“Show your work” – tưởng bở hay tưởng thật

Những nghệ sĩ trong thời kỹ thuật số làm gì, đặc biệt hơn là phải làm gì nếu thứ họ sáng tác liên quan trực tiếp tới nền tảng kỹ thuật số? – Độc giả ở khắp nơi, tha hồ mà gặt hái, nhưng mình ở trên ngai vàng cao sang của nghệ thuật mà, mình có cần coi họ là cái đinh gì ko? – Austin Kleon giải thích tất cả các góc độ mà người sáng tạo và khán giả nhìn nhau trên mạng xã hội, internet và nói về cách tác phẩm nghệ thuật giờ đây mưu sinh thế nào trên mạng.

austinkleon

Anh gói tất cả những xảo thuật và kỹ nghệ của anh vào một quyển sách: Show Your Work. Một đoạn anh viết như sau:

“Tất cả chúng ta đều phải vượt qua cái chủ nghĩa lãng mạn “nghệ sĩ chết đói” và ý tưởng rằng việc chạm vào tiền sẽ vĩnh viễn làm hư hỏng sức sáng tạo. Một trong những công trình nghệ thuật văn hoá ý nghĩa và được chúng ta yêu thích nhất đã được sáng tác để kiếm tiền. Michelangelo vẽ trần nhà nguyện Sistine vì Đức Cha trả tiền cho ông. Mario Puzo viết Bố Già để kiếm tiền: Ông đã 45 tuổi, chán làm hoạ sĩ, và nợ đến 20 ngàn đô của họ hàng, nhà băng, các hãng làm sách và cả các tay cho vay nặng lãi. Paul McCartney kể rằng ông và John Lennon đã ngồi với nhau trước khi bước vào giờ sáng tác nhạc cho nhóm Beatles và nói: “Nào, bây giờ mình hãy viết một cái hồ bơi đi.”

Mọi người đều nói rằng họ muốn nghệ sĩ kiếm được tiền, và khi nghệ sĩ kiếm ra tiền, mọi người bắt đầu ghét anh ta vì chuyện đó. Từ “bán hết” được phun ra với sự cay đắng, từ những phần nhỏ nhặt nhất của chúng ta. Đừng trở thành một trong những người hâm mộ kinh dị ngừng nghe ban nhạc bạn yêu thích chỉ vì họ có một bài hit. Đừng nghỉ chơi bạn bè của bạn chỉ vì họ có đôi chút thành công. Đừng ghen tị khi người quen của bạn làm điều gì đó tốt – hãy chúc mừng chiến thắng của họ như chiến thắng của bạn.”

Bằng 10 chương với những quan niệm cụ thể và cách ứng xử đúng đắn, Austin Kleon dùng kinh nghiệm là một nghệ sĩ làm việc trong môi trường internet, chỉ dẫn những người chưa quen với hệ sinh thái này, để hành xử đúng đắn nếu họ tin rằng thành công tự thân trên mạng là điều hoàn toàn có thể thành hiện thực.

ffa93cc0e28ac6f6f07f801672c46640

Trước những bức tường rào thủ cựu của nghệ thuật truyền thống: Tin rằng mình giỏi người ta sẽ tìm đến mình, tin rằng tác phẩm của mình vô đối mình sẽ tự nổi tiếng, tin rằng độc giả không là cái đinh gì, hay tốt nhất là không bao giờ cho độc giả thấy cái xưởng vẽ xấu xí bẩn thỉu của mình, giấu tiệt đi những bản viết nháp vụng về của mình, Austin Kleon giải thích về tất cả những gì một nghệ sĩ độc lập cần phải làm để tiến bộ cũng như được biết đến, thay vì coi thường khán giả hoặc chăm chăm chui rúc vào ngọn tháp vĩ đại mà mình tưởng là có thật.

Những nghệ căm thù sự tự rao bán bản thân, những khán giả tin vĩnh viễn vào hương vị lãng mạn thuần tuý của nghệ thuật sẽ cực ghét quyển sách này. Ở đây, nó chỉ dẫn bạn phải năng nổ trên mạng xã hội, phải phục vụ khán giả của bạn, phải đi tìm những người đồng sáng tạo và chia sẻ kỹ năng với họ, thay vì giấu tiệt mọi bí kíp đi quyết không cho ai biết mình đang làm gì. Anh cũng giải thích rõ vì sao ta phải làm vậy. Vì sao ta không còn là nghệ sĩ bí ẩn sau bức rèm coi khinh cả thế giới nữa.

Anh viết những đoạn như sau:
“Khi bạn đưa tác phẩm mình ra ngoài thế giới, bạn phải sẵn sàng cho cả người tốt, kẻ xấu và cả những tên tồi tệ. Càng nhiều người đi ngang qua xem tác phẩm của bạn, bạn càng phải đối mặt với nhiều sự phê bình. Sau đây là một số cách để nhận những cú đấm:

THƯ GIÃN VÀ THỞ: Rắc rối của những người giàu trí tưởng tượng là chúng ta rất giỏi vẽ ra tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra với mình. Đáng sợ là những gì mình tưởng tượng rẽ sang một hướng khác. Lời phee bình tồi tệ đâu phải là tận cùng thế giới. Theo những gì tôi biết, chưa có ai chết vì bị bình luận là tệ cả. Hãy hít thở sâu và đón nhận bất cứ gì xảy đến.

GIỮ CÂN BẰNG. Bạn phải nhớ rằng tác phẩm của bạn là một sản phẩm bạn làm ra, nó không phải là chính bạn. Các nghệ sĩ cực kỳ khó chấp nhận điều này, vì hầu hết những gì họ tạo ra đều là riêng tư. Hãy luôn ở gần gia đình của bạn, bạn bè, và ở bên những người yêu bạn vì chính bạn, chứ không phải yêu bạn chỉ vì tác phẩm của bạn”

Austin-Kleon-Sketchnotes-2

Trong quyển Show Your Work, Austin Kleon cũng trình bày rõ ràng những ứng xử cần thiết mà một nghệ sĩ phải có với khán giả, người đồng sáng tạo hay những người bỏ tiền mua tác phẩm. Trong đó có một nhân vật tôi đặc biệt thấy thú vị là: The troll – bọn chọc quê. Một đoạn trích của Austin nói như sau:

“Một kẻ chọc quê không phải là người có hứng thú giúp bạn nâng cao chất lượng tác phẩm, mà chỉ kích động cho bạn căm ghét, hung hãn và khiến bạn rơi vào những cuộc cãi cọ. Bạn sẽ chẳng tiến bộ gì khi dây dưa với loại người này. Đừng cho chúng ăn, sau một hồi chúng sẽ đi mất.

Bởi vì, dĩ nhiên, trò chọc quê tồi tệ nhất là thứ sẽ ở lại trong đầu bạn. Nó chính là giọng nói liên tục bảo rằng bạn không đủ giỏi, bạn là thằng ngu, rằng bạn chẳng đáng giá với cái gì hết. Nó là giọng nói đã bảo rằng tôi sẽ chẳng viết được thứ gì hay ho sau khi tôi có con. Nó là thứ sẽ chọc ngoáy trong não bạn, giống như một kẻ lạ chĩa loa vào não bạn mà bật to hết cỡ vậy.”

Sẽ còn rất nhiều thứ được anh trình bày trực quan, có lý lẽ, đơn giản và là cả kinh nghiệm của những nghệ sĩ cỡ lớn làm được nhờ vào hành xử đúng đắn của họ trên internet. Họ có thêm bạn, gặp thêm nhiều người đồng sáng tạo, đối xử chừng mực với khán giả và dạy lại điều họ biết cho người mới học.

Dễ đọc, cực ngắn, hình minh hoạ đầy nhóc và sẽ kéo những nghệ sĩ chưa thành danh mà tưởng bở xuống cho bình thường trở lại.

Khải Đơn

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: