Một khoảnh khắc của cuộc chiến tranh Việt Nam đã đóng đinh tôi lại, khi lần đầu vào bảo tàng chiến tranh, bộ ảnh của Larry Burrows nằm khắp nơi trong bộ “Requiem”. Cậu trai lính Mỹ gục đầu khóc sau chuyến bay Yankee Papa – trước đó anh hùng hổ xách 1 khẩu súng lớn trên máy bay.
Cuối những trang ảnh, tờ thông tin viết nhiếp ảnh gia Larry Burrows chết khi máy bay của ông bị bắn hạ tại Lào năm 1971. Vài năm sau, tôi nhìn thấy bộ ảnh khác của ông về một cô bé mất chân vì trực thăng Mỹ bắn. Người đàn ông ấy đã lặn ngụp sâu đến mức nào trong cuộc chiến ở thế giới xa lạ này của người Việt Nam tôi?
Cô gái cụt chân của Larry Burrows
5 năm trước khi con trai của Larry Burrows bước vào nhà và ôm chầm lấy bà Nguyễn Thị Tròn ở một ngôi nhà gỗ sâu trong xóm nghèo ở Dương Minh Châu (Tây Ninh), Russell Burrows nói: “Cha tôi đã luôn nhắc, cứ như thể ông luôn trở lại Việt Nam để gặp Tròn.” – Trên bản in của tạp chí Life – có 1 bài viết tên: “As the bombing stops – this girl Tron”. Cuối tuần, tôi trở lại để gặp “cô bé” đang nhìn chiếc chân giả của mình trên bìa báo: bà Nguyễn Thị Tròn.

Lần đầu tiên cô gặp ổng là khi nào?
12 tuổi, năm 1967 cô bị thương máy bay trực thăng bắn. Xong cũng cái máy bay đó đáp xuống đưa cô đi nhà thương. Cô chạy mà chân đau quá, không chạy được. Ông Mỹ bế cô lên máy bay băng bó. Lúc máu hết chảy đau lắm con ơi. Trị thương xong, cô đi xuống chỗ xin làm chân giả ở Bà Huyện Thanh Quan. Đó mới gặp ông đó.
Rồi làm sao ổng chụp ảnh được cô?
Xin được cái chân cô về. Chừng hai tuần sau, ông lên nhà cô ở Bến Cát thăm. Cứ lâu lâu vậy, ông tới thăm. Ông chụp nhiều ảnh lắm.
Cô còn nhớ ông đến thăm cô làm gì ko?
Mỗi lần ông lên, ông kiếm là cô chạy trốn. Cô qua trường Bến Cát, trong mấy lớp học, cô chun đi trốn. Mà ông cũng đi kiếm mình muốn chết. Tháng 10 – 11 nắng dữ lắm, ông ấy mồ hôi mồ kê đầy.
Ông mua giày dép, sandal, cấp-bế thùng thùng. Ông dẫn cô xuống thành phố xin chân. Cái chân lúc đầu của cô làm xong mà nó đau, cái ông dẫn cô đi làm lại cái chân mới. Cô đeo cái chân đó tới giờ luôn.
Có một lần, ông hỏi cô bị thương vậy, mai sau cô muốn làm gì để sống. Cô cũng trả lời đại em muốn học may.

Vậy là cô trở thành thợ may?
Không, chưa đâu. Một tháng sau ông chở giàn máy may lên cho. Ông hỏi thăm tiệm may ở Bến Cát đóng tiền hết cho cô học may. Đi học phải đi bộ từ nhà tới tiệm hơn 1km, mà chân cô đau lắm, có hôm vừa đi vừa khóc, đau quá là nghỉ học một bữa luôn.

Cô biết ông ấy mất khi nào?
Vầy nè mới hay ông đó chết. Ở Bến Cát, mấy ông cậu cô đi Việt Cộng, cứ bị bắt hoài. Má cô sợ mới đưa cả nhà trốn lên Bàu Đồn, rồi sau cha về Tây Ninh luôn. Cả nhà chỉ kéo được cái máy may của ông trốn đi thôi, lên Bàu Đồn ở 2 năm. Ba cô bệnh chết. Má cô bảo giờ có mỗi giàn máy may, ko có giấy mà đi thì lính xét, khó dữ lắm. Má cô mới tìm xuống văn phòng ổng ở Sài Gòn, tới trình là mình có được giàn máy may, mà đi ko có giấy tờ sợ lính bắt. Ở Văn Phòng đó cho nhà cô cái giấy chứng nhận máy may, mà họ nói giờ ông chết ở Lào rồi. Lúc đó mới biết ông chết.

Sau này cô sống thế nào?
Cô cứ ước sao mình gặp được ông ấy. Lúc nhỏ, cô nghe nói vậy thôi chứ mình đâu hình dung được là ổng chết. Ko có ông cho cô đi học may, cô cũng không biết lấy gì mà sống nữa. Từ ngày cô biết may tới giờ, cô sống bằng nghề may nhiều nhất. Sau giải phóng cô ham ngành y quá nên mới học y, nhưng xong rồi cô vẫn về làm may. Cái máy may của ông cho cô dùng từ thời đó giờ, cô mới thay cái này thôi.
Cô có biết ông ấy tên gì không?
Không… cô không biết… sau này con ổng về đây cô mới biết

***
Đứa con bình thường của cuộc chiến
Larry Burrows mãi mãi không trở về sau chuyến bay cuối cùng của đời ông. Ông để lại một nhân vật khiến tôi khi gặp cô, đã tưởng tượng ra toàn bộ sự đau khổ của cuộc chiến tranh ấy.
Trong đó, cô Tròn đã bị 1 cái trực thăng bắn mất 1 chân. Cũng cái trực thăng đó và ông Mỹ đen chở cô về bệnh viện. Ở đó, cô gặp một nhiếp ảnh gia người Anh – người đàn ông đeo mắt kính lớn – và suốt 3 năm ròng rã chỉ giao tiếp và trò chuyện với cô qua một người phiên dịch.

Larry Burrows đã ghi lại cuộc chiến trong góc ảnh con người nhất: một cô bé đứng nhìn cái chân giả của mình được gọt trên máy. Cô bé đeo chân giả tự tin đạp xe. Cô chạy giữa đám bạn. Cô đeo sandal Mỹ và chơi giữa sân trường.
Bằng cách nào đó, bộ ảnh của Larry khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn hàng trăm trang hồi ký và mớ sách lịch sử tôi từng ngồi đọc Gặp cô Tròn, cô kể về trực thăng của người Mỹ bắn tỉa ra sao. Gia đình cô bị bắt. Cha cô chạy trốn. Mẹ con cô bỏ xứ mà đi. Những làn đạn lạ lùng không nguyên cớ ấy – đã bóp nát tất cả tuổi thơ ngây và thanh xuân của một con người và những đứa trẻ giống cô. Cuộc chiến rõ nét trong những ngày chạy giặc, những đêm nghe đạn rơi, và một ngày trên đồng đứa trẻ bị bắn mà không hiểu vì sao.

Một người Việt Nam bình thường đã tổn thương và sống tiếp ra sao sau 1 cuộc chiến dài hút mắt ? Ở đây người ta toàn nói chuyện anh hùng và kẻ phản bội, bận rộn nguyền rủa và đổ tội cho nhau. Trong lúc ấy, Larry Burrows đi gặp cô Tròn 12 tuổi.
Trong ảnh của Larry Burrows, tôi lại thấy anh chàng Mỹ hùng dũng xách súng kia gục đầu bật khóc (biết đâu người ngồi trên trực thăng ngày đó bắn cô Tròn, cũng đã hùng dũng xách súng như vậy). Người lính giữa trận đánh chậm rãi đi, tu một bình nước, đứa con gái ngồi chơi búp bê, hay một trận ra trò trên sân trường đầy tiếng cười.
Ở cuối bộ ảnh trên tạp chí LIFE, hay cuối cuộc phỏng vấn, khi cô Nguyễn Thị Tròn bật khóc: “Không… cô không biết” – lúc tôi hỏi cô có biết người đàn ông đó là ai không, tôi lại cảm thấy y như khi đọc dòng chữ giới thiệu ông đã chết. Sau cái chết, là lúc cho người sống tự hỏi, cái gì đã diễn ra trong đầu loài người, khi người ta hùng hổ,, giận dữ bắn vào nhau – để rồi bật khóc như vậy.


Larry Burrows: chết ở Lào, để lại Việt Nam 1 cái chân giả, nhiều cấp-bế, sandal, một máy may Mitsubishi và cô Nguyễn Thị Tròn – người bạn nhỏ suốt 3 năm dài của ông ở Việt Nam – một nhân vật không thể bình thường hơn của cuộc chiến tranh này.
Thật kỳ lạ.
Khải Đơn
Xem cả bộ ảnh tại đây: https://www.flickr.com/photos/97930879@N02/9471687608/in/album-72157636651270855/
Comment