Tôi đã giữ hình con gấu này rất lâu trong túi để suy nghĩ về nó. Đây là 1 cái móc khóa có mùi thơm như bánh mì. Hôm ấy, khi rời khỏi văn phòng, một bạn gái và trai rất trẻ tiến lại gần tôi: “Em xin phép chị 2 phút được không?”
“Em đang bán búp bê và móc khóa. Tụi em là sinh viên kinh tế, đang đi làm thêm. Chị mua ủng hộ việc kinh doanh đầu tiên của tụi em nhé.”
Bạn chìa con búp bê ra. Tôi bối rối vì mình không chơi búp bê, nhưng tôi thấy bạn gái cười rất hiền, và tôi chọn mua cái móc khóa để ủng hộ. Tuy nhiên, suốt trong lúc lục tìm móc khóa, hai bạn liên tục thuyết phục: “Chị là con gái, mua búp bê đi, xinh thế này!”, “búp bê dễ thương hơn mà chị!” – Cho tới khi tôi quyết định rõ là muốn mua móc khóa, bạn miễn cưỡng lôi từ trong túi ra 4 -5 cái móc khóa bọc sẵn trong túi. Những cái túi nylon cũ mèm. Giá của cái móc khóa con gấu này là 50k.
Khi nhìn hai bạn rời đi, hình ảnh con gấu đựng trong một cái túi nylon cũ mèm và con búp bê liên tục lúc lắc trong đầu tôi. Trong một hôm đi nhậu khác, bạn tôi cười: “Tao không hiểu, tụi nó là sinh viên à? – Là gì tao không quan tâm, con búp bê đó mua trong cửa hàng cũng chưa tới 50k, mà tụi nó bán 150k. Tao gọi lại định mua ủng hộ, nhưng tao không thể chấp nhận cái giá vô lý đó!” – Khi bạn tôi nói, tôi mân mê con gấu trong túi mình.
Con gấu này, giá của nó trong nhà sách là 20k. Cô bé gái xinh xắn và cười hiền đó, với bạn trai liên tục mời mua búp bê, có lẽ đến từ cùng “một đội” với những “bạn sinh viên” muốn bán con búp bê với giá 150k cho bạn tôi. Cả con gấu và búp bê đã xoáy vào tôi những câu hỏi kỳ cục. Điều gì đã khiến các bạn chọn công việc này sớm đến thế? – Cả hai mặc áo sinh viên kinh tế.
Các bạn có phải là sinh viên và đang muốn tập làm việc kinh doanh (trong ngành nghề kinh tế em đang học) hay không? – Hay các bạn chỉ là thành viên của một nhóm bán búp bê hàng rong như những đội quân bán vé số, bán đậu phộng hay bán xoài, cóc… ở các quán nhậu? – Điều gì đã thôi thúc một người trẻ đến vậy chọn công việc đi bán với ứng xử như vậy?
Những cô bán cóc, xoài, ổi… rất nhiệt tình gọt trái cây, sản phẩm lại rẻ hơn trong quán nhậu, nên dân nhậu thích mua. Nhữngngười bán vé số bán một giá trị rõ ràng: tờ vé 10k. Chị bán bánh tráng, đậu phộng nhắm rượu cũng là những sản phẩm rõ ràng, giá trị dễ hiểu, dân nhậu thèm ăn thì mua. Còn các bạn, những đứa trẻ 20 tuổi, chọn việc đi bán những món đồ lưu niệm kỳ quặc, dùng lời lẽ để kỳ kèo lòng từ thiện và cảm thông của khách hàng (tụi em là sinh viên, đang học kinh doanh), sau đó “cắt cổ” người mua bằng những cái giá không tưởng.
Từ đâu khi 20 tuổi các bạn bán búp bê đã học được trò dùng đôi mắt hiền và tiếng cười thơ ngây của mình để biến thành kẻ chặt chém? – Từ đâu khi 20 tuổi, lòng tự trọng của các bạn đã được bán đi, để thay chỗ cho số tiền lời vô lý mà mỗi ngày các bạn đang kiếm được dựa trên tình cảm tốt đẹp mà xã hội đang dành cho giới sinh viên? – Cô bán đậu phộng không bao giờ bán 1 túi đậu 150k, cô bán xoài gọt xong quả xoài cũng không bán nó 50k. Các bạn bán một con búp bê mà giá trị thật của nó chừng 20k với giá 150k. Các bạn cần tiền đến mức ngạt thở như vậy sao?
Chân tay đó, thân thể đó, sức khỏe đó, các bạn không hề muốn sử dụng, mà chỉ muốn dùng cái mác “trẻ”, “sinh viên”, “học kinh doanh” để bán đi một giá trị giả dối đến kỳ quặc cho người khác. Từ lúc nào, các bạn trai trẻ và xinh đẹp trở nên lười nhác và mánh lới hơn một bà già ôm thúng trái cây đi trong các quán nhậu?
“Đội quân” và chiến lược kinh doanh của các bạn hiểu quá rõ xã hội này ngập đầy những người lớn nhân từ, đầy ắp những người sẵn sàng bỏ chút tiền ra để “giúp nó cũng như giúp con cháu mình”. Mỗi ngày đi bán, các bạn cầm trên tay búp bê và móc khóa rẻ tiền, đeo thêm mặt nạ “sinh viên” thơ ngây lên, tháo bỏ lòng tự trọng xuống, để tha hồ tự tin lấy được những món lời với giá không tưởng từ lòng thiện nguyện của người lớn. Mới bước ra đời, các bạn đã học ngay bài học đầu tiên: bán cái trẻ trung của mình lấy tiền – mà không đáp trả 1 chút giá trị gì cho cái lòng tốt dễ chịu của những người mua hàng chân thành kia. Ai cần 1 con búp bê trong quán nhậu? Ai sẽ mua 1 cái móc khóa khi đang xỉn. Người ta mua vì thương quý người trẻ. Còn người trẻ thì bịp bợm dân nhậu.
Sáng nay, đứng ở Hàng Xanh, tôi gặp 1 em mặc áo sinh viên đại học Luật đang phát từng tờ rơi mỗi khi đèn đỏ bật. Em nhỏ thó, áo ướt đẫm mồ hôi. 10 giờ sáng, trong tay em là một cọc giấy lớn, em phát từng tờ, ai nhận thì em đưa, ai không nhận em cầm lại, em không vứt nó đi, cũng không nhét cả một xấp cho ai.
Nhìn em làm cặm cụi giữa đường nắng, tôi nhớ có một thời TV đưa tin khuyên khán giả: BẠN KHÔNG NÊN NHẬN TỜ RƠI CỦA NHỮNG KẺ PHÁT TỜ RƠI Ở NGÃ TƯ – ĐÓ LÀ XẢ RÁC. Nhưng cứ nhìn em sinh viên đó áo ướt đẫm, phát từng tờ, tôi lại thấm thía cái cảm giác của một người trẻ làm việc. Mỗi buổi phát chỉ trị giá 50k -70k, nhưng em làm việc vất vả, trân trọng, thành thật (dù rằng có bao nhiêu góc nhìn khác đang xỉa xói em như đứa xả rác). Tôi nhận tờ rơi đó, nhét vào balo, dù không giá trị gì, bởi dù sao, em đã đổ mồ hôi và cả buổi sáng vất vả vì thu nhập đàng hoàng của mình.
Ở ngã tư đó, tôi lại nhớ tới các bạn, búp bê và móc khóa ạ, tất cả chúng ta đều sẽ phải ra đứng đường, phải làm việc phơi mặt ra đất ra trời để có được 1 đồng tiền mồ hôi.
Khi còn trẻ, đừng vội vàng học cách kiếm tiền lưu manh như thế. Đời dài lắm. Sao chưa gì mình đã học cách không lương thiện vậy?
Khải Đơn
K ơi, tớ cũng đã từng mua 1 con búp bê đó, 1 lần duy nhất, không phải vì các em ấy trẻ, mà là vì một em đã nhặt và trả lại cho bạn tớ cái vé xe bị rớt, mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Sau này, lí do của các em bán búp bê đa dạng hơn, mời chào cũng chuyên nghiệp vô cùng. và tớ tự hỏi, ai là kẻ đã tạo ra cái trò này, và tại sao các em lại quyết định làm công việc dối lừa đó? chỉ vì tiền thôi sao? nếu vậy thì cái cậu đã nhặt vé xe cho bạn tớ thì sao?có cách nào để họ nhận thức một cách thấu đáo hơn chuyện kiếm đồng tiền theo cách chụp giật thời vụ đó?
ThíchThích
Em cũng không hiểu trò búp bê này ở đâu nữa ạ. Lần trước em cũng gặp, hai em ấy lấy lý do là làm từ thiện nhưng vì là sinh viên nghèo nên không có tiền để làm từ thiện nên đành đi bán. Những expats ở trong group expats in Saigon cũng từng complain là gặp các em ấy.
Có vẻ như một trò mới.
ThíchThích
Nhớ em Bold 9900 quá 😦
ThíchThích
Tôi không ca ngợi cũng không chỉ trích các bạn đấy, chỉ là cách các bạn làm cho người khác cảm thấy không thoải mái khi đón nhận.
ThíchThích