Chúng ta có thể nguyền rủa bóng tối không?

Tôi nghĩ rằng vẫn phải nguyền rủa nó. Tôi nhấn mạnh là mình không cố gắng đánh tráo một gương mặt vô tâm của những cơ quan công quyền địa phương khi người dân ở nơi nào đó hàng ngày phải khốn khổ đi qua những con đường ngập nước, ngập bùn, rác rưởi, đối mặt với những cái cống tắc nghẹt, đen ngòm không được cải tạo, làm vệ sinh thường xuyên.

Bà Nguyễn Thị Cẩm - 65 tuổi - tự tay làm lại con đường ngập sâu  gần nhà để mọi người có thể đi lại an toàn hơn
Bà Nguyễn Thị Cẩm – 65 tuổi – tự tay làm lại con đường ngập sâu gần nhà để mọi người có thể đi lại an toàn hơn

Đừng đổ lỗi cho người dân là họ không chịu làm đường – khi trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng đã được vẽ một cách rõ ràng trong từng đồng tiền thuế người dân phải đóng. Đừng nói rằng đường ngập vì người dân xả rác nên nghẹt cống – ngập là câu chuyện của dòng sông và kiểu xây đường xá chả thèm nghiên cứu chú ý cái đếch gì tới triều cường với nước lên. Những kẻ đổ nghìn tỷ xây con đường trên một dòng sông (tự nhiên) ngập – và không suy nghĩ sau bao nhiêu năm thì nó ngập luôn cả con đường – mới là những kẻ phải trả lời về cái sự ngập của thành phố.

Đến một lúc, cái thứ bóng tối ấy nó ngấm vào máu của chính những con người lương thiện thường nhật. Bạn tôi kể chị nhìn bà thu tiền rác ở xóm mà thương, cái ngôi nhà to khủng nhất xóm lại là cái nhà luôn lờ đi mỗi 3 tháng bà ghé thu tiền rác một lần. Bà bấm chuông không bao giờ có ai đáp trả. Kỳ lạ là rác vẫn đều đặn được để ra ngoài cửa, và người thu rác nhìn ngứa mắt vẫn phải thu đi, chứ không thể nào kệ cho nó chất cao lên ngoài cửa ngôi nhà sang trọng ấy được. Hay như cái con đường ngập suốt 6 – 7 năm, cả xóm hè nhau đóng tiền thuê xe về đổ đường, vậy mà lúc thu có 5 triệu – thì mấy cái nhà chễm chệ giữa đường đẹp nhất đóng cửa sầm trước mặt nói – mấy người làm đường mấy người đi – nhà tui có xe hơi – ngập không tới chân được.

Bởi vì nước không tới chân, người ta không cần phải động lòng vì sự khó nhọc của người khác trong cơn ngập lụt, dù cho những người khác đó sống chung trong cộng đồng với họ, là hàng xóm, bà lao công, ông bạn cùng ngành cách đó vài căn. Là hàng xóm, nhưng cái bóng tối ích kỷ ngấm vào máu đó đã khiến rất nhiều người chối từ bỏ ra một chút tí ti lòng quảng đại để làm một thứ mà sau đó, nó sẽ tốt cho cả chính họ chứ chẳng ai khác. Họ không quan tâm.

Ở những thành phố nhỏ, trên con đường lớn giữa đô thị, công ty cây xanh mang tới đó một cái cây èo uột, vứt cả gốc rễ còn bọc nguyên đấy xuống mặt đường, cát đất phứa ra. Cái cây đó thậm chí chả được chôn xuống đất nữa. Nó cứ ở nguyên đó trên mặt nhựa đường cho tới khi héo queo, chết luôn. Và bên công ty cây xanh lại “trồng thay thế” bằng một loạt cây mới – theo cùng một cách như vậy. Bóng tối nó vô lý ăn vào máu của người công nhân – của lão giám đốc – của những tài xế chở cây xanh. Họ không thấy nhục khi ném xuống đường một cái cây mà không thèm chôn nó xuống – bởi vì họ mong nó chết nhanh, sẽ lại có tiền xoay vòng để thay cây mới, dự án mới, tiền mới. Họ không có một triết lý xa xôi nào vượt ngoài giới hạn của quỹ đạo tiền. Không có ông bố nào trong hàng trăm con người vận hành dự án cây xanh đó nghĩ một ngày nào đó đứa con gái bé nhỏ của mình ngồi sau xe máy đi học về, nó sẽ nhìn thấy hàng me xanh ngắt, và được che nắng khỏi ngày gắt bỏng.

Hay như một lần bạn tôi phải thốt lên kinh ngạc trước cái dự án xe bus hỗ trợ người khuyết tật ngoài Hà Nội. Bạn hỏi: “Cậu nghĩ ai sẽ bê cái xe lăn cho người khuyết tật lên xe bus? Người khuyết tật tự bê hả?” – Nhưng cái dự án đó vẫn ra đời, với một cách bê xe lăn lên xuống không tưởng và vô cùng vất vả cho cả lơ xe lẫn người khách. Mặc kệ những người khuyết tật, những kẻ chỉ quay quanh quỹ đạo của tiền không quan tâm. Tim của chúng là bóng tối, bởi con của chúng chắc chưa bao giờ khuyết tật để đứng nhìn cái “dịch vụ thí điểm” giúp xe lăn trèo lên xe bus kỳ dị ấy.

Quỹ đạo của tiền đã bóc bỏ mọi niềm tin của chúng ta vào ánh sáng. Hoặc đến chúng ta – khi có được cái quyền trượng trong tay – cũng hành động không cần suy nghĩ – để đẩy bóng tối lên cao đến tận cùng sự tối thượng của nó. Hành vi này không vì ai cả. Con cháu chúng ta – vì giàu có – sẽ đi nước ngoài hết. Ở đây giữa đường ngập, cây chết, xe bus điên, chỉ có con của ai đó, cháu của ai đó, không can dự đến mình.

12030966_10205866616598411_483490218_n

Cũng như cách mà những ngôi nhà đóng sầm cửa trước người thu tiền rác, hay vị chủ nhà thảnh thơi nói: Nhà tôi có xe hơi, không ngập được; chúng ta đã hành xử với cuộc sống xung quanh của mình bằng sự thờ ơ chậm chạp đến nản lòng.

Xong buổi sáng hôm qua, người đàn bà ấy cặm cụi khẩy từng cục xà bần lấp vũng nước, mặc kệ những người đi đường xung quanh đã đạp đổ hàng rào xông tới; tôi đã nghĩ về bóng tối. Nó ngự trị trong sự ích kỷ lạ lùng mà chúng ta tự nặn mình lên – khi chúng ta nguyền rủa những gương mặt lạnh giá của cơ quan công quyền. Đến một lúc, chúng ta cũng lạnh giá hệt như đám công chức ấy.

Còn bà lão này 65 tuổi, ở Sài Gòn xa lạ, bà chưa kịp học cách để trở nên lạnh giá và nguyền rủa bóng tối chăng?

Khải Đơn

(*) Xem bài viết về bà lão san lại đường sau mưa ở Sài Gòn: http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/sau-mua-to-sai-gon-ba-cu-65-tuoi-tu-tay-san-duong-cho-dan-di-612079.html

Advertisement

1 bình luận về “Chúng ta có thể nguyền rủa bóng tối không?

Add yours

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: