Là giáo sư, hãy cẩn thận khi chửi ai đó!

Cách đây vài ngày, tôi đọc một bài viết tên “GHI CHÉP CỦA MỘT KẺ NGOẠI ĐẠO VỀ MỘT HỘI THẢO VĂN CHƯƠNG” – của người ký tên là NGUYỄN H. V. HƯNG – nói về Nguyễn Nhật Ánh.

Bạn nào muốn đọc toàn bài, mời đọc tại đây: http://nvphamvietdao3.blogspot.com/2015/09/ghi-chep-cua-mot-ke-ngoai-ao-ve-mot-hoi.html

Bài viết có đoạn thế này: “Tôi phải thú thật rằng, cho đến lúc này, tôi chưa hề đọc một dòng nào của Nguyễn Nhật Ánh, vì tôi bận quá.”

“Nghe tôi kể về Hội thảo hôm trước, bạn tôi, một nhà toán học đẳng cấp, bảo: “Mọi người rỉ tai nhau rằng Nguyễn Nhật Ánh thuê chừng 20 người viết truyện, để ông ta ký tên”. Cô bạn xinh đẹp ngồi bên, bị hút vào câu chuyện, bèn hỏi: “Anh có chứng cứ gì không”.”

“Một giáo sư trẻ, chuyên ngành văn học nước ngoài, khẳng định hùng hồn: “Nếu truyện của Nguyễn Nhật Ánh được dịch ra tiếng nước ngoài, thì chắc chắn chúng còn chinh phục cả thế giới”. Tôi suýt nữa bật ra câu hỏi: “Thưa ông, làm thế nào ông khẳng định chắc chắn điều đó?” Nhưng rồi ngại làm mất thời gian của hội thảo, tôi im lặng.”

“Tôi đành phát biểu như sau:

“Đối với hội thảo này, tôi là một kẻ ngoại đạo, vì tôi là một người làm toán. Tôi xác định đến đây như một fan hâm mộ, chỉ có một nhiệm vụ đơn giản là “đi đứng nghiêm chỉnh, vỗ tay luôn luôn”.

GS.TS Nguyễn Hữu Việt Hưng (ảnh Vnexpress)
GS.TS Nguyễn Hữu Việt Hưng (ảnh Vnexpress)

Sau khi đọc hết bài ông viết, tôi tìm một hồi thì phát hiện ra ông ấy là GS.TS toán học Nguyễn Hữu Việt Hưng – hiện đang công tác tại trường Đại học KHTN (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Sau đó thì tôi tìm thấy thêm một bài viết nữa của Lê Thiếu Nhơn – anh ấy đọc bài của anh Hưng giáo sư, xong vì quá kính ngưỡng, bèn viết luôn một bài nữa chửi Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng anh Lê Thiếu Nhơn thì cao tay hơn bác Hưng “ngoại đạo”. Anh dùng hẳn sự linh thiêng của văn học để táng vô đầu Nguyễn Nhật Ánh một đoạn văn hùng hồn: “Khi ngôi đền sự thật bị canh giữ nghiêm ngặt, bất cứ kẻ nào muốn chạm bút vào đều phải gánh chịu đau đớn của cảm tử quân, thì văn chương xoay sang hướng khác: sản xuất và cung cấp nước đường pha loãng. Không ai phân biệt được đường mật mía và đường hóa học, chỉ cần dễ uống, mát cổ, yên lòng và ấm bụng! Nguyễn Nhật Ánh đã khai thác tối đa ưu điểm ấy và thành công rực rỡ!” 

Bài đó ở đây: http://lethieunhoncom.blogspot.com/2015/09/nguyen-nhat-anh-uoc-cho-khong-mot-huyen.html

=======

Tôi thật kinh ngạc về anh Hưng Giáo Sư. Đầu tiên, anh đến dự một hội thảo mà không hề biết gì về cái tác giả sắp được đề cập đến trong hội thảo. Tâm thế ấy là gì? – Anh không phải độc giả, không phải người quan tâm, không phải nhà nghiên cứu, cũng không phải người có nhu cầu gì về ông Nguyễn Nhật Ánh. Anh đi dự như một con lân kiểng mà người ta thường treo trong hội trường đêm hội Trung Thu.

SAM_5518

Là một giáo sư, hẳn anh đã quen với các hội thảo. Trên đời này có rất nhiều hội thảo, nhất là với các bậc trí giả như anh. Seminar khoa học, hội nghị, bàn tròn, hội thảo của người hâm mộ, nơi trình bày tham luận, các buổi phản biện khoa học… đủ loại và đủ hình thức cả. Và trong một hội thảo, nếu được mời phát biểu, thiết nghĩ những người phát biểu nên có hiểu biết nhất định về cái thể loại mà họ đang lắng nghe.

Anh Hưng à, anh không đọc ông Ánh. Anh cũng không phải nhà nghiên cứu văn học. Nếu anh là người có đạo đức và tư cách đến mức có thể chửi ông Ánh, tốt nhất anh nên nói mẹ luôn những ý nghĩ đó ra trong cái hội thảo ấy – khi được mời phát biểu.

Trong hội thảo có anh giáo sư trẻ, có một nữ phó giáo sư xinh đẹp. Họ nói cả rồi đấy. Họ chắc cũng còn ngồi đấy. Anh rõ ràng có thể chất vấn tất tật những gì anh cần chửi trong bài viết ra hội thảo. Xong khi ấy, nếu anh giáo sư trẻ và cô phó giáo sư kia ấp úng, anh hãy viết tường trình trong bài viết. Đó thật là một biểu hiện khoa học – vì nó sẽ giúp anh chứng minh được tất cả những câu hỏi mà anh thắc mắc trong đầu, tất cả những lời khen có cánh mà anh cho là vô lý, cũng như toàn bộ luận điểm lỏng lẻo mà anh phô bày ra trong bài viết của anh.

Nhưng anh Hưng giáo sư à, tôi rất tiếc, một người đã làm Giáo sư tiến sĩ già như anh, lại thiếu đi cái tư cách chân thành của khoa học. Khi được mời phát biểu, anh nói như vầy: “Đối với hội thảo này, tôi là một kẻ ngoại đạo, vì tôi là một người làm toán. Tôi xác định đến đây như một fan hâm mộ, chỉ có một nhiệm vụ đơn giản là “đi đứng nghiêm chỉnh, vỗ tay luôn luôn”.

1434170159-btokhoavang7_cqcv

Xin lỗi chứ, anh nói dối gì như cú mèo vậy? Thứ nhất anh không phải fan hâm mộ của ông Nguyễn Nhật Ánh – vì anh chưa từng đọc truyện gì ông Ánh viết cả. Thứ hai, anh vỗ tay luôn luôn trong khi đầu anh rủa nguyền các người phát biểu tham luận. Đến đây thì tôi ngờ rằng, không biết khi ở danh vị giáo sư tiến sĩ, lúc ngồi chấm đề tài tốt nghiệp của sinh viên thì anh hành xử ra sao? – Hay anh cũng đứng nghiêm chỉnh vỗ tay luôn luôn xong về nhà viết blog chửi sinh viên ngu như heo? – Tinh thần phản biện khoa học sắc bén của anh đã thể hiện ngời ngời trong bài viết của anh dành cho ông Ánh, thế mà tinh thần ấy lại chả buồn trỗi dậy khi anh ngồi nghiêm trang ở đấy, giữa những nhà khoa học, giữa chính ông tác giả và cả một hội thảo.

Tôi rất tiếc cho một gã làm giáo sư tiến sĩ già như anh. Tinh thần thượng tôn khoa học không có. Tư cách đạo đức cũng kém cỏi đến kinh ngạc. Lòng dũng cảm của thằng đàn ông thì tuyệt nhiên không tồn tại. Không đọc sách của tác giả, chửi tác giả trên mạng, gặp nggoài đời thì vỗ tay luôn luôn. Anh sẽ dạy ai trong mớ sinh viên của anh? – Anh sẽ đào tạo ra những con người bất cần một luận cứ luận chứng nào, cũng có thể nhảy xổ vào chửi người khác không cần lý do sao? – Anh sẽ đào tạo ra những nhà khoa học không mở mồm tranh biện trong hội thảo, vỗ tay cười giả lả, về nhà viết blog chửi đồng nghiệp sao?

Trong bài viết của anh, anh tinh ranh quá. Anh lồng vào cái yếu tố: “Mọi người rỉ tai nhau rằng Nguyễn Nhật Ánh thuê chừng 20 người viết truyện, để ông ta ký tên” – dưới câu chuyện đồn thổi của ai đó khác – vô danh – không nguồn trích dẫn. Mục đích của anh là gì? – anh gieo nghi ngờ vào tim những người chưa đọc ông Ánh, hay hủy hoại tên tuổi của ông – vì ông ta nổi tiếng là viết rất nhanh và rất nhiều? – Nếu anh nghi ngờ và sẵn nghi ngờ, sao hôm đó anh không hỏi luôn? – Theo kịch bản là nếu ông Ánh chối, thì bài viết này của anh sẽ thuyết phục hơn bội phần! – Nhưng anh giả dối quá. Anh ngồi im, vỗ tay luôn luôn, tự nhận là fan.

Tôi rất lo lắng dùm anh đấy, giáo sư ạ!

Còn về ông Nguyễn Nhật Ánh – và văn học dành cho thiếu niên. Và cả anh Lê Thiếu Nhơn với cái ngôi đền sự thật của anh. Các anh có biết, nền văn học của chúng ta đã hóa thành thứ hiện thực xã hội chủ nghĩa kỳ quặc và xạo xự vì nó cứ đòi văn học phải phản ánh hết cái sự thật này tới cái sự thật khác. Mấy anh đốt sạch nó sách Hiện Sinh, Lãng mạn, đốt tất tần tật những gì không phải là hiện thực trần truồng của các anh. Xong sau đó, đám nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa các anh lăn lộn quằn quại trong cái sự thật xạo xự do các anh vẽ ra.

Các anh làm thơ ca ngợi Stalin – như anh Tố Hữu từng làm. Các anh viết cứ như thể nông trường Điện Biên sắp hóa thành nông trang nước Mỹ giàu có tươi đẹp tới nơi rồi – như anh Nguyễn Khải. Các anh bịa đặt và tự ca ngợi mình là “hiện thực”.

Tôi nghĩ rằng, hiện thực , sự thực, hay tất cả cái gì thực, là ngôi đền của báo chí. Hãy để các nhà báo sống chết với nó. Họ đã cố gắng lắm rồi. Đừng có biến nhà văn thành nhà báo. Đừng biến sự thực kỳ dị thành một phần tất yếu của cuộc sống như nước khoáng lavie dành cho văn học. Cái thời hồng hoang của các anh đã qua rồi. Đừng đóng đinh các nhà văn thành quân cảm tử của sự thực nữa nha. Sai rồi. Sai bao nhiêu năm chưa đủ sao? – Tôi – thế hệ vớ vẩn và lãng mạn ngu ngốc này – không cần các nhà văn tạo ra sự thật méo mó kiểu ca ngợi Stalin. Tôi vui vẻ và hạnh phúc với cái đẹp, với nỗi buồn, với sự tưởng tượng vĩ cuồng của huyền thoại hay cơn mơ không bao giờ dứt của tình yêu. Nếu anh thích làm nhà báo – hay thích đeo ngôi đền cảm tử trên ngực – mời anh viết. Nhưng tôi rất tiếc, hình như anh chưa bao giờ nổi tiếng vì tạo ra một tác phẩm nào “cảm tử” cả- anh Nhơn nhỉ?

DSC03353

Ông Nguyễn Nhật Ánh đã làm được gì? – Ông làm thế hệ chúng tôi – một thế hệ đói sách vở đến nhức lòng, không có gì đọc ngoài Đôremon, Thủy thủ mặt trăng, Hesman. Anh Nhơn biết không, thời của tôi, ngoài truyện tranh bán 3k/quyển phát hành tận vùng sâu vùng xa, chả ai viết văn chữ cho con nít cả. Chỉ có 2 người tôi còn nhớ được, là ông Võ Phi Hùng và ông Nguyễn Nhật Ánh.

Hồi đó tôi đã khóc khi đọc “Sống sót vỉa hè” của Võ Phi Hùng. Đọc mà thương bạn cùng tuổi mình ngủ ngoài đường, bị đánh đập, đói khổ, cố gắng giữ lấy trái tim trong lành.

Hồi đó tôi đã buồn mất mấy ngày khi đọc “Bong bóng lên trời”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Cú phạt đền” của ông Ánh. Trời ơi, cái tuổi gì mà hồn nhiên và yêu thương nhau trọn vẹn đến thế. Trẻ con có tâm hồn của trẻ con. Thiếu niên có trăn trở của thiếu niên. Bọn tôi biết xao động khi nắm tay người bạn, biết lo buồn khi thầy giáo nghỉ dạy, biết sợ hãi vì bạn mình bị người ta dụ dỗ cho hư. Ông Nguyễn Nhật Ánh viết tất cả trăn trở đó thành truyện.

Có một mùa hè, tôi nằm đọc hết cả mấy chồng Kính Vạn Hoa mượn của cậu hàng xóm. Tôi thấy mình trong những suy nghĩ của thằng Quý Ròm, thằng Tiểu Long, nhỏ Hạnh. Mùa hè đó, tôi ngủ trong nhà của 2 đứa hàng xóm, tụi tôi thay nhau đọc từng quyển. Xong mỗi buổi chiều mưa lại đi bộ vào sân trường lượm hoa phượng rơi làm cánh bướm. Tôi nghĩ rằng mình đã có một tuổi thơ tuyệt vời và đáng sống hơn hết thảy, bởi khi đó ba đứa chúng tôi bàn về Quý Ròm, nhỏ Hạnh, về cuộc trúng số độc đắc hay những lần Tiểu Long bảo vệ bạn rất oai.

Truyện của ông Ánh và ông Võ Phi Hùng có gì các anh biết không? – Có sự lương thiện. Hàng chục tập viết, hàng ngàn trang sách không có tranh, nhưng trẻ con, thiếu niên vẫn đọc. Nó làm lứa trẻ biết rung động với điều thiện, biết sợ trước cái xấu, hoặc lùi bước tủi thân. Nhưng trong các trang viết đó, nó tuyệt nhiên không dạy trẻ con làm điều xấu, điều ác, hay đặt điều hãm hại một người xa lạ.

Sự lương thiện này – nó đã hóa thành tro bụi khi người ta đốt sách, nó bị phỉ nhổ khi xã hội chúng ta quay cuồng trong cơn đam mê và vòng xoáy của tiền bạc.  Chúng tôi sẽ lớn lên và bị thiêu hủy y như thế.

Nhưng thật may mắn, ông Ánh và ông Võ Phi Hùng – những người viết từ cái thuở chả ai thèm chăm chỉ viết – đã nỗ lực viết hàng chục hàng trăm tập truyện – chỉ để bọn trẻ con đọc cho vui mỗi mùa hè, và ráp đầy thêm kỷ niệm tốt lành vào trái tim chúng.

Tôi nghĩ rằng buộc Võ Phi Hùng hay ông Nguyễn Nhật Ánh mang vác ngôi đền sự thật trên vai là trò đùa quá sức. Nếu anh Nhơn và anh giáo sư Hưng thích thì mang đi.

Anh Hưng ạ, tôi rất tiếc, nếu tuổi thơ anh có đọc ông Ánh và ông Võ Phi Hùng – hẳn anh đã không lớn lên thành một người giáo sư méo mó và sẵn sàng bôi trét ác ý lên người khác như vậy.
Còn về chuyện làm marketing sách, tôi vẫn chưa hiểu điều đó có gì là sai anh Lê Thiếu Nhơn ơi. Tại sao anh phải viết thế này: “ Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, tức là từ tác phẩm “Tôi là Bê – tô” đến “Ngồi khóc trên cây”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Nguyễn Nhật Ánh càng ngày càng nổi tiếng hơn. Vì sao? Vì các nhà làm sách đã áp dụng triệt để nghệ thuật makerting. Món hàng gì muốn bán được cũng phải quảng cáo, đôi khi bao bì còn quan trọng hơn chất lượng. Tác phẩm không chỉ là chữ nghĩa trên giấy, mà nhà văn còn phải xuống đường tìm kiếm bạn đọc. Giao lưu, ký tặng, cười tươi, đi khẽ, bước nhẹ, tạo dáng, nói những câu chiều chuộng thị hiếu đương thời, Nguyễn Nhật Ánh đều thực hiện rất uyển chuyển, rất duyên dáng. Do đó, Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn chuyên nghiệp, nhà văn của hôm nay!”

Một tác giả viết sách ra để làm gì? – in 1000 quyển xong mang đi cầu xin biếu tặng mọi người, hay nhét vô phòng ngủ ở nhà để mơ thấy chúng? – Người ta viết sách để sống mà, họ phải bán được sách để sống chứ. Hên là ông Nguyễn Nhật Ánh sống được nhờ bán sách, chứ nếu sách ông ế, các anh lại cao giọng bảo sách ông ta viết chả ai thèm đọc.

Làm nhà văn mà bán chạy quá, coi bộ cũng nhục với bọn in mãi mà chả ai thèm mua 😐

Khải Đơn

(*)Sự thật về ‘cáo buộc’ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thuê người viết truyện
: http://www.nguoiduatin.vn/su-that-ve-cao-buoc-nha-van-nguyen-nhat-anh-thue-nguoi-viet-truyen-a207494.html

Advertisement

4 bình luận về “Là giáo sư, hãy cẩn thận khi chửi ai đó!

Add yours

  1. Cám ơn Khải Đơn,
    không là fan của bác Ánh, nhưng tôi cũng đọc ít nhất chừng chục cuốn từ thời còn là học sinh trung học, đến bây giờ vẫn còn ấn tượng với Trại hoa vàng, Bong bóng lên trời,…còn chút gì để nhớ hay hay. Với tôi, chưa ai viết truyện dành cho thanh thiếu niên nhẹ nhàng, thú vị như thế; để lại trong lòng người đọc một cảm giác sâu lắng. Dạo trước, anh cùng cơ quan giới thiệu cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, để hiểu con cái nghĩ gì, điều đó sẽ có ích cho việc dạy con; tôi mới nhớ đến bác Ánh của Trại hoa vàng, hóa ra đến giờ bác vẫn còn viết truyện. Theo tôi, nên khuyến khích thanh thiếu niên đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh.

    Thích

  2. Xã hội thời nay thối nát lắm rồi ! Đọc những dòng trên mà tôi muốn nôn mửa. Tác giả bài viết này chắc chắn là người không ra gì. Xin lỗi cho phép tôi ý kiến : Thứ nhất tôi không thấy giáo sư Việt Hưng nói câu nào xúc phạm Nguyễn Nhật Ánh cả, sao nguyên cả cái bài viết này lại ngậm máu phun người ? Thứ hai tác giả Khải Đơn có vẻ lỗ mãng quá, cứ tìm cách ca ngợi Nguyễn Nhật Ánh lên tận mây xanh để có cớ hạ nhục một giáo sư mà đã chưa làm gì sai. Tác giả nên xem lại mình đi, và những người bình luận cũng vậy. Tôi cũng xin nói rằng trong tác phẩm “cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” tác giả Nguyễn Nhật Ánh ở đoạn gần cuối có viết rằng đối với chó mèo thì không nên giết còn heo gà thì nên giết, một người có học thức mà nói ra những lời như vậy sao không ai lo rằng những người đọc các tác phẩm ấy sẽ bị đầu độc, trở nên tàn ác với loài vật, nói riêng với heo gà ? Tôi chỉ góp ý như vậy còn nếu tác giả không hài lòng muốn viết bài chửi tôi thì xin cứ việc, còn thích xoá cũng được nhưng tôi thật sự yêu cầu tác giả Khải Đơn nên thức tỉnh, đừng lăng mạ người khác nữa. Tác giả viết “hãy cẩn thận khi chửi ai đó” mà chính tác giả lại chửi người khác nhiều nhất, lại còn nói là “coi bộ cũng nhục với bọn in mãi mà chả ai thèm mua”. Xin lỗi tác giả chứ nhiều nhà văn viết sách không phải vì tiền đâu, nói ít hiểu nhiều vậy. Và thật lòng tôi không hề muốn xúc phạm ai, có điều đọc bài này thấy bức xúc quá nên phải lên tiếng, đơn giản vậy thôi !

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: