Vài đêm trước, tôi đi vòng vòng trong một cơn mưa dài. Tôi vứt bỏ hầu như mọi thứ ở nhà và đi xe máy trong một cơn mưa dài. Tôi suy nghĩ rất nhiều về sự lệ thuộc của chính mình vào vật thể.
Vì sợ ướt điện thoại, tôi sẽ ở nhà.
Vì sợ máy tính dính mưa, tôi quyết định sẽ kiếm một chỗ ấm và chui vào.
Điều tồi tệ cuối cùng cũng xảy đến, hôm ấy, vì sợ ướt giày, tôi đã ngồi ở cái quán nhậu ấy đến khi nó đóng cửa và anh chủ lịch sự nói để cho tôi cái ghế ngồi đó. Tôi thưởng lãm sự lười nhác của mình như một kỳ quan. Phải gọi đúng tên nó là gì nhỉ – lười nhác hay là hèn yếu?
Mỗi lần bước vào một nơi xa lạ – như thang máy – tôi thường rút điện thoại ra, cắm đầu nhìn vào nó một cách vô nghĩa. Tôi cố nhìn xuyên qua vai người khác. Tôi sợ sự bối rối của điều không giao tiếp. Sợ im lặng. Sợ nhìn nhau mà không biết phải nói gì. Tôi tìm đến điện thoại như con cá tìm một cái lưỡi câu để móc họng mình vào cho có chốn nương tựa. Chúng ta có phải là những con cá mắc kẹt cùng với nhau trong một cái hũ cá mòi cạo sạch vảy và ngập đầy dầu mỡ không. Trong lúc suy nghĩ về cá và lưỡi câu, thường một bạn trong công ty sẽ đánh thức tôi dậy bằng câu chào buổi sáng – thật kinh khủng – tôi đã lệ thuộc vào máy móc đến mức không nhìn thấy bạn mình trong không gian chừng 1m2 tí tẹo ấy.
Tối hôm đó, tôi đi đến 3 giờ sáng mới trở về nhà. Không áo mưa. không điện thoại. Không máy tính. Không headphone. Tôi nghĩ con người hóa ra không cần headphone để che đậy đi những cuộc chuyện trò ồn ào và quấy đảo xung quanh mình. Hóa ra tôi không quýnh quáng sợ hãi khi không có điện thoại để gọi cho ai đó khi hoảng loạn về chính mình. Bạn bè tôi đã quen với việc tôi gọi cho họ để hỏi những câu ngu ngốc như: Ê, đang làm gì đó? Quán đó ngon không? Hồi chiều về nhà tao không thấy mày chào…. – Tôi đâu cố ý, tôi chỉ là không chịu được sự im lặng thiếu đối thoại đến hãi hùng, vậy là tự tạo ra cho mình một kiểu nối kết ảo tưởng – bằng cách lay tỉnh dậy bất kỳ ai thương yêu tôi quá, giật giọng gọi họ – và biết họ thông cảm sẽ nghe máy của mình.
Nhưng rồi sao bây giờ – tôi không thể ngồi hoài với chiếc điện thoại cả cuộc đời và cố nói với nó – hay bạn bè – về những vùng vô thưởng vô phạt sẽ cứu tôi khỏi nhầm lẫn. Khi không có điện thoại, tôi nghĩ về những cái hồ, nơi tim chúng ta trống rỗng và xám xanh màu nước, nơi mình chẳng kiếm tìm gì cũng chẳng cố công đòi hỏi nó phải trang hoàng lộng lẫy cái chi để chào đón mình. Tôi sở hữu một cái hồ ở trong tim, mỗi khi đứt gãy nhiều thứ thì nghĩ ra nó, nơi mình ngồi đếm sóng, nhìn cây, nơi mình nằm ngủ cạnh một gốc cây, khi tỉnh dậy thấy trời mây đã khép dần.
Nhiều năm tháng trôi qua, tôi gắn lên mình những trang hoàng của vật chất và nỗi sợ. Tối hôm đó, khi đi đủ lâu để tay rã rời mệt. Tôi đứng nhìn mình trên khung cửa một hàng thời trang lộng kiếng tắt đèn. Cô người mẫu da trắng nhìn tôi – ánh nhìn ấy sâu sắc như vực thẳm – chất chứa các câu hỏi của sự tù hãm. Ánh mắt ấy đóng băng trong khối nhựa, đóng băng sau hàng mi dài cong vút, đóng băng sau khung cửa kính của điều giả tưởng. Nó hỏi tôi về tự do, về cách chúng ta tồn tại và chiến đấu để giành lấy tự do cho mình.
Tôi muốn hỏi em người mẫu ấy:
– Này em, em có dám móc mắt mình vứt ra vỉa hè kia – để nó được nhìn thấy thế giới không?
Tôi mong em trả lời là có. Khi ấy da tôi bắt đầu bị đau vì cơn mưa ngày càng lạnh và nặng hạt hơn.
Tôi trở về nhà, nằm ngủ như một nghi thức kính ngưỡng loài người chúng ta đối xử với thân thể mình, rã rời vì mưa lạnh. Hôm ấy, tôi không nghe điện thoại nói gì, quên mất máy tính đợi mình, và không kịp nghe một ca khúc từ chiếc loa hát hồn nhiên màu đỏ.
Loài người sợ cô đơn – bởi vì chúng luôn không bao giờ đủ dũng cảm để ném đôi mắt ra ngoài cửa kính.
Khải Đơn
Reblogged this on This is Angvlang a.k.a Ăn và Lăn.
ThíchThích