“Lần trước khi anh bay từ LA về đây, George Clooney ngồi trước anh 2 ghế. Với những cái khuy cài tay áo, và… cái cằm đó. Bọn anh đã phải bay qua một vùng bão rất tệ. Máy bay bắt đầu rung lắc, và mọi người trong khoang đã khóc… và cầu nguyện. Và anh chỉ ngồi đó. Ngồi đó và nghĩ đến Sam khi con mở báo ra và thấy hình Clooney trên trang nhất. Không phải hình của anh. Em có biết Farrah Fawcett chết cùng ngày với Michael Jackson không?”
Riggan Thomson đã nói với người vợ mình ly hôn như vậy khi bà chất vấn ông vì sao sẵn sàng thế chấp nggôi nhà cho vở kịch của ông. Huyền thoại đóng phim hành động Riggan Thomson – nổi tiếng 20 năm trước với loạt phim hành động bom tấn “Người Chim” – siêu anh hùng của Hollywood – đang vật lộn trong nhà hát của ông ở Broadway, với ao ước công diễn vở kịch tình cảm “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình” – chuyển thể từ truyện ngắn của Raymond Carver. Riggan thảng thốt vì mình có thể bị lãng quên, như Farrah Fawcet trong đoạn thoại trên. Ông sợ người ta chỉ còn nhớ George Cloony chứ ko nhớ ông.
Cuộc tra tấn của “Người Chim” và Raymond Carver
Cảnh mở đầu như một bộ phim siêu anh hùng – “Birdman” mặc quần lót, ngồi khoanh chân bay lơ lửng trong không trung. Trên góc tường, một poster phim hình người đeo mặt nạ chễm chệ và to đoành như sự hiển hiện của Hollywood, với đội ngũ của siêu nhân, Iron Man, Caption America hay người nhện. Đây là một người trong số họ – Người Chim.
Ông Riggan Thomson đó đang trầy trật với cái rạp hát của mình. Ông tự dựng vở kịch dựa trên câu chuyện ngắn của nhà văn truyện ngắn Raymond Carver, ông tự mình làm diễn viên. Ông muốn tỏa sáng ở Broadway – kinh đô kịch nghệ của Mỹ ở New York, nơi rạp hát của ông đứng đối diện sừng sững với tấm biển quảng cáo “The Phantom of Opera” – một tượng đài của kịch nghệ.
Tôi đã cố tìm hiểu lý do vì sao anh Người Chim hùng tráng đó lại phải bỏ Hollywood để trở thành diễn viên kịch và khổ sở thế. Vì tiền? Vì sự nổi tiếng? Vì hết thời?
Tất cả đều không đúng. Nhờ vai diễn người chim, Riggan đã thành danh ở Hollywood và cả nước Mỹ. Khi ông đi vòng vòng, khán giả vẫn nhận ra ông và nồng nhiệt hâm mộ. Ông đã hết tiền không phải vì hết thời, mà vì ông muốn làm kịch nghệ.
Bộ phim là một cuộc lột xác ngu xuẩn của hai dòng quan điểm: Nghệ thuật kinh điển hay nghệ thuật cho giải trí. Hollywood dù có hào quang muôn trượng, vẫn chỉ là đồ giải trí rẻ tiền so với sân khấu Broadway (tất cả những người ở Broadway nghĩ thế). Ghê gớm hơn, đứa con đẻ của thành tựu điện ảnh cũng coi chính quê hương đẻ ra mình là đồ rẻ tiền. Riggan không chịu nổi ý nghĩ mình chỉ nổi tiếng được nhờ Người Chim, ông vừa khinh thường cái áo giáp siêu anh hùng đó, vừa rẻ rúng nó, vừa đồng thời kiêu ngạo tự trấn an mình ở trên tất cả mọi người.
Bộ áo giáp là làng giải trí phù hoa, còn “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình” của Raymond Carver và sân khấu Broadway mới là nghệ thuật hàn lâm thực sự. Đã qua rồi cái thời vì tiền, vì nổi tiếng, Riggan giờ muốn được ghi tên vào thánh đường nghệ thuật và trở nên bất tử. Ông hùng hổ cay cú khi nhận ra Farrah Fawcet (1 nữ diễn viên 4 lần đoạt giải Emmy, 6 lần đoạt Quả Cầu Vàng) dù có chết cũng chả ai thèm nhớ, còn Michael Jackson chết thì cả thế giới loạn lên. Riggan không muốn bị quên, không muốn bị là kẻ “giải trí” tầm phào, không muốn nổi tiếng nhờ Youtube, Twitter. Ông muốn nổi tiếng nhờ nghệ thuật – trong nhân dạng kinh điển và hào nhoáng nhất của nó, trong giới của đám con người và nghệ sĩ “thượng đẳng” với lời thoại và xúc cảm ngập tràn, ánh đèn sân khấu huyền hoặc với trích dẫn kinh điển, hàn lâm.
Nói cách khác, cả bộ phim là một cuộc dằn vặt điên dại của một nghệ sĩ nổi tiếng lo sợ mình không thể trở thành bất tử, và xoay sở mọi cách để trở nên bất tử.
Ai thắng?
Con “Người Chim” trong Riggan Thomson nói: “Đây chính là thứ tôi đang nói đến. Thế mới hay! Nổ tung! To đùng, nhanh, ầm ầm!” – Hãy nhìn chúng (khán giả). Chúng thích thứ này. Chúng chết thèm máu me, cảnh hành động, chứ không phải thứ nghệ thuật triết học cứt đái giả hiệu này!”
Riggan cố gắng chuyển thể một truyện ngắn kinh điển của một nhà văn kinh điển, đưa nó lên một sân khấu kinh điển, hòng mong mình có thể bước vào thánh đường của sự kinh điển. Chẳng ngờ, trên sân khấu đó, Riggan không phải là Người Chim oai hùng đóng vai chính, mà là thằng diễn viên xách nhiễu Mike Shiner (mà ông mới thuê được) mới làm chủ sân khấu.
Mike Shiner xuất hiện – đúng vào lúc Riggan đập bể đầu một diễn viên mà ông không ưng ý. Mike là một diễn viên kịch bẩm năng từ Broadway. Anh bê bối, lộn xộn, nhưng từng cảnh tượng của anh là kịch nghệ thật sự. Ở đây, Mike mới là ông hoàng – tấm gương soi phản chiếu lại sự yếu ớt đầy tô vẽ của Riggan. Riggan cố diễn cho thật. Mike thì biến mọi thứ thành thật. Riggan cố tỏ ra đau khổ, đọc một câu thoại xơ cứng bộ tịch. Mike thì hùng hổ, diễn cảnh làm tình thì phải cương cứng, uống rượu gin thì phải là rượu thật, khóc là phải ngấn lệ. Hiện thân của sân khấu kịch là đây, nơi Riggan càng lúc càng co lại vì sự hèn yếu, tham vọng và ray rứt của bản thân mình thì Mike càng thao túng, gây mê khán giả cực độ.
Nhờ có Mike, Riggan đã tìm cách hiểu sân khấu kịch và thế giới kinh điển kì dị ấy. Làm diễn viên kịch là phải thật, phải biết vào quán bar, thổi vào mặt nhà báo gạo cội những câu thoại dở dở ương ương trích dẫn từ một vở hàn lâm nào đó, làm họ choáng váng, say sưa, bí ẩn, “làm màu” để họ thán phục, thờ ngưỡng vị thánh nghệ thuật. Chiêu nào Mike cũng biết tất. Riggan thì ở đỉnh cao điện ảnh, chẳng cần biết ai, chỉ cần biết mình muốn thành thánh kịch nghệ. Riggan bị ám ảnh bởi tấm khăn giấy mà nhà văn Raymond Carver từng viết cho ông khi còn bé. Ông tâm sự: “Lâu lắm rồi, khi tôi diễn kịch ở trường trung học tại Michigan. Ông ấy ngồi trong đám khán giả. Ông ấy gửi lại hậu trường cho tôi: “Cảm ơn vì màn trình diễn thành thật của cậu. Ray Carver”. Và đó là lúc tôi biết tôi sẽ trở thành diễn viên.”
Càng đi sâu vào cuộc tập luyện và những màn diễn đầy hư ảo, người xem càng thực sự bóc tách được Riggan muốn gì, ông không chỉ muốn mình kinh điển, mà còn muốn mình xứng danh với một người của kinh điển – Raymond Carver, muốn sánh vai cùng ông ấy.

Sân khấu Broadway trở thành một cái ánh đèn cho con thiêu thân “Người Chim” lao vào, một mực chối bỏ thế giới giải trí của phim hành động và điện ảnh hiện đại đã dung dưỡng và đưa mình lên đỉnh cao. Nói cách khác, Riggan nghĩ, có là siêu anh hùng nổi tiếng 4 phần phim cũng không bằng 1 phút tỏa sáng ở Broadway. Bằng suy nghĩ đó, ông hành động.
Ông cố gắng diễn thật nhiệt thành, thậm chí điên dại vì stress, điên dại chống lại cái sự kiêu căng có thừa mà con Người Chim quá khứ luôn thôi thúc ông thể hiện. Từ một diễn viên nổi tiếng chả cần gặp nhà báo, ông lao tới bàn của nữ phóng viên NY Times, Tabitha Dickinson và tìm cách gây ấn tượng với bà. Nhưng kết cục, nó hóa thành một cuộc tuyên chiến giữa Broadway kinh điển và Hollywood hiện đại:
Tabitha: “Tôi sẽ hủy diệt vở kịch của ông.”
Riggan: Nhưng bà chưa từng xem nó mà. Tôi không… tôi đã làm gì để chống lại bà chưa?
Tabitha: Như trong thực tế ông đã làm. Ông chiếm lấy không gian sân khấu mà lẽ ra nó nên được sử dụng làm việc gì khác đáng giá hơn.
Riggan: Nhưng bà chưa từng biết nó…
Tabitha: Đúng rồi. Tôi chưa bao giờ đọc một từ nào trong vở kịch đó, hay thậm chí xem diễn tập, nhưng sau buổi công diễn ngày mai tôi sẽ cho nó một bài review tệ nhất chưa từng có. Và tôi sẽ đóng cửa vở kịch của ông. Ông có biết vì sao không? Vì tôi ghét ông. Và tất cả đám người mà ông là đại diện. Có danh vọng. Hư hỏng. Ích kỷ. Trẻ con. Hoàn toàn chả được đào tạo gì, tay mơ và chẳng được chuẩn bị gì để tiếp cận với nghệ thuật chân chính. Tự trao giải cho nhau với đám phim hoạt hình và khiêu dâm. Tự đo đếm giá trị của mình trong những cuối tuần. Vâng, đây là sân khấu kịch, và ông không được đến đây và giả vờ ông có thể viết, làm đạo diễn và diễn trong cái vở tuyên tuyền của ông mà không qua tay tôi trước. Chúc may mắn!
Riggan: Chuyện gì trong đời người có thể khiến người ta cuối cùng lại trở thành nhà phê bình nhỉ? – Bà viết gì thế? Bà đang review 1 vở kịch hả? Vở đó hay ko? Hay dở? Bà xem nó chưa? Cho tôi đọc xem nào!
…”Tay ngang” – Một cái nhãn hiệu. “Mờ nhạt”. Một nhãn hiệu khác.
“Chú giải bên lề.” Nghe cứ như thể bà cần thuốc kháng sinh để rõ ràng vậy. Bất kể… nhãn hiệu. Tất cả đều là nhãn hiệu. Bà là một con khốn lười biếng đúng ko? Chóng mặt vì nhận thức luận? Bà biết thứ này là gì ko? Bà không biết đúng ko? Bà thậm chí chẳng thể xem nó nếu bà không biết dán nhãn cho nó là gì? Bà lầm tưởng đám từ vựng nghe kêu này trong đầu bà là kiến thức. Chẳng có mục đích, cấu trúc, kỹ thuật. Chỉ toàn những ý kiến tồi tệ được chống lưng bởi những so sánh tồi tệ của bà. Bà chẳng thể nào viết nổi cái gì hơn ngoài vài đoạn văn, và bà còn chả dám mạo hiểm nữa.
Vâng, tôi là một diễn viên, và tôi đã trả giá mọi thứ vì vở kịch này. Bà có thể viết bài review bẩn thỉu, hèn nhát và độc ác và đẩy nó lên bằng cái mông nhăn nheo lép kẹp của bà.
(….)
Tabitha: Ông nghĩ ông là một diễn viên à? Ông không phải diễn viên. Ông là một người nổi tiếng. Hãy rõ ràng trong chuyện này. Tôi sẽ giết vở kịch của ông.”
Với điện ảnh, Riggan có thể là siêu sao. Còn đây là giáo đường của những người vị nghệ thuật đến mức hằn học như Tabitha, và bà tuyên chiến với Riggan. Như Mike từng dạy Riggan, nếu bà nhà báo này thích anh, anh sẽ nổi tiếng, nếu bà ấy không thích, anh sẽ chết.
Riggan choáng váng rời khỏi quán rượu, gặp gỡ với Người Chim hùng mạnh của ông, trấn an mình và tìm ra một cách thực sự để chinh phục sự kinh điển, chinh phục Tabitha hay cái giáo đường của lũ tín đồ cao cấp mà ông khao khát.
Sự hài hước trở nên sầu thảm, Người Chim từng nói: “Chúng chết thèm máu me, cảnh hành động, chứ không phải thứ nghệ thuật triết học cứt đái giả hiệu này!” – À, nếu các người thích máu, thích hành động, ta hãy đưa máu và hành động lên sân khấu.
Bởi vậy, Riggan – diễn viên phim hành động – trong ánh đèn hào quang và khán giả im lặng- chĩa súng thật vào đầu mình – và bóp cò.
Vậy là ông trở nên kinh điển. Tabitha Dickinson rời khỏi chỗ ngồi trong cảnh cuối vở khi máu me thấm đầy sân khấu. Bà viết một bài tên: “The Unexpected Virtue of Ignorance” – ĐỨC HẠNH BẤT NGỜ CỦA SỰ NGU DỐT và quả nhiên đã giúp Riggan nổi tiếng ở thánh đường kịch nghệ.
Nhờ phát súng máu me lồng lộn, hành động giật gân, cuối cùng Riggan – Người Chim – vị thánh của điện ảnh, đã bước vào điện thờ của kịch nghệ.
Và nó là sự thất bại của ai? Sự dằn vặt của ai? – Cuộc đối đầu của ai?
Cái gì là nghệ thuật? – Cái gì là giải trí? – Có lẽ chỉ có Người Chim thống lĩnh tất cả.
Khải Đơn
Box:
Birdman (đạo diễn Alejandro González Iñárritu) đoạt 4 giải Oscar, phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, kịch bản xuất sắc nhất, quay phim xuất sắc nhất.
Xem phim tại đây: http://phimdata.com/coi-phim/nguoi-chim
Reblogged this on Giai01's Blog and commented:
xem
ThíchThích