“Một sáng tỉnh giấc băn khoăn, Gregor Samsa nằm trên giường thấy mình biến thành một côn trùng khổng lồ.”
Câu chuyện trong quyển “Hóa Thân” được tác giả Franz Kafka mở đầu như vậy. Đó là một mở đầu khiến người ta thản nhiên – sau đó mới kịp rùng mình. Sự thể cứ như đơn giản mà xảy ra vậy, chẳng cần phép biến ảo hay sự cố phù thủy. Sự hóa thân từ chàng trai trở thành con côn trùng khổng lồ xảy ra điềm nhiên, và Gregor hình như cũng cảm thấy đây có lẽ chỉ là một cơn mệt, căn bệnh hay một ngày khó ở, theo kiểu ý nghĩ: “Lay chúa, – anh nghĩ. – Mình chọn chi cái nghề quá đỗi nhọc nhằn này! Chạy rông hết ngày này sang ngày khác. Một công việc thật còn khó chịu hơn cả chuyện bán buôn ở cửa hàng và bực mình nhất đời là cứ phải liên tục di chuyển…”
Câu chuyện hóa thân trở thành một trò chơi xô đổ các quân cờ Domino tội nghiệp, mà mỗi người trong gia đình Gregor, từ chính anh, cha, mẹ, em gái Grete đến cả ông sếp, khách trọ, bà giúp việc… số phận họ rồi cũng sẽ được xô đẩy theo tiến trình, y như cuộc hóa thân đang ập đến với Samsa.
“Hóa thân” khiến tôi đọc nhiều lần. Nó ngắn và đơn giản đến khắc nghiệt. Cứ giở từng trang, mình lại thấy Gregor và mỗi ngày của anh biến đổi ra sao theo cuộc hóa thân đó. Ý nghĩ người trong anh – thân xác côn trùng khổng lồ ngoài anh. Cả hai cứ như hai cái đầu của một chiếc khăn mặt, mà ta vẫn thường vặn ngược chiều nhau lại để vắt ra nước. Cái thân xác côn trùng của Gregor ngày càng rõ nét hơn trong việc anh cảm thấy thuận tiện hơn với nó, anh thích ăn thức ăn thối (ko ăn đồ ăn ngon em Grete mang vào), thích bò nấp trên cao… Nhưng tâm trí của Gregor nguyên vẹn như tận ngày đầu: Anh lo sợ mình mất việc, sẽ không ai nuôi cả gia đình. Anh nhớ đến ước mơ của em gái Grete một cách trìu mến. Anh thương cha. Anh muốn lại gần mẹ. Anh giận dữ khi có kẻ thờ ơ với cuộc biểu diễn của em gái anh.
Cái phần “người” trong Gregor ấy nó chẳng chịu đổi thay, nó nhất quán muốn giang tay ra che chở cho em, làm việc kiếm tiền nuôi cha mẹ, chịu trách nhiệm về tất cả những ai mình thương. Nhưng ở đâu đó giữa ký ức phần người này, Franz Kafka làm người đọc cảm thấy đau khi tự hỏi cái cuộc sống mà Gregor đã nhiệt thành hi sinh cho gia đình mình, phải chăng nó là một cuộc tha hóa?
Trong khi làm con côn trùng bị gia đình ghê sợ và đuổi nhốt vào phòng, Gregor nhớ lại những tháng ngày tuổi trẻ của mình: “anh đã lao đầu vào công việc với một nhiệt tình phi thường và gần như ngay sau đó, thay vì làm một nhân viên quèn, anh đã trở thành một người chào hàng mà đồng lương của nghề này, tất nhiên, khác hẳn – và thành công của anh tức khắc biến thành những đồng tiền tròn trĩnh, xinh xắn mà anh đặt trên bàn trước ánh mắt kinh ngạc và vui sướng của gia đình. Những dịp tốt đẹp đó chẳng bao giờ lặp lại, nếu có thì cũng mất hết hào quang ban đầu, cho dù sau đó Gregor kiếm được nhiêu tiến đến mức anh đủ khả năng cung ứng mọi chi phí của cả nhà và đã thực sự làm thế. Mọi người đã dần quen với điều này một cách đương nhiên, cả gia đình lẫn Gregor. Những đồng tiền được đón nhận với lòng biết ơn và được ban phát với niềm vui sướng, nhưng nào còn nữa cái tình cảm nồng nhiệt đặc biệt trào dâng như hồi đầu.”
Gregor – của thời biết kiếm tiền – đã chỉ còn là một công cụ kiếm tiền. Không ai còn nhớ đến anh. Cha cũng không cần phải đi làm. Mẹ và em coi việc có tiền là nghiễm nhiên. Vì Gregor bị lão chủ sợ hãi bỏ chạy (và sa thải) khi thấy anh hình côn trùng, lập tức, cả gia đình đã nghĩ đến anh như một gánh nặng: Anh chiếm một phòng, anh làm cả nhà sợ, không còn tiền, không có con gián to đó thì có lẽ đã thuê được nhà mới bé và rẻ hơn…
Cuộc “hóa thân” được Franz Kafka mô tả đau đớn vô cùng tận. Nó là lần đầu tiên, một người cha đã dùng gậy đẩy con mình “Xéo đi, xéo đi!” vào phòng với cái lưng đầm đìa máu. Đó là khi Gregor tội nghiệp rướn mình gọi “Mẹ ơi, mẹ ơi” với người phụ nữ thảm thương già yếu, mà tiếng vọng ra chỉ là âm rít của một giống loài côn trùng chứ không phải tiếng người. Đó là những khi Gregor nhìn thấy ngọn đèn khí đốt được thắp sáng trong buổi tối gia đình, mọi người ngồi sầu thảm, nỗi đau khổ trùm lên ánh mắt và dáng ngồi. Anh ở cách đó chỉ 1 cánh cửa, anh muốn ra ngoài ngồi với cha, với mẹ,với em. Họ cũng đau khổ vì xa anh. Nhưng rồi chẳng ai lại gần ai. Gregor dần dần được xung quanh cảm nhận từ cuộc “hóa thân” theo tiến trình: anh xa mọi người, anh dần bị lãng quên, anh được cảm nhận như đã chết rồi.
Cuộc “hóa thân” đó nó nảy nở từ biết bao nhiêu nguyên tố trộn vào nhau. Con người sẽ được nhìn nhận là con người khi nào? – Phải chăng sự nhìn nhận đó đến từ tự thân anh ta – hay cái cách thế giới sẽ nhìn anh ta? – Gregor từ đầu đến cuối luôn suy nghĩ như một tâm tính người, nhưng anh dần đã bị bẻ ngoặt thành côn trùng bởi ý niệm chiếu ra từ đôi mắt của tất cả những người xung quanh anh. Cái tấm gương nhận diện đó đã khiến phần người trong anh bị đổ vỡ dần dần. Nhưng đối nghịch lại, cái tinh thần tự ý muốn làm người ấy mạnh mẽ đến mức cố gắng chống chọi với cái thực thể thân xác trần thế của mình, Gregor tìm cách bẻ gãy cái lớp vỏ cánh cứng, cái thân nhiều chân, cái ham muốn mùi thức ăn thối… để tìm lại tính người của mình. Anh đã thất bại hay thành công nhỉ? – Tôi cứ bần thần mãi khi đọc cách Gregor vật lộn.

Thực lòng, khi gấp sách lại, tôi mơ hồ tự hỏi phải chăng mình đã tham gia vào cuộc “hóa thân” đó của anh. Mình dần chấp nhận anh ko còn là người, dần thấy có lý khi anh ăn đồ ăn thối, dần suy nghĩ “rồi, anh chạy ra, mấy vị khách trọ sẽ điên lên vì sợ cho xem”. Tôi – một độc giả bên ngoài gia đình của Gregor đã tham gia vào bi kịch của anh. Cái tấm gương từ đôi mắt tôi đã dần nhìn nhận Gregor như một con côn trùng – cùng lúc ý niệm liên tục đọc to tên anh là Gregor để tự trấn an rằng mình nhớ anh là người.
Cha của Gregor cũng đã bước vào hóa thân như một vô thức. Từ cuộc làm ăn thất bại để trở thành một người cha sầu muộn vô dụng, dựa vào tiền con trai nuôi, ông đã tự vực dậy mình để lo cho gia đình. Từ một người mẹ yêu nhớ Gregor đến quay quắt, khổ sở, mẹ anh cũng “hóa thân” dần chấp nhận là con trai mình đã chết. Từ một cô bé Grete nhỏ xíu ngơ ngác, Grete đã chăm sóc Gregor bằng tâm tính của một người mẹ (khi cô chuẩn bị thức ăn cho anh, bảo vệ mẹ…), nấu nướng, dọn dẹp, thậm chí sẵn sàng đánh đàn để phục vụ khách trọ cho gia đình có thêm thu nhập. Đến cuối truyện, Franz Kafka viết về cô bé: “cả ông Samsa lẫn bà vợ gần như đồng thời sửng sốt khi họ nhận ra thái độ càng lúc càng sôi nổi của cô con gái; dù đôi má có vẫn còn nhợt nhạt sau một thời gian dài chồng chất bao sầu muộn, Grete đã bừng nở thành một cô gái xinh tươi với vóc dáng thanh tú”. Cô bé cũng đã “hóa thân”
Câu chuyện có gì đâu, đọc đi đọc lại nhiều lần, mà cứ thấy đau đau sao đó…
Khải Đơn
PS: Cảm ơn dịch giả
Trần Đức Tài đã dịch “Hóa thân” từ năm 1987 – khi anh mới ở những năm tuổi 20 đầy cảm hứng (làm sao mà tưởng tượng ra người ta dịch Kafka khi 20 tuổi anh nhỉ, và hay như thế ????). Và cảm ơn anh đã cho em một ngày được gặp anh, và cho em được cầm trong tay một bản dịch mà từ xưa em chỉ biết đến trên ebook.
Em thích bài bình luận này ghê hehe, nhất là khúc sau về sự hoá thân của gia đình để thích ứng. Người thường thì nói, sao ai rùi cũng thay đổi, sao thằng đó dạo này tha hoá, biến chất dữ, còn Kafka phải biến một con người thành 1 con gián để bàn chuyện đó 😀
ThíchĐã thích bởi 1 người
Reblogged this on John 1-1.
ThíchThích
bình luận hay, công nhận đọc xong thấy đau đau sao đó …
ThíchThích
Đọc xong câu chuyện nhà văn kafka đã để lại cho độc giả niềm đau đáu và những suy tư, trăn trở rằng con người khi bước vào thế kỉ của sự văn minh, hiện đại thì bản thể của tính chất của con người dần tha hoá theo xã hội đồng tiền. Sưr dụng yếu tố hoang đường, nhân vật gregor bỗng chốc sau một đêm thức dậy trở thành con bọ khổng lồ, mượn hình tượng con bọ để phản ánh từng chút một sự tha hoá diễn ra qua từng chút một, từ hành động đến nhu cầu ăn uống… Không chỉ là sự” biến đổi” của một con bọ mà qua hình tượng nhân vật người cha, mẹ đặc biệt cô em gái grete cũng biến đổi dần khi gregor khong còn làm ra tiền và trở thành gánh nặng, nỗi sợ hãi của gia đình…,
ThíchThích
Một trong rất ít tác phẩm tiếng Đức được dịch sang tiếng Việt hay mà tôi đã đọc. Có lẽ người dịch từ bản tiếng Anh chứ không phải bản gốc tiếng Đức của Kafka .Có một vài chỗ chưa thật chuẩn xác,nhưng không đáng kể .
ThíchThích
Dạ, dịch giả dịch từ tiếng Anh đó ạ. Anh ấy chuyên dịch tiếng Anh.
ThíchThích
Cảm ơn Khải Đơn ! Khải Đơn à, tôi có viết một bài về “Hóa thân” trong fb . Nếu Khải Đơn muốn đọc xin vào Fb của tôi : Nguyễn Cảnh Nhu , có hình đại diện tôi đứng cạnh chiếc ô tô . Đầu đề bài ấy là “Từ con cà ra con kê”
ThíchThích