Chúng ta có hiểu nhiệt tình của nhau không?

Tôi tự hỏi như vậy khi bước chân vào giảng cho một lớp mà người thuê tôi đến dạy cũng nói các anh chị học viên chỉ cần chứng chỉ có tham gia đầy đủ phong trào chứ ko ai cần chuyên môn này cả. 

Tôi nhận dạy. Vì tôi cần tiền.
Buổi mở đầu, họ làm tôi hơi ngợp vì đã là trưởng phòng, có người lớn hơn tôi nhiều tuổi. Năm đó tôi chỉ mới 26 tuổi, và khoá tôi dạy xét cho cùng chỉ là một phong trào.

Tôi nói suốt nhiều tiếng đồng hồ, đặt ra những câu hỏi và không một ai tương tác trả lời. Cứ như mình nói với bóng tối vậy. Họ đến học vì muốn đủ phong trào. Tôi đến dạy vì tiền. Cả hai chúng tôi cứ như một cặp tình nhân đĩ điếm vậy, đứa cần tiền đứa muốn hùng hục.


Tôi mất hai buổi đầu tiên để nói thao thao bất tuyệt lấp đầy những khoảng trống rỗng tan tành vì câu hỏi không một ai muốn trả lời, bài tập ko ai thèm góp ý. Dù cần tiền, tôi cũng bắt đầu thấy mệt. Dù muốn đủ phong trào, có vẻ họ cũng bắt đầu thấy chán nên vài người rời gót một đi không trở lại.

Khoá học đó làm tôi nhớ những buổi học với cô giáo dạy Văn đội tuyển. Tụi tôi nhận tiền học đội tuyển nên phải có mặt đầy đủ. Cô đứng dậy, mở màn: “Em nào không thích thì không cần vào lớp, cứ thoải mái, hôm nào có hứng thì vô nghe chơi. Cô không điểm danh, kiểm tra thì đề cũng thoải mái, yên tâm.” – lớp có vài đứa biến mất, lâu lâu mới hiện dạng. Có những buổi chiều mưa to, cả đám trốn hết. Cá biệt có hôm tôi mò vô lớp có 2 đứa, nhưng đúng y lời hẹn, cô vẫn giảng, vẫn nhẹ nhàng cùng đầy đủ bài vở.

Đúng y như “ước hẹn” đầu khoá, ngày kiểm tra nào chúng tôi cũng đủ mặt, làm bài cho đủ chỉ tiêu cô trò. Mấy đứa trốn học viết vẫn hay như ai, cô cho điểm cao như thường. Chúng tôi coi sự vắng mặt chỉ là một đứa trong nhà đi vắng, cô cũng không bàn tán hay tỏ ý phật lòng gì.

Bài đọc thì cô photo luôn đủ cho cả lớp, để sẵn trên phòng học, ai lấy thì lấy. Mãi sau này khi đã rời khỏi phổ thông và có những buổi đi thăm cô, tôi mới biết có mấy đứa trốn học trong lớp đến giờ thân với cô như con cháu trong nhà. Không đi học, cũng chẳng gắn bó gì lắm với cái thành tích chung của đội tuyển, nhưng họ vẫn tạt qua nhận những tài liệu copy vứt trên bàn và gọi điện hỏi bài cô trước ngày thi.

Khi vật lộn với khoá học kia, tôi nhớ đến cô và những đứa bạn. Chúng nó có thể xuất hiện 1 buổi suốt trong một học kỳ, nhưng vẫn cứ là học sinh giỏi. Chúng còn có vẻ vô tâm với những ngày bên nhau của thầy trò, nhưng thực ra luôn là những đứa tạt ngang qua lớp lấy bài photo của cô. Một đứa sau này thú thật với tôi: “Trong bài photo cô soạn kỹ lắm, đọc vài lượt thì hiểu hết mà. Cần gì đi học, đi đá banh cho sướng” – Sau bao nhiêu im lặng, thờ ơ, dường như cả sự lạnh lùng của học trò, cô giáo dạy Văn vẫn đối đãi với chúng tôi bằng một lòng chân thành chừng mực và sự tận tuỵ nghề nghiệp. Cô biết học trò cần cô. Cô cũng biết chúng cũng chẳng cần cô. Và cô làm tròn công việc của mình.

Khi nghĩ đến cô, và những đứa vắng mặt, tôi hiểu rằng chẳng có cách nào khác để đối đãi với người học của mình, đó là xuất hiện khi họ cần chỉ dẫn, và im lặng đi ra chỗ khác chứ đừng tỏ vẻ quan trọng trong cuộc đời của họ. Mình là ai chứ? Mình chỉ là một người làm công việc truyền đạt. Mình không phải thánh thượng, để chúng phải yêu chiều mình như cung tần mỹ nữ. Mình cũng chẳng phải hot girl, mà đòi trai gái bu quanh như ngôi sao ca nhạc.

Những người làm thầy đã ở quá lâu trong tháp ngà được ca tụng của họ, nào là “người đưa đò”, “người khai sáng”, “người thầy vĩ đại”, “người mẹ thứ hai”. Sự tôn vinh đó nằm ở cuối con đường cao sang của mọi giá trị giáo dục, nơi ngự trị của những người thầy đã tạo nên đám con người tốt lành mà họ đã dày công giáo dưỡng và huấn luyện. Còn ở các phần khác của việc dạy học, giáo dục không có tháp, cũng không có ngai vàng, nó chỉ là một công việc. Ở đó, người thầy, trước khi đòi hỏi sinh viên phải lễ độ, phải được thuần hoá, phải quỳ mọp xưng tụng hay coi trọng tuyệt đối ngai vàng giáo dục, thì phải là một người thầy dạy đủ giờ và chân thành truyền đạt tri thức cái đã.

Không thể đòi hỏi sinh viên phải xưng tụng mình, hay yêu mình nồng nhiệt quá không dám trốn học. Tôi nhận ra như vậy trong cái lớp học tình tiền kia, nhớ ra cách cô giáo đã đối đãi với tuổi thơ mình. Tôi hít một hơi dài, và xuất hiện sớm trong lớp chờ họ đến học.

Chiều hôm ấy, khi hết giờ, một bạn trai kẹt mưa không về được ghé qua bàn, hỏi nhẹ nhàng: “Tôi làm trong nhà máy, nhiều lúc viết một cái tin thông báo gửi anh em mà sao khó quá, viết sao vừa ngắn, họ chịu đọc để làm cho đúng, mà lại còn phải đủ nội dung.” – Xong rồi tụi tôi ngồi làm thử cái tin đó luôn cho anh hiểu. Thật ra thì mấy trò này cũng không khó lắm.

Đó chưa phải buổi học cuối cùng của cái khoá học kỳ dị và xa xôi kia, nhưng dần dần, cuối cùng chính các bạn đi học ấy đã dạy lại cho tôi bài học mà cô giáo văn từng làm: chúng ta ko thể mong chờ người học vỗ tay ca ngợi mình, nếu mình chẳng có gì đáng giá cho những kỹ năng hay bài học họ cần. Còn nếu người học cần, và người dạy đủ đàng hoàng với công việc, thì thể nào cũng có lúc đôi bên hiểu nhiệt tình của nhau.

Ít bạn đi học nào nỡ chế giễu hay hành hạ một bạn thầy tử tế. Nhưng không phải ai cũng có thể hoá thành đứa học trò nồng cháy giơ tay phát biểu suốt ngày để vỗ về lòng tự tôn của người dạy.

Nếu bạn làm thầy giáo và có khao khát được tôn vinh, thôi đi làm ca sĩ đi, cho nó sắc màu rực rỡ.

Khải Đơn

6 bình luận về “Chúng ta có hiểu nhiệt tình của nhau không?

Add yours

  1. Cảm ơn Chị. Em cũng đang làm cô giáo 25 tuổi đứng lớp trước những người thừa biết em nhỏ hơn họ. Vì lòng mê nghề mà bất chấp bỏ công việc cũ để chuyển sang đi dạy. Vấp phải những khó khăn không ngờ được, tâm lý thật khó tả, kiểu mình có thể tiếp tục được không. Cảm ơn chị. Em đã hiểu cứ chân thành và tận tâm trước đã chị nhỉ.

    Đã thích bởi 1 người

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑