài Gòn – cô đơn hơn khi mùa sung túc của người ta đến.

Photo 14 47 43 01-10-2014

Rồi thì chẳng còn quyến rũ như cô điếm, cũng chẳng nghiêm khắc như sếp già, ngày mùng 1 Tết mà đứng giữa Sài Gòn, thấy mình nghe ra một âm thanh khác. Khi bạn bè ngoại tỉnh như mình về quê hết, không ai rủ ăn trưa, không ai đi uống tối, cũng chẳng còn ai ở bên trò chuyện, thì mình đi bộ ra phố. Lúc ấy, tự dưng mình cười tới tận mang tai. Phố này, hẻm này, cô bán cafe này, chú xe ôm này, tất cả đều người lạ hết, vậy mà chẳng còn ai lạ cả. Họ ở đấy, va đập vào mắt môi, hơi thở của mình, tự nhiên như đứa bạn thân đi chơi không không về gọi “hầy, cafe đi, trời mát quá!” – Chẳng cần có thêm ai, mình cứ tênh tênh nhẹ nhàng như vậy, mà đi hết phố cả một ngày mùng 1 cô đơn.

Hôm mùng 1 ấy, nắng Sài Gòn trắng biếc như cô gái thuở 17, nóng hanh cả người mà tĩnh lặng vô ngần. Có thuở mình nhìn các cô bé học trò mặc áo dài và lỡ yêu thương, thì hôm ấy phải lòng Sài Gòn như vậy.

Photo 18 11 52 09-04-2014

Ngày thường làm sao biết được ngần ấy thứ, nghe còi xe là điên rồ giận dỗi bỏ đi rồi.

Mình làm khách Sài Gòn bao nhiêu năm không nhớ, ai hỏi cũng cười hề hề bảo con dân Biên Hòa, bệnh viện tâm thần đó. Mình chưa biết gì về cái bệnh viện tâm thần đó và cả những hàng quán gần nhà ba mẹ, nhưng ở Sài Gòn thì lê la tùm lum, yêu tùm lum, nhớ nhung hoài hoài, vô tư vậy, kệ hết ngày tháng. Lễ Tết đến thì bỏ ra đi, phủi phủi mông bảo Sài Gòn à, em là điếm, em là sếp, anh không yêu em, anh cũng chẳng ở với em.

Nhưng mà rồi nhớ quá, mùng 1 Tết mò lên.

Từ đó thề rằng, mốt có đi xa, cũng còn nhơ nhớ thành phố này. Dễ cười. Dễ mượn áo mưa. Dễ nói thương nhau. Dễ rủ cafe.

Dễ yêu thương.

Sài Gòn Tết rồi, chắc mình lại tạm biệt nhau hén…

Khải Đơn

Viết cho Lê La Images: https://www.facebook.com/lelaimages

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: