Tôi thực sự bất ngờ khi đọc status này của những sinh viên trường Văn Lang. Một bạn sinh viên đã qua đời, nhưng khoa Kiến Trúc Xây Dựng và Ban Giám Hiệu trường Văn Lang đã thống nhất để bài Đồ án Tốt Nghiệp của bạn Huy được chấm điểm, đặc cách miễn bảo vệ và công nhận chức danh Kiến Trúc Sư. Người lên nhận bằng là đại diện của gia đình – ba của bạn Huy – theo diễn đàn sinh viên Kiến trúc Xây dựng – Đại Học Văn Lang viết.

https://www.facebook.com/KienXayTivi/photos/a.982013915148260.1073741878.551686664847656/1162234100459573/?type=1&theater
Trong ngày cuối tuần, rất nhiều bạn trẻ tôi từng biết ở Văn Lang đã mặc đồ đẹp và có một ngày tốt nghiệp.
Có lẽ đã đến lúc mọi trường đại học cần nhìn lại cách mình tổ chức một buổi lễ tốt nghiệp cho sinh viên.
Năm 2009, bạn tôi đón mẹ ngoài Nghệ An vào để nhìn cậu ấy được đọc tên lên bục tốt nghiệp. Tuy nhiên, bằng một phép huyền nhiệm, trường tôi đã xếp mấy khoa vào cùng 1 buổi sáng làm lễ. Người ta đọc tên sinh viên nhanh như thú, xua xua chúng lên sân khấu, hối hả cho chúng nhận bằng và nhanh chóng đẩy chúng về chỗ ngồi. Mẹ của bạn tôi chưa kịp hoàn hồn để thấy con của bà lên bục nhận chứng chỉ thì nó đã bị đuổi xuống. Chưa kể, lúc vào hội trường, phải khó khăn lắm nó mới giành giật được 1 chỗ cho mẹ nó ngồi.
Một phụ nữ nông thôn chân đất từ Nghệ An vào Sài Gòn, có 1 phút nhìn con trên bục tốt nghiệp.
Lớp trưởng lớp tôi không cam tâm, đề nghị khoa cho làm một lễ trưởng thành riêng, nơi chúng tôi tự đi thuê đồ mặc tốt nghiệp, và tự mời các thầy cô giáo mình quý mến nhất đến trao bằng. Giống trò “biểu diễn lại từ đầu”. Mục đích là để cả lớp có một ngày ra trường được tôn trọng, cha mẹ được tôn trọng và chúng tôi cảm thấy mình đã lớn một cách đàng hoàng.
Đáp lại thiện ý đó, trường tính tiền thuê hội trường và mọi chi phí điện nước.
Nhưng nhờ chịu bỏ tiền ra, cuối cùng mẹ của bạn bè tôi đã có được một buổi nhìn con được thầy/Luật sư Phan Đăng Thanh, thầy trao bằng, được ôm nó vào lòng, và được bạn bè các khóa sau chụp hình dùm.
Năm 2010, tôi đến đại học Sư Phạm mừng bạn tôi tốt nghiệp. Một đám bạn nó tranh nhau mặc cái áo cử nhân vào, chạy xồng xộc lên sân khấu hốt lấy cái bằng, xong xồng xộc chạy xuống cởi quần cởi áo để tốp kế tiếp lên kịp… tranh cái bằng. Đến cả ông thợ chụp ảnh cũng không kịp chụp cái gì.
Khi ngồi ở giảng đường trong ngày lễ tốt nghiệp, tôi tự hỏi những người đào tạo ra chúng tôi có thực sự tự hào về lũ sản phẩm của họ. Chúng tôi có thực sự tự hào về điều mình chiến thắng được. Cha mẹ chúng tôi có được tự hào vì thấy con họ cuối cùng cũng đã bước qua một cột mốc cuộc đời.
Ngày lễ Trưởng thành ở lớp tôi (dù chỉ là một cuộc tự vui chơi), tôi đã cảm thấy hạnh phúc bao nhiêu khi được chính những người thầy tận tâm nhất được mời đến, họ trao bằng cho từng đứa, dặn thầm bọn tôi từng lời, như một thể hiện trân trọng nhất cuối cùng là bọn con nít này, hãy ra đời và đàng hoàng.
Bởi thế khi thấy ở Văn Lang, các nhà tổ chức và trường đã làm vậy với bạn sinh viên tên Nguyễn Đức Huy – và với cả người thân của bạn, tôi đã rất xúc động. Dù bạn có thể không tận hưởng ngày tốt nghiệp ấy như bao bạn trẻ khác, thì bạn đã ở lại trong tâm trí của bạn bè cùng lớp, và dường như cha mẹ bạn cũng đã thấy con bước tới một đoạn của trưởng thành.
Hóa ra còn có những ngôi trường coi sinh viên là con người và một giá trị, chứ không phải một lũ heo đến kỳ xuất chuồng hay một lũ sản phẩm quá tải, mặc quần mặc áo lên lẹ lẹ phát bằng cho xong rồi cút về chỗ.
Trong một ngày tốt nghiệp, người sinh viên cần được đặt vào trong tim một đốm lửa nhỏ của sự trân trọng, nhân tính và giá trị, để dù đi qua bao nhiêu bão tố và ác mộng, họ vẫn còn giữ lại một hơi ấm trong đời. Nơi chúng ta đã ra đời và lương thiện.
Cũng như hồi ấy lớp trưởng đã làm vậy cùng chúng tôi, vì hắn muốn nhìn mẹ của các bạn được chụp hình với con mặc đồ trạng nguyên.
Khải Đơn
Reblogged this on Miley Duong.
ThíchThích
Từ khóa K05 của chị là khóa đầu tiên mà sau này, mấy khóa sau cũng đều tự tổ chức một Lễ Trưởng thành cho riêng mình. Nếu không có Lễ trưởng thành đó, chắc ba mẹ tụi em đã chẳng thể nào thấy được con của mình thành cử nhân thì nhìn ra làm sao. dù bây giờ em không làm báo, thì em cũng thấy thật may mắn, vì mình đã học ở một cái khoa mà có những người bạn mà không bao giờ chấp nhận chuyện cái ngày mình ra trường lại chỉ có mấy mươi giây như vậy.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Reblogged this on For Alice.
ThíchThích